1. Tố cáo hành vi bạo lực gia đình thì viết đơn như thế nào ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Mình năm nay 23 tuổi, mới kết hôn được 10 tháng, nhưng sau khi kết hôn chồng mình có hiện tượng bạo lực gia đình mặc dù mới kêt hôn chưa đầy 1 năm. Cụ thể khi mình mang bầu đc 8 tháng, khi có xích mích chồng mình có lôi kéo mình và đánh mình 1 cái vào lưng, ko có xước xát nhưng có đau bụng và sau đó không sao.

Lần thứ 2, khi có xích mích chồng mình có tát mình 6-7 cái tại 2 địa điểm, địa điểm thứ nhất có camera quay lại tát 1 cái, sau đó về nhà chốt cửa đánh khoảng 4-5 cái, mình có cầm kéo lên tự vệ, sau đó giằng co chồng mình làm mình bị đứt tay và chật khớp ngón tay, mặt sưng vẫn còn vết bàn tay. Mình có chụp ảnh lại.

Vậy mình muốn viết đơn tố cáo hành vi bạo lực gia đìn để chấm dứt ngay hành vi này trước khi đi đến ly hôn. Luật có thể giúp mình cách viết đơn và cần những giấy tờ gì không ạ ?

Cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân miễn phí, gọi: 1900.0191

 

Luật sư trả lời:

Trước hết, chúng tôi xin chia sẻ và cảm thông với hoàn cảnh của bạn. Dựa trên những thông tin được cung cấp, chúng tôi xin đưa ra lời tư vấn như sau:

– Ban đầu bạn cần sắp xếp thời gian trao đổi với chồng mình về những dự đính sắp tới: tiếp tục duy trì hay sẽ ly hôn.

– Nếu anh ta không hồi tâm chuyển ý thì chị mới tìm tới giải pháp tố cáo hành vi bạo lực gia đình.

Khoản 1 – Điều 49 – Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm về bạo lực gia đình như sau:

” Phạt tiền từ 1.000.000 đồng tới 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình”.

Theo đó, hành vi của chồng bạn đã vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình nên bạn hoàn toàn có quyền tố cáo chồng.

Về đơn tố cáo bạn cần trình bày những nội dung chính sau: Ai tố cáo? (Bạn đưa tên, địa chỉ của mình); tố cáo ai? (Tên, địa chỉ của chồng); Tại sao tố cáo? ( Bạn trình bày những mâu thuẫn gia đình, hành vi bạo lực gia đình của chồng); Có gì chứng minh ( bạn đưa ra những hình ảnh, thông tin, video…lời làm chứng. Đây chính là những tài liệu, giấy tờ bạn cần nộp khi tố cáo chồng mình).

Tuy nhiên bạn cũng cần xem xét thật kỹ lại rằng: có thực sự phải đưa đơn tố cáo hay không? Liệu có giải pháp nào xử lý tốt hơn không?

 

2. Vì sao bạo lực gia đình vẫn không giảm ?

Luật Phòng chống bạo lực gia đình chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2007. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em – đối tượng có khả năng bị bạo lực trong gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau hơn 2 năm thực hiện, luật vẫn chưa thể đi sâu vào cuộc sống.

1.001 lý do bạo hành

Hơn 6 giờ chiều một ngày cuối tháng 8-2009, chị Đinh Thị H. tìm đến địa chỉ tin cậy cộng đồng quận Tân Phú với tâm trạng hoảng loạn, mặt mũi bầm tím, nhiều chỗ trên người còn rướm máu.

Chị T. cho biết, hai vợ chồng đều là công nhân, đang ở trọ tại quận Bình Tân. Do cuối tháng chưa lĩnh lương, tiền hai vợ chồng dành dụm được mỗi tháng đều gửi về quê cho bà ngoại nuôi cháu, nên bữa cơm chiều hôm ấy chỉ có đậu phụ chiên và canh rau. Vừa dọn ra, anh bê cả mâm cơm hất ra hành lang rồi thẳng tay đánh chị, miệng không ngừng chửi rủa rằng, chị đưa tiền cho “trai” nên mới bắt anh phải ăn khổ sở như thế.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh H. thì lại thường xuyên xung đột, tranh cãi vì cuộc sống khó khăn. Anh không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, lại thường xuyên nhậu nhẹt rồi về nhà gây chuyện với vợ con.

