1. Giá trị sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp
Việc đầu tư vào thiết bị, tài sản, phát triển sản phẩm, tiếp thị và nghiên cứu có thể cải thiện mạnh mẽ tình hình tài chính của công ty thông qua việc mở rộng tài sản hiện có và nâng cao năng suất trong tương lai. Việc có được quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự. Thị trường sẽ định giá doanh nghiệp trên cơ sở những tài sản của nó, tình hình kinh doanh hiện tại và kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai. Kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc sở hữu các bằng độc quyền sáng chế quan trọng. Có rất nhiều ví dụ về các doanh nghiệp đã làm tăng giá trị thị trường của mình chỉ sau một đêm nhờ nhận được những bằng độc quyền sáng chế cấp cho các công nghệ quan trọng.
Tương tự, một nhãn hiệu đẹp có uy tín với khách hàng cũng có thể làm tăng giá trị hiện tại của doanh nghiệp và có vai trò quyết định giúp sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng. Do vậy, việc đầu tư vào xây dựng hồ sơ quản lý sở hữu trí tuệ tốt sẽ quan trọng hơn là sử dụng biện pháp phòng thủ trước các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Đó là biện pháp nâng cao giá trị thị trường và khả năng sinh lợi cho công ty của bạn trong tương lai.
SHTT là một tài sản của DN: Tài sản của doanh nghiệp có thể được chia làm hai loại chính: tài sản hữu hình – bao gồm nhà xưởng, máy móc, nguồn vốn và cơ sở hạ tầng – và tài sản vô hình – bao gồm nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật, ý tưởng, nhãn hiệu, kiểu dáng và những kết quả vô hình khác có được từ khả năng sáng tạo và đổi mới của họ. Ngày nay, nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng tài sản vô hình của họ có giá trị lớn hơn so với các tài sản hữu hình.
– Quyền SHTT giúp DN bảo vệ tài sản vô hình (tài sản trí tuệ): Hoạt động thương mại quốc tế có rất nhiều rủi ro do có nhiều đối thủ cạnh tranh. Khi các đối thủ cạnh tranh này bắt chước sản phẩm mà không bỏ ra thời gian, tiền bạc để nghiên cứu, sáng tạo, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các DN nếu không được bảo vệ sẽ bị đối thủ lấy đi sản phẩm trí tuệ của mình và thu lời từ nó. Chính vì vậy, chỉ cần có ý tưởng, sản phẩm hữu ích và sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp DN tạo ra lợi thế cạnh tranh trong hoạt động thương mại quốc tế.
– Lợi thế độc quyền: Thương hiệu là một thứ tài sản vô hình nhưng lại chứa đựng một sức mạnh hữu hình, khi nó quyết định sự lựa chọn của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ, thậm chí nó còn tác động đến sự thành- bại của hoạt động kinh doanh. Trong thương mại quốc tế, chiến lược phát triển các thương hiệu quốc tế lại càng cần cẩn trọng. Một kế hoạch kinh doanh, phát triển thương hiệu của mình được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được tiềm năng của sản phẩm trên trường quốc tế, xác định thị trường cho sản phẩm để tiến hành sản xuất. Đối với nhiều doanh nghiệp, chỉ riêng những thông tin kinh doanh bí mật, những chiến lược phát triển thương hiệu không thể để lộ đã là nguồn để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
2. Biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ
Trên thế giới hiện nay các hành vi vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ đang ngày càng trở nên tinh vi hơn và với quy mô ngày càng lớn hơn cả về số vụ cũng như số tiền bồi thường giữa các bên có liên quan. Việc giải quyết các vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ thường mang đến kết quả là sự hòa giải. Theo thống kê của Wikipedia thì có tới 99% số vụ kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ kết thúc bằng con đường hòa giải. Tất nhiên là không có sự hòa giải nào miễn phí! Những năm đầu tiên của thế kỷ 21, thế giới chứng kiến cuộc chạy đua công nghệ giữa các nhà sản xuất (phần cứng cũng như phần mềm). Việc ứng dụng thành công một công nghệ mới có thể mang về nhiều tỉ USD lợi nhuận nhưng cũng có thể kết thúc bằng một “án phạt” trị giá tương đương lợi nhuận.
Tại Việt Nam, các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể được phát hiện ngay cả khi các đối tượng được bảo vệ mới chỉ hoàn thành khâu nộp đơn đăng ký xác lập quyền hoặc trong thời điểm các văn bằng bảo hộ này vẫn đang còn thời hạn bảo hộ. Tuy nhiên, cách thức mà các chủ thể quyền thực hiện nhằm bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình trước những sự xâm phạm có chủ đích này lại chủ yếu là trực tiếp yêu cầu phía vi phạm hoặc chọn giải pháp khác là khởi kiện mà vẫn chưa mang lại hiệu quả cao trên thực tế. Mặc dù pháp luật về sở hữu trí tuệ có quy định việc Nhà nước có trách nhiệm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền và việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hành vi vi phạm pháp luật, thế nhưng để nâng cao được tính hiệu quả của quyền này cần phải có sự chủ động hơn nữa, quyết liệt hơn nữa từ chính các chủ thể quyền.
Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam có quy định một số biện pháp nhằm bảo vệ các đối tượng của chủ thể quyền như: (i) Trực tiếp đàm phán, yêu cầu bên vi phạm chấm dứt ngay các hành vi này hoặc (ii) Áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định tại Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ về các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả hoặc (iii) Áp dụng các biện pháp dân sự theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ hoặc (iv) Đề nghị xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Có thể thấy quy định của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho chủ thể quyền là tương đối rõ ràng và đầy đủ, thế nhưng các chủ thể quyền cần cân nhắc lựa chọn áp dụng hình thức xử lý nào để có thể mang lại hiệu quả tức thời trong khoảng thời gian ngắn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp của mình? Đây chính là vấn đề mấu chốt giúp cho chủ thể quyền – đồng thời cũng là chủ các doanh nghiệp đưa ra được một quyết định mang tính bản lề tháo gỡ mọi nút thắt xuyên suốt chặng đường ví như một sợi dây vô định này.
Trong những biện pháp nêu trên có không nhiều các chủ thể quyền lựa chọn hình thức giải quyết thông qua biện pháp hành chính là nộp đơn yêu cầu cơ quan Quản lý thị trường nơi đối tượng vi phạm pháp luật đặt trụ sở chính (và cũng là nơi có các sản phẩm vi phạm được lưu hành) vào cuộc để ngăn chặn việc làm trái quy định này.
Có thể nói trước các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay, các chủ thể quyền cần lựa chọn và có sự chủ động trong cách thức giải quyết nhằm mang lại hiệu quả tối đa cho doanh nghiệp của mình. Cơ chế tự triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được pháp luật thừa nhận nhưng cần có sự áp dụng linh hoạt đối với mỗi trường hợp cụ thể mới đem lại hiệu quả cao trong một thời gian ngắn nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra cho doanh nghiệp. Và cũng cần phải thay đổi một cách nhìn về xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó là sự phối hợp tương thích giữa biện pháp thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với sự đấu tranh không khoan nhượng, mạnh mẽ từ chính các chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ.
Nội dung được biên tập dựa trên bài giảng của giảng viên cục SHTT (Nguồn: Noip.gov.vn)