Quy định của Luật

Về việc thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định như sau:
“3. Quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định;
b) Đối với quyết định về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu điều lệ công ty không có quy định khác thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định”.
Khoản 2 Điều 52, cũng có quy định tương tự đối với việc thông qua các quyết định của hội đồng thành viên của công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên.

Bảo vệ cổ đông thiểu số: Những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn

Tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến, gọi: 1900.0191

 

Những vướng mắc từ thực tiễn…

Trước hết, quy định nêu trên của Luật Doanh nghiệp là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông thiểu số. Song, do quá nhấn mạnh đến việc bảo vệ các cổ đông thiểu số nên không ít trường hợp gây những khó khăn không đáng có cho việc quản trị công ty. Các cụm từ: “ít nhất 65%”, “ít nhất 75%” và “tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định” là nguyên nhân gây khó khăn cho việc quản trị các công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên và các công ty cổ phần. Xin nêu một ví dụ điển hình như sau:

Công ty cổ phần A có 5 cổ đông sáng lập và tỷ lệ vốn góp của các cổ đông trong vốn điều lệ lần lượt là: Cổ đông số 1: 70%; cổ đông số 2: 10%; cổ đông số 3: 10%; cổ đông số 4: 5% và cổ đông số 5: 5%. Khi quy định về tỷ lệ số phiếu chấp thuận ít nhất để thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông, các cổ đông tối thiểu không chấp nhận tỷ lệ 65%. Và, cổ đông nào cũng đòi hi có quyền tham gia biểu quyết để thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông nên tỷ lệ cụ thể quy định tại điều lệ công ty là 96%. Với tỷ lệ nêu trên, cổ đông số 1 nắm giữ tới 70% vốn điều lệ cũng không có vai trò quyết định; ba cổ đông có số vốn góp lớn chiếm tới 90% vốn điều lệ vẫn không thể quyết định được những vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông. Và, mặc dù quy định với tỷ lệ 96% nhưng trên thực tế, luôn luôn phải có đủ 5 cổ đông tham gia họp, tức là bảo đảm tỷ lệ 100%. Về hình thức, quy định như trên là rất dân chủ, minh bạch. Song, quyền của những cổ đông góp vốn với tỷ lệ chi phối đã không được tôn trọng; nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh bị mất vì… đại hội đồng cổ đông không đủ số phiếu biểu quyết! Với những công ty cổ phần có từ 10 cổ đông sáng lập trở lên, vấn đề trở lên phức tạp hơn nhiều lần.
Thứ hai, tiết c, khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp quy định: “c) Việc biểu quyết bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên”. Tiếc thay, cho đến nay, chưa có văn bản chính thức nào hướng dẫn về phương pháp “cộng dồn phiếu” theo quy định trên. Vì vậy, một số công ty cổ phần đã sáng tạo và đưa ra quy định: xác định số phiếu biểu quyết quy đổi theo tỷ lệ vốn. Chẳng hạn, trong điều lệ công ty quy định, mỗi phiếu biểu quyết đại diện cho 10% vốn góp. Một cổ đông chiếm 70% số vốn điều lệ đương nhiên có bảy phiếu biểu quyết, cổ đông chỉ chiếm 10% vốn điều lệ thì đương nhiên chỉ được tính là 01 phiếu. Song, cách “vận dụng sáng tạo” ấy có được pháp luật thừa nhận hay không?
Thứ ba, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng một số lĩnh vực còn được mở cửa theo lộ trình. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được nắm giữ tối đa 49% hoặc 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Do đó, khoản 3 Điều 104 nêu trên sẽ không thể được áp dụng với một công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên, trong đó, một bên là doanh nghiệp Việt Nam và một bên là nhà đầu tư nước ngoài. Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khoá XI về việc “Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có quy định giải quyết vướng mắc này. Khoản 1, Phụ lục số 1 kèm theo Nghị quyết 71/2006/QH11 quy định việc áp dụng trực tiếp các Điều 51, 52, 103, 104 Luật Doanh nghiệp, tương ứng với Đoạn 503 và Đoạn 504 trong Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (sau đây gọi là Ban công tác) đã quy định:
Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được quyền quy định trong điều lệ công ty các nội dung sau:
1. Số đại diện cần thiết để tổ chức cuộc họp và hình thức thông qua quyết định của hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông;
2. Các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông;
3. Tỷ lệ đa số phiếu cần thiết ( kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông;
Quy định nêu trên của Nghị quyết 71/2006/QH11 đã tháo gỡ vướng mắc do quy định của Luật Doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếc thay, cho đến nay, có những cách giải thích khác nhau về quy định này. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, những quy định nêu trên của NQ71 chỉ được áp dụng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đó là quy định chung cho các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có nghĩa là sẽ phải sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp theo quy định nêu trên. Trong hai loại ý kiến nêu trên, ý kiến nào là đúng?

Thay lời kết

Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2005 là sự kiện có ý nghĩa lớn ở nước ta. Nó mở đầu cho quá trình tuyên chiến, chấm dứt sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, do quá trình chuẩn bị khá gấp nhằm theo kịp tiến trình đàm phán gia nhập WTO, Luật Doanh nghiệp còn có những “hạt sạn” không đáng có. Đồng thời, việc hướng dẫn, giải đáp luật chưa tốt, chưa triệt để dẫn đến những lúng túng trong thực hiện cả ở cơ quan đăng ký kinh doanh và trong việc quản trị, điều hành doanh nghiệp. Sự mâu thuẫn giữa việc bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số với sự linh hoạt cần thiết trong điều hành doanh nghiệp theo yêu cầu khách quan của kinh tế thị trường như nêu trên là ví dụ điển hình.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần dũng cảm chỉ ra tất cả những “hạt sạn” của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và kiên quyết sửa đổi, bổ sung để loại bỏ những “hạt sạn” ấy dù thẩm quyền là của Quốc hội, Chính phủ hay bất kỳ một cấp quản lý nào khác. “Thương mại không phân biệt đối xử” là nguyên tắc nền tảng quan trọng nhất trong WTO. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp cũng không được vi phạm nguyên tắc quan trọng đó.

SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SÔ 51, THÁNG 9 NĂM 2007 – LG. VŨ XUÂN TIỀN – Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)