Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hôn nhân của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

2. Quy định về tạm ngừng cấp dưỡng

Điều 117 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

3. Vướng mắc quy định về tạm ngừng cấp dưỡng

Việc ghi nhận người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết về việc tạm ngừng cấp dưỡng có ý nghĩa rất lớn đối với bên có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa quy định một cách chặt chẽ dẫn đến việc áp dụng không khả thi.

Tạm ngừng được hiểu là tạm thời ngưng thực hiện công việc nào đó trong một thời gian nhất định. Sự không chặt chẽ của quy định về tạm ngừng cấp dưỡng thể hiện ở chỗ, pháp luật quy định cho phép tạm ngừng nhưng lại không quy định thời hạn tạm ngừng cấp dưỡng tối đa là bao lâu? Đồng thời không quy định về việc có hay không cấp dưỡng bổ sung cho khoảng thời gian đã tạm ngừng trước đó?

Nếu không xem xét quy định chặt chẽ, đây sẽ là cơ hội cho những người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình.

Theo tác giả, về thời hạn tạm ngừng cấp dưỡng, thời hạn sáu tháng sẽ là một khoảng thời gian phù hợp để người có nghĩa vụ có thể khắc phục những khó khăn đồng thời cũng là khoảng thời gian không dài đủ để không ảnh hưởng quá lớn tới nhu cầu của người được cấp dưỡng. Sau thời hạn 6 tháng, theo yêu cầu của người được cấp dưỡng Tòa án sẽ xem xét đánh giá khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu có lý do thỏa đáng và tùy từng trường hợp cụ thể có thể gia hạn thêm thời gian. Các bên sẽ tự thỏa thuận về việc cấp dưỡng bù cho thời gian đã tạm ngừng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tât cả những nội dung này cần thiết phải làm rõ để quy định về tạm ngừng cấp dưỡng có khả năng áp dụng trên thực tế và khi áp dụng phải đạt được đúng ý nghĩa của nó chứ không phải chỉ là một quy định mang tính hình thức như hiện nay.

4. Vướng mắc về việc ấn định mức cấp dưỡng cho con khi ly hôn

4.1. Tòa án ấn định mức cấp dưỡng không xem xét tới nhu cầu thiết yếu của người con

Tòa án ấn định mức cấp dưỡng chỉ xem xét thu nhập, khả năng của người có nghĩa vụ mà không xem xét tới nhu cầu thiết yếu của người con

Bản án sau đây sẽ cho thấy bất cập trong việc áp dụng pháp luật để ấn định mức cấp dưỡng tại Tòa án.

Ví dụ: Anh Trần Chí T và chị Nguyễn Thị Thu H đã làm đơn khởi kiện xin ly hôn. Tại quyết định số 55/2017/QĐST – HNGĐ ngày 05/4/2017 của TAND huyện N đã công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về việc nuôi con chung giữa anh và chị; về tài sản chung anh chị không yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, sau khi ly hôn anh chị không thể thống nhất phân chia tài sản chung nên anh đã làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết. Trong quá trình giải quyết vụ án, chị H có yêu cầu cấp dưỡng nuôi con chung. Chị H trình bày, trong quá trình giải quyết ly hôn với ánh T, chị không đề nghị anh T cấp dưỡng nuôi con chung nhưng do hiện tại chi phí học hành cho con chung rất tốn kém nên chị yêu cầu anh T phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung số tiền là 3.000.000 đồng/tháng đến khi con chung đủ 18 tuổi.

Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 05/2018/HNGĐ – ST ngày 06/02/2018 của Tòa án nhân dân huyện N đã quyết định :

Về cấp cưỡng nuôi con chung: Chấp nhận yêu cầu của chị Nguyễn Thị Thu H. Buộc anh Trần Chí T phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị H số tiền 1.500.000 đồng/tháng. Thời điểm cấp dưỡng kể từ tháng 02/2018 đến khi con chung Trần Hoàng S tròn 18 tuổi.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 08/02/2018, bị đơn chị Nguyễn Thị Thu H kháng cáo với nội dung: Về cấp dưỡng, đề nghị anh T phải cấp dưỡng nuôi con chung là 3.000.000đồng/tháng kể từ ngày nguyên đơn nộp đơn chia tài sản.

