1. Thế nào là tín chấp?
Điều 344 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
Điều 344. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị – xã hội
Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Tín chấp thuộc nhóm các biện pháp bảo đảm có tính chất đối nhân (cùng với biện pháp bảo lãnh), hay còn gọi là các biện pháp bảo đảm không bằng tài sản. Biện pháp bảo đảm này được dùng để thực thi các chính sách hỗ trợ người nghèo – đối tượng không có tài sản bảo đảm trong việc tiếp cận vốn vay của Chính phủ. Nó có tính chất “tương trợ”, hô trợ cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn. Tuy nhiên, khác với bảo lãnh, tín chấp thuần túy là dùng uy tín để cam kết (và bảo đảm) về khả năng trả nợ vốn vay của bên có nghĩa vụ. Bên cho vay tin tưởng vào bên tín chấp sẽ kiểm soát việc vay và sử dụng tiền vay có hiệu quả. Mặt khác, việc cho vay là một chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước, cho nên chủ thể cho vay là các tổ chức tín dụng. Thông thường tín chấp được áp dụng giữa Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở dùng uy tín của tố chức để bảo đảm cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất hoặc tiêu dùng vào những công việc cần thiết như vay tiền cho con đi học đại học.
Pháp luật quy định về trình tự thủ tục, điều kiện, thời hạn trả nợ và quyền nghĩa vụ của tổ chức chính trị – xã hội cơ sở, quyền và nghĩa vụ của người vay. Tổ chức chính trị -xã hội có trách nhiệm chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng.
Bên vay vốn có nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng và tổ chức chính trị – xã hội kiểm tra việc sử dụng vốn vay, trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay đúng hạn cho tổ chức tín dụng. Trong quan hệ tín chấp, tổ chức chính trị xã hội không có nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay.
2. Chủ thể trong quan hệ tín chấp
– Bên bảo đảm: Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở
Tổ chức chính trị-xã hội là các tổ chức được thành lập bởi những thành viên đại diện cho lực lượng xã hội nhất định, thực hiện các hoạt động xã hội rộng rãi và có ý nghĩa chính trị nhưng các hoạt động này không nhằm tới mục đích giành chính quyền.
Các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể đứng ra đảm bảo vay cho các cá nhân, hộ gia đình nghèo như:
+ Hội Nông dân Việt Nam;
+ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
+ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
+ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
+ Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
– Bên nhận bảo đảm: các tổ chức tín dụng
Khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
– Bên được bảo đảm là cá nhân, hộ gia đình nghèo: Hiện nay, việc xác định chuẩn nghèo được căn cứ theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19 tháng 11 năm 2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2019. Trên thực tế, để xác định các hộ gia đình nghèo thì căn cứ vào danh sách được lập trên địa bàn các xã, phường. Những hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước.
Sở dĩ, chỉ cá nhân, hộ gia đình nghèo mới được vay tín chấp bởi lẽ biện pháp tín chấp không đòi hỏi cá nhân, hộ gia đình phải dùng lợi ích vật chất để bảo đảm, phù hợp với điều kiện kinh tế của cá nhân, hộ gia đình nghèo. Hơn nữa, vay tín chấp tại các Ngân hàng chính sách xã hội là chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước nhằm thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.
3. Hình thức của tín chấp
Theo Điều 345 Bộ luật dân sự 2015 có quy định hình thức của tín chấp như sau:
Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.
Hợp đồng vay vốn đươc giao kết giữa tổ chức tín dụng và cá nhân, hộ gia đình thuộc đôi tượng chính sách – xã hội. Trong hợp đồng cần phải có sự xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội đứng ra bảo đảm cho bên vay về hoàn cảnh gia đình, điều kiện vay… Quy định này nhằm đảm bảo tính xác thực của việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng biện pháp tín chấp, vì so với các biện pháp bảo đảm được xác lập theo thỏa thuận, tính chất bảo đảm của biện pháp tín chấp rất thấp. Theo đó, tín chấp thuần túy là dùng uy tín để cam kết (và bảo đảm) về khả năng trả nợ vốn vay của bên có nghĩa vụ. Trường hợp bên vay không trả được nợ thì bên nhận bảo đảm (là các tổ chức tín dụng) không thể xử lý uy tín của tổ chức chính trị xã hội – yếu tố thuộc về “chính trị – tinh thần”, không phải là yếu tố “vật chất” để thu hồi nợ được. Bên cạnh đó, đối tượng được tiếp cận vốn vay theo hình thức bảo đảm này là những người có hoàn cảnh khó khăn, đó là cá nhân, hộ gia đình nghèo. Do đó, cần có sự xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.
4. Nội dung tín chấp
Điều 345 Bộ luật dân sự 2015:
“Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp.”
Cụ thể, nội dung của hợp đồng tín chấp bao gồm các nội dung sau:
– Số tiền vay: Số tiền vay được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về việc cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn và được áp dụng như nhau đối với các chủ thể này.
– Mục đích vay tín chấp: Vay tín chấp luôn có quy định cụ thể về mục đích vay. Mục đích vay trong tín chấp thường hướng đến việc sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi,…
– Thời hạn vay: Thời hạn vay được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý. Bên cạnh việc xác định thời hạn vay theo đơn vị thời gian, thời hạn vay còn được xác định theo một sự kiện nhất định ( Ví dụ: Cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay tín chấp để đi xuất khẩu lao động thì thời hạn vay theo thời gian đi xuất khẩu lao động).
– Lãi suất: Lãi suất được quy định cụ thể trong các văn bản quy định về chương trình cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay tín chấp. Có thể coi đây là một hình thức vay vốn lãi suất thấp bởi lãi suất trong vay tín chấp thường thấp hơn so với lãi suất thông thường.
– Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể: Bao gồm người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp.
5. Phân biệt tín chấp và bảo lãnh
Tín chấp và bảo lãnh đều là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, do bên thứ ba thực hiện, là biện pháp đối nhân. Tuy nhiên, hai biện pháp này cũng có sự khác nhau.
– Căn cứ pháp lý: Điều 335, Điều 344 Bộ luật dân sự 2015.
– Định nghĩa:
+ Tín chấp là việc tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở bảo đảm bằng uy tín cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
+ Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
– Hình thức:
+ Tín chấp: Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.
+ Bảo lãnh: Pháp luật không quy định hình thức của biện pháp bảo lãnh.
– Bên được bảo đảm:
+ Đối với tín chấp thì bên được bảo đảm chỉ gồm cá nhân, hộ gia đình nghèo.
+ Còn bên được bảo lãnh có thể là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào
– Bên bảo đảm:
+ Chỉ có tổ chức chính trị- xã hội ở cấp cơ sở mới có thể đứng ra tín chấp
+ Có thể là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có khả năng
– Bên nhận bảo lãnh:
+ Trong quan hệ tín chấp thì bên nhận bảo lãnh là tổ chức tín dụng
+ Còn đối với bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh có thể là tổ chức tín dụng, cũng có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
– Nội dung:
+ Tín chấp cho cá nhân là thành viên của tổ chức mình trong quan hệ vay vốn với tổ chức tín dụng
+ Bảo lãnh cho một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự
– Trách nhiệm của bên bảo đảm:
+ Bên bảo đảm tín chấp là các tổ chức chính trị – xã hội không có nghĩa vụ thực hiện thay cho bên được bảo đảm tín chấp ( tức bên đi vay nợ). Nghĩa vụ của họ chỉ là giám sát và đôn đốc việc trả nợ của bên đi vay.
+ Bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh chưa hoàn thành cho bên nhận bảo lãnh. Sau đó bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.