Bên cạnh đó, việc làm lộ bí mật kinh doanh liên quan đến công nghệ kỹ thuật mà Hàn Quốc đang có cũng trở thành một vấn đề quan trọng đối với quốc gia này. Tham luận của Luật sư Im Ho (Hội Luật sư Seoul) tại Hội thảo giao lưu lần thứ 3 giữa Hội Luật gia VN và Hội Luật sư Seoul ngày 10.9 vừa qua đã nhấn mạnh vấn đề này: “Việc phát triển các công nghệ kỹ thuật tiên tiến để có thể bảo hộ được theo pháp luật về SHTT là một chính sách quan trọng nhất đối với sự phát triển công nghiệp”.
Thực trạng
Lịch sử quá trình phát triển Luật SHTT của Hàn Quốc cũng đã đi qua con đường mà những nước phát triển về công nghệ như Mỹ, Nhật đã đi. Đó là Hàn Quốc đã dụng các đối tượng SHCN của nước ngoài theo cách thức lựa chọn những công nghệ đã phát triển ở các nước hàng đầu công nghệ kỹ thuật rồi ứng dụng vào để phát triển nền công nghiệp trong nước. Nếu không làm như vậy thì Hàn Quốc đã không thể cạnh tranh được với nền công nghiệp của các nước tiên tiến về công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên hiện nay, Hàn Quốc lại đang rơi vào quá trình bị các nước đang phát triển sử dụng các công nghệ kỹ thuật của Hàn Quốc mà không xin phép. Vì thế, Hàn Quốc đã coi việc bảo hộ đối tượng SHTT của mình khỏi sự sử dụng không xin phép của các nước đang phát triển như là một việc quan trọng nhất trong quá trình thực thi pháp luật.
Luật về sáng chế của Hàn Quốc được sửa đổi từ Luật về sáng chế năm 1987 và đã tiếp thu cơ chế sáng chế vật chất, mở rộng đối tượng của phát minh có thể được cấp bằng sáng chế để phù hợp với luật pháp của các nước phát triển về công nghệ kỹ thuật như Mỹ, châu âu… Sau đó, trong khoảng hơn 10 năm, tiêu chuẩn kỹ thuật của Hàn Quốc đã đuổi kịp tiêu chuẩn của các nước phát triển về công nghệ kỹ thuật và xa hơn nữa là những ngành công nghệ kỹ thuật tiên tiến như công nghệ sinh học đã đạt tới tiêu chuẩn của thế giới.
Vào khoảng năm 1988, Cục sáng chế đã chuẩn bị xây dựng tiêu chuẩn thẩm định sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học theo xu thế của các nước đang phát triển như Mỹ… Ngoài ra, từ ngày 1.1.1999, Hàn Quốc đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới xây dựng hệ thống đơn đăng ký điện tử và hiện đang thực hiện cơ chế nộp đơn đăng ký sáng chế dưới dạng dữ liệu điện tử. Gần đây, Hàn Quốc cũng đang tiến hành việc sửa đổi lại tiêu chuẩn thẩm định sáng chế theo tiêu chuẩn của các nước phát triển.
Ở một nước mạnh về IT như Hàn Quốc, Cục sáng chế hay toà án đều thừa nhận khả năng cấp văn bằng bảo hộ sáng chế liên quan đến giải pháp kinh doanh liên quan đến internet. Việc nộp đơn và đăng ký sáng chế về giải pháp kinh doanh đang được thực hiện một cách dễ dàng. Cục sáng chế cũng đã chuẩn bị xây dựng tiêu chuẩn thẩm tra phát minh liên quan đến máy tính từ năm 2000 và đã thẩm tra sáng chế giải pháp kinh doanh cho đến giờ. Cục cũng đã chuẩn bị những nguyên tắc cơ sở về thẩm tra sáng chế liên quan đến internet (18.2.2000) và nguyên tắc thẩm tra sáng chế liên quan đến giao dịch điện tử (1.8.2000) và thừa nhận một cách tích cực sáng chế phương pháp kinh doanh. Hơn thế nữa, bằng việc đưa các phát minh liên quan đến giao dịch điện tử trong sáng chế giải pháp kinh doanh vào đối tượng thẩm định ưu tiên, Hàn Quốc đang hướng đến sự quyền lợi hoá việc đăng ký liên quan đến internet.
Liên quan đến quyền tác giả, với một nước phát triển nhất thế giới về internet tốc độ cao như Hàn Quốc thì các vụ vi phạm quyền SHTT xẩy ra trên internet là thường xuyên. Vụ Soribata (một website chuyên cung cấp nhạc download) được ví như vụ Napster của Mỹ với việc cung cấp dịch vụ trao đổi các file nhạc giữa các cá nhân với nhau trên internet đã đẩy nhà cung cấp dịch vụ trên internet vào những trách nhiệm dân sự cũng như hình sự khi đã xâm phạm quyền tác giả. Hay vụ ghi chép trái phép chương trình ca nhạc rồi chuyển theo đơn đặt hàng qua internet hoặc vụ truyền dữ liệu âm nhạc sau khi đã chuyển sang dạng file nén theo phương thức streaming…
Viễn cảnh
Trong các tranh chấp về quyền sáng chế, những vụ việc liên quan đến từ chối cấp văn bằng sáng chế hay tính có hiệu lực hoặc không có hiệu lực của sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ được giải quyết sơ thẩm bởi Hội đồng giải quyết tranh chấp sáng chế của Cục sáng chế. Các vụ kháng cáo sẽ được lần lượt xét xử bởi Toà bản quyền và toà án cấp cao. Đồng thời, các vụ tố tụng về xâm phạm quyền SHTT được coi là một trong những vụ kiện dân sự nên cũng có thể được xét xử bởi toà án địa phương, toà án cấp cao và toà án tối cao.
Trong vòng 5 năm gần đây, các vụ tố tụng về xâm phạm quyền SHTT do Toà án Seoul thụ lý đã tăng từ con số 51 vụ năm 1998 lên con số 114 vụ năm 1999 và 153 vụ năm 2000. Với 130 vụ năm 2001, 178 vụ năm 2002 và 95 vụ tính từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2003, có thể thấy số vụ đã tăng lên liên tục theo xu thế phát triển của quyền SHTT. Đồng thời số vụ tranh chấp về thương hiệu, tên hãng liên quan đến nước ngoài cũng chiếm số lượng không nhỏ.
Theo Luật sư Im Ho thì gần đây, sức cạnh tranh trong công nghiệp của Hàn Quốc giảm đáng kể do các nước đang phát triển và khoảng cách về trình độ kỹ thuật cũng đang bị rút ngắn dần lại. Vì vậy, đến thời điểm này, việc cần thiết nhất là thực hiện tốt chính sách bảo hộ quyền SHTT. Để làm được việc này, Hàn Quốc phải nỗ lực để ưu tiên phát triển công nghệ kỹ thuật tiên tiến và đổi mới về cơ chế, về ngành công nghiệp để hướng tới sự bảo hộ mạnh hơn bằng pháp luật SHTT. Để đạt được mục đích này, Hàn Quốc phải thực hiện hợp tác giữa công nghiệp và đào tạo để cải cách nền giáo dục đại học của mình. Hàn Quốc cũng cần phải cải cách quy chế để bảo vệ kỹ thuật hiện đại do Hàn Quốc sáng tạo, đặc biệt là việc thống nhất quy chế xét duyệt bản quyền và cải cách của toà án bản quyền. Đồng thời Hàn Quốc cũng phải gia nhập vào hệ thống bản quyền của thế giới; thành lập toà án chuyên giải quyết tranh chấp bản quyền để xét xử và chuyên giám sát các hành vi vi phạm bản quyền nhằm bảo hộ được kịp thời, hiệu quả. Trong lĩnh vực kỹ thuật hàng đầu cũng như kỹ thuật công nghiệp cơ bản, Hàn Quốc phải lập một quy chế về sở hữu bản quyền đủ mạnh để đảm bảo lợi ích trong việc đầu tư vào phát triển kỹ thuật thì mới đảm bảo được tương lai cho ngành kỹ thuật tiên tiến của mình.
Theo Báo Đời sống và pháp luật