1. Tại sao phải bảo hộ quyền SHTT?
Trước hết, hãy cùng nhau trả lời cho câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi doanh nghiệp sở hữu một ý tưởng có tiềm năng khai thác thương mại trên thị trường?
Thông thường, để hiện thực hoá ý tưởng trong thực tiễn và tiếp đó là chuỗi hoạt động sản xuất – tiếp thị – bán sản phẩm trên thị trường, các doanh nghiệp cần một sự đầu tư nhất định. Trong trường hợp thiếu vốn đầu tư, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức: Đi tìm nhà đầu tư hay tìm người chấp nhận chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng (mua đứt) quyền sở hữu sáng chế.
Từ đây sẽ xuất hiện tình thế khó xử cho doanh nghiệp: Bộc lộ sáng chế hay không bộc lộ nếu không tồn tại khả năng bảo hộ độc quyền cho sáng chế này. Tình thế khó xử này xuất phát từ bản chất bên trong của tri thức KH&CN, loại hàng hoá tiêu dùng công ích tạo ra hiệu ứng lan toả. Cụ thể là, trong quá trình thương thảo mua bán, nhà đầu tư hoặc người mua bất kỳ sẽ không sẵn lòng hứng chịu rủi ro nếu không được biết các thông tin đủ chi tiết về sáng chế để ước tính giá trị của sáng chế đó. Do vậy, nếu không bộc lộ, nhà đầu tư hay người mua bất kỳ sẽ khó có thể đánh giá hay nhận biết được đúng giá trị của sáng chế. Còn trong trường hợp bộc lộ hoàn toàn bản chất của sáng chế để thu hút đầu tư, sẽ xảy ra khả năng doanh nghiệp không thể kiểm soát được sáng chế do mình tạo ra.
>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191
Tình thế khó xử này của doanh nghiệp có thể được giải quyết thông qua việc bảo hộ quyền SHTT. Bảo hộ quyền SHTT cho sáng chế là một hình thức can thiệp của xã hội cam kết giúp doanh nghiệp tạo ra một rào cản trong thị trường khi áp dụng sáng chế. Sự bảo hộ quyền SHTT làm cho doanh nghiệp có thể bộc lộ sáng chế của mình mà không e sợ bị lấy mất, hoặc tự tạo ra sự cạnh tranh cho chính mình. Nếu không được bảo hộ quyền SHTT bằng pháp luật, sáng chế chỉ có thể được bảo vệ bằng cách giữ ở dạng bí mật kinh doanh. Nói khác đi, doanh nghiệp sẽ không tiết lộ chi tiết tới mức đủ để bị bắt chước và sẽ tự tận hưởng ưu thế của sáng chế cho riêng mình. Trong nhiều trường hợp, đây là điều mà doanh nghiệp và cả xã hội không mong muốn. Với sự bảo hộ của nhà nước (bảo hộ bằng pháp luật), doanh nghiệp được trao quyền ngăn cấm hoặc cho phép các chủ thể khác khai thác hay sử dụng tri thức cấu thành nên sáng chế (mà đã được bảo hộ) theo ý muốn của mình để có thể bù đắp lại chi phí đã bỏ ra khi thực hiện việc nghiên cứu tạo ra sáng chế này nhằm đổi mới công nghệ. Đổi lại, doanh nghiệp có sáng chế muốn được nhà nước bảo hộ theo pháp luật phải công bố thông tin về sáng chế của mình ra xã hội. Sự thoả hiệp này sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cho toàn xã hội. Hình thức ghi nhận cam kết thoả hiệp này được thể hiện dưới dạng văn bằng bảo hộ sáng chế do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cấp.
Như vậy, có thể nói, việc bảo hộ sáng chế không chỉ giúp doanh nghiệp nắm giữ độc quyền sử dụng mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu hay chuyển giao quyền sử dụng đối với các sáng chế của mình. Do vậy, họ sẽ yên tâm đầu tư vào phát triển các ý tưởng mới và không e ngại bị bắt chước một khi bộc lộ.
2. Bảo hộ sáng chế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ
Thất bại của thị trường xuất phát từ đặc tính công ích của tri thức nằm trong sáng chế làm cho doanh nghiệp khó thu hồi toàn bộ lợi ích để bù đắp các chi phí đã bỏ ra để tạo ra sáng chế đó. Nếu chỉ có doanh nghiệp phải bỏ chi phí (thường là rất lớn) cho hoạt động R&D để tạo ra sáng chế, còn đối thủ cạnh tranh chỉ phải mất một khoản chi phí rất thấp để nắm được sáng chế (thông qua kỹ thuật phân tích ngược) thì sẽ dẫn đến khả năng doanh nghiệp tạo ra sáng chế không thu hồi đủ được lợi ích để bù đắp các chi phí đã đầu tư. Trong khi đó, cả doanh nghiệp tạo ra sáng chế và doanh nghiệp đối thủ đều phải bán sản phẩm của mình trên thị trường với một giá cả cạnh tranh dựa trên chi phí sản xuất.
