Những nhãn hàng đặc biệt như thuốc lá, bia rượu chi 30 – 40 % tổng doanh thu cho việc quảng cáo. Vậy làm thế nào để xây dựng và quảng bá thương hiệu một cách mạnh mẽ với nguồn kinh phí hạn chế. Chỉ còn một cách, “hữu xạ tự nhiên hương”. Dưới đây là một số cách thức giúp các nhà quản lý xây dựng thương hiệu một cách có hiệu quả.
Luật sư tư vấn bảo hộ nhãn hiệu quyền tại Việt Nam 1900.0191
Xây dựng tình yêu thương hiệu cho nhân viên
Danh tiếng một thương hiệu phụ thuộc nhiều vào chức năng quảng bá, tuyên truyền; và đội ngũ nhân viên là những người trực tiếp lan tỏa điều này. Như vậy, công việc marketing nội bộ cần được cấp quản lý của từng đơn vị, phòng ban thực hiện. Đây không chỉ là các biện pháp giữ chân người tài, chọn lọc người giỏi mà quan trọng hơn cả là gắn kết nhân viên với công ty.
Môi trường làm việc, danh tiếng và văn hóa công ty chính là nguồn khơi dậy hưng phấn làm việc của mỗi nhân viên và tạo điều kiện để nhân viên có thể phát huy tối đa năng lực của mình. Bên cạnh đó, cần trang bị cho mỗi nhân viên nắm vững quy trình và các thông tin về dịch vụ – sản phẩm cùng hệ thống nhận diện thương hiệu.
Tạo điều kiện để nhân viên tiếp thu và mở mang kiến thức, hiểu biết trong chuyên ngành để phục vụ cho chính công việc của họ, đó là các thông tin về giá cả sản phẩm và thị trường tiêu thụ được cập nhật hằng ngày. Đối với ngành cung ứng là các báo chí chuyên ngành về đầu thầu, dự án – công trình mới, hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất; đối với ngành dịch vụ là các lớp học về kỹ năng giao tiếp, sách báo về nghệ thuật chinh phục khách hàng…
Quảng bá thương hiệu qua Internet
Website của công ty cũng như các web bán hàng trực tuyến, các diễn đàn và mạng xã hội là công cụ quảng bá thương hiệu tối ưu.
Lượng khách hàng tiềm năng biết đến sản phẩm, dịch vụ thông qua kênh thông tin này khá lớn bởi thời đại này, người ta mua hàng chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Thuyết phục khách hàng bằng “giấy trắng mực đen”
Nhân viên cần chú ý đến các tài liệu chuyên nghiệp để tiếp cận với khách hàng như tờ rơi, catalogue, hồ sơ năng lực về chuyên ngành của công ty. Đây là những thông tin được khách hàng tiềm năng tiếp nhận dễ dàng nhất.
Ngoài ra, ấn phẩm nội bộ chuyển tải các sự kiện trong công ty cũng là tài liệu được quan tâm. Văn hóa công ty vững mạnh cũng như nguồn nhân lực giỏi giang được thể hiện qua những ấn phẩm này. Đây cũng có thể là sự thu hút khách hàng về mặt cảm giác.
Xây dựng thương hiệu qua dịch vụ khách hàng
Dịch vụ khách hàng cũng như chăm sóc khách hàng là một trong những đầu tàu quyết định việc khách hàng có quay lại hay không.
Chương trình nghiên cứu dịch vụ hỗ trợ khách hàng – Đại học Havard (còn gọi là TARP) phát hiện ra rằng chỉ có 1/26 khách hàng sẽ phàn nàn khi gặp chuyện không vừa ý. Như vậy, nếu bạn nhận được lời phàn nàn của 10 khách hàng, tức đang có tới 260 khách hàng khác giữ kín miệng và lặng lẽ rời bỏ công ty của bạn sang mua hàng của các đối thủ cạnh tranh. Như vậy, việc làm thương hiệu có liên quan mật thiết đến quy trình tiếp nhận những lời phàn nàn của khách hàng. Đó có thể một lỗi nhỏ của sản phẩm, một trục trặc trong khâu cung ứng dịch vụ; có thể là thái độ bất hợp tác, không thiện chí của nhân viên.
Hiểu rõ các suy nghĩ của khách hàng và quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng là một trong những bước xây dựng thương hiệu tốt nhất.
Thăm hỏi, tặng quà cho mọi đối tượng khách hàng, nhất là khách hàng tiềm năng
Gọi điện, email thăm hỏi với những khách hàng có sự quan tâm đến sản phẩm của công ty dù hiện tại họ chưa sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, có thể tặng những món quà nhỏ để tỏ sự quan tâm nhằm tiếp cận và phát triển nguồn khách hàng trong tương lai. Chú ý, những quà tặng phải là vật nhắc nhớ thương hiệu bằng cách in logo công ty lên quà tặng hoặc lồng ghép những giới thiệu về thương hiệu qua quà tặng.
Cẩn thận khi xây dựng thương hiệu nhánh
Thông thường, thương hiệu đạt được thành công không chỉ bởi yếu tố chất lượng, hay giá cả của sản phẩm, mà còn bởi chúng thiết lập được mối liên hệ cảm xúc với khách hàng.
Như vậy, khách hàng yêu thích thương hiệu mẹ thì sẽ có cảm tình muốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu nhánh. Đồng thời, hiệu ứng ngược lại là họ sẽ ghét lây thương hiệu mẹ nếu không hài lòng với dòng sản phẩm mới. Cho nên việc xây dựng thương hiệu nhánh với chất lượng tốt là điều rất quan trọng.
Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu chuẩn
Mỗi một thương hiệu được nhận diện ra cộng đồng thông qua sản phẩm, dịch vụ; tuy nhiên điều khiến khách hàng nhớ đến nhiều nhất là màu sắc thương hiệu cùng với logo, câu khẩu hiệu (slogan) cùng các cụm hình ảnh đi kèm… Cho nên phải bảo đảm tất cả các tài liệu quảng bá, tiếp thị phải thống nhất, tương đồng về màu sắc và hình ảnh. Hệ thống các vật phẩm văn phòng như danh thiếp, bảng hiệu, bao bì… cùng như quà tặng thương hiệu cần được thiết kế theo tông màu chuẩn kèm logo công ty.
Việc áp dụng chuẩn mực về các công văn, giấy tờ, biển biểu… thống nhất về thương hiệu thể hiện tính chuyên nghiệp, sự tôn trọng trong giao dịch (bên ngoài và nội bộ) đồng thời cũng là cách gia tăng giá trị thương hiệu.
Như vậy, 7 bước trên là các nấc thang nhằm khuyếch trương thương hiệu một cách hiệu quả mà không bị cản trở bởi nguồn kinh phí hạn hẹp.
Theo VnExpress
(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)