Kính chào công ty Luật LVN Group. Tôi có một thắc mắc liên quan đến pháp luật lao động mong nhận được trợ giúp từ Luật sư của LVN Group. Mong Luật sư của LVN Group phân tích quy định pháp luật về thử việc giúp tôi ạ. Rất mong nhận được giải đáp từ Luật sư của LVN Group. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Ngọc Hồng – Điên Biên

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật lao động năm 2019

2. Bình luận quy định của Bộ luật lao động năm 2019 về thử việc

2.1. Quy định chung về thử việc

Điều 24 quy định về thử việc như sau:

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.

3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

2.2. Bình luận quy định về thử việc

Thử việc về bản chất là sự thoả thuận tự nguyện của hai bên. Đây là quá trình các bên làm thử trong một thời gian nhất định nhằm đánh giá năng lực, trình độ, ý thức, điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động…Trước khi quyết định ký hợp đồng lao động chính thức.

Về hình thức thì hai bên đều có quyền đề nghị thử việc nhưng trong thực tế đề nghị thử việc thường từ phía người sử dụng lao động và người lao động không thể từ chối bởi đây là điều kiện để giao kết hợp đồng.

Thỏa thuận thử việc có thể được ghi nhận là một nội dung hợp đồng lao động hoặc hai bên ký hợp đồng thử việc riêng. Trường hợp thử việc là nội dung hợp đồng lao động, khi hết hạn thử việc nếu đạt kết quả thì hợp đồng mặc nhiên phát sinh hiệu lực, hai bên không cần làm thủ tục ký hợp đồng lao động nhưng nếu không đạt kết quả mà phải kết thúc quan hệ thì cũng nảy sinh sự phức tạp do thủ tục thanh lý hợp đồng. Trường hợp thử việc được xác lập thông qua hợp đồng thử việc thì nếu việc làm thử đạt yêu cầu, hai bên sẽ thực hiện thủ tục ký hợp đồng lao động, còn nếu không đạt yêu cầu thì chỉ cần làm thủ tục chấm dứt hợp đồng thử việc.

Việc lựa chọn cách thức thử việc như thế nào phụ thuộc vào tính chất công việc, nhân thân người lao động, văn hóa doanh nghiệp… do người sử dụng lao động quyết định.

Vì là làm thử nên hợp đồng thử việc giảm bớt một số nội dung so với hợp đồng lao động như: thời hạn của hợp đồng lao động; chế độ nâng bậc, nâng lương; nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kĩ năng nghề. Thế nên người sử dụng lao động có thể lợi dụng thử việc để lảng tránh một số nghĩa vụ pháp lý hoặc lạm dụng sức lao động của người lao động, do đó bộ luật lao động có những quy định chặt chẽ về thử việc như thời gian thử việc, tiền lương, giải quyết hậu quả khi hết hạn thử việc.

Đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới một tháng thì không áp dụng thử việc bởi do tính chất tạm thời của công việc và thời gian của hợp đồng qua ngắn nên không cần thiết phải yêu cầu thử việc với người lao động.

3. Bình luận quy định về thời gian thử việc

Điều 25 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về thời gian thử việc như sau:

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Thời gian thử việc là khoảng thời gian tối đa mà hai bên có quyền thỏa thuận. Tuy nhiên, quy định này chủ yếu nhằm rằng buộc người sử dụng lao động để tránh sự bất lợi cho người lao động vì trong thời gian thử việc người lao động có quyền lợi không bằng khi ký hợp đồng lao động làm việc chính thức.

Theo quy định thì thời gian thử việc đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên là không quá 60 ngày; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kĩ thuật, nhân viên nghiệp vụ và không quá 06ngày làm việc đối với các công việc khác.

Thời gian thử việc được quy định tại Điều 25 cũng như một số loại thời hạn khác trong bộ luật lao động là khoảng thời gian ước lệ và có tính kế thừa từ các quy định trước đây nên cũng chưa hẳn đã thuyết phục và phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển hiện nay. Chẳng hạn, cùng là trình độ đại học nhưng thời gian đào tạo khác nhau (4 năm, 5 năm, 6 năm), cũng là trình độ trung cấp, công nhân kĩ thuật, nhân viên nghiệp vụ nhưng tính phức tạp của chuyên môn, đòi hỏi kĩ thuật là rất khác nhau thế nhưng thời gian thử việc đều giống nhau mà không có sự phân biệt là khó thuyết phục về mặt thực tiễn.

Cũng chính vì vậy, đã có trường hợp người sử dụng lao động đã dùng thêm các hình thức khác như học nghề, tập nghề sau đó mới thử việc để đủ thời gian đánh giá người lao động, cũng không loại trừ việc sử dụng các hình thức này nhưng với mục đích lạm dụng thử việc đối với người lao động.

