Chứng thực hợp đồng nhiều sai sót
Tham gia Đoàn kiểm tra công tác CCHC của tỉnh Đồng Tháp để kiểm tra việc thực hiện công tác chuyên môn ở UBND cấp xã (hộ tịch, chứng thực, địa chính…) chúng tôi thấy, hầu hết các hợp đồng không bảo đảm theo quy định, nhưng người có thẩm quyền chứng thực ở UBND xã đều ký tên và đóng dấu đỏ. Hiện nay ở cấp xã chủ yếu chứng thực các hợp đồng thực hiện quyền của người sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT. Quy trình chứng thực thường là, trên cơ sở những hợp đồng do các tổ chức tín dụng soạn sẵn và hai bên (bên vay và tổ chức tín dụng) thỏa thuận “bỏ trống” hầu hết các nội dung quan trọng trong các điều khoản của hợp đồng, như: địa chỉ của hai bên, người đại diện tổ chức tín dụng, không ghi số tiền vay, lãi suất; Không ký tên; Có ký tên trước nhưng không đóng dấu, không gửi mẫu chữ ký cho UBND cấp xã theo quy định; Lời chứng của UBND xã “có cũng như không” …. Đặc biệt là UBND xã không lưu các giấy tờ bản sao kèm theo hợp đồng và không yêu cầu xuất trình các giấy tờ theo quy định…Việc kiểm tra chứng thực tại cấp xã cũng cho thấy nhiều hợp đồng giao dịch có từ 2 trang trở lên không đóng dấu giáp lai, các bên giao dịch và người ký chứng thực không ký tắt vào các trang của hợp đồng giao dịch. Điều này trái với Nghị định số 75 và Thông tư liên tịch số 04.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Các hợp đồng thế chấp, mua bán tài sản là nhà ở, đất có liên quan đến vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nhưng chỉ có một người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Điều này trái với các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, hai vợ chồng đều ký tên chuyển nhượng, thế chấp hoặc mua bán.
Đất giao cho hộ gia đình khi tiến hành chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, trong hợp đồng chỉ có chủ hộ, vợ hoặc chồng của chủ hộ ký chuyển nhượng, tặng cho hoặc thế chấp, còn các thành viên khác trong hộ không ký vào hợp đồng (ký không đầy đủ, không có ủy quyền theo quy định) là trái với quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Bên cho vay (các tổ chức tín dụng) không thực hiện ký tên (ký không đầy đủ hoặc ký trước mà không đăng ký chữ ký) vào các hợp đồng tại các cơ quan chứng thực nhưng UBND cấp xã vẫn thực hiện ký chứng thực. Một số hợp đồng, giao dịch còn thiếu nội dung thỏa thuận của các bên về số tiền vay, lãi suất, tên, địa chỉ của các bên vay và bên cho vay; Thậm chí không ghi tên, chữ ký và đóng dấu của người, cơ quan thực hiện chứng thực theo quy định.
Nhiều hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khi chứng thực tại UBND cấp xã, hồ sơ lưu không có các giấy tờ có liên quan như: bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Bản sao giấy chứng minh nhân dân; Bản sao giấy chứng tử của người để lại di sản; Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa những người để lại di sản và người được hưởng di sản là vi phạm thủ tục chứng thực.
Các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do cán bộ địa chính, cán bộ văn phòng, thống kê cấp xã tiếp nhận và thụ lý hồ sơ chứng thực, đồng thời giúp UBND cấp xã thực hiện chứng thực là không đúng với trình tự quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT. Một số nơi thu lệ phí không đúng hoặc không thu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2001/TTLT/BTC-BTP và hướng dẫn tại Công văn 3854 /BTP–HCTP của Bộ Tư pháp.
Trên đây là những lỗi sai cơ bản mà UBND nhiều xã “vô tư” thực hiện, không quan tâm đến hậu quả. Điều đáng ngạc nhiên hơn là, dù tình trạng chứng thực của UBND cấp xã nhiều sai sót như thế nhưng các tổ chức tín dụng, người dân và ngay cả UBND xã cũng không quan tâm, các hợp đồng, giao dịch vẫn lưu hành từ cơ quan này đến cơ quan khác.
Biết sai… nhưng vẫn “chứng”
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND nhiều xã đều cho rằng, việc chứng thực như thế là không đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn phải làm vì không muốn làm phiền người dân (!?) Một số nơi thì cho đó là cách làm “thoáng” cho người dân đỡ phải đi lại nhiều lần; Hoặc việc chứng thực như thế là thực hiện theo mẫu hợp đồng do các ngân hàng gửi đến, “chúng tôi” chỉ việc ký tên và thu lệ phí chứng thực…(!?). Xuất phát từ cách làm “thoáng” như thế mà hầu hết các hợp đồng được chứng thực ở UBND cấp xã hiện nay đều không bảo đảm về mặt pháp lý và đương nhiên hàng loạt hợp đồng do UBND cấp xã chứng thực sẽ bị Tòa án tuyên vô hiệu do lỗi chứng thực không đúng thẩm quyền và vi phạm hình thức theo Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005, khi có tranh chấp xảy ra.
Để thực hiện đúng quy định này, ngày 28.10.2008 UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Công văn số 112, yêu cầu các địa phương khẩn trương chấn chỉnh công tác chứng thực các hợp đồng tín dụng tại UBND cấp xã. Theo đó, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về ký kết các hợp đồng tín dụng, bảo đảm cho việc chứng thực đúng pháp luật; UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện việc chứng thực đúng quy định và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp được giải quyết yêu cầu nhanh chóng và thuận lợi. Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ xe, xét công tác này. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng “chứng” không theo nguyên tắc vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN – PHAN NHÂN
Trích dẫn từ: http://www.nguoidaibieu.com.vn
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)