Như vậy đặt ra vấn đề là có cần thiết phải xây dựng cơ chế đặc thù bảo vệ người tham gia bảo hiểm (NTGBH) tại những nước đang phát triển như Việt Nam hay không?
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đang có những sự thay đổi rộng khắp trên thế giới, tạo ra nhiều thách thức đối với khách hàng, công ty bảo hiểm và cơ quan quản lý bảo hiểm các nước. Công ty bảo hiểm thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người NTGBH, đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Một mặt, các công ty bảo hiểm tăng cường hiệu quả kinh doanh thông qua việc tái cấu trúc hoạt động và tập trung vào những sản phẩm bảo hiểm mũi nhọn. Mặt khác, các công ty này cũng chịu những rủi ro về tài chính, nhiều khi tạo sự bất ổn về tâm lý đối với khách hàng và cơ quan quản lý bảo hiểm.
NTGBH là chủ nợ của công ty bảo hiểm. Một chủ nợ thông thường cho vay sau khi đã kiểm tra độ tin cậy của người vay và chịu mọi trách nhiệm về quyết định cho vay. Trong khi đó, NTGBH lại phải gánh chịu những thông tin không đối xứng như không có khả năng kiểm tra độ tin cậy về tài chính của công ty bảo hiểm cũng như gặp khó khăn để có thể hiểu rõ được nội dung của một hợp đồng bảo hiểm. Xác định bảo hiểm là một sản phẩm cung cấp quyền lợi về tài chính trong tương lai và gắn liền với lợi ích của người dân, chính phủ các nước đều tiến hành giám sát chặt chẽ khả năng tài chính của công ty bảo hiểm, nhằm khắc phục tình trạng đề cập ở trên.
.
Luật sư tư vấn luật bảo hiểm xã hội trực tuyến (24/7) gọi số :1900.0191
Trong thị trường cạnh tranh, việc một công ty bảo hiểm phá sản là không thể tránh khỏi. Vì vậy, mỗi chính phủ đều phải xác định liệu họ có thể hỗ trợ NTGBH đến mức độ nào khi một công ty bảo hiểm bị phá sản.
Khi một công ty bảo hiểm phá sản, thông thường có hai cơ chế bảo vệ NTGBH gồm thứ tự ưu tiên phân chia tài sản của công ty bảo hiểm và việc thành lập quỹ bảo vệ NTGBH. Cơ chế ưu tiên phân chia tài sản cho phép NTGBH được ưu tiên nhận bồi thường khi thanh lý tài sản đầu tư từ quỹ dự phòng nghiệp vụ, dự phòng toán học hoặc từ toàn bộ tài sản của công ty bảo hiểm bị phá sản. Tuy nhiên cơ chế này bộc lộ nhược điểm là khó có khả năng chi trả đầy đủ các khoản nợ đối với NTGBHG. Quỹ bảo vệ NTGBH do các công ty bảo hiểm đóng góp để bù đắp những tổn thất mà NTGBH phải gánh chịu khi một công ty bảo hiểm bị phá sản dù đã được ưu tiên phân chia tài sản. Vai trò của quỹ bảo vệ NTGBH đã được khẳng định tại nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước. Tại nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ba Lan, Philippines hay Malaysia v.v… đã áp dụng cả hai cơ chế nêu trên để bảo vệ quyền lợi NTGBH. Đối với các nước đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi, việc thực hiện quản lý nghiêm ngặt ngành bảo hiểm có thể làm giảm nhu cầu thành lập quỹ bảo vệ NTGBH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số nước đang phát triển hay có nền kinh tế chuyển đổi như Ba Lan, Trung Quốc hay Philippines vẫn thành lập quỹ bảo vệ NTGBH. Việc tìm hiểu lý do các nước này thành lập quỹ bảo vệ NTGBH có thể là lời giải đáp cho câu hỏi về sự cần thiết thành lập quỹ bảo vệ NTGBH tại Việt Nam.
Vấn đề mở cửa thị trường bảo hiểm
Việc mở cửa thị trường bảo hiểm và nới lỏng khâu quản lý nhà nước tại các nước đang phát triển sẽ dẫn đến hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp bảo hiểm do trình độ quản lý doanh nghiệp và công tác kiểm soát nội bộ còn yếu kém. Chính vì vậy Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS) đã khuyến nghị các nước đang phát triển nên thực hiện việc mở cửa thị trường một cách thận trọng. Mặt khác, nhu cầu hội nhập và mở cửa thị trường của các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi là rất lớn do những nước này hy vọng việc tự do hóa thị trường sẽ giúp họ có điều kiện mở rộng thị trường hàng xuất khẩu và thúc đẩy công cuộc cải cách kinh tế tại mỗi nước này. Như vậy, có thể thấy rằng các nước đang phát triển có nền kinh tế chuyển đổi gặp phải thách thức lớn khi một mặt mong muốn lĩnh vực bảo hiểm hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới, mặt khác cố gắng duy trì sự phát triển bền vững của thị trường và bảo vệ NTGBH.
Thời điểm thành lập quỹ bảo vệ NTGBH
Câu hỏi đặt ra ở đây là có nên thành lập quỹ bảo vệ NTGBH vào thời điểm hiện nay không? Một nghiên cứu về việc cải cách hệ thống quản lý và giám sát tại các thị trường bảo hiểm của các nước có nền kinh tế chuyển đổi kết luận rằng nếu một thị trường bảo hiểm có đủ số lượng doanh nghiệp bảo hiểm và phong phú về loại hình bảo hiểm thì có thể xem xét thành lập quỹ bảo vệ NTGBH.