Thời gian thử việc đối với công việc của quản lý doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp, luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là không quá 180 ngày. Đây là quy định mới trong bộ luật lao động năm 2019. Như vậy, người có chức danh quản lý doanh nghiệp thì thời gian thử việc không phụ thuộc vào trình độ học vấn, bằng cấp chuyên môn mà vào vị trí quản lý họ đảm nhiệm. Điều này là phù hợp vì người quản lý có phiền ra các quyết định và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vì vậy cần phải có thời gian đánh giá năng lực, sự thích ứng với vị trí mà họ đảm nhiệm.

4. Bình luận quy định về tiền lương thử việc

Điều 26 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về tiền lương thử việc như sau:

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Thời gian thử việc tuy chưa phải là thời gian làm việc chính thức những người lao động cũng đã tham gia lao động và tạo ra những giá trị, lợi ích nhất định cho doanh nghiệp vì vậy họ phải được hưởng lương theo mức do hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, trong thời gian thử việc người lao động sẽ được người có trách nhiệm của doanh nghiệp hướng dẫn, trao đổi, giải đáp, thậm chí được đào tạo, học tập liên quan đến công việc, chuyên môn, có sử nên không thể hưởng lương như khi làm việc độc lập. Ngoài ra, sao ít nhiều có sự định thuộc vào vị trí công việc, nhu cầu việc làm trong tương lai nên người lao động sẽ bị bất lợi khi thỏa thuận mức lương, thế nên mức lương của người thử việc thấp hơn mức lương của người làm việc chính thức cùng chuyên môn, trình độ nhưng cũng không được thấp hơn 85 % nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

5. Bình luận quy định về kết thúc thời gian thử việc

Điều 27 quy định cách thức giải quyết hậu quả pháp lý khi kết thúc thời gian thử việc.

1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Thứ nhất, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo kết quả thử việc cho người lao động khi hết thời gian thử việc. Nội dung này đã xác định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động: đến ngày cuối cùng của thời gian thử việc thì phải có kết quả thông tin cho người lao động biết. Như vậy, tất cả các hoạt động thuộc nội bộ đơn vị sử dụng lao động như đánh giá, báo cáo, trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến về thử việc phải được thực hiện trước ngày kết thúc thử việc, khoảng thời gian này là bao lâu do người sử dụng lao động tự quy định trong quy chế nội bộ của đơn vị.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc. Quy định này xác định rõ trường hợp nếu thử việc là nội dung của hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu thì đồng thời cũng là sự kiện. Dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nếu trường hợp đã hết thời gian thử việc mà người sử dụng lao động vẫn không có ý kiến gì về kết quả thử việc và người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì hậu quả ra sao?

Theo suy luận logic pháp lý thì trường hợp này phải coi như thử việc đã đạt kết quả, bởi trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải thông báo kết quả khi hết hạn thử việc nhưng nếu người sử dụng lao động không có ý kiến gì và vẫn bố trí công việc cho người lao động thì xem như kết quả thử việc đã được chấp nhận và người sử dụng lao động phải tiếp tục thực hiện quan hệ lao động với người lao động.

Thứ hai, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Trước đây, quy định của bộ luật lao động năm 1994, năm 2012 đều yêu cầu chứng minh lý do chấm dứt thỏa thuận thử việc là việc làm thử không đạt yêu cầu đã thỏa thuận, nhưng bộ luật lao động năm 2019 đã bỏ quy định này, đồng nghĩa với việc trong quá trình thử việc một bên có quyền kết thúc thỏa thuận thử việc mà không cần lý do. Điều này cũng có cơ sở hợp lý và xuất phát từ quyền tự do việc làm, vì quan hệ thử việc là để hai bên tìm hiểu và tự đánh giá khả năng thích nghi, sự phù hợp với quan hệ lao động mà mình dự định tham gia.

Vì vậy, nó tiềm ẩn sự bấp bênh, thiếu ổn định và tính ràng buộc thấp trong quá trình thử việc, một bên hoặc cả hai bên có thể phát hiện một hoặc một số vấn đề không phù hợp với nhu cầu hay mong muốn của mình với phía bên kia mà nhiều khi không liên quan đến năng lực chuyên môn (ví dụ: không phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp, khả năng làm việc nhóm thấp, khó tiếp xúc…) và thấy rằng không thể tiếp tục trong một quan hệ lâu dài trong tương lai, vì vậy họ có quyền kết thúc thử việc mà không bị rằng buộc bởi thủ tục báo trước và không phải bồi thường.

Việc minh chứng lý do có thể dẫn đến sự tranh chấp, bất đồng không cần thiết và không phù hợp diễn biến của quan hệ lao động.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập