Đặc biệt, trong thời đại thượng tôn pháp luật, sống, làm việc tuân thủ theo pháp luật, hầu hết các chế độ phúc lợi của người lao động đều được luật hoá thì người sử dụng lao động cần cẩn trọng hơn nữa trong việc làm đúng chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật. Được tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động là một trong những lĩnh vực mà các công ty sử dụng lao động phải nghiêm túc thực hiện.

1. Bảo hiểm xã hội là gì ?

Theo định nghĩa của Tổ chức lao động quốc tế ILO, Bảo hiểm xã hội là “sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng dể đối phó với khó khăn về kinh tế xã hội do bị ngừng hoặc bị giảm thiểu về thu nhập, gây ra bởi ốm đau, mất khả năng lao động, tuổi già và chết, việc cung cấp chăm sóc y tế và trợ cấp cho gia đình đông con”. Theo từ điển bách khoa Việt Nam, về mặt ngôn từ thì: “Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất dựa trên cơ sở một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, có sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật, nhằm đảm bảo an toàn đời sống cho người lao động và gia đình họ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội”.

Kế thừa định nghĩa trên, pháp luật Việt Nam có giải thích về khái niệm Bảo hiểm xã hội như sau:

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. (Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)

Nhìn chung, định nghĩa của Tổ chức lao động quốc tế mang phạm vi rộng hơn so với các chế độ bảo hiểm xã hội được pháp luật Việt Nam công nhận. Nguyên nhân của điều này có thể hiểu rằng không phải quốc gia nào cũng có phạm vi, đối tượng và nguồn hình thành quỹ giống nhau. Áp dụng được những chế độ nào hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng thực tế của mỗi nước. Không thể bao quát hết các chế độ khác, tránh trường hợp gây sức ép tới sự phát triển của kinh tế – xã hội.

2. Sơ lược về quá trình hình thành và phát triển các quy định về Bảo hiểm xã hội trên thế giới.

Thuật ngữ Bảo hiểm xã hội manh nha xuất hiện từ rất lâu về trước khoảng thế ký XIII tại Châu Âu khi nền công nghiệp và kinh tế hàng hoá đã bắt đầu phát triển. Nhu cầu thuê mướn lao động trong thời kỳ đó trở lên phổ biến và những người lao động đó trở thành bộ phận chủ chốt tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Tuy nhiên, một thực tế đang buồn là bộ phận chủ chốt đó thương xuyên bị giới chủ tư bản đối xử một cách tàn bạo và bất công. Cường độ lao động cao, thời gian lao động kéo dài ngược lại tiền lương cực thấp, chế độ đãi ngộ, phúc lợi, nhu cầu sống tối thiểu và điều kiện an toàn lao động không được đảm bảo nên việc ốm đau, tai nạn lao động thậm chí là tử vong xảy ra nhiều.

Đứng trước thực trạng đó, giai cấp công nhân đã liên kết lại để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Họ lập ra các quỹ cứu trợ người ốm đau, người bị tai nạn do lao động và vận động mọi người tham gia quỹ, tham gia vào các phong trào tự phát yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm và thành tổ chức nhỏ lẻ của người lao động. Những phong trào này đều bị giới tư bản đàn áp thậm tệ. Dẫn đến một hệ quả tất yếu: Có áp bức, có đấu tranh. Mâu thuẫn càng lên cao, các phong trào đấu tranh ngày càng dữ dội và gay gắt. Điều này gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của kinh tế – xã hội. Lúc này, Nhà nước buộc phải đứng ra can thiệp, điều hoà mâu thuẫn. Dưới sự tác động của chính sách mà Nhà nước ban hành, cả người lao động và giới chủ tư bản đều phải tham gia đóng góp một khoản tiền nhất định hàng tháng để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nhà nước cũng tham gia đóng góp khi cần thiết. Dần dần, các hoạt động dần đi vào quỹ đạo, nguồn quỹ tập trung ngày càng lớn, khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh ngày càng đảm bảo. Đây chính là nguồn gốc cho sự ra đời cuẩ Quỹ bảo hiểm xã hội nói riêng và tiền đề thiết lập các chế định về bảo hiểm xã hội nói chung sau này.