Xét từ khía cạnh kinh tế học, một khi hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp mang lại cho họ mức thu hồi lợi ích thấp hơn mức chi phí đầu tư hay mức thu hồi lợi ích mà xã hội được hưởng thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư để đổi mới. Điều này khiến doanh nghiệp đầu tư dưới ngưỡng vào hoạt động nghiên cứu tạo ra sáng chế. Hệ quả là, nếu không nhận được sự cam kết bảo hộ của xã hội, các khuyến khích thực hiện đổi mới sẽ rất thấp và lượng sáng chế được doanh nghiệp tạo ra sẽ ít đi. Việc này làm chậm lại quá trình áp dụng các tiến bộ công nghệ và rút cục sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phồn thịnh về kinh tế của xã hội. Xét cho cùng, bảo hộ sáng chế là một sự thoả hiệp nhằm khắc phục tình trạng đầu tư không tới ngưỡng trong hoạt động R&D của doanh nghiệp.
Do vậy, giải pháp khả dĩ ở đây phải hướng tới việc: Hoặc tăng mức thu hồi lợi ích kỳ vọng cho doanh nghiệp, hoặc tìm cách hạn chế người khác khai thác tri thức do doanh nghiệp tạo ra. Bài toán quản lý mà hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách bảo hộ sáng chế của mỗi quốc gia cần phải giải quyết là tìm ra sự cân bằng giữa 2 hướng này nhằm đạt tối đa các mục đích mà xã hội kỳ vọng như: Thúc đẩy đổi mới công nghệ; khuyến khích bộc lộ sáng chế ra xã hội.
Hình 1 minh hoạ nội hàm kinh tế học về bảo hộ độc quyền đối với sáng chế để giúp doanh nghiệp “nội hoá” lợi ích lan toả mà sáng chế có thể mang lại. Trên hình 1, mức thu hồi cận biên của doanh nghiệp khi đầu tư cho hoạt động R&D được thể hiện trên trục tung và mức đầu tư cho hoạt động R&D được thể hiện trên trục hoành. Đồ thị thể hiện mối quan hệ giữa mức thu hồi cận biên của doanh nghiệp theo quy mô đầu tư là đường cong đi xuống, phản ánh quy luật giảm thu hồi lợi ích cận biên (MB) theo thời gian. Để dễ hình dung, mối quan hệ trong hình 1 được đơn giản hoá thành quan hệ tuyến tính và được biểu diễn bằng đường thẳng. Từ hình 1 có thể thấy, nếu không có pháp luật bảo hộ sáng chế, doanh nghiệp sẽ lựa chọn và đầu tư vào hoạt động R&D ở mức RDO. Đây là mức đầu tư tối ưu của doanh nghiệp đã được luận giải ở bài nghiên cứu trước2. Ở mức đầu tư RDO, chi phí cận biên cho hoạt động R&D của doanh nghiệp (được giả định là không thay đổi cho đơn giản trong trình bày) bằng mức thu hồi cận biên kỳ vọng của doanh nghiệp.
Chúng ta có thể nghĩ rằng, RDO là mức đầu tư cho hoạt động R&D mà doanh nghiệp mong muốn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, mức đầu tư RDO có phải là mức đầu tư để doanh nghiệp tạo ra các công nghệ mà xã hội mong muốn hay không?
Để làm rõ câu trả lời, chúng ta cùng nhớ lại trường hợp của dự án B trong bài “Doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu vào KH&CN và nhà nước nên can thiệp đến đâu?” đăng trên số tháng 9.2009. Rõ ràng là, với mức chi phí cho R&D là RDO, tư duy kinh tế sẽ mách bảo doanh nghiệp quyết định không thực hiện dự án B, một dự án tuy mang lại lợi ích xã hội cao hơn ngưỡng thu hồi lợi ích xã hội nhưng chỉ mang lại cho doanh nghiệp mức thu hồi thấp hơn ngưỡng sàn mà doanh nghiệp mong muốn.
Mức đầu tư bằng RD1 như trong hình 1, là mức đủ để doanh nghiệp thực hiện dự án B, nhưng doanh nghiệp không nhìn thấy lợi ích để tăng mức đầu tư của mình từ con số RDO lên RD1. Chỉ khi có sự cam kết bảo hộ sáng chế của xã hội và có khả năng thu thêm lợi ích từ dự án B, doanh nghiệp sẽ có động cơ và mạnh dạn đầu tư vào dự án B với hy vọng thu được lợi ích bổ sung từ việc sử dụng sáng chế. Khi đó, đồ thị thể hiện quan hệ giữa MB của doanh nghiệp với chi phí cho R&D trên hình 1 sẽ chuyển sang bên phải. Điểm chuyển dịch mới của đồ thị sẽ giúp doanh nghiệp quyết định đầu tư thêm bao nhiêu cho hoạt động R&D để cân bằng với lợi ích bổ sung mà sáng chế là kết quả của dự án B tạo ra cho doanh nghiệp.
Như vậy, Bằng độc quyền sáng chế, hay chính xác hơn, sự kỳ vọng được cấp Bằng độc quyền sáng chế, sẽ là giải pháp để doanh nghiệp rót thêm nguồn lực bổ sung cho hoạt động R&D (chẳng hạn, để đạt được mức RD1). Hệ thống Bằng độc quyền sáng chế mang lại cho doanh nghiệp/nhà sáng chế cơ hội thu thêm lợi ích bổ sung theo 3 mức3: Tự bù đắp các chi phí đã bỏ ra trong quá trình nghiên cứu tạo ra sáng chế; có thể thu lợi từ giá trị tăng thêm do bán sản phẩm (nhờ có sáng chế nên sản phẩm có tính năng sử dụng tốt hơn, chất lượng cao hơn hoặc giá bán rẻ hơn); thu lợi từ việc chuyển giao quyền sử dụng hay chuyển nhượng quyền sở hữu cho người khác khai thác. Những phần thưởng là lợi ích tài chính này thúc đẩy doanh nghiệp lặp lại quy trình sáng tạo và tiếp tục đầu tư thêm cho hoạt động R&D của mình.
3. Vấn đề cân bằng lợi ích kinh tế của các bên khi bảo hộ sáng chế
Vấn đề đặt ra tiếp theo là: Cần phải bảo hộ sáng chế đến mức độ nào. Lý luận kinh tế mách bảo chúng ta rằng, mức độ bảo hộ tối ưu phải là điểm cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của xã hội. Do vậy, sự cân bằng giữa lợi ích doanh nghiệp và chi phí xã hội là điểm mấu chốt của việc xây dựng chính sách bảo hộ sáng chế4. Có thể mô tả một cách đơn giản lý thuyết này như sau5:
Giả sử thị trường tiềm năng cho một loại sản phẩm mới là thị trường của một loại tân dược nhất định nào đó. Nếu P biểu thị giá cả mà khách hàng phải trả, và nhu cầu tiềm năng là D(p) thì khi đó, D(p) có thể giúp xác định mức giá trần P0 sao cho D(p) = 0 với mọi giá trị P ≥ P0. Nghĩa là, sẽ tồn tại một mức giá tân dượcP0 cao đến mức tại P = P0, nhu cầu D(p) sẽ không tồn tại và bằng 0. Có thể nhận thấy, nhu cầu tiềm năngD(p) này sẽ đi theo hướng giảm dần, nghĩa là D’(p)PP0. Nói cách khác, khi tân dược có giá rẻ hơn thì nó sẽ có sức hấp dẫn cao hơn và do đó số lượng người mua tiềm năng sẽ tăng lên.
Giả sử rằng, một doanh nghiệp X cần bỏ ra tổng chi phí bằng F để nghiên cứu tạo ra một lượng tri thức đủ để giúp phát triển loại tân dược này (trong giá trị của F đã bao gồm cả chi phí để thử nghiệm lâm sàng cần có để tân dược được lưu hành). Dễ dàng nhận ra rằng, khi đã tạo ra tri thức đủ để phát triển tân dược này, do tính không tranh giành của tri thức, chúng ta chỉ cần bỏ ra một lượng chi phí là C để sản xuất và bán một đơn vị sản phẩm tân dược mà thôi. Trên hình 2, với chi phí C không đổi cho 1 đơn vị sản phẩm, doanh nghiệp X có thể sản xuất ra lượng tân dược là QC và có thể bán với giá PC.
Theo lý thuyết kinh tế thị trường, lợi ích mà doanh nghiêp X thu được khi sản xuất ra lượng tân dược QC và bán với giá PC là diện tích hình chữ nhật được giới hạn bởi 2 trục toạ độ và các đường P = PC, Q = QC. Còn diện tích (S+B+L) nằm dưới đường nhu cầu D(p), trục tung và phía trên đường P = PC và sẽ biểu thị thặng dư xã hội, nghĩa là diện tích (S+B+L) biểu thị lợi ích tính bằng tiền mà xã hội nhận được khi sản phẩm tân dược này được nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ ở mức QC. Nếu giá trị chiết khấu của các dòng lợi ích hiện tại và tương lai này (quy đổi về giá trị hiện tại) cho một giai đoạn nhất định cao hơn chi phí F đã được bỏ ra cho nghiên cứu, thì sản phẩm tân dược này sẽ mang lại lợi ích ròng cho xã hội.
Trong trường hợp không có bảo hộ sáng chế, khả năng các doanh nghiệp Y, Z khác là đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp X sẽ sẵn sàng bắt chước kết quả đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Xmà không phải chịu phí tổn ở mức F. Kết quả cạnh tranh sẽ kéo giá thị trường đến mức bằng chi phí sản xuất 1 đơn vị sản phẩm C. Và như vậy, doanh nghiệp XF đã bỏ ra. không thể bù đắp lại được chi phí
Trong trường hợp được bảo hộ quyền sở hữu sáng chế, doanh nghiệp X trở nên độc quyền trên thị trường sản phẩm tân dược và có thể thu lợi ích bổ sung bằng cách đưa giá thuốc ở mức tối ưu làPm, trong khoảng PCPmP0. Lợi ích bổ sung của doanh nghiệp được biểu thị bằng diện tích Btrên hình 2. Nếu giá trị chiết khấu hiện tại của lợi ích này, trong toàn bộ thời gian được bảo hộ, vượt chi phí F đã đầu tư cho hoạt động R&D, thì nó sẽ đủ khuyến khích doanh nghiệp X tiến hành hoạt động đổi mới của mình. Khi đó, xã hội sẽ nhận được lợi ích là S trong suốt thời kỳ bảo hộ sáng chế. Sau khi hết thời hạn bảo hộ sáng chế, xã hội sẽ tiếp tục nhận được lợi ích bằng (S+B+L).
