Theo điều 415 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người…
1. Trong giai đoạn tiền khởi tố và khởi tố các vụ án xâm phạm tình dục
Khởi tố vụ án hình sự được xác định là giai đoạn mở đầu trong quá trình tố tụng hình sự. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Giai đoạn này bắt đầu khi phát hiện những nguồn thông tin về tội phạm và kết thúc khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Điều 18 BLTTHS năm 2015 quy định: “Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội”. Bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong giai đoạn tiền khởi tố và khởi tố được thể hiện qua những nội dung sau:
1.1 Đảm bảo giải quyết vụ án, vụ việc nhanh chóng, kịp thời
Tại Điều 13 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT – VKSNDTC- TANDTC- BCA – BTP- BLĐTBXH về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi: Đối với vụ việc có bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì cơ quan có thẩm quyền THTT, người có thẩm quyền THTT phải phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngay từ khi phát hiện nguồn tin về tội phạm, khẩn trương kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm giải quyết vụ án, vụ việc nhanh chóng, kịp thời, trong thời gian ngắn nhất. Độ tuổi dưới 18 tuổi là một độ tuổi hết sức nhạy cảm, Việt Nam với cương vị đã tham gia công ước về quyền trẻ em. Điều này được đề ra để phù hợp với tâm sinh lý, những tâm tư tình cảm khác biệt đang trong giai đoạn phát triển chỉ có ở người dưới 18 tuổi nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho họ đặc biệt là bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án xâm phạm tình dục.
1.2 Khởi tố theo yêu cầu của bị hại
Cơ quan THTT chỉ được quyền khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc đại diện của bị hại và họ chỉ được quyền rút yêu cầu khởi tố thuộc một trong các tội danh được liệt kê tại khoản 1 Điều 155 của BLTTHS năm 2015:
Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Bảo vệ bị hại không chỉ đơn thuần là đưa ra pháp luật và trừng trị người phạm tội mà còn phải xem xét đến mong muốn của bị hại liên quan đến vấn đề xử lý người phạm tội như thế nào. Nếu bị hại hoặc người đại diện của họ đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức. Thực tế hiện nay có trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, gây hậu quả không lớn khi xảy ra thường ít khi khởi tố, điều tra vì nhiều vụ việc bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại không muốn giải quyết công khai vụ việc bằng thủ tục tố tụng vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình hoặc vì giữa bị hại và người gây thiệt hại có mối quan hệ đặc biệt hoặc tốn kém thời gian và chi phí hay trong nhiều trường hợp bị hại chỉ quan tâm đến bồi thường về dân sự…
1.3 Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được BLTTHS năm 2015 quy định thành một chương riêng (Chương IX), ngày 29/12/2017, Liên ngành Trung ương cũng đã ban hành thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT – BCA – BQP – BTC – BNN & PTNT – VKSNDTC hướng dẫn áp dụng. Cụ thể nguồn tin về tội phạm được quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015. Đối với những vụ án có bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD thì việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là những đầu mối, căn cứ đầu tiên để cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh từ đó quyết định có ban hành hay không ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự. Giai đoạn này Viện kiểm sát phải chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đảm bảo việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can cũng như việc không khởi tố vụ án hình sự, kịp thời, có căn cứ, đúng pháp luật, không oan sai, hạn chế bỏ lọt tội phạm…
2. Trong giai đoạn điều tra các vụ án xâm phạm tình dục
Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn TTHS thứ hai mà trong đó cơ quan điều tra phải căn cứ vào các quy định của pháp luật TTHS và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập và cùng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây nên. Đảm bảo quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án xâm phạm tình dục theo quy định của BLTTHS Việt Nam được thể hiện qua những nội dung như sau:
2.1 Về người tiến hành tố tụng
Theo điều 415 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”.
Theo Điều 5 Thông tư số 06/2018/TTLT số 06/2018/TTLT – VKSTC – TANDTC – BCA – BTP- BLĐTBXH củaViện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người dưới 18 tuổi: Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi được phân công THTT đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây: Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi; Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Việc quy định về người tiến hành tố tụng đảm bảo cho quá trình tố tụng được diễn ra khách quan, công bằng và đảm bảo quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD.
