Kế hoạch tổng thể đã ưu tiên việc phát triển nguồn nhân lực về TMĐT, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đạt được mục tiêu trên.

Kế thừa những thành tựu đã đạt được từ việc thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006 – 2010, nội dung phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 05 năm sắp tới tập trung vào hai nội dung chủ yếu là phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của TMĐT và đẩy mạnh đào tạo chính quy về TMĐT.

Ngày 01 tháng 6 năm 2009, Quyết định số 698/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được ban hành, trong đó nhiều giải pháp để nâng cao về chất lượng và số lượng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam. Theo Quyết định của Thủ tướng, mục tiêu đến năm 2015 có khoảng 30% số lượng sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế; ở các trường đại học, cao đẳng bảo đảm đạt tỷ lệ trung bình 15 – 20 sinh viên/giảng viên trong đào tạo CNTT; 70% số giảng viên CNTT ở đại học và trên 50% giảng viên CNTT ở cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên; tăng nhanh số giảng viên có trình độ tiến sĩ; đến năm 2015, cung cấp cho các doanh nghiệp 250.000 lao động chuyên môn về CNTT, điện tử, viễn thông có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp và sơ cấp nghề (đào tạo 1 năm) trở lên, trong đó có 50% lao động có trình độ cao đẳng, đại học và 5% có trình độ thạc sĩ trở lên.v.v..

Một trong những nhân tố quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực TMĐT trên cơ sở huy động nguồn lực của toàn xã hội là xây dựng một xã hội học tập được đào tạo liên tục, tự học, thường xuyên trau dồi kỹ năng, kiến thức, phát triển trí tuệ và sự sáng tạo. Với sự phát triển nhanh chóng của CNTT và truyền thông, đào tạo trực tuyến đã ra đời mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và đem lại những lợi ích to lớn cho các chủ thể tham gia. Do đó, ứng dụng đào tạo trực tuyến trong hoạt động đào tạo TMĐT theo hướng khuyến khích các tổ chức đầu tư, phát triển công nghệ đào tạo trực tuyến, hỗ trợ các trường đại học và doanh nghiệp liên kết trong việc thiết kế nội dung, giáo trình đào tạo trực tuyến, hỗ trợ về vốn và các ưu đãi về thuế.v.v.. là những phương hướng mới được đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn 2011 – 2015.

>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số:  1900.0191

Trong giai đoạn 2008 – 2010, căn cứ những khuyến nghị được nêu tại Báo cáo tình hình đào tạo TMĐT tại các trường đại học, cao đẳng năm 2008, Cục TMĐT&CNTT đã phối hợp với các cơ quan Bộ, ngành và cơ sở đào tạo triển khai nhiều chương trình hoạt động. Trong công tác phối hợp cùng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai cơ quan đã thống nhất lộ trình triển khai hoạt động với mục tiêu hướng tới mở rộng việc xây dựng chuyên ngành TMĐT tại một số trường và ban hành khung chương trình đào tạo TMĐT trình độ đại học, cao đẳng. Một số hoạt động khác được tích cực triển khai như hoạt động tăng cường phổ biến thông tin, chính sách pháp luật về TMĐT tại các trường; tổ chức Hội thảo, Tọa đàm chuyên môn về giảng dạy TMĐT; mời chuyên gia nước ngoài và doanh nhân từ các công ty TMĐT chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh thực tế v.v… Ngoài ra, Cục TMĐT& CNTT cũng tích cực trong công tác hỗ trợ nguồn lực giảng dạy cho các trường. Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước về TMĐT, Cục đã tích cực thu thập nguồn tài liệu nuớc ngoài và giới thiệu để giảng viên TMĐT tham khảo; thêm vào đó là các hoạt động tổ chức nghiên cứu khoa học, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho sinh viên, học viên cao học và luận án của nghiên cứu sinh. Trong nội dung chi tiết của Báo cáo, những hoạt động nêu trên sẽ được phân tích và trình bày cụ thể hơn tại Phần II và III.