Tuy nhiên, cần chú ý rằng, trong thời gian bảo hộ, tổng sản phẩm do đổi mới tạo ra chỉ được cung cấp cho xã hội ở mức QmQc. Sở dĩ như vậy bởi vì một khi sự độc quyền sáng chế đã được giao cho doanh nghiệp định đoạt thì việc sử dụng hay phổ biến rộng rãi các tri thức do sáng chế tạo ra sẽ bị hạn chế. Mức độ hạn chế này sẽ tỷ lệ thuận với mức độ bảo hộ sáng chế. Đây chính là phần thiệt hại mà xã hội phải chấp nhận để đổi lấy việc yêu cầu doanh nghiệp bộc lộ sáng chế của mình. Về phần doanh nghiệp, sự bộc lộ sáng chế sẽ tạo cơ hội nhận được sự kiểm soát độc quyền đối với sáng chế để thu lợi ích bổ sung cho doanh nghiệp. Lợi ích này là công cụ khuyến khích mạnh mẽ, đầy hấp dẫn làm cho doanh nghiệp tích cực đầu tư vào các hoạt động R&D. Ngược lại, nếu sáng chế không được bảo hộ, doanh nghiệp không có quyền kiểm soát việc khai thác, sử dụng sáng chế thì các hoạt động R&D này sẽ bị xem nhẹ.
Điều này dẫn đến vấn đề cơ bản của hệ thống lý luận về bảo hộ sáng chế là: Yêu cầu phải đạt được sự cân bằng tối ưu giữa lợi ích tăng thêm của doanh nghiệp khi được bảo hộ với các tổn thất của xã hội khi trao cho doanh nghiệp độc quyền cung cấp hàng hoá và dịch vụ do việc bảo hộ sáng chế tạo ra. Đây cũng là chủ đề nóng bỏng mà các nhà hoạch định chính sách bảo hộ sáng chế tập trung nghiên cứu và phân tích.
4. Thời hạn và phạm vi bảo hộ – công cụ chính sách giúp cân bằng lợi ích trong bảo hộ sáng chế
Giá trị của chính sách bảo hộ sáng chế trong phạm vi một quốc gia sẽ phụ thuộc vào hiệu quả mà việc bảo hộ mang lại cho doanh nghiệp và cho xã hội. Về phần mình, hiệu quả này phụ thuộc vào thời hạn bảo hộ vàphạm vi bảo hộ6 sáng chế được cam kết và thoả thuận giữa doanh nghiệp và xã hội (trong giới hạn quốc gia/vùng lãnh thổ đã cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế). Đây là các nội dung quan trọng trong chính sách bảo hộ sáng chế.
a) Thời hạn bảo hộ sáng chế
Thời hạn bảo hộ sáng chế là khoảng thời gian xác định, trong đó doanh nghiệp/người tạo ra sáng chế có độc quyền sở hữu và được định đoạt sáng chế do mình tạo ra.
Xét về nguyên tắc, vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách phải xử lý là điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế sao cho có thể đạt tới sự cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp (để có nhiều sáng chế hơn) và chi phí mà xã hội phải trả trong thời gian bảo hộ (do việc phổ biến sáng chế diễn ra chậm hơn). Nếu thời hạn bảo hộ quá ngắn thì sẽ khó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D để tạo ra sáng chế vì tổng lợi ích bổ sung sẽ không đủ để bù đắp chi phí đã bỏ ra. Còn khi thời gian bảo hộ dài sẽ làm tăng MB của doanh nghiệp nên sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào hoạt động R&D để tạo thêm các sáng chế mới. Việc kéo dài thời gian bảo hộ cũng tạo cho doanh nghiệp có thêm cơ hội lựa chọn và giữ lại nhiều sáng chế không tung ra thị trường nhằm tạo thêm ưu thế cạnh tranh cho riêng mình. Tuy nhiên, nếu thời gian bảo hộ quá dài sẽ làm chậm quá trình phổ biến tri thức (ứng dụng rộng rãi và tiếp tục tạo ra sáng chế mới) ra xã hội trong tương lai. Hệ quả là chi phí cận biên (MC) của xã hội cũng tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu cao nhất của việc bảo hộ sáng chế là khuyến khích sáng tạo và phổ biến tri thức ra xã hội. Vậy việc bảo hộ sáng chế cần phải kéo dài bao lâu là đủ, hay nói khác đi thì hiệu lực của văn bằng bảo hộ sáng chế nên có thời hạn bao lâu là tối ưu?
Quay trở lại trường hợp đổi mới thể hiện ở hình 2 và giả sử rằng đây là dạng đổi mới sản phẩm. Trong đó,B là lợi ích mà doanh nghiệp X nhận được trong một khoảng thời gian nhất định. Thời hạn tối ưu của việc bảo hộ sáng chế t = T* phải được xác định sao cho doanh nghiệp có thể bù đắp được đủ các chi phí nghiên cứu đã bỏ ra để có được sáng chế. Như vậy, với mức chiết khấu bằng r, và chi phí cho R&D để có được sáng chế là F, thời hạn bảo hộ tối ưu T* được tính theo công thức:
Trong mô hình này, để đơn giản trong tính toán, các nhà kinh tế đã giả định việc đầu tư cho R&D luôn thành công và đều dẫn đến các đổi mới quy trình công nghệ nhằm mục đích giảm chi phí sản xuất và quy mô đổi mới luôn phụ thuộc vào quy mô đầu tư cho hoạt động R&D. Vì thế, thời hạn bảo hộ tối ưu T*sẽ được tính toán để đạt được sự cân bằng giữa lợi ích mà doanh nghiệp thu được nhờ giảm chi phí sản xuất và các tổn thất gây ra cho xã hội do việc khai thác kết quả sáng chế của các doanh nghiệp cạnh tranh bị chậm trễ do thời gian bảo hộ kéo dài.
Trên thực tế, luật SHTT của nhiều nước đã có những phương án linh hoạt quy định thời hạn bảo hộ khác cho một số sáng chế “đơn giản”. Doanh nghiệp có sáng chế này có thể thực hiện việc đăng ký dưới dạng sáng chế nhỏ hay mẫu hữu ích (petty patent hay utility model), và chúng sẽ được bảo hộ ngắn hạn với việc duy trì hiệu lực của Bằng độc quyền hàng năm trong thời hạn bảo hộ7. Tuy nhiên, phí duy trì hiệu lực bảo hộ sẽ tăng lên theo thời gian. Việc tăng phí duy trì hiệu lực này nhằm khuyến khích bộc lộ ra xã hội các thông tin về sáng chế. Bởi vì, chỉ khi xét thấy có thể thu được lợi ích bổ sung thêm, doanh nghiệp mới tiến hành việc duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ sáng chế. Luật SHTT của nước ta8 cũng đã quy định thời hạn bảo hộ khác nhau đối với sáng chế và giải pháp hữu ích.
b) Phạm vi bảo hộ sáng chế
Ngoài thời hạn bảo hộ, các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng phạm vi bảo hộ đối với sáng chế làm công cụ quản lý của mình. Phạm vi bảo hộ đối với sáng chế được thể hiện trong bản mô tả sáng chế dưới dạng tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cần và đủ để xác định phạm vi quyền đối với sáng chế9. Phạm viquyền đối với sáng chế sẽ được xem xét ở 2 khía cạnh: Chiều rộng và chiều cao.
Phạm vi quyền theo chiều rộng phản ánh mức độ ảnh hưởng hay quy mô áp dụng của sáng chế. Dựa vào yêu cầu bảo hộ liên quan đến mức độ ảnh hưởng hay quy mô áp dụng, doanh nghiệp có thể xác định sự lân cận, liên quan của các sản phẩm khác bao xung quanh sản phẩm được tạo ra từ sáng chế yêu cầu bảo hộ. Đây sẽ là căn cứ để phán xét xem liệu những sản phẩm khác gần với sản phẩm được tạo ra do sử dụng sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ có vi phạm hay không. Bảo hộ sáng chế theo chiều rộng giúp tăng độ an toàn cho sản phẩm của doanh nghiệp do khả năng bị coi là vi phạm quyền sáng chế tăng lên. Bằng cách này, doanh nghiệp được bảo hộ trước sự cạnh tranh của những đối thủ tiềm năng dự định bắt chước sản phẩm của mình. Khi độ rộng bảo hộ lớn thì sáng chế sẽ có giá trị hơn đối với doanh nghiệp và họ sẽ yên tâm hơn khi tăng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, độ rộng bảo hộ quá lớn cũng có thể làm giảm sự hào hứng của doanh nghiệp khác đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp mình.
Phạm vi quyền theo chiều cao phản ánh mức độ sáng tạo của sáng chế. Dựa vào yêu cầu bảo hộ liên quan đến trình độ sáng tạo của sáng chế, doanh nghiệp có thể chống lại các hoạt động bắt chước, nhái lại sáng chế với những tình tiết thay đổi, cải tiến không khác về bản chất và khá gần với sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ.
Phạm vi bảo hộ đối với sáng chế (cả chiều rộng và chiều cao) đều do doanh nghiệp quyết định và được thể hiện trong yêu cầu bảo hộ. Do vậy, ở một chừng mực nào đó, phạm vi bảo hộ thể hiện ý chí chủ quan của doanh nghiệp nắm giữ sáng chế. Nghĩa là, phạm vi bảo hộ phụ thuộc vào yêu cầu bảo hộ được doanh nghiệp/nhà sáng chế đặt ra trước và cũng là đặc điểm để các Cơ quan đăng ký sáng chế ở mỗi quốc gia xem xét trong giai đoạn thẩm định đơn10.
Nhìn chung, khi các dấu hiệu kỹ thuật thể hiện trong yêu cầu bảo hộ càng ít cụ thể thì phạm vi quyền được yêu cầu bảo hộ càng rộng, còn việc mô tả trình độ sáng tạo càng rõ thì phạm vi quyền được bảo hộ càng cao và có thể giúp ích cho việc chống lại các cải tiến hay ứng dụng đơn giản. Xét về khía cạnh chính sách kinh tế, phạm vi bảo hộ rộng sẽ rất tốn phí cho xã hội ở chỗ chúng sẽ tạo ra sự độc quyền thái quá cho người nắm giữ văn bằng bảo hộ. Việc giảm phạm vi bảo hộ sáng chế cũng có thể tạo ra cạnh tranh nhiều hơn (ví dụ bắt chước, làm nhái), và điều này có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu phạm vi bảo hộ quá hẹp thì sẽ làm mất đi động lực khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới. Do vậy, về nguyên tắc, khi thiết kế chính sách bảo hộ sáng chế, cần phối hợp giữa thời hạn bảo hộ và phạm vi bảo hộ sao cho có thể tối đa hoá độ thoả dụng cho xã hội mà sáng chế mang lại. Khi đó, chính sách bảo hộ tối ưu được xác định bởi 3 điều kiện sau:
– Nếu thời hạn bảo hộ có tác động lớn đến việc khuyến khích đổi mới thì chính sách bảo hộ tối ưu sẽ là phạm vi bảo hộ nhỏ nhất và thời hạn bảo hộ dài nhất.