2.2 Về lấy lời khai của bị hại là người dưới 18 tuổi trong giai đoạn điều tra các vụ án XPTD
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD trẻ em. Nơi lấy lời khai có thể thực hiện tại nơi học tập, lao động và sinh hoạt của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Trường hợp lấy lời khai tại nơi điều tra, truy tố, xét xử thì phải sắp xếp, bố trí phòng lấy lời khai đảm bảo thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi (Khoản 1 Điều 14). Bảo đảm việc lấy lời khai phải theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, bảo đảm sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; thực hiện đúng trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (Khoản 2 Điều 14).Đối với bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì việc lấy lời khai của họ phải được tiến hành ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm. Địa điểm lấy lời khai phải ưu tiên tại nơi cư trú của người đó, nếu không có nơi cư trú thì phải tiến hành tại cơ sở chăm sóc trẻ em. Khi tiến hành lấy lời khai người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức của họ; xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất về thời gian, số lượng lần lấy lời khai, hỏi cung (Khoản 3 Điều 14).
Điều tra viên, Kiểm sát viên phải kiểm soát chặt chẽ việc hỏi của người đại diện; yêu cầu không được hỏi và phải dừng ngay việc hỏi đối với những câu hỏi có tính chất gợi ý, định hướng hoặc có tính chất khẳng định, phủ định liên quan đến vụ án. Trường hợp phát hiện người đại diện, người bào chữa có dấu hiệu thông cung, mớm cung phải lập tức yêu cầu họ dừng ngay việc hỏi và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (Khoản 4 Điều 14).
2.3 Quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ cần phải tiến hành nhanh chóng, kịp thời kịp thời thu giữ các dấu vết
Đặc biệt là lông, tóc, sợi, dịch, máu, quần áo, công cụ trong các vụ án XPTD có bị hại là người dưới 18 tuổi. Phối hợp với các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa phụ sản, cán bộ đã được đào tạo chuyên môn về quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em để xử lý thông tin ban đầu, thăm khám, thu thập dấu vết vật chứng có liên quan trên thân thể nạn nhân để tiến hành giám định pháp y trong thời gian nhanh nhất nhằm kết luận có hay không có dấu hiệu XPTD. Công tác khám nghiệm hiện trường phải kịp thời, tỉ mỉ, toàn diện để đánh giá lời khai của bị hại có căn cứ hay không, để làm căn cứ đấu tranh với bị can vì đây là chứng cứ quan trọng để truy nguyên đối tượng. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong giai đoạn này. Kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử người giám hộ, người đại diện, người thực hiện trợ giúp pháp lý, người bào chữa, bào chữa viên nhân dân để tham gia tố tụng với bị hại là người dưới 18 tuổi.
2.4 Về xác định tuổi của bị hại là người dưới 18 tuổi
Được quy định tại Khoản 1 Điều 14 BLTTHS năm 2015 như sau: “Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật”. Và khoản 2, khoản 3 Điều 14 của BLTTHS năm 2015 cũng có quy định về các trường hợp áp dụng các biện pháp hợp pháp mà không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh và không xác định được năm sinh.
3. Trong các giai đoạn truy tố các vụ án xâm phạm tình dục
Truy tố là một giai đoạn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Giai đoạn truy tố được bắt đầu khi VKS nhận được các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và đề nghị truy tố) do CQĐT chuyển đến và kết thúc bằng việc VKS ra một trong ba loại quyết định sau: Truy tố bị can trước tòa bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng), trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự. Truy tố là hoạt động thực hành quyền công tố của VKS sau khi kết thúc giai đoạn điều tra. Quy định của BLTTHS năm 2015 về bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong giai đoạn truy tố các vụ án XPTD được thể hiện qua những nội dung sau:
3.1 Về việc phân công kiểm sát viên
Theo quy định tại điều 415 BLTTHS năm 2015 đối với các vụ án XPTD có bị hại là người dưới 18 tuổi phải phân công kiểm sát viên có trình độ, năng lực để thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử các loại án này, đồng thời phải hiểu biết về tâm sinh lý trẻ em, người dưới 18 tuổi, hoàn cảnh sống của họ… để giải quyết tốt vụ án.
3.2 Đảm bảo quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong việc ra quyết định truy tố
Điều 243 BLTTHS năm 2015, quy định cụ thể về việc VKS quyết định truy tố bị can trước TA bằng bản cáo trạng. Bản cáo trạng là căn cứ đầu tiên để xác định phạm vi và cơ sở cho TA ra quyết định đưa vụ án ra xét xử đảm bảo cho quá trình truy tố chặt chẽ hơn; đánh giá được đầy đủ, đúng đắn tính chất, mức độ thiệt hại do tội phạm gây ra; giúp cho Kiểm sát tranh tụng, luận tội tại phiên tòa có căn cứ pháp lý, góp phần để TA đưa ra quyết định đúng pháp luật bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD.
3.3 Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung
Tại khoản 3 Điều 245 BLTTHS năm 2015 quy định: sau khi Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung thì cơ quan điều tra phải thực hiện đầy đủ những yêu cầu như quyết định trả hồ sơ của VKS… và ngoài quy định của BLTTHS thì vấn đề này cũng được quy định tại Thông tư số 02/2017/TTLT – VKSNDTC – BCA – BQP ngày 22/07/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan THTT trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ điều tra bổ sung. Vấn đề này để đảm bảo xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Đảm bảo cho các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của BLTTHS bảo về quyền và lợi ích của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD.
4. Trong giai đoạn xét xử các vụ án xâm phạm tình dục
Xét xử là giai đoạn quan trọng trong tố tụng hình sự, được bắt đầu từ khi TA nhận được hồ sơ vụ án hình sự (với quyết định truy tố bị can trước TA kèm theo bản cáo trạng) do VKS chuyển sang và kết thúc bằng một bản án (quyết định) có hiệu lực pháp luật của TA. Hiện nay Nghị quyết số 06/2019/NQ – HĐTP nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS về việc xét xử các vụ án XPTD đã tháo gỡ những khó, khăn vướng mắc trước đây trong việc xét xử các vụ án XPTD có bị hại là người dưới 18 tuổi. Quy định của BLTTHS về bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong giai đoạn xét xử các vụ án XPTD được thể hiện qua các nội dung:
4.1 Về thẩm quyền xét xử
Việc xét xử các vụ án có bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/ TT – TANDTC ngày 21/09/2018 của Chánh án TAND tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
4.2 Về phòng xử án
tại khoản 4 Điều 423 BLTTHS năm 2015 quy định: “Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi”. Phòng xử án đảm bảo tiêu chí thân thiện là Phòng xử án giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên quy định tại Điều 6 của Thông tư số 01/2017/TT – TANDTC ngày 28/07/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án:
Điều 6. Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên1. Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh.Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.2. Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.3. Ngoài các quy định tại điều này, phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên phải bảo đảm quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này.
Phòng xử án theo không gian mới sẽ tác động tâm lý tốt tới người dưới 18 tuổi, không làm họ hoảng sợ, việc khai báo sẽ chính xác hơn, góp phần đảm bảo chất lượng xét xử vụ án của TA được nâng cao. Phòng xử án thân thiện là một trong những bước cải cách tư pháp để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền trẻ em, người dưới 18 tuổi đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế và Việt Nam là thành viên.
4.3 Về thành phần tham gia xét xử
Khoản 1 Điều 423 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi”. Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong các lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Khi phân công thẩm phán phải đảm bảo đúng quy định tại khoản 1, Điều 6 Thông tư số 02/2018/TT – TANDTC ngày 21 tháng 09 năm 2018 quy định chi tiết về xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên: “Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”.
Ngoài ra còn có quy định về trang phục của Thẩm phán tại điểm b, khoản 1 Điều 7 của thông tư số 02/2018/TT – TANDTC là mặc trang phục hành chính làm và việc của Tòa án nhân dân (không mặc áo choàng).
4.4 Về bản án, quyết định của Tòa án
khi xét xử các vụ án XPTD người dưới 18 tuổi, TA phải xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 325 của Bộ luật tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Khi xét xử các vụ án XPTD người dưới 18 tuổi, không được yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; không sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại; không đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên cũng không được công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án.
4.5 Việc tiếp xúc giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo
Được quy định cụ thể tại Điều 10 thông tư số 02/2018/TT – TANDTC. Bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD là đối tượng dễ bị tổn thương. Để bảo đảm quyền và lợi ích cho người dưới 18 tuổi trong các vụ án này, Hội đồng xét xử đã cách ly bị hại đối với bị cáo. Đây là một biện pháp thể hiện sự nhân đạo của pháp luật đối với người dưới 18 tuổi. Trong quá trình xét xử, bị hại sẽ được tham gia phiên tòa ở phòng cách ly. Để bảo đảm cho họ vẫn có thể theo dõi diễn biến phiên tòa, thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đầy đủ, thông tìn về phiên tòa sẽ được truyền qua hệ thống truyền hình trực tuyến có âm thanh hoặc phương thức khác. Trong phòng cách ly, bị hại sẽ được hỗ trợ bởi: người đại diện, người giám hộ; chuyên gia hoặc cán bộ tâm lý, xã hội; người làm công tác bảo vệ trẻ em.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN Group