Đầu năm 2007, chị H. sinh con thứ 3 cũng là thời điểm mâu thuẫn vợ chồng trở nên căng thẳng. Những lần “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của anh dành cho chị diễn ra thường xuyên hơn. Không thể tiếp tục chịu đựng, chị H. đã ôm con nhỏ hơn 3 tháng tuổi tìm đến chùa Bình An (quận Bình Tân) xin tạm lánh.

Còn chị Hoàng Thị M. (quận 8 đã chịu cảnh bị chồng “giam lỏng” hơn 3 năm nay. Từ khi anh chị cưới nhau, chỉ vì anh có tính ghen tuông nên cấm vợ ra ngoài một mình, kể cả về nhà ngoại hay đi chợ, chị cũng phải đi cùng người quen về nhà anh mới không gây chuyện…

Theo thống kê của Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em Việt Nam, 97% nạn nhân trong các vụ bạo hành gia đình là phụ nữ. Nạn nhân là những người vợ, người mẹ trong gia đình phải chịu sự hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần bởi các nguyên nhân như ghen tuông, nát rượu, xung đột, mâu thuẫn gia đình… Nhiều phụ nữ đã chấp nhận sống cùng nạn bạo lực trong suốt thời gian dài, vì không thể tìm ra lối thoát cho bản thân.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình gọi số:1900.0191

Tuyên truyền chưa tới …

Đến nay, tại TPHCM đã thành lập 3 địa chỉ tin cậy cộng đồng (còn gọi là “nhà tạm lánh”) ở các quận Tân Phú, Bình Tân và quận 12 nhằm kịp thời hỗ trợ cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, hội phụ nữ, tổ hòa giải, cơ quan công an cấp cơ sở cũng có nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình và can thiệp vào các vụ việc cụ thể.

Tuy nhiên, theo nhận xét của một số cán bộ Hội Phụ nữ, tình trạng bạo hành trong gia đình vẫn xảy ra ngày càng tăng, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, sự việc ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do việc phổ biến, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình đến người dân chưa hiệu quả nên các quy định của luật chưa đi vào thực tế.
Theo một cán bộ Hội Phụ nữ phường 11 quận 8, hiệu quả của việc phòng chống bạo lực gia đình còn kém là do sự phối hợp chưa đồng bộ của các cơ quan chức năng, các hình thức xử lý chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, khuyên răn, giáo dục. Chỉ khi nào nạn nhân chứng minh được là thương tích 11% trở lên mới truy cứu. Song không phải lúc nào nạn nhân cũng được đi giám định, cơ sở y tế địa phương cũng không đủ khả năng làm điều này.

Nhiều trường hợp cơ quan chức năng phạt tiền người chồng đánh vợ, song người vợ phải đứng ra nộp tiền thay, vì ông chồng không có khả năng kiếm tiền. Do vậy, hầu hết phụ nữ đều nhẫn nhục chịu đựng, không muốn để người ngoài biết, các vụ được biết đến chỉ khi có hậu quả quá nghiêm trọng.

Nói về vấn đề này, chị Lê Thị Cẩm Nhung, cán bộ Hội Phụ nữ xã Bình Chánh huyện Bình Chánh, cho rằng: “Tuy sự can thiệp ở cấp độ cộng đồng đối với tình trạng bạo lực gia đình đã có tác động kịp thời nhưng vẫn còn nhỏ lẻ. Mặt khác, do vấn đề bạo lực gia đình chủ yếu vẫn được coi là vấn đề của phụ nữ nên việc can thiệp và công tác tuyên truyền chưa lôi cuốn được nam giới tham gia. Nhận thức không đầy đủ về bạo lực gia đình và bình đẳng giới cũng khiến cho việc tiếp cận với các đối tượng gây và bị bạo hành trong gia đình trở nên khó khăn hơn”.

Việc đưa Luật Phòng chống bạo lực gia đình đến với người dân, để mọi công dân đều hiểu biết và tự giác chấp hành sẽ góp phần rất quan trọng trong việc ngăn ngừa, hạn chế bạo lực trong gia đình. Để làm được điều này, rất cần sự chung tay, phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể…

(LVN GROUP FIRM: Biên tập.)

