Khu vực nông nghiệp, phi nông nghiệp trong nông thôn, lao động tự do hành nghề, lao động hộ gia đình sản xuất kinh doanh cá thể ở thành thị…; còn lại 12,3 triệu người (27% lực lượng lao động) làm việc trong khu vực chính thức. Như vậy thực tế chỉ có 27% dân số trong độ tuổi lao động được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), còn lại số lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chưa được tham gia BHXH.

Thực trạng BHXH khu vực phi chính thức ở Việt Nam

Tính đến năm 2007, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14,95%, chủ yếu là trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở nông thôn; tham gia BHXH tự nguyện là 3,74%, bảo hiểm y tế bắt buộc là 15,89% và bảo hiểm y tế tự nguyện là 3,74%. Nhìn chung, trong khu vực phi chính thức số người chưa có điều kiện tham gia vào thị trường bảo hiểm còn rất lớn, bởi các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

>> Luật sư tư vấn luật bảo hiểm xã hội trực tuyến (24/7) gọi số :1900.0191

Thứ nhất, thu nhập là một trong những điều kiện quyết định cho việc tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức. Kết quả điều tra của VSIIS về khảo sát triển vọng tham gia BHXH tự nguyện ở khu vực phi chính thức cho thấy: Phần lớn hộ gia đình trong khu vực phi chính thức nhận thu nhập theo mùa vụ hoặc thất thương theo 3 hình thức việc làm (làm công ăn lương, kinh tế hộ gia đình và tự làm). Trong số lao động hưởng lương ở khu vực phi chính thức thì có tới 34,2% lao động không có tiền công ổn định; 31,7% lao động hưởng tiền lương theo tháng hoặc quý, những người hưởng lương theo ngày chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 22,7% trong tổng số lao động ở khu vực này. Đặc biệt đối với những lao động làm việc trong kinh tế gia định thì 91,8% là thu nhập không ổn định.

Thứ hai, lao động khu vực phi chính thức chưa có tiết kiệm và tích luỹ. Điều kiện để tham gia BHXH của người lao động ở khu vực phi chính thức là phải có việc làm, có thu nhập, nhưng quan trọng hơn là phải có tiết kiệm và tích luỹ. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30,4% người lao động ở khu vực phi chính thức luôn đủ thời gian làm việc trong năm, 60,4% thỉnh thoảng mới đủ thời gian làm việc.

Việc làm không ổn định là nguyên nhân dẫn đến thu nhập và tích luỹ thấp. Nhìn chung, các hộ gia đình trong khu vực phi chính thức có khoản tích luỹ trung bình sau khi trừ nợ khoảng 2,2 triệu đồng. Số hộ gia đình có khoản tích luỹ từ 4,7 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 22% tổng số hộ trong khu vực phi chính thức. Số tiền tiết kiệm thường được chủ hộ sử dụng vào việc mua sắm tài sản nhằm tái sản xuất mở rộng, hoặc dùng để xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng sinh hoạt và những nhu cầu chi tiêu khác như ma chay, cưới xin, thăm hỏi, giỗ tết và các khoản đóng góp xã hội khác. Chính vì vậy, số tiền còn lại để có thể đóng góp, tham gia BHXH tự nguyện cũng như các loại hình bảo hiểm khác là không nhiều, khả năng tham gia BHXH tự nguyện của họ gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, người lao động trong khu vực phi chính thức thường thiếu hiểu biết và không có thông tin về chính sách, chế độ BHXH, không có tổ chức đảm bảo cho việc tham gia BHXH, không muốn tham gia vì chưa tin tưởng vào hoạt động BHXH hoặc việc thanh toán chế độ BHXH phức tạp.

Giải pháp và chính sách

Khi xã hội càng phát triển cuộc sống xã hội của con người càng đa dạng và phong phú, những khả năng rủi ro xã hội có chiều hướng gia tăng, do đó nhu cầu về bảo hiểm an toàn cho các cá nhân vì thế cũng tăng lên, đặc biệt là những người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Lao động trong khu vực này là người lao động vừa làm chủ tư liệu sản xuất, vừa làm chủ sức lao động, nhưng trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh của họ còn lạc hậu, lao động thủ công là chính, năng suất lao động xã hội chưa cao. Do đó thu nhập của những người này thường thấp và chịu nhiều rủi ro như thiên tai, địch hoạ, tai nạn lao động. Chính vì vậy, tiếp cận tới mạng lưới an sinh xã hội thông qua việc tham gia vào các hình thức của BHXH là nhu cầu cấp bách đối với khu vực phi chính thức. Trong thời gian tới để thu hút nhiều người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, về tài chính, cần thiết phải hình thành Quỹ BHXH tự nguyện hạch toán độc lập, được sự bảo hộ và hỗ trợ khi cần thiết, nhất là trong các trường hợp rủi ro của Quỹ.

Hai là, cải cách thủ tục thanh toán BHXH nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người lao động trong khu vực phi chính thức dễ dàng tiếp cận và tham gia BHXH tự nguyện thông qua các biện pháp như: Chỉ sử dụng một giấy tờ duy nhất là CMND (theo mẫu mới) hoặc hộ chiếu (cấp dài hạn) đối với những người tham gia BHXH tự nguyện lần đầu, bỏ qua công đoạn thẩm tra nguồn thu nhập với những người tham gia, đồng thời tiến tới sử dụng thẻ điện tử để có thể sử dụng linh hoạt, cơ động trong quá trình di chuyển lao động.

Ba là, phối hợp chương trình BHXH tự nguyện với các chương trình mục tiêu khác như: Chương trình Việc làm, Chương trình Giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, bãi ngang ven biển.

Bốn là, tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động khu vực phi chính thức về BHXH tự nguyện, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các báo, đài phát thanh, truyền hình, in ấn và phát hành các tờ rơi./.

SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 15 (431) THÁNG 8/2008 – ĐỒNG QUỐC ĐẠT

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)