Nghĩa vụ của bên nhận gia công chỉ gồm nhận vật tư tại cảng, kiểm tra, sản xuất theo mẫu và giao lại thành phẩm, hầu hết là theo phương thức FOB hoặc giao tại xưởng. Bên giao gia công sẽ tự thu xếp đưa thành phẩm đến giao cho các nhà nhập khẩu và phân phối tại các thị trường tiêu thụ (bên mua). Thực hiện những hợp đồng loại này, công việc của bên nhận gia công khá đơn giản, tuy phí gia công thấp nhưng tương đối an toàn.
Dần dần, cùng với nhu cầu đưa sản phẩm gia công đến thị trường tiêu thụ sớm nhất, giảm chi phí và nhân lực, sau này bên giao gia công thường yêu cầu bên nhận gia công sau khi hoàn tất công việc thay vì giao lại thành phẩm cho bên giao gia công thì chuyển thẳng đến thị trường tiêu thụ cho bên mua.
Công việc này thoạt nghe không có gì khó khăn. Tuy nhiên, trong thực tế nó khiến cho bên nhận gia công phải chịu thêm nhiều rủi ro như những trường hợp đã xảy ra trong thực tế sau đây.
1. Bên nhận gia công được bên giao gia công yêu cầu vận chuyển thành phẩm gia công bằng đường biển để giao cho bên mua tại thị trường Mỹ. Bên giao gia công đứng ra liên hệ với người vận chuyển (hãng tàu), cung cấp thông tin, thanh toán cước vận chuyển. Bên nhận gia công, theo sự sắp xếp của bên giao gia công, chỉ đứng tên là người gửi hàng trong vận đơn hàng hải.
Lô hàng được hãng tàu vận chuyển đến Mỹ, nhưng vì một lý do nào đó, hãng tàu giao lô hàng cho bên mua mà không cần bên mua xuất trình vận đơn gốc khi nhận hàng như quy định. Điều này giúp cho bên mua có được lô hàng mà không cần thực hiện thủ tục thanh toán tiền mua lô hàng cho bên giao gia công.
Lợi dụng điều này, bên mua lấy lý do hàng không đạt tiêu chuẩn để từ chối thanh toán tiền mua lô hàng, trừ khi bên giao gia công chấp nhận bồi thường cho bên mua khoản tiền hơn 50% giá trị lô hàng. Bên giao gia công không thể chấp nhận đề nghị của bên mua, và sau khi cân nhắc, quyết định không kiện bên mua theo hợp đồng mua bán vì không thể trang trải nổi chi phí vụ kiện tại Mỹ, trong khi khả năng thắng kiện là không rõ ràng.
Thay vào đó, bên giao gia công yêu cầu bên nhận gia công đứng ra làm nguyên đơn khởi kiện hãng tàu tại Tòa án Việt Nam để đòi bồi thường tổn thất hàng hóa theo vận đơn hàng hải vì khả năng thắng kiện lớn hơn và chi phí theo kiện cũng thấp hơn nhiều so với tại Mỹ. Bên nhận gia công, mặc dù không muốn liên quan đến việc kiện tụng, nhưng cũng không thể từ chối vì bên giao gia công cho rằng không thể thanh toán phí gia công nếu không khởi kiện hãng tàu. Như vậy, bên nhận gia công đã ít nhiều bị phiền phức vì phải liên quan đến việc kiện tụng ngoài ý muốn.
Đó là chưa kể nếu bị tòa án xử bác yêu cầu khởi kiện và thanh toán các yêu cầu phản tố của hãng tàu, thì bên nhận gia công sẽ phải bồi thường thiệt hại cho hãng tàu và chịu án phí. Trong khi đó, bên giao gia công không bị liên quan gì.
2. Vì mong muốn đưa thành phẩm gia công sang thị trường Mỹ cho bên mua trong thời gian rất gấp, bên giao gia công thu xếp để vận chuyển thành phẩm bằng đường hàng không từ Việt Nam sang Mỹ và yêu cầu bên nhận gia công đứng tên là người gửi hàng trong các thư đặt chỗ và trong vận đơn hàng không.
Sau khi hàng được gửi lên máy bay, vì một lý do nào đó mà bên giao gia công quyết định không thanh toán cước vận chuyển gần 100.000 đô la và bỏ luôn lô hàng đang lưu kho tại Mỹ. Lô hàng không được giao cho bên mua vì vận đơn gốc vẫn nằm trong tay hãng vận chuyển. Hãng vận chuyển thấy không thể thu hồi gì được từ lô hàng quần áo hết mùa nên cũng bỏ mặc cho cơ quan chức năng của Mỹ xử lý. Cuối cùng, hãng vận chuyển không còn cách nào khác để thu hồi cước vận chuyển hơn là khởi kiện người gửi hàng theo vận đơn hàng không, đó là bên nhận gia công.
Bên nhận gia công ra sức chứng minh mình không phải là người chịu trách nhiệm thanh toán số cước vận chuyển mà phải là bên giao gia công. Nhưng tất cả các bằng chứng đều chống lại họ vì đã lỡ đứng tên trong tất cả các tài liệu liên quan như thư đặt chỗ và vận đơn hàng không.
Hai trường hợp nêu trên tiêu biểu cho việc các doanh nghiệp nhận gia công có thể vướng vào những vụ kiện tụng liên quan đến hợp đồng gia công. Và như đã phân tích sơ bộ ở trên, dù là ở vị trí nguyên đơn hay bị đơn, các doanh nghiệp nhận gia công cũng đều phải gánh chịu những phiền phức và đôi khi là những nghĩa vụ tài chính lớn gấp nhiều lần giá trị gia công mà họ được nhận.
Vì vậy, để tự bảo vệ mình trong hợp đồng gia công với nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng với tất cả các điều khoản giao kết. Mặt khác, doanh nghiệp nhận gia công cũng nên yêu cầu thanh toán theo một phương thức dứt khoát, tốt nhất là L/C không hủy ngang. Nếu phải đảm nhận việc giao thành phẩm cho bên mua, thì doanh nghiệp cần yêu cầu bên giao gia công phải giao tiền cước vận chuyển để đảm bảo việc thanh toán cước vận chuyển.
______________________
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – LS. ĐINH QUANG THUẬN – Công ty Luật TNHH P&P
Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/