 

3. Thế nào là hành vi bạo lực gia đình ?

Thưa Luật sư của LVN Group, chúng tôi sống với nhau như vợ chồng từ 2014 đến nay (2016) không đăng ký kết hôn. Chúng tôi có 1 con, anh ấy thường có những lời nói xúc phạm đến tôi và gia đình bố mẹ của tôi. Nhiều khi tôi muốn bỏ nhưng thương con nên tôi cứ sống vậy.
Xin Luật sư của LVN Group cho tôi hỏi: những lời nói và hành vi như vậy của anh ấy có bị coi là hành vi bạo lực gia đình không ? Có bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bạo lực gia đình hay không?
Xin chân thành cảm ơn Luật sư của LVN Group.

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân trực tuyến qua tổng đài:1900.0191

 

Luật sư tư vấn:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Điều 9. Đăng ký kết hôn

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn….

Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”

Và Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.”

Như vậy, căn cứ theo nội dung mà bạn trình bày và các quy định của pháp luật thì hai bạn sống với nhau như vợ chồng từ năm 2014 đến năm 2016 không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Việc anh ấy thường có những lời nói xúc phạm đến bạn và gia đình bố mẹ của bạn thì những lời nói và hành vi như vậy của anh ấy không được coi là hành vi bạo lực gia đình mà sẽ được coi là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình. Và trong trường hợp này anh chồng bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi của anh ta.

 

4. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình ?

Thưa Luật sư của LVN Group, tôi có một người bạn đang muốn ly hôn với chồng. Tuy nhiên vì lý do người nhà và chồng cô ấy thường xuyên đánh đập, tra tấn và hăm dọa cô ấy nên cô ấy không dám phản kháng.

Vậy xin hỏi Luật sư của LVN Group:

1/ Có hướng giải quyết tình trạng này dưới sự giúp đỡ của pháp luật không?

2/ Sau khi giải quyết thì có thể yêu cầu tòa án tách biệt những người tra tấn và hâm dọa cô ấy không?

3/ Sau khi giải quyết thì có thể hổ trợ tìm việc và nơi trú ngụ cho cô ấy không?

Xin cảm ơn!

Trả lời:

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì hành vi đánh đập, tra tấn, hăm dọa… của người chồng đối với bạn của bạn (tạm gọi là chị A) là hành vi bạo lực gia đình. Trong trường hợp này, chị A hoặc người phát hiện hành vi bạo lực gia đình có thể thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực để kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực của người chồng cũng như bảo vệ được cho cho chị A. Ngoài ra, chị A cũng có thể đơn phương yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề cấm tiếp xúc, khoản 1 Điều 20 và khoản 1 Điều 21 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định:

“Điều 20. Cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;

b) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;

c) Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.

Điều 21. Cấm tiếp xúc theo quyết định của Toà án

1. Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;

b) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;

c) Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.”

Như vậy, nếu chị A có đủ điều kiện trên thì chị A có thể nộp đơn yêu cầu cho Tòa án hoặc UBND xã để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với người chồng.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Rất cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

 

5. Quy định xử phạt hành chính cho bạo lực gia đình ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Vợ tôi nhiều lần hỗn láo với tôi và mẹ tôi tôi khuyên bảo nhiều lần không được và tôi đã có nói với bố mẹ vợ tôi cũng không được nên tôi đã tát vào mặt một cái thì tôi có bị xem là bạo lực gia đình không ?
Cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật tư vấn pháp luật Hôn nhân, gọi: 1900.0191

 

Trả lời:

– Căn cứ vào khoản 1 điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007

“Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình

1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.”

Theo thông tin anh cung cấp, việc anh có “tát vào mặt một cái” được coi là hành vi đánh đập xâm hại đến sức khỏe tính mạng, đây chính là bạo lực gia đình.

– Căn cứ vào điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

Điều 49: Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Như vậy, hành vi “tát vào mặt một cái” của anh sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000đ đến 1.500.000đ và buộc phải xin lỗi công khai khi vợ anh có yêu cầu.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay tới số: 1900.0191 để được giải đáp.= Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.