– Nếu phạm vi bảo hộ có tác động lớn đến việc khuyến khích đổi mới thì chính sách bảo hộ tối ưu sẽ là phạm vi lớn nhất và thời hạn ngắn nhất.
– Nếu tác động của thời hạn và phạm vi là tương đương thì chính sách bảo hộ tối ưu sẽ là việc kết hợp giữa thời hạn và phạm vi bảo hộ để lợi ích xã hội là tối đa.
Trong tác phẩm của mình, Kamil Idris11 đã lưu ý rằng, bản thân Bằng độc quyền sáng chế không phải nhằm mục đích dành lợi thế thị trường tuyệt đối cho doanh nghiệp/nhà sáng chế mà chỉ dành cho họ một chỗ trú ẩn an toàn có thời hạn trước những thế lực cạnh tranh trên thị trường. Nơi an toàn này chỉ lớn đúng bằng phạm vi của sáng chế mà doanh nghiệp/nhà sáng chế đã tạo ra. Bằng độc quyền sáng chế chỉ thừa nhận nội dung bảo hộ đúng như nó được yêu cầu trong đơn đăng ký và được xác nhận trong văn bằng bảo hộ được cấp.
5. Ưu, nhược điểm của việc bảo hộ sáng chế và ứng xử của chính sách
a) Ưu điểm của việc bảo hộ
Bằng độc quyền sáng chế trao quyền hợp pháp cho doanh nghiệp/nhà sáng chế để loại trừ người khác sử dụng hay bắt chước một sáng chế đã được bảo hộ. Quyền này được coi như là sự khuyến khích để tạo ra sự đổi mới mang tính cạnh tranh.
Theo Bronwyn H. Hall12, hệ thống bảo hộ sáng chế có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động R&D, giúp bộc lộ tri thức mới ra xã hội và thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ cũng như đẩy nhanh quá trình thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp nhỏ, vốn ít nhưng lại nắm giữ bí quyết công nghệ.
Theo Scotchmer13, với tư cách là một cơ chế khuyến khích, quyền SHTT có 2 ưu điểm: Một là, người sử dụng tự nguyện trả các chi phí để nhận được sự chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền SHTT; hai là, sự trả công được gắn với giá trị xã hội do sáng chế mang lại. Văn bằng bảo hộ chính là sự trao quyền trước cho doanh nghiệp/nhà sáng chế nhưng doanh nghiệp/nhà sáng chế chỉ nhận được lợi ích sau khi có người mua, tức là chỉ khi sáng chế giúp tạo ra được giá trị cho người mua thì doanh nghiệp/nhà sáng chế mới thu được lợi ích. Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ được sử dụng như tài sản có giá trị để thương thảo trong các thoả thuận về kinh tế và là công cụ phát tín hiệu cho các nhà đầu tư, cổ đông, ngân hàng và khách hàng về giá trị của tài sản vô hình. Ở một chừng mực nhất định, doanh nghiệp sẽ so sánh giá trị với chi phí khi quyết định đầu tư vào tài sản vô hình nên nó cung cấp phép thử hiệu quả giữa giá trị do đầu tư mang lại và chi phí đầu tư.
b) Nhược điểm của việc bảo hộ
Xét về phương diện xã hội, việc bảo hộ sáng chế tạo ra sự tổn thất vô công (deadweight loss) cho xã hội và không khuyến khích sự chia sẻ các tri thức mới cấu thành nên sáng chế. Việc trao độc quyền sở hữu sáng chế cho doanh nghiệp/nhà sáng chế dù chỉ trong một thời hạn nhất định cũng có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp/nhà sáng chế chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng sáng chế với giá cao hơn chi phí cận biên.
Trong một số lĩnh vực, sự độc quyền có thể ngăn cản việc tích hợp các ý tưởng mới để tạo ra các sáng chế tiếp theo từ các sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ trước đó. Hệ quả là, bảo hộ sáng chế có thể làm tăng mức thu hồi lợi ích cho doanh nghiệp nhưng cũng có thể dẫn tới việc tăng chi phí chuyển giao của xã hội và làm giảm mức thu hồi lợi ích chung của xã hội.
Trong quản lý, việc sử dụng số liệu thống kê sáng chế được bảo hộ làm thước đo đầu ra để phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động R&D cũng có thể dẫn đến các kết luận thiên lệch. Lý do là, không phải tất cả mọi sáng chế đều được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền. Thêm vào đó, không phải mọi sáng chế được bảo hộ độc quyền đều có giá trị ngang nhau bởi chỉ có một bộ phận sáng chế là được thị trường chấp nhận.
Sơ đồ ở hình 3 giúp chúng ta hiểu rõ hơn về việc này thông qua việc phân biệt rõ mối quan hệ giữa ý tưởng với sáng chế (ý tưởng mới), giữa sáng chế nói chung và sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền (thoả mãn các điều kiện bảo hộ) với hoạt động đổi mới (sáng chế nói chung và sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ đã được ứng dụng thành công) ở doanh nghiệp14.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, sự thay đổi hay khác nhau về chính sách bảo hộ hay hệ thống bảo hộ sáng chế ở các nước cũng có thể tác động đến tỷ lệ sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ ở nước đó.
c) Ứng xử của chính sách
Với ưu và nhược điểm nêu trên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bảo hộ độc quyền sáng chế có tác dụng cả 2 mặt: Tích cực và tiêu cực. Do vậy, không nên coi việc bảo hộ độc quyền là cơ chế khuyến khích chung, áp dụng đồng loạt cho mọi loại sáng chế15 bởi mức độ bảo hộ sáng chế bị thay đổi và phụ thuộc vào một loạt các đặc tính của thị trường và công nghệ như: Sự quan trọng về định hướng thị trường, mức độ thành công của các ý tưởng, mức độ dễ bắt chước tuỳ theo lĩnh vực công nghệ.
Bảo hộ độc quyền sáng chế là một phương thức nắm giữ tri thức quan trọng mà doanh nghiệp sử dụng khi hệ thống pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT có tính hiệu lực cao. Đối với các sản phẩm có vòng đời rút ngắn cộng với sự cạnh tranh khốc liệt thì sự bảo hộ độc quyền sáng chế có ý nghĩa rất quan trọng giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thu được lợi nhuận để có thể đứng vững và phát triển trong môi trường cạnh tranh, rủi ro và năng động. Do đó, xét về khía cạnh chính sách, một quốc gia có hệ thống pháp luật đầy đủ và hệ thống đảm bảo thực thi quyền SHTT mạnh sẽ có cơ hội tốt để hoạt động nghiên cứu phát triển mạnh mẽ.
Trên thực tế, có không ít các tri thức như ý tưởng kinh doanh, bí quyết công nghệ, kỹ thuật… có thể rất khó được bảo hộ dưới dạng sáng chế bởi việc đăng ký bảo hộ sáng chế cũng không hề đơn giản. Thậm chí, khi hội tụ đủ các điều kiện được bảo hộ, doanh nghiệp cũng vẫn đứng trước sự lựa chọn: Đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế hay giữ sáng chế như một bí mật kinh doanh. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ khó/dễ của tri thức cũng như phụ thuộc vào bản chất ẩn hay hiện của tri thức. Trong trường hợp khi chi phí bắt chước cao, hoặc khi lợi thế đi đầu có vai trò quyết định thì yêu cầu bảo hộ sáng chế có thể không phải là giải pháp cần thiết mà có thể sử dụng bí quyết kinh doanh làm phương tiện bảo hộ nhằm khuyến khích đổi mới. Do vậy, ở các lĩnh vực không có bằng chứng rõ ràng về các lợi thế của việc bảo hộ sáng chế thì không nên khuyến khích sử dụng giải pháp này.
Ngoài ra, hệ thống bảo hộ sáng chế cũng kèm theo các nhược điểm của nó do khả năng tạo ra các quyền lực thị trường có thể ảnh hưởng ngược đến hoạt động kinh tế của hệ thống. Sự không hiệu quả khi sử dụng chính sách bảo hộ sáng chế đang được các nhà kinh tế phân tích và xem xét ở phương diện giảm phạm vi bảo hộ để tạo ra sức ép, buộc doanh nghiệp phải triển khai thực hiện các hoạt động R&D mà xã hội mong muốn. Sự ép buộc này lớn hay nhỏ sẽ phụ thuộc vào thời hạn và phạm vi bảo hộ sáng chế. Một cách lý tưởng, sự ép buộc này phải tỷ lệ với chi phí đầu tư cho hoạt động R&D. Nghĩa là, thời hạn và phạm vi bảo hộ phải được tính toán, cân nhắc cụ thể cho phù hợp với từng loại hoạt động đổi mới công nghệ. Nếu phạm vi bảo hộ sáng chế quá rộng thì chúng có khả năng bóp nghẹt cạnh tranh và làm chậm lại quá trình hoàn thiện sản phẩm được tạo ra từ việc sử dụng sáng chế được bảo hộ.
6. Thay lời kết
SHTT nằm ở vị trí trọng tâm của nền kinh tế hiện đại. Hệ thống bảo hộ sáng chế đã xuất hiện như là một thể chế hữu hiệu giúp khẳng định quyền SHTT đối với nhiều lĩnh vực KH&CN. Hiệu quả của cơ chế bảo hộ tài sản trí tuệ là vấn đề rất được quan tâm khi xác định sự thịnh vượng của nền kinh tế. Một xã hội không dành được một nơi an toàn về mặt pháp lý cho các sáng chế nhiều khả năng là một nền kinh tế nghèo nàn.
Từ cách nhìn kinh tế học, bảo hộ sáng chế là giải pháp lựa chọn khá hữu hiệu giúp giải quyết thất bại thị trường do bản chất công ích của tri thức gây ra. Khả năng bảo hộ thông qua việc cấp Bằng độc quyền sáng chế đã hoạt động hàng trăm năm qua và đã đạt được tín nhiệm cao của cả thế giới do đã thúc đẩy tiến bộ về công nghệ trong quá trình phát triển của nhân loại.
Tuy nhiên, cũng như nhiều công cụ chính sách khác, việc bảo hộ sáng chế cũng mang trong mình các nhược điểm và hạn chế. Sự hiểu biết về nội hàm kinh tế của việc bảo hộ sáng chế như đã được phân tích ở đây có thể sẽ rất hữu ích cho các nỗ lực hoàn thiện hệ thống bảo hộ sáng chế trong tương lai vì mục tiêu cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và xã hội trong hoạt động đổi mới công nghệ.
Chú thích và tài liệu tham khảo
1 Economic analysis of research spillovers implications for the advanced technology program. Adam B. JaffeBrandeis University and National Bureau of Economic Research. Prepared for the Advanced Technology Program. December 1996.
2 Xem “Doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu vào KH&CN và nhà nước nên can thiệp đến đâu?” đăng trên Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 9.2009.
3 Kamil Idris: SHTT – Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế. WIPO. Chương 4. Bản tiếng Việt.
4 Lý thuyết này lần đầu tiên được Nordhaus và Scherer đưa ra vào năm 1969 và 1972. Xem Nordhaus, W.D. (1969) Inventions, Growth and Welfare: A Theoretical Treatment of Technological Change. MIT Press, Cambridge,Massachusetts và Scherer, F.M. (1972) Nordhaus’ theory of optimal patent life: A geometric reinterpretation. American Economic Review 62, 422-427.
5 Xem The Economics of Patents. Corinne Langinier and GianCarlo Moschini. Department of Economics, Iowa StateUniversity, Ames, IA 50011, USA.
6 Phạm vi bảo hộ được hiểu theo nghĩa rộng sẽ bao gồm các phương diện sau: Phạm vi theo thời gian (được gọi là thời hạn hay độ dài bảo hộ); phạm vi theo không gian (thường được tính theo phạm vi địa lý lãnh thổ quốc gia); phạm vi theo nội dung (thường được hiểu là phạm vi bảo hộ, theo nghĩa hẹp) nói lên mức độ yêu cầu bảo hộ về nội dung sáng chế.
7 Theo thống kê trên webssite La das & Parry LLP, có 43 nước sử dụng các tên gọi khác nhau để chỉ loại sáng chế này như: Utility Model, Utility Innovation, Innovation Patent, Short Term Patent, Utility Certificate, Simple Patent, Short Term Patent, Petty Patent với thời hạn bảo hộ trung bình từ 8-10 năm. Nước Đức gọi dạng sáng chế này là Gebrauchsmuster, Việt Nam gọi là giải pháp hữu ích – Utility Solution.
8 Theo Điều 93, Luật SHTT, được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29.11.2005, hiệu lực của văn bằng bảo hộ các loại sáng chế được quy định như sau: Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn; bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
9 Khoản 3 điều 102 Luật SHTT, 2005.
10 Ở Mỹ, thông thường Toà án sử dụng Lý thuyết về sự tương đương (Doctrine of Equivalents): Một sáng chế không vi phạm đến từng chi tiết một patent cũng có thể coi là vi phạm nếu sự khác biệt không mang tính thực chất. Và thường sử dụng phương pháp thử tương đương thông qua nhận dạng 3 cấp “triple identity”: Một là, sản phẩm nếu xét về bản chât, thể hiện cùng một chức năng (same function); hai là về chế tạo, sản phẩm được sản xuất theo một cách/công nghệ như nhau về bản chất (same way); ba là, sản phẩm thực chất là tạo ra cùng một kết quả (same result).
11 Kamil Idris, Tổng giám đốc Tổ chức SHTT Thế giới,WIPO 1997-2008, tác giả cuốn sách SHTT – Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế. Bản tiếng Việt.
12 Bronwyn H. Hall: Patents and Patent policy, OxREP article December 2007.
13 Scotchmer: Innovation and incentives. MIT Press, 2006.
14 Tiếng Anh là các khái niệm tương ứng: Idea (ý tưởng), Invention (sáng chế), Patent (sáng chế được bảo hộ độc quyền SHTT) và Innovation (đổi mới).
15 The economics of patents: From natural rights to policy instruments. David ENCAOUA (EUREQua, CNRS & University Paris I), Dominique GUELLEC (OECD), Catalina MARTÍNEZ(OECD), Second Version1, August 2003.
– David B. Audretsch et al. The Economics of Science and Technology; Journal of Technology Transfer 27, 155-203, 2002©2002 Kluwer Academic Publishers.
– David C. Colander: Microeconomics, Middlebury College. Fifth edition. McGraw-Hill /Irwin.
– Corinne Langinier and GianCarlo Moschini: The Economics of Patents.. Department of Economics, Iowa StateUniversity, Ames, IA 50011, USA.
– Bjorn L. Basberg: Patents and the measurement of technological change: A survey of the literature. Research Policy, 1987.
SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ THÁNG 10 NĂM 2009 – TẠ DOÃN TRỊNH