1. Quan niệm về xã hội công dân
Xã hội công dân (Civil society) là hình thức liên kết các cá nhân nhìn từ góc độ “tư, cá thể”, tổng thể các mối quan hệ, lợi ích của cá nhân với cá nhân, tổng thể những cấu trúc xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, gia đình, địa lí… vận hành trong một môi trường xã hội nhất định ở bên ngoài sự can thiệp của nhà nước, là “luật chơi” của những chủ thể khác nhau với những hoạt động vừa có tính cá thể, vừa có tính xã hội. Xã hội công dân xác định được những nội hàm chủ yếu sau: Thứ nhất, là lĩnh vực của đời sống xã hội (cộng đồng, tổ chức…) của công dân, nghĩa là nếu không có quyền và nghĩa vụ của công dân, không có tư cách được pháp luật quy định là công dân của một quốc gia thì không thuộc khái niệm này. Thứ hai, các công dân tổ chức thành “xã hội” (hội, đoàn thể, cộng đồng…) hoạt động trong nhà nước pháp quyền và phải hợp pháp, nghĩa là các tổ chức bất hợp pháp không thuộc khái niệm này. Thứ ba, các tổ chức, các cộng đồng công dân không chỉ một vài mà nhiều vì vậy mối quan hệ giữa các tổ chức ấy cũng phải được điều chỉnh bằng pháp luật.
Tiền đề tất yếu để hình thành xã hội công dân là mọi công dân đều được hưởng các quyền con người cơ bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp, mít tinh biểu tình, tự do lập hội, sở hữu tài sản… Khi ấy con người được coi là yếu tố quan trọng nhất; chính quyền chỉ là cơ quan phục vụ dân.
Công dân là một phần không thể tách rời của xã hội công dân. Ở đó, ý chí nguyện vọng của cá nhân được ghi nhận, khi ý chí và nguyện vọng đó được cả xã hội công nhận nó là của xã hội công dân. Một công dân không thể tạo nên một xã hội, phải có rất nhiều cá nhân mới tạo nên một xã hội công dân. Ở đó, mỗi công dân là một người chủ thực sự của xã hội công dân, có quyền lợi và trách nhiệm bình đẳng như nhau trong việc xây dựng phát triển nó.
2. Quan niệm về Nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền là hình thức tổ chức Nhà nước mà ở đó có sự ngự trị cao nhất của pháp luật và sự thực hiện quyền lực của nhân dân.
2.1. Đặc trưng của Nhà nước pháp quyền
Thứ nhất, nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó có sự ngự trị tối cao của pháp luật.
Thứ hai, luật pháp là tiêu chuẩn cao nhất, là căn cứ cơ bản nhất, là công cụ quản lý chủ yếu nhất cho hoạt động của mọi tổ chức xã hội công dân. Quyền lực của pháp luật vượt lên trên quyền lực của mọi tổ chức chính trị – xã hội hay của mọi cá nhân. Đây là đặc điểm tiêu biểu nhất về phương diện pháp lý để xác định một nhà nước nào đó có phải là nhà nước pháp quyền hay không và là nhà nước pháp quyền ở trình độ nào.
Thứ ba, nhà nước pháp quyền là hình thức tổ chức nhà nước mà ở đó quyền lực nhà nước thể hiện được lợi ích và ý chí của đại đa số nhân dân. Cụ thể qua một số điểm sau: Một là, thực hiện chế độ dân chủ trong việc thiết lập quyền lực nhà nước, thực hiện chế độ trưng cầu dân ý. Hai là, mỗi cá nhân đều là công dân có quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, được làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm. Ba là, pháp luật chỉ nghiêm cấm những hành vi cá nhân và tổ chức chính trị, xã hội nào xâm hại tới lợi ích của cá nhân, tổ chức chính trị, xã hộ khác. Bốn là, có sự bảo đảm thực tế quan hệ chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm giữa Nhà nước và công dân. Ngoài ra, có quan niệm cho rằng nguyên tắc “Tam quyền phân lập” được thể hiện trong việc tổ chức quyền lực nhà nước pháp quyền. Dựa trên nguyên tắc này, quyền lực nhà nước được chia tách thành ba nhánh quyền lực, mỗi nhánh xác lập khác nhau, quyền lực độc lập với nhau, chi phối lẫn nhau trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước.
2.2. Đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay có một số đặc điểm sau: Một là, nhà nước của dân, do dân, vì dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Hai là, quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ba là, nhà nước được tổ chưc và hoạt động trên cơ sở luật pháp. Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh mọi quan hệ của đời sống xã hội. Bốn là, nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền cá nhân, quyền công dân; nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân; thực hành dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Năm là, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
3. Vị trí xã hội công dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền
Thứ nhất, vị trí xã hội công dân là chủ thể chính trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sự tham gia của nhân dân trong quá trình ban hành và thực hiện quyết định, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Theo khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ”.Chủ quyền của nhân dân đối với nhà nước là hiện thực khách quan, nhân dân là người quyết định hình thức và phương thức tổ chức nhà nước bằng cách ủy quyền của mình cho một số người thay mặt họ để thực thi quyền lực nhà nước. Chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân là tiền đề của nhà nước pháp quyền. Xã hội công dân là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó.