Cột mốc đánh dấu sự ra đời chính thức của chế định Bảo hiểm xã hội là thời điểm năm 1883. Năm 1883, tại Phổ (Công hoà liên bang Đức bây giờ) dưới thời thủ tướng Otto von Bismarck, Luật bảo hiểm ốm đau lần đầu tiên trên thế giới được ban hành. Tới năm 1889 thì đạo luật này được hoàn thiện với các chế độ: Bảo hiểm ốm đau; Bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp; Bảo hiểm tuổi già tàn tật. Sau đó, làn sóng bảo hiểm xã hội này đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới như Châu Âu, Châu Mỹ latinh, Hoa kỳ, Canada,…

Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc (10/12/1948) đã ghi nhận như sau: “Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội có quyền hưởng bảo hiểm xã hội“. Công ước Geneva 102 (Công ước số 102 về Quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội) mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ký ngày 04/06/1952 đã khẳng định việc các nước thành viên khi tham gia vào công ước phải thực hiện theo nội dung đã cam kết, tiến hành bảo hiểm xã hội cho các đối tượng được hưởng theo công ước và gia đình của họ.

3. Sơ lược về quá trình hình thành và phát triển các quy định về Bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, bảo hiểm xã hội gần như đã xuất hiện từ thời Pháp thuộc. Tới năm 1941, trong 10 chính sách của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo, vấn đề bảo hiểm xã hội đã được Bác đề cập một cách khá toàn diện, tương đối giống với chính sách trong thời điểm hiện tại. Cụ thể, Bác viết: “Đối với các lớp nhân dân: 1) Công nhân ngày làm việc 8 giờ, định tiền lương tối thiểu, công việc như nhau thì tiền lương ngang nhau. Cứu tế thất nghiệp, xã hội bảo hiểm. Cấm đánh đập, chửi mắng thợ, thủ tiêu giao kèo giữa chủ và thợ. Công nhân già có lương hưu….”.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, trên cơ sở Hiến Pháp năm 1946, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/03/1047; Sắc lệnh 76/SL ngày 20/05/1950 và Sắc lệnh 77/SL ngày 22/05/1950 về việc thực hiện bảo hiểm ốm đau, tai nạn lao động và hưu trí. Đối tượng của các chế độ bảo hiểm này mới chỉ bao gồm người làm việc trong các cơ quan từ cơ sở đến Trung ương. Nguyên nhân là do hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ còn phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh nên khả năng kinh tế chưa cho phép các chế độ bảo hiểm đó được thực hiện với toàn bộ phận lao động xã hội mà chỉ có một bộ phận người làm trong đơn vị nhà nước được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Hiến pháp năm 1959 đã thừa nhận công nhân viên chức có quyền được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội. Quyền này được cụ thể hóa trong Nghị định 218/CP Ban hành điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức Nhà nước ngày 27/12/1961 (Nghị định 218/CP) và Nghị định 161/CP về Điều lệ đãi ngộ quân nhân được ban hành ngày 30/10/1964. Đồng thời sau khi ban hành Nghị định 218/CP, Tổng Công đoàn Việt Nam được giao nhiệm vụ phụ trách và tổ chức thu 47% so với quỹ lương của cơ quan, xí nghiệp để chi trả 06 chế độ bảo hiểm xã hội như: Chế độ ốm đau, Thai sản, Tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, Hưu trí, Mất sức và Tử tuất. Ngày 20/03/1962 Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 31/CP Điều chỉnh một số nhiệm vụ về quản lý và thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, theo đó, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội quản lý thu 1% để thực hiện các chế độ hưu trí, mất sức và tử tuất.

Ngày 18/12/1980, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa IV đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam (Hiến pháp 1980), trong đó, tại Điều 59 Hiến pháp 1980 quy định như sau : “Công nhân viên chức khi về hưu, già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, Nhà nước mở rộng dần sự nghiệp bảo hiểm xã hội theo lộ trình phát triển của nền kinh tế quốc dân và bảo đảm cho người lao động được hưởng quyền lợi đó. Nhà nước hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ bảo hiểm xã hội đối với xã viên…”.

Năm 1986, công cuộc cải cách kinh tế và chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung sang cơ chế thị trường, chính sách bảo hiểm xã hội nói riêng và nhiều chính sách khác đã dân trở nên lạc hậu và bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, Hiến pháp 1992 ra đời đã quy định mở rộng hơn về đối tượng và các hình thức bảo hiểm để phù hợp với các thành phần kinh tế mới. Nghị định 43/CP ngày 22/06/1993 Quy định tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội áp dụng cho các thành phần kinh tế đã đánh dấu một bước đổi mới cho bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tuy vậy, chỉ đến khi Bộ luật Lao động năm 1994 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 15/6/1994, Nghị định 12/CP của Chính Phủ ban hành ngày 26/01/1995 và Nghị định 45/CP ban hành ngày 15/7/1995 cho các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội là công nhân viên chức và lực lượng vũ trang, bảo hiểm xã hội Việt Nam mới thực sự đổi mới – đổi mới về nội dung, về phương thức hoạt động và tổ chức quản lý theo hướng hoàn thiện và đầy đủ hơn.