Với mục tiêu đánh giá thực tiễn tình hình đào tạo chính quy TMĐT tại Việt Nam, trong năm 2010, Cục TMĐT& CNTT tiến hành điều tra khảo sát tại các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc. Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2010, Cục TMĐT& CNTT đã gửi phiếu điều tra tình hình đào tạo thương mại điện tử tới 250 trường đại học và cao đẳng trên phạm vi toàn quốc và đã nhận được trả lời của 125 trường. Ngoài phiếu điều tra, Cục đã tiến hành điều tra thông qua khảo sát các trang thông tin điện tử, phỏng vấn qua thư điện tử và phỏng vấn trực tiếp. Đối tượng của cuộc điều tra chủ yếu tập trung vào các trường trong lĩnh vực kinh tế và CNTT. Danh sách các trường gửi phiếu và tham gia khảo sát được nêu tại Phụ lục 1 của Báo cáo.

Trong số 125 trường trả lời, có tới 77 trường đã triển khai hoạt động đào tạo TMĐT, trong đó có 49 trường đại học và 28 trường cao đẳng. Về thời gian triển khai hoạt động đào tạo TMĐT, có 62 trường đã đưa TMĐT vào giảng dạy từ năm 2007 trở về trước. Từ năm 2008 đến năm 2010 có thêm 15 trường đưa TMĐT vào nội dung đào tạo của nhà trường.

Trong số 77 trường đã đào tạo TMĐT có 03 trường (chiếm 4%) đào tạo TMĐT cho bậc cao đẳng nghề, 52 trường đào tạo TMĐT cho bậc cao đẳng (chiếm 68%), 47 trường đào tạo TMĐT cho bậc đại học (chiếm 61%) và 08 trường đào tạo TMĐT cho bậc sau đại học (chiếm 10%).

Về tổ chức giảng dạy, trong số 49 trường đại học đã giảng dạy TMĐT, có 01 trường thành lập khoa TMĐT, 10 trường thành lập bộ môn TMĐT. Trong số 28 trường cao đẳng, có 01 trường thành lập khoa TMĐT, 04 trường thành lập bộ môn TMĐT. Như vậy trong số 77 trường đại học và cao đẳng đã dạy TMĐT, 02 trường đã thành lập khoa TMĐT, 14 trường thành lập bộ môn TMĐT. Các trường còn lại cử giảng viên của trường hoặc mời giảng viên thỉnh giảng dạy môn học TMĐT.

Về giảng viên, số lượng giảng viên giảng dạy TMĐT tại các trường là 553 người (tăng đáng kể so với năm 2008 là 368 người). Tuy nhiên, chỉ có 19% trường có giảng viên được đào tạo chuyên ngành TMĐT, 94% trường có giảng viên ngành khác được bồi dưỡng thêm về TMĐT hoặc tự nghiên cứu để giảng dạy TMĐT.

Về giáo trình, trong số 77 trường đào tạo TMĐT, 78% trường sử dụng giáo trình do giáo viên tự biên soạn, 34% trường sử dụng giáo trình do trường biên soạn, 32% trường sử dụng giáo trình của các cơ sở đào tạo trong nước khác và 19% trường sử dụng giáo trình của các cơ sở đào tạo nước ngoài. Nguồn tài liệu tham khảo để biên soạn các giáo trình thương mại điện tử chủ yếu là nguồn tài liệu nước ngoài, trong nước và nguồn tài liệu do giảng viên tổng hợp.

So sánh kết quả khảo sát năm 2010 với năm 2008 có thể rút ra một số nhận định sau:

Về quy mô đào tạo:

Qua hai năm, quy mô đào tạo TMĐT đã tăng lên đáng kể. TMĐT được giảng dạy tại một số trường chủ yếu với vai trò là một môn học tự chọn hoặc bổ trợ. Đây là tín hiệu tích cực tạo nền tảng cơ bản cho việc nâng cao nhận thức về ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong 02 năm sắp tới, hầu hết các cơ sở đào tạo đều có kế hoạch xây dựng chuyên ngành TMĐT, số ít trường có kế hoạch xây dựng trong 05 năm. Như vậy, trên toàn quốc sẽ có thêm hàng chục trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc đào tạo chuyên ngành TMĐT với số lượng khoảng 1000 – 1500 sinh viên được đào tại chính quy. Đây sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu của xã hội, đưa TMĐT ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội và nền kinh tế.