Tại phiên tòa, đối với yêu cầu kháng cáo của chị H về cấp dưỡng con chung, Anh T không chấp nhận mức cấp dưỡng mà chị H đưa ra là 3.000.000 đồng/tháng, anh chỉ đồng ý mức cấp dưỡng con chung là 1,5 triệu đồng/tháng cho đến khi con chung đủ 18 tuổi.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên toà, nghe ý kiến trình bày của các bên đương sự, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, Tòa án nhận định đối với kháng cáo về yêu cầu cấp dưỡng nuôi con chung của chị H như sau:

Anh Tvà chị H đều trình bày có 01 con chung là Trần Hoàng S, sinh ngày 14/01/2005. Tại bản án sơ thẩm đã tuyên buộc anh T cấp dưỡng con chung cùng chị H là 1.500.000 đồng/tháng. Chị H kháng cáo yêu cầu anh T phải cấp dưỡng nuôi con chung với số tiền 3.000.000 đồng/tháng. HĐXX nhận thấy thu nhập của anh T hàng tháng là 9.940.000 (chưa trừ BHXH và đảng phí), thu nhập của chị H là 8.014.000đ (chưa trừ BHXH và đảng phí). Mặc dù anh T có mức thu nhập cao hơn nhưng anh T đang sống tại Hà Nội và phải lo cho cuộc sống gia đình hiện tại nên điều kiện, chi phí sinh hoạt cao hơn chị H. Ngoài ra nếu anh T được giao quản lý, sử dụng nhà đất tại thôn D, xã P, huyện N thì anhT còn phải có nghĩa vụ trả chênh lệch cho chị H. Nên anh T cấp dưỡng nuôi con chung cùng với chị H 1.500.000đồng/tháng là phù hợp. Do vậy, kháng cáo của chị H không có cơ sở chấp nhận.

Như vậy, cách mà Tòa án nhân dân huyện N lập luận để xác định mức cấp dưỡng cho con trong vụ án này là việc xem xét khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người trực tiếp nuôi con khi ly hôn chứ không xem xét trên cơ sở nhu cầu thiết yếu của con (người được cấp dưỡng). Dưới góc độ pháp lý, phán quyết này của Tòa án nhân dân huyện N đã không tuân thủ đúng quy định về mức cấp dưỡng tại Điều 116 Luật HN&GĐ năm 2014. Cần phải có lập luận rõ ràng, có căn cứ về nhu cầu thiết yếu của con, kết hợp xem xét khả năng thực tế của cả cha và mẹ để đưa ra mức cấp dưỡng phù hợp. Có như vậy quyết định cuối cùng của Tòa án nhân dân huyện N mới hoàn toàn thuyết phục được hai bên là người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người trực tiếp nuôi con.

4.2. Mức cấp dưỡng được ấn định chưa chưa đảm bảo “nhu cầu thiết yếu” của con

Trong thực tiễn, hầu hết các trường hợp sau khi ly hôn, việc cấp dưỡng chưa đảm bảo để chi cho nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc,ở, học tập, khám chữa bệnh… của con. Tình trạng này khá phổ biến ở vùng nông thôn, việc cấp dưỡng nuôi con trong trường hợp các bên tự thoả thuận nhiều khi không được nhìn nhận đúng với bản chất của nó. Nhiều người khi không trực tiếp nuôi con hàng tháng họ cho con một ít tiền để ăn quà chứ không có ý thức về nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật. Và việc thực hiện nghĩa vụ “cấp dưỡng” như thế không đúng bản chất của cấp dưỡng. Trong những trường hợp đó, Tòa án cần phải giải thích cho đương sự hiểu cấp dưỡng là nghĩa vụ mà họ phải thực hiện với ý nghĩa đảm bảo về điều kiện vật chất cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh và các nhu cầu cần thiết khác của con. Có hiểu được bản chất của việc cấp dưỡng các bên mới thỏa thuận về mức cấp dưỡng đảm bảo cho nhu cầu thiết yếu của con.