Ngày 16/2/1995, Chính Phủ ban hành Nghị định số 19 thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức bảo hiểm xã hội ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động – Thương binh & Xã hội và Liên đoàn Lao động với chức năng, nhiệm vụ chính là quản lý thu, chi và thực hiện chế độ chính sách cho Bảo hiểm xã hội.

Ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20 chuyển Bảo hiểm y tế Việt Nam thuộc Bộ Y tế sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Như vậy, từ thời điểm này Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao thêm nhiệm vụ quản lý thực hiện chế độ bảo hiểm y tế. Ngày 26/5/1997 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội. Tại Đại hội IX của Đảng (4/2001), chủ trương phát triển bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội được nhấn mạnh: “Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”. Đến Đại hội X, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đề cập song hành trong tổng thể hệ thống an sinh xã hội: “Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng; phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân”.

Dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tiến bộ ngày càng hoàn thiện và mở rộng của chính sách bảo hiểm đó là sự ra đời của Luật bảo hiểm xã hội 2006 và Luật bảo hiểm y tế 2008. Năm 2006, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội. Năm 2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế. Hai đạo luật này đã quy định chi tiết các chế độ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế trên các quan điểm lớn của Đảng và kế thừa những quy định phù hợp của pháp luật với nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng. Quản lý, hạch toán Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế độc lập và chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tế với mục tiêu góp phần thực hiện an sinh xã hội, bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa các đối tượng tham gia và ở các thời kỳ khác nhau, hài hòa các chính sách kinh tế với chính sách xã hội. Trải qua từng giai đoạn, các quy định về bảo hiểm xã hội cũng được sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp và tiến bộ.

Năm 2014, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Cho tới thời điểm năm 2021, các văn bản pháp luật hướng dẫn những nội dung liên quan tới bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng được ban hành ngày càng hoàn thiện các quy định về bảo hiểm xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm xã hội.

4. Các hình thức bảo hiểm xã hội phổ biến hiện nay

Nhằm mở rộng và huy động tối đa lực lượng tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội, nhà nước đã quy định và từng bước đưa vào áp dụng trong đời sống xã hội hai hình thức bảo hiểm xã hội là bảo hiểm xã hội bắt buộcbảo hiểm xã hội tự nguyện.

– Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. (Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)

Các chế độ nằm trong phạm vi chi trả của bảo hiểm xã hội bao gồm 05 chế độ: Chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động – bệnh ngề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất (Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị giới hạn trong phạm vi các đối tượng quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm có: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, …

– Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. (Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)

5. Ý nghĩa về sự ra đời của bảo hiểm xã hội

Ra đời và phát triển cùng với nền kinh tế thị trường, bảo hiểm xã hội đã được thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới. Với mục đích và đặc trưng riêng có của mình bảo hiểm xã hội mang những ý nghĩa rất quan trọng:

Đối với người lao động:

Với tư cách là một trong những chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước, bảo hiểm xã hội sẽ góp phần trợ giúp cho cá nhân những người lao động gặp phải rủi ro, bất hạnh bằng cách tạo ra cho họ những thu nhập thay thế, những điều kiện lao động thuận lợi…giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, tạo cho họ một niềm tin vào tương lai. Từ đó góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất lao động cũng như chất lượng công việc cho xí nghiệp nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.

Đối với xã hội :

Quỹ bảo hiểm xã hội là một nguồn tài chính độc lập ngoài ngân sách Nhà nước do các bên tham gia bảo hiểm xã hội đóng góp nhằm phân phối lại theo luật định cho mọi thành viên khi bị ngừng hoặc giảm thu nhập gây ra do tạm thời hay vĩnh viễn mất khả năng lao động. Quỹ bảo hiểm xã hội không những tác động tới quá trình phát triển kinh tế của đất nước mà còn góp phần tạo ra những cơ sở sản xuất kinh doanh mới, việc làm mới cho người lao động, từ đó giải quyết tình trạng thất nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động … dưới nhiều hình thức khác nhau như hình thức đầu tư phát triển phần “nhàn rỗi” của quỹ.

Bảo hiểm xã hội từ lâu đã trở thành một trong những chính sách xã hội mang ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu của mỗi quốc gia nhằm mục tiêu an sinh xã hội – ổn định đời sống kinh tế – xã hội và góp phần làm vững chắc thể chế chính trị.

Trân trọng!