Thứ hai, xã hội công dân là chủ thể tạo ra thể chế và pháp luật phát huy quyền làm chủ. Với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường chính trị, kinh tế và xã hội của thế giới hoặc trong nội, xã hội công dân đòi hỏi sự ra đời của các thể chế và quy định pháp luật phù hợp. Đó là do Quốc hội, cơ quan đại biểu của nhân dân, tạo ra hệ thống và pháp luật theo thực trạng khách quan phù hợp với xã hội công dân. Xã hội công dân bao gồm nhiều sắc tộc và những bản sắc văn hóa khác nhau, nhưng cùng chịu sự quản lý từ một chính quyền nhà nước, trong đó mỗi cá thể đều ý thức được về quyền và nghĩa vụ của mình đối với nhà nước, và bình đẳng giữa các cá thể trong cộng đồng trước pháp luật
Plato chỉ ra rằng thái độ tuân theo và tuân thủ luật pháp là một đức tính quan trọng mà một thành viên của nhà nước cần có, nhưng điều này không có nghĩa là chấp nhận vô điều kiện luật tích cực. Nói cách khác, việc tuân thủ pháp luật của công dân chỉ có thể thực hiện được và có giá trị thông qua sự kết hợp giữa đủ sức thuyết phục và sự cưỡng chế của thể chế đối với nội dung của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật với tư cách chỉ là một công cụ để thực thi bắt buộc thì sẽ chỉ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của xã hội công dân. Vì lý do này, pháp luật ra đời với tư cách là một đạo luật có thể thuyết phục được đa số người dân thông qua ý kiến và sự phối hợp của các xã hội công dân và các chuyên gia trong quá trình sửa đổi, bổ sung và ban hành luật.
4. Biểu hiện của xã hội công dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền là một hình thức tổ chức và động của quyền lực Nhà nước trong một xã hội công dân. Vấn đề xã hội công dân được biểu hiện ở việc mọi coi công dân là chủ thể của “xã hội công dân”, công dân là đối tượng phục vụ của Nhà nước, Nhà nước có trách nhiệm với công dân và bảo đảm tự do của công dân trong khuôn khổ pháp luật, ngăn ngừa sự xâm hại tự do của người khác và lợi ích của xã hội. Cụ thể, quyền công dân được biểu hiện ở các khía cạnh sau:
Về chính trị, công dân là chủ thể quản lý và kiểm soát nhà nước, cơ quan nhà nước được công dân trao quyền đại diện công dân điều hành đất nước theo khuôn khổ đã định sẵn. Cụ thể, các vị trí trong bộ máy nhà nước là từ công dân ứng cử, do công dân bầu cử để đại diện nhân dân quản lý nhà nước. Công dân cũng có quyền quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quyền kiểm soát hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước. Ví dụ như ở Việt Nam hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử, quyền đóng góp ý kiến dự thảo pháp luật, quyền khiếu nại, tố cáo,… Luật pháp hay cơ quan nhà nước cũng là từ ý kiến của nhân dân mà thành, luật pháp chỉ quy định một số các quyền cơ bản để kiểm soát tính vị kỉ, ích kỷ của con người còn công dân vẫn có nhiều quyền tự do khác: quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, quyền lao động, quyền nghỉ ngơi, quyền có nhà ở,… Về cơ bản, quyền lực nhân dân vẫn được giữ lại và ở vị trí tối cao.
Về đời sống – xã hội, công dân có địa vị kinh tế nhất định, họ có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Họ được tự do xác lập, thay đổi các loại quyền tài sản, quyền nhân than theo khuôn khổ pháp luật cho phép. Nhà nước không có quyền kiểm soát kinh tế, tài sản thuộc sở hữu của công dân và Nhà nước phải là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích của họ khi bị xâm phạm bất hợp pháp. Mọi công dân được tự nguyện thực hiện các hoạt động xã hội, giao lưu, được tự trị và tự chủ tài chính, độc lập với nhà nước và chỉ bị ràng buộc theo khung pháp lý mà chính họ đã đề ra từ trước.
Theo dòng lịch sử đấu tranh trên thế giới, hầu hết các mâu thuẫn cuối cùng đều xuất phát từ xung đột quyền lợi của các gia cấp, tầng lớp xã hội và cái đích các cuộc đấu tranh hướng đến là khẳng định chủ quyền nhân dân. Vì vậy, vấn đề chủ quyền nhân dân luôn được nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước luôn mong muốn xây dựng một xã hội dân chủ ở trình độ cao. Thể chế dân chủ phải được bảo đảm ở mức cao nhất để mọi năng lực của cá nhân, tổ chức trong xã hội đều được giải phóng vì sự phát triển của xã hội, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính Nhà nước.
5. Yêu cầu về vấn đề xã hội công dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền
Một là, phải nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội công dân, theo Mác thì xã hội công dân, là một lĩnh vực sinh hoạt và hoạt động vật chất, kinh tế của con người, từ đó Mác nhận định: Không phải xã hội công dân do nhà nước quy định mà trái lại nhà nước do nhân dân tạo lập và quy định, vì vậy nhà nước của dân, do dân và vì dân là cái đích mà nhân loại tiến bộ phải đi đến. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì xây dựng một xã hội mà ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, và nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Đó là một quá trình tự giác dưới sự hỗ trợ tích cực của nhà nước và đường lối dẫn dắt của Đảng.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật là cơ sở hình thành xã hội công dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. Luật pháp quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước cũng như quy định các quyền và nghĩa vụ của nhà nước đối với công dân. Khi một công dân có hành vi vi pháp pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tương tự, khi cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của công dân cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đối với cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép; đối với công dân được làm tất cả trừ những điều luật cấm.
Ba là, quá trình xây dựng xã hội công dân là quá trình thúc đẩy và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng các hạ tầng cơ sở để cung cấp các dịch vụ công. Quan hệ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một yếu tố quan trọng của việc thực hiện xã hội công dân, là cơ sở kinh tế của xã hội công dân. Nhà nước thực hiện chức năng quản lý bằng pháp luật đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong xã hội..
Bốn là, xác lập xã hội công dân không thể tách rời vấn đề khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc là tạo lập các điều kiện để xã hội công dân được hình thành trên nền tảng sự bình đẳng và hòa hợp giữa các dân tộc trong nhà nước pháp quyền.