biện pháp cưỡng chế. Biện pháp đầu tiên được ghi nhận tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự là biện pháp “Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án”. Biện pháp này hiện đã và đang được các cơ quan thi hành án áp dụng rất hiệu quả trong thực tiễn.

1. Cưỡng chế thi hành án dân sự là gì ?

Cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp cưỡng chế bắt buộc của cơ quan thi hành án do Chấp hành viên quyết định theo thẩm quyền nhằm buộc đương sự phải thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của tòa án, được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành trong thời hạn do Chấp hành viên ấn định, hoặc trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, hủy hoại tài sản.

Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự (BPCC THADS) là một biện pháp nghiêm khắc nhất trong quá trình Chấp hành viên tổ chức thi hành án, do đó, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014) – Văn bản hợp nhất Luật thi hành án năm 2008 và 2014 – Văn bản hợp nhất số 32/VBHN-VPQH năm 2020 quy định rất chặt chẽ về cưỡng chế trong thi hành án dân sự. Điều 9 tại Văn bản hợp nhất số 32/VBHN-VPQH quy định

Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này.

Điều 46 Văn bản hợp nhất số 32/VBHN-VPQH quy định:

Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế; Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định

Ngoài ra, việc cưỡng chế thi hành án còn được quy định cụ thể hơn trong Nghị định 62/2015/NĐ-CP và nghị định 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định 62/2015/NĐ-CP. Qua đó, cho thấy thủ tục cưỡng chế và áp dụng biện pháp bảo đảm trong thi hành án dân sự giữ một vai trò rất quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án. Mặc dù cơ sở pháp lý chưa được quy định cụ thể hơn trong các văn bản dưới luật nhưng nhìn chung là đầy đủ và cần thiết cho Chấp hành viên áp dụng trong thực tế tổ chức thi hành án dân sự.

2. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định pháp luật hiện hành

Theo quy định của Luật thi hành án dân sự, hiện nay có 06 biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm:

– Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

Đây là biện pháp được áp dụng đối với có nghĩa vụ phải thi hành nghĩa vụ trả tiền mà người phải thi hành án đang có tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc đang sở hữu các giấy tờ có giá.

– Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

Biện pháp này thường được áp dụng khi người phải thi hành án có thu nhập thực tế và không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ.

– Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

Việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án được thực hiện trong trường hợp người thi hành án chỉ có tài sản mà tài sản đó lại đang do người thứ bao bảo quản và người thi hành án không tự nguyện thi hành án.

– Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

Biện pháp này được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án và giá trị tài sản của người phải thi hành án quá lớn so với nghĩa vụ họ phải thi hành – nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định của Toà án.

– Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

Biện pháp này áp dụng đối với trường hợp người thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật hoặc quyền tài sản theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng cố tình không thực hiện.

– Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Đối tượng của biện pháp này là một công việc nhất định mà người phải thi hành án phải làm hoặc không được làm dựa trên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

3. Điều kiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự

Theo quy định pháp luật thi hành án, để áp dụng các biện pháp thi hành án nói chung và các biện pháp thi hành án dân sự nói riêng thì cần phải đáp ứng điều kiện nhất định.

Thứ nhất, người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định được đưa ra thi hành của Tòa án, quyết định của trọng tài, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc phải nộp phí thi hành án.

Thứ hai, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án và người có thẩm quyền thi hành án đã xác minh và khẳng định là người đó có đủ điều kiện thi hành án.

Thứ ba, đã hết thời gian tự nguyện thi hành án mà người đó không tự nguyện thi hành ấn hoặc chưa hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng để ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.

Nguyên tắc áp dụng các biện pháp thi hành án

Thứ nhất, chỉ người có thẩm quyền thi hành án mới có quyền áp dụng các biện pháp thi hành án và chỉ được áp dụng một trong các biện pháp thi hành án được liệt kê tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự.

Thứ hai, chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án khi hết thời gian tự nguyện thi hành trừ trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay.

Thứ ba, không được cưỡng chế thi hành án trong thời gian mà pháp luật quy định không được cưỡng chế.

Thứ tư, trường hợp áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành án thì việc áp dụng mỗi biện pháp phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và chi phí hợp lý về thi hành án.

4. Biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

Khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án là một trong các biện pháp cướng chế thi hành án, được áp dụng trong trường hợp người đó phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định mà họ đang có tiền trong tài khoản hoặc đang sở hữu giấy tờ có giá. Nếu người phải thi hành án- thực hiện nghĩa vụ trả tiền, mà họ đang giữ tiền, giấy tờ có giá hoặc gửi tại kho bạc, tổ chức tín dụng thì đây sẽ này sẽ là biện pháp cưỡng chế đầu tiên đầu tiên được áp dụng.

Thủ tục cưỡng chế thi hành án khấu trừ tiền trong tài khoản:

– Chấp hành viên ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Số tiền khấu trừ không được vượt quá nghĩa vụ thi hành án và chi phí cưỡng chế.Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tiền gửi tại nhiều Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác nhau thì Chấp hành viên căn cứ số dư tài khoản để quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản để đảm bảo thu đủ tiền phải thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án (nếu có).

– Quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản phải ghi rõ các nội dung sau: Ngày, tháng, năm ban hành quyết định. Căn cứ ban hành quyết định. Họ tên Chấp hành viên. Họ tên người phải thi hành án. Số tài khoản của đương sự. Tên, địa chỉ Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác nơi mở tài khoản. Số tiền phải khấu trừ. Số tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự nhận khoản tiền bị khấu trừ và thời hạn thực hiện việc khấu trừ.

-Thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản. Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải khấu trừ tiền để chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc chuyển cho người được thi hành án theo quyết định khấu trừ.

– Chấm dứt khấu trừ tiền trong tài khoản. Việc phong toả tài khoản được chấm dứt trong các trường hợp sau đây: Người phải thi hành án đã thi hành xong nghĩa vụ thi hành án; Cơ quan, tổ chức đã thực hiện xong yêu cầu của Chấp hành viên về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án; có quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 50 của Luật thi hành án dân sự năm 2008. Chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc phong toả tài khoản ngay sau khi có căn cứ nêu trên.

Thủ tục thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án

– Trường hợp phát hiện người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu giữ giấy tờ đó để thi hành án.

– Người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án phải chuyển giao giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá không giao giấy tờ cho cơ quan thi hành án dân sự thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển giao giá trị của giấy tờ đó để thi hành. Việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Khó khăn khi thực hiện cưỡng chế thi hành án

Bên cạnh việc áp dụng hiệu quả các biện pháp cưỡng chế thi hành án thì vẫn còn một số khó khăn cần kể tới.

– Đầu tiên, việc thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án do người có thẩm quyền thi hành án tiến hành xác minh gặp nhiều khó khăn do vướng phải các quy định về bảo mật thông tin khách hàng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Các tổ chức tín dụng sẽ viện dẫn quy định tại Điều 14 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 để từ chối cung cấp thông tin về tài khoản của người phải thi hành án.

– Khó xác minh thu nhập của người phải thi hành án. Ví dụ, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án rất khó xác minh vì tài sản, thu nhập của người khác thuộc bí mật thông tin và được pháp luật bảo vệ.

– Người có thẩm quyền thi hành án muốn xác minh phải nhờ cơ quan chức năng khác. Trường hợp người được thi hành án trực tiếp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin thì càng khó khăn hơn. Chưa kể, việc bị từ chối cung cấp thông tin hoặc cố tình cung cấp sai.

– Ngoài các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản là tiền, Luật thi hành án dân sự còn quy định các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản là giấy tờ có giá. Điều này là hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển của xã hội. Hiện nay, mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền sở hữu đối với tài sản là các loại giấy tờ có giá như: Tín phiếu, trái phiếu, cổ phiếu … Đây không phải là tiền nhưng có giá trị quy đổi thành tiền nên có giá trị thi hành án, hơn nữa, có một số loại giấy tờ có giá đạt giá trị rất lớn so với thời điểm ban đầu cá nhân, tổ chức sở hữu nó như cổ phiếu.

Trân trọng!