Thưa Luật sư của LVN Group, theo tôi được biết nội dung quy định về thương lượng tập thể có nhiều điểm mới so với quy định trước đây bởi có sự xuất hiện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Vậy, cụ thể những nội dung đó được quy định ra sao? Rất mong nhận được giải đáp từ Luật sư của LVN Group. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Long Tiên – Đồng Nai
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật lao động năm 2019
2. Thương lượng tập thể là gì?
Thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Nội dung điều 65 Bộ luật lao động thực chất là quy định có tính định nghĩa về thương lượng tập thể. Điều đáng chú ý là định nghĩa về thương lượng tập thể này có phạm vi rất rộng trong bối cảnh mới có thể có nhiều tổ chức đại diện người lao động. Quy định về định nghĩa thương lượng tập thể tại điều 65 của Bộ luật lao động năm 2019 được xây dựng trên cơ sở tham khảo quy định việc thương lượng tập thể tại Điều 2 Công ước số 154 của ILO về thương lượng tập thể.
Theo định nghĩa này, thương lượng tập thể có thể được thực hiện ở cấp doanh nghiệp hoặc cấp ngoài doanh nghiệp; được thực hiện bởi một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động (mà không chỉ còn là công đoàn) với một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
Ở cấp doanh nghiệp, trong bối cảnh có thể có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, thương lượng tập thể có thể cho công đoàn cơ sở hoặc một tổ chức của người lao động, xong cũng có thể do một số tổ chức đại diện người lao động thực hiện với người sử dụng lao động.
Ở cấp ngoài doanh nghiệp, thương lượng tập thể có thể diễn ra ở bất kỳ cấp độ nào như trong phạm vi một ngành, nghề; trong phạm vi một địa phương, vùng, miền; hoặc trong phạm vi một nhóm doanh nghiệp, hay trong phạm vi một hoặc một số khu công nghiệp. Các cấp độ thương lượng tập thể theo định nghĩa này là rất rộng, đa dạng và linh hoạt.
3. Nguyên tắc thương lượng tập thể là gì?
Theo Điều 66 Bộ luật lao động năm 2019, thương lượng tập thể được thực hiện theo năm nguyên tắc, áp dụng cho mọi thương lượng tập thể, dù đó là thương lượng tập thể cấp doanh nghiệp hay thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia. Trong năm nguyên tắc của thương lượng tập thể quy định tại điều 66 đáng chú ý là nguyên tắc tự nguyện và nguyên tắc thiện chí.
3.1. Nguyên tắc tự nguyện
Nguyên tắc tự nguyện là một trong những nguyên tắc quan trọng đầu tiên của thương lượng tập thể đây cũng là nguyên tắc quan trọng trong Công ước số 98 của ILO thì áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Nguyên tắc tự nguyện trong thương lượng tập thể được hiểu gồm ba hành vi:
Một là, tự nguyện trong việc có tiến hành thương lượng tập thể hay không. Việc có tiến hành thương lượng tập thể hay không tiến hành thương lượng tập thể là do các bạn quyết định trên cơ sở tự nguyện. Pháp luật không được có những quy định bắt buộc các bên phải tiến hành thương lượng tập thể.
Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý rằng thương lượng tập thể là tự nguyện, song khi có yêu cầu thương lượng tập thể của một bên thì bên kia có nghĩa vụ bắt buộc phải phản hồi đối với đề nghị thương lượng đó một cách thiện chí. Ở cấp doanh nghiệp, bên nhận được yêu cầu thương lượng tập thể có nghĩa vụ phải tiến hành thương lượng. Khi đó, bên nhận được yêu cầu thương lượng tập thể không được dựa vào nguyên tắc tự nguyện của thương lượng tập thể để từ chối thương lượng về việc từ chối thương lượng trong trường hợp này bị xem là vi phạm một nguyên tắc quan trọng khác của thương lượng tập thể là nguyên tắc thiện chí.
Hai là, tự nguyện về nội dung thương lượng. Nguyên tắc tự nguyện trong thương lượng tập thể cũng được hiểu bao gồm sự tự nguyện về nội dung thương lượng. Theo đó, việc tiến hành thương lượng tập thể về nội dung nào là do bên thương lượng quyết định mà không phải do luật quy định. Do đó, việc pháp luật quy định các bên phải tiến hành thương lượng tập thể về một nội dung nào đó sẽ bị xem là vi phạm nguyên tắc tự nguyện trong thương lượng tập thể.
Ba là, tự nguyện về cấp độ thương lượng tập thể. Thương lượng tập thể có thể được thực hiện ở bất kỳ cấp nào như cấp doanh nghiệp, các vùng, miền, ngành, nhóm doanh nghiệp. Việc quyết định thương lượng ở cấp nào do chính các bên thương lượng quyết định là không phải do pháp luật quy định.
3.2. Nguyên tắc thiện chí
Nguyên tắc thiện chí là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng của thương lượng tập thể. Thương lượng tập thể thiện chí được hiểu là các bên nỗ lực thương lượng một cách hợp tác để đạt được thỏa thuận chấp nhận được. Sự thiện chí trong thương lượng tập thể là thái độ chủ quan của các bên thương lượng, nó được thể hiện qua các hành vi khách quan trong quá trình thương lượng tập thể. Để bảo đảm sự thiện chí trong thương lượng tập thể, bên cạnh việc ghi nhận đây là một nguyên tắc của thương lượng tập thể, pháp luật còn có các quy định khác để bảo đảm các bên tiến hành thương lượng tập thể một cách thiện chí như quy định về nghĩa vụ thương lượng khi có yêu cầu thương lượng; quy định về quy trình, thủ tục thương lượng; quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin và quyền của tổ chức đại diện người lao động trong quá trình thương lượng tập thể (Điều 70); tôn trọng giá trị và hiệu lực của những thỏa thuận đạt được (Điều 78, Điều 79).
4. Nội dung thương lượng tập thể là gì?
Theo nguyên tắc tự nguyện của thương lượng tập thể, nội dung thương lượng tập thể do chính các bên quyết định. Ngôn ngữ của Điều 67 đã thể hiện theo tinh thần này và áp dụng cho mọi thương lượng tập thể, theo đó, các nội dung được liên kết từ khoản 1 đến khoản 6 có bản chất là gợi ý về những nội dung thương lượng tập thể. Việc thương lượng cụ thể về những nội dung nào sẽ do chính các bên thương lượng tập thể lựa chọn và quyết định trên cơ sở đặc điểm cụ thể và xuất phát từ nhu cầu của các bên.
Nhìn chung, quy định của Điều 67 về nội dung thương lượng tập thể là phù hợp với nguyên tắc tự nguyện trong thương lượng tập thể theo đúng tinh thần của các tiêu chuẩn lao động quốc tế về thương lượng tập thể.
Điều đáng chú ý là quy định tại khoản 8 Điều 67, theo đó, nội dung thương lượng tập thể có thể bao gồm những nội dung khác là một hoặc các bên quan tâm. Vấn đề đặt ra là có những nội dung nào không thể là chủ đề của thương lượng tập thể hay không? Ví dụ, liệu bên thương lượng tập thể là tổ chức đại diện người lao động nêu yêu cầu thương lượng về kế hoạch mở rộng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì bên người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thương lượng với nội dung đó hay không? Có quan điểm cho rằng, theo quy định tại khoản 8 Điều 67 thì người sử dụng lao động vẫn có nghĩa vụ phải tiến hành thương lượng tập thể về nội dung đó. Tuy nhiên, có quan điểm khác cho rằng phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là quyền của bên người sử dụng lao động và bên người lao động không có quyền yêu cầu thương lượng về vấn đề này.
Đây là vấn đề không đơn giản. Rõ ràng, việc xác định nội dung mở rộng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là quyền của người sử dụng lao động, do đó nó không thể là nội dung của thương lượng tập thể. Tuy nhiên, nếu việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cần dành nhiều nguồn vốn để đầu tư ảnh hưởng đến thu nhập, phúc lợi của người lao động; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến việc làm của người lao động thì một cách gián tiếp, nó vẫn có thể là chủ thể của thương lượng tập thể. Theo đó, người lao động có thể yêu cầu thương lượng tập thể để bảo đảm tiền lương và các chế độ phúc lợi không bị cắt giảm hoặc vẫn phải được tăng lên theo kế hoạch trong trường hợp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; hoặc việc làm không bị suy giảm trong trường hợp doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
5. Quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp
Điều 68 Bộ luật lao động năm 2019 là điều luật quan trọng bậc nhất về thương lượng tập thể vì đây là điều luật xác lập ra mô hình thương lượng tập thể trong bối cảnh đa tổ chức đại diện người lao động. Điểm cần lưu ý là quy định này chỉ áp dụng đối với thương lượng tập thể ở cấp doanh nghiệp, không áp dụng cho thương lượng tập thể ở các cấp ngoài doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đa tổ chức đại diện người lao động (thực chất là việc bảo đảm quyền tự do liên kết của người lao động), Thương lượng tập thể không còn đơn giản như trong bối cảnh chỉ có một tổ chức đại diện người lao động là công đoàn cơ sở và nó mặc nhiên có quyền thương lượng tập thể. Thực tiễn pháp lý quốc tế cho thấy các mô hình thương lượng tập thể trong bối cảnh đa tổ chức đại diện rất đa dạng. Ví dụ: ở Nhật Bản, trong doanh nghiệp có thể có nhiều tổ chức công đoàn và mọi tổ chức công đoàn đều có quyền thương lượng tập thể với người sử dụng lao động. Thỏa ước lao động tập thể được ký kết có hiệu lực áp dụng đối với đoàn viên của công đoàn đã thương lượng thỏa ước mà không có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người lao động của doanh nghiệp, trừ trường hợp tổ chức công đoàn đã thương lượng thỏa ước đó có số lượng đoàn viên chiếm đa số trên 75 % người lao động trong doanh nghiệp thì thỏa ước có thể có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Ở Hoa Kỳ, trừ khi được người sử dụng lao động tự nguyện công nhận, tổ chức công đoàn chỉ có quyền thương lượng tập thể khi được trên 50% người lao động của đơn vị thương lượng đó ủng hộ thông qua bỏ phiếu…
Điều 68 Bộ luật lao động năm 2019 đã xác lập mô hình thương lượng tập thể ở Việt Nam trong bối cảnh đa tổ chức đại diện, . Theo đó, trong doanh nghiệp có thể có nhiều tổ chức đại diện, xong chỉ có một thương lượng tập thể được thực hiện bởi tổ chức đại diện người lao động đại diện nhất và đạt tỷ lệ tối thiểu đoàn viên là người lao động của doanh nghiệp. Bộ luật không quy định tỷ lệ đoàn viên tối thiểu trên tổng số người lao động của doanh nghiệp là bao nhiêu để tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể mà giao Chính phủ quy định cụ thể trong nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Khoản 2 Điều 68 đã quy định rõ, trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đáp ứng tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động của doanh nghiệp thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp (Tổ chức đại diện nhất). Điều cần chú ý là việc tham gia thương lượng tập thể của các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác trong trường hợp này chỉ có thể được xác nhận khi được tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý.
Khoản 3 Điều 68 cũng quy định rõ tình huống doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không có tổ chức nào đáp ứng thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động của doanh nghiệp để có quyền thương lượng tập thể thì các tổ chức có quyền tự nguyện kết hợp với nhau để yêu cầu thương lượng tập thể nhưng tổng số thành viên của các tổ chức này phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định. Điều cần chú ý của khoản này là ngôn ngữ của điều luật đã thể hiện rõ, các tổ chức chỉ kết hợp với nhau để thỏa mãn yêu cầu về tỷ lệ thành viên tối thiểu để có quyền thương lượng tập thể, mà không phải liên kết lại với nhau để hình thành ra tổ chức mới. Việc kết hợp giữa các tổ chức trong trường hợp này được thực hiện trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của chính các tổ chức.
Có ý kiến đặt câu hỏi trong trường hợp không có tổ chức đại diện người lao động nào thỏa mãn yêu cầu về tỷ lệ thành viên tối thiểu để có quyền thương lượng tập thể và các tổ chức cũng không tự nguyện kết hợp với nhau để đáp ứng yêu cầu này thì aai sẽ có quyền thương lượng tập thể và thương lượng tập thể khi đó sẽ được thực hiện như thế nào. Theo bộ luật lao động năm 2019 thì trường hợp này sẽ không có thương lượng tập thể và điều này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tự nguyện của thương lượng tập thể trong quan hệ lao động của kinh tế thị trường.
Trong quan hệ lao động của nền kinh tế thị trường, việc thành lập, gia nhập tổ chức đại diện người lao động là quyền tự nguyện của người lao động; thương lượng tập thể cũng được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu của các bên mà chủ yếu là bên người lao động. Nếu người lao động muốn tiến hành thương lượng