Mô hình quỹ bảo vệ NTGBH
Một khi thời điểm thành lập quỹ bảo vệ NTGBH được xác định, việc nghiên cứu tìm hiểu mô hình quỹ phù hợp với điều kiện Việt Nam là cần thiết. Mô hình này nên nghiên cứu một cách thận trọng đảm bảo cung cấp quyền lợi cho NTGBH đồng thời hạn chế những thất thoát không đáng có đến mức tối thiểu.
Theo kinh nghiệm thực tiễn của một số quỹ tại các nước, một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu như thành viên tham gia quỹ, phạm vi bảo vệ, chức năng của quỹ, việc đóng quỹ và phương pháp phân chia tỷ lệ đóng góp.
Thành viên tham gia quỹ
Hầu hết các nước đều quy định bắt buộc các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia quỹ với hai lý do chính. Thứ nhất là, ngăn ngừa việc NTGBH vô tình chọn doanh nghiệp bảo hiểm không tham gia quỹ để tham gia bảo hiểm. Thứ hai là, tránh sự lựa chọn bất lợi (adverse selection) khi doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều rủi ro sẽ cố gắng tham gia quỹ để nâng cao độ tin cậy đối với NTGBH. Từ những lý do trên, cần thiết phải quy định bắt buộc các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia quỹ khi quỹ được thành lập tại Việt Nam.
Phạm vi bảo vệ
Tại Nhật Bản, Singapore và Malaysia đã quy định bảo vệ ở mức cao đối với tất cả NTGBH, các nước đang phát triển khác đa số chỉ bảo vệ ở mức thấp đặc biệt đối với NTGBH là tổ chức. Lý do NTGBH cá nhân được bảo vệ cao hơn vì người dân ở các nước này hiểu biết hạn chế về bảo hiểm và có ít thông tin trước khi đưa ra quyết định lựa chọn công ty bảo hiểm của mình. Phạm vi bảo vệ của quỹ bảo vệ NTGBH Việt Nam trong tương lai cần được cân nhắc đảm bảo khả năng chi trả và bảo vệ những NTGBH cá nhân.
Chức năng của quỹ
Trừ Malaysia, các nước khác đều có đầy đủ hai chức năng là hỗ trợ việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm và quản lý những hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực do doanh nghiệp bị phá sản khai thác. Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được xem là phương thức hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền lợi NTGBH. Tuy nhiên, trong trường hợp không tìm được doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao, quỹ bảo vệ NTGBH sẽ đứng ra trực tiếp quản lý những hợp đồng bảo hiểm này và chi trả tiền bảo hiểm theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Hai chức năng nêu trên là cần thiết khi xem xét thành lập quỹ bảo vệ NTGBH tại Việt Nam.
Đóng quỹ
Trừ Ba Lan, các nước khác đều áp dụng phương thức quỹ đóng trước (pre-funding). Theo phương thức này việc đóng quỹ sẽ được các thành viên thực hiện đều đặn để quỹ có thể đủ khả năng chi trả đối với các trường hợp phá sản trong tương lai. Ngược lại, quỹ đóng sau (post-funding) chỉ yêu cầu các thành viên đóng góp khi xảy ra trường hợp một công ty bảo hiểm bị phá sản. Xu hướng quy định đóng quỹ trước đang xuất hiện tại nhiều nước do các nước này muốn quỹ có thể đảm bảo bảo vệ NTGBH một cách nhanh chóng vào bất kỳ lúc nào. Quỹ bảo vệ NTGBH cần được thiết kế đảm bảo mục tiêu này một khi quỹ được thành lập tại Việt Nam.
Phương pháp phân chia tỷ lệ góp quỹ
Ngoài Singapore, các nước khác đều áp dụng phương pháp phân chia đều (flat rate method) mức đóng góp căn cứ vào tổng phí bảo hiểm hoặc phí bảo hiểm thuần của doanh nghiệp bảo hiểm. Lý do chính áp dụng phương pháp này là NTGBH đều được bảo vệ bởi quỹ nên phải đóng phí bảo hiểm cao theo tỷ lệ tương ứng trên phí bảo hiểm. Ngoài ra, phương pháp phân chia đều cũng tương đối đơn giản khi áp dụng. Phương pháp phân chia dựa theo rủi ro (risk based method) của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm giảm gánh nặng cho những doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt và tạo động lực để các doanh nghiệp nâng cao khả năng tài chính. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc áp dụng phương pháp này sẽ làm tăng số lượng doanh nghiệp bị phá sản vì những doanh nghiệp yếu kém về khả năng tài chính bị áp dụng mức đóng góp cao hơn. Với khả năng quản lý và mức độ phát triển của thị trường, quỹ bảo vệ NTGBH Việt Nam nên áp dụng phương pháp phân chia đều.
Trên đây là những nghiên cứu sơ bộ về kinh nghiệm một số nước đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi trong việc thành lập quỹ bảo vệ NTGBH cũng như sự cần thiết và triển vọng thành lập quỹ này tại Việt Nam. Quỹ bảo vệ NTGBH còn gặp một số trở ngại từ rủi ro đạo đức và việc hạn chế sức cạnh tranh. Do vậy vấn đề xây dựng mô hình quỹ cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, đặc biệt liên quan đến phạm vi bảo vệ nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng xấu từ những trở ngại nêu trên.
SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SỐ 69, THÁNG 3 NĂM 2009 – TS. NGUYỄN VĂN THÀNH – Cục quản lý – Giám sát bảo hiểm – Bộ tài chính
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)