Về chất lượng:

Hoạt động đào tạo TMĐT bắt đầu đi vào chiều sâu. Một số trường đã đầu tư và mời các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn xây dựng chương trình đào tạo cũng như chuyển giao tài liệu, phương pháp giảng dạy. Cùng với xu thế tăng cường và phát triển các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, một số môn học về TMĐT cũng nằm trong danh mục chương trình đào tạo của các trường đại học quốc tế tại Việt Nam và một số chương trình đào tạo sau đại học.

Về chương trình đào tạo:

Tại Việt Nam, chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng phải được xây dựng, phát triển dựa theo chương trình khung (nếu có) do Bộ GD-ĐT ban hành.[1] Đây là một trong những biện pháp nhằm quản lý chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng của nhà nước. Các cơ sở đào tạo căn cứ vào chương trình khung của khối ngành sẽ phát triển thành các ngành và chuyên ngành tương ứng. Đến nay, ngành Hệ thống thông tin kinh tế được xem là ngành học tương đối gần với TMĐT. Các môn học của ngành này có sự kết hợp chặt chẽ giữa Kinh tế, Toán, Khoa học máy tính, Cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin kinh tế.v.v… Hướng đào tạo của TMĐT tập trung tới các môn học về kinh tế – thương mại trong đó cũng kết hợp một số môn công nghệ. Hiện tại, một số trường đã xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành TMĐT và đặt trong ngành Quản trị kinh doanh. Một số trường đặt TMĐT trong ngành Hệ thống thông tin kinh tế. Đây là quan điểm chuyên môn của mỗi cơ sở đào tạo căn cứ vào tình hình thực tiễn của trường. Vấn đề này chỉ đạt được sự thống nhất khi có quy định chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chuyên ngành đào tạo mới.

Trên cơ sở tổng hợp toàn bộ kết quả cuộc điều tra khảo sát tình hình đào tạo TMĐT tại các trường đại học và cao đẳng trên phạm vi cả nước, Cục TMĐT&CNTT đề xuất một số định hướng sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong tầng lớp sinh viên về TMĐT và lợi ích của TMĐT trong đó bao gồm nội dung giáo dục pháp luật và hướng dẫn thực thi pháp luật về TMĐT.

2. Phối hợp chặt chẽ hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành chức năng trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách phát luật trong lĩnh vực TMĐT tạo điều kiện cho công tác đào tạo nguồn nhân lực TMĐT và CNTT đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội. Trong giai đoạn 2011 – 2015, theo nội dung Quyết định 1073, Bộ Công Thương và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Theo đó, Cục TMĐT&CNTT sẽ là cơ quan đầu mối triển khai các công việc cụ thể.

3. Tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp. Thương mại điện tử là lĩnh vực gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, sáng tạo và vận dụng thực tế. Do đó, vấn đề gắn kết giữa nhu cầu đào tạo với thị trường, học tập với thực hành, gắn kết nghiên cứu với thực tập tại các doanh nghiệp sẽ quyết định chất lượng đào tạo. Ngoài ra, việc huy động doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo sẽ giúp doanh nghiệp tìm được nguồn nhân lực phù hợp và các trường cũng giải quyết được một số khó khăn ban đầu trong việc bố trí nguồn lực giảng dạy và hướng dẫn thực hành.

4. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến, trao đổi chuyên gia. Để nhanh chóng theo kịp trình độ phát triển của thế giới và kịp thời cập nhật thông tin, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo TMĐT, một trong những giải pháp cần xem xét tới là tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm giảng dạy. Chương trình đào tạo, tài liệu giáo trình và giảng viên là những yếu tố cơ bản tạo cơ sở cho việc hình thành một khóa học hay chuyên ngành học mới. Do đó, các trường cần nghiên cứu, trao đổi chuyên gia và tham khảo chương trình đào tạo TMĐT từ các trường đại học nổi tiếng thế giới, từ đó, có những cải tiến về nội dung phù hợp với thực tiễn giảng dạy tại Việt Nam.


[1] Trích điều 15 Điều lệ trường đại học được ban hành tại Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2003 và điều 18 Điều lệ trường cao đẳng được ban hành kèm theo Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo: CỤC THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, BỘ CÔNG THƯƠNG