1. Khái niệm bắt người
Bắt người là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị tình nghi thực hiện tội phạm hoặc người phạm tội quả tang hoặc người đang quyết định truy nã hoặc người đã bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Biện pháp bắt người được áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc người bị tình nghi thực hiện tội phạm hoặc tội phạm quả tang hay có quyết định truy nã, có lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Bắt người là một biện pháp ngăn chặn mang tính chất đặc thù, nó được thể hiện ở chỗ thường được áp dụng liền trước các biện pháp tạm giữ hoặc tạm giam để hạn chế tự do cá nhân của người bị bắt bằng việc bắt và dẫn giải đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Bắt người là biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do cá nhân của người bị áp dụng và nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do thân thể của công dân được quy trong Hiến pháp năm 2013 nên khi áp dụng biện pháp ngăn chặn này các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải cân nhắc thận trọng trên tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời phải đảm bảo quyền tự do thân thể của công dân.
2. Trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam
2.1 Khái niệm
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người có quyết định khởi tố với tư cách là bị can hoặc người đã có quyết định của Tòa án đưa ra xét xử để tạm giam nhằm tạo điêỳ kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố xét xử hoặc thi hành án hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam tại Điều 113 và Điều 119, cụ thể được xác định như sau:
2.2 Đối tượng áp dụng
Người bị bắt chỉ có thể là bị can, bị cáo, một người có hành vi phạm tội hoặc là hành vi của họ có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa có quyết định khởi tố của cơ quan có thẩm quyền thì không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn này đối với họ.
2.3. Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người
Căn cứ theo quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì chỉ những bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng và có căn cứ theo quy định tại Điều 119 thì mới được áp dụng biện pháp ngăn chặn này, cụ thể có ba trường hợp được bắt bị can, bị cáo để tạm giam, như sau:
– Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng
– Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm tù và có căn cứ được quy định tại Khoản 2 Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
“Điều 119. Tạm giam
2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này”.
2.4 Thẩm quyền áp dụng
Thẩm quyền được ra quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định tại Khoản 5 Điều 119 và Khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể bao gồm những người sau đây:
– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
– Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
– Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
2.5 Thủ tục áp dụng
Khi áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải tuân thủ theo các thủ tục như sau:
– Phải có lệnh bắt của người có thẩm quyền;
– Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định và giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt, giao lệnh, quyết định cho người bị bắt. Đồng thời bị can, bị cáo được giao quyết định áp dụng biện pháp bắt để tạm giam đối với mình.
– Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
– Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.
3. Bắt người phạm tội quả tang
3.1 Khái niệm
Bắt người phạm tội quả tang là trường hợp bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hay đuổi bắt.
3.2 Căn cứ áp dụng
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về căn cứ áp dụng bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang, cụ thể khi có ít nhất 1 trong 3 căn cứ sau:
– Hành vi phạm tội đang xảy ra
– Người phạm tội vừa thực hiện xong tội phạm thì bị phát hiện và bị bắt. Khi bắt người phạm tội quả tang trong trường hợp này cần có căn cứ để chứng minh người đó vừa thực hiện xong hành vi phạm tội, chưa kịp cất giấu công cụ, phương tiện hoặc những vật là tác động của tội phạm.
– Người vừa thực hiện xong tội phạm hoặc đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện và bỏ chạy, bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm đã đuổi bắt.
3.3 Thẩm quyền áp dụng
Thẩm quyền bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang được áp dụng cho mọi công dân. Do tính chất cấp bách phải ngăn chặn ngay tức khắc hành vi phạm tội và việc trốn tránh pháp luật của người phạm tội, cũng như để phát huy tích cực chủ động của quần chúng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
3.4 Thủ tục áp dụng
Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Sau khi bắt được người phạm tội quả tang, người bị bắt phải dẫn giải đến Ủy ban nhân dân, cơ quan Công án, Viện kiểm sát nơi gần nhất. Các cơ quan này sau khi nhận người bị bắt phải lập biên bản phạm tội quả tang và phải dẫn giải ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Cơ quan điều tra có thẩm quyền khi nhận người bị bắt phải tiến hành thẩm vấn ngay để ra quyết định tạm giữ hay trả tự do cho họ.
4. Bắt người đang bị truy nã
4.1 Khái niệm
Bắt người đang bị truy nã là bắt người có hành vi phạm tội đang trốn tránh việc điề tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đã bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định truy nã, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở của chín quyền xã, phường, thị trấn và các nơi công cộng để lùng bắt.
Người bị truy nã là người có hành vi phạm tội đã bị các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã, các đối tượng bị truy nã bao gồm: bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu, người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; người bị kết án phạt tù bỏ trốn, người bị kết án tử hình bỏ trốn; người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án phạt tù bỏ trốn.
4.2 Thẩm quyền áp dụng
Cũng giống như trường hợp bắt người phạm tội quả tang, thẩm quyền bắt người đang bị truy nã được luật tố tụng hình sự quy định cho mọi công dân. Việc bắt người đang bị truy nã do tính cấp bách phải ngăn chặn ngay tức khắc việc trốn tránh pháp luật của người phạm tội cũng như để huy động tích cực, chủ động quần chúng nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Khoản 1 Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể như sau:
“Điều 112. Bắt người đang bị truy nã
1. Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
4.3 Thủ tục áp dụng
Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Sau khi bắt được người bị truy nã, người bị bắt phải được dẫn giải đến Ủy ban nhân dân, Cơ quan công an, Viện kiểm sát nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này sau khi nhận người bị bắt phải tiến hành lập biên bản và phải dẫn giải ngay đến cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã.
Luật LVN Group