Tác giả đã đọc và nghiên cứu khá nhiều bản án, quyết định của tòa án về phần quyết định mức cấp dưỡng cho con và thấy rằng các đương sự thỏa thuận và Tòa ấn định mức cấp dưỡng nói chung còn rất thấp. Phần nhiều ấn định từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng, một phần ít là từ 1.300.000 đồng đến 2.000.000, mức 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng là rất ít. Vụ việc sau đây là một minh chứng.

Ví dụ: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 154/2017/QĐST-HNGĐ ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa.

Nguyên đơn là Chị Hoàng T, sinh năm 1982 và Bị đơn là Anh Lương Trọng T, sinh năm 1982. Tòa án đã công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về mức cấp dưỡng cho con như sau: Chị Hoàng Thị T và anh Lương Trọng T có một con chung là Lương Hoàng M, sinh ngày 02/6/2008. Tháng 01/2010 anh chị ly hôn cháu M do chị T trực tiếp nuôi dưỡng, anh T cấp dưỡng nuôi con cùng chị T 200.000 đồng một tháng. Nay chị T và anh T thỏa thuận thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con như sau: Anh Lương Trọng T cấp dưỡng nuôi con chung Lương Hoàng M cùng chị T mức 600.000đ (sáu trăm ngàn đồng) một tháng kể từ tháng 8/2017 cho đến khi Lương Hoàng M đủ 18 tuổi.

Như vậy trước đó khi giải quyết ly hôn vào tháng 01/2010, mức cấp dưỡng anh T và chị T thỏa thuận được TAND thành phố Thanh Hóa công nhận là 200.000 đồng/tháng cho một đứa trẻ 2 tuổi. Khách quan mà nói mức cấp dưỡng này thậm chí không đủ chi cho bỉm, sữa cho con chứ chưa nói đến nhu cầu ăn, ở, chữa bệnh… Mức cấp dưỡng này đã được thực hiện trong khoản thời gian con chung từ 2 tuổi đến khi con 9 tuổi.

Đến tháng 8/2017, cháu M đã 10 tuổi, chị T và anh T thỏa thuận thay đổi mức cấp dưỡng từ 200.000 đồng/tháng lên 600.000 đồng/tháng. Mức cấp dưỡng này quá thấp để đảm bảo cho nhu cầu ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh và các nhu cầu cần thiết khác cho một đứa trẻ 10 tuổi sống ở trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, nhiều vụ việc khi xác định mức cấp dưỡng cho còn chưa tương xứng với khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Về vấn đề này Tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ có lần chia sẻ: “Thầy đã tham gia rất nhiều vụ án ly hôn với vai trò là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự và thấy rằng thực tế Tòa án quyết định mức cấp dưỡng cho rất thấp, có duy nhất một lần người mẹ đưa ra yêu cầu cấp dưỡng là 8.000.000 đồng/tháng vì thu nhập của người cha rất cao (80 triệu đồng/tháng). Nhưng tranh đấu mãi Tòa án mới dám ấn định mức cấp dưỡng cho con là 4.000.000 đồng/tháng, mà một đứa trẻ sống ở Hà Nội thì nhiều chi phí lắm, chi phí nào cũng cao”.

4.3. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng chưa ý thức trách nhiệm về việc cấp dưỡng cho con

Trên thực tế vẫn còn những trường hợp người không trực tiếp nuôi con trốn trách thực hiện việc cấp dưỡng cho con xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Có trường hợp vì vợ đã đi lấy chồng khác nên chồng cũ không muốn cấp dưỡng cho con chung nữa, có trường hợp vì muốn chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ với chồng, vợ cũ mà đương sự lựa chọn cấp dưỡng một lần và biệt tăm dù khoản tiền cấp dưỡng một lần đó không đủ để nuôi con cho đến khi con 18 tuổi. Và cũng có trường hợp dù rất có ý thức về trách nhiệm của mình đới với con nhưng vẫn không chịu cấp dưỡng theo bản án vì không muốn đưa tiền của mình cho người vợ như ví dụ dưới đây:

Ví dụ: Anh Tuấn là chủ một tiệm sửa xe và buôn bán phụ tùng, thu nhập hơn 50 triệu một tháng nhưng khi ly hôn nhất quyết không chịu cấp dưỡng cho con chung 3 tuổi trong khi con và vợ đi ở nhà thuê cuộc sống rất khó khăn.

Anh Tuấn và chị Linh kết hôn có 1 con chung, thời gian đầu, chỉ hai vợ chồng nên rất thoải mái. Từ khi có con, chi phí cho bé cũng hơn 5 triệu. Số còn lại, chị Linh dè sẻn từng chút một, có tháng không đủ chị phải tự lấy tiền tiết kiệm ra bù vào. Vậy mà anh Tuấn suốt ngày nghi ngờ vợ lập quỹ đen nên tra khảo, chất vấn, mắng chửi và đánh đập. Chỉ vì trong tháng chị tiêu quá 2 triệu vì mua cho con mấy bộ đồ mới, vậy mà anh hết chửi bới rồi dùng cán chổi đánh chị trước sự kinh ngạc của khách hàng sửa xe. Tính từ năm 2014 đến cuối năm 2016, chị Linh không nhớ nổi số lần bị chồng đánh. Không chịu được nữa, chị đệ đơn ly hôn, yêu cầu anh cấp dưỡng nuôi con một tháng 2 triệu.

Ở phiên tòa sơ thẩm, Tòa tuyên cho chị ly hôn và được nuôi con. Anh Tuấn không phải cấp dưỡng với lý do khi bỏ đi chị đã lấy hơn 100 triệu, một chiếu xe máy trị giá hơn 5 triệu và 5 chỉ vàng. Quá bức xúc, chị kháng cáo, yêu cầu anh phải làm tròn trách nhiệm của một người cha vì hiện hai mẹ con đang ở trọ, cuộc sống rất khó khăn. Tại phiên xử lần thứ hai tại Tòa án gia đình và người chưa thành niên TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM). Trước yêu cầu của chị Linh anh Tuấn trả lời rằng: “cô ta đã lấy tài sản bỏ đi, tôi chưa tố cáo hành vi ăn cắp là may rồi. Hãy xem đó là tiền cấp dưỡng nuôi con tôi góp, đừng đòi nưa. Tôi không chi cho những việc không đáng đâu”.

Để làm sáng tỏ chị Linh đã đưa ra tất cả hóa đơn, chứng từ thể hiện số tài sản mình mang đi không phải của riêng anh anh Tuấn mới để chị yên.

Vị chủ tọa phân tích cho anh Tuấn: “Cha mẹ nuôi con là vô giá. Tôi cũng đang có con. Việc chăm một đứa trẻ rất vất vả và tốn kém. Bây giờ, anh không trực tiếp nuôi bé thì hãy quan tâm bằng vật chất, đừng để lòng ích kỉ làm tan rã tình phụ tử”. Anh cương quyết không chịu. “Con bé lớn lên tôi sẽ bù đắp cho nó. Bây giờ, tôi không muốn đưa tiền cho một người đàn bà như cô ta”. Cả vị đại diện viện kiểm sát và Luật sư của LVN Group của chị cũng ra sức khuyên anh hãy làm nghĩa vụ một người cha với con gái ba tuổi nhưng đều vô nghĩa. “Là một người cha tôi rất thương con nhưng thương và cấp tiền hoàn toàn khác nhau”. Như vậy anh Tuấn dù có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, có ý thức về trách nhiệm của mình song nhất định vẫn không chịu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trong những trường hợp như vậy, nếu Tòa có đưa ra quyết định cuối cùng buộc anh Tuấn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có lẽ việc thi hành án sẽ không khả thi.

Qua trường hợp thực tế trên đây thấy được rằng ý thức trách nhiệm của người không trực tiếp nuôi con có ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả giải quyết vấn đề cấp dưỡng cho con cũng như trong công tác thi hành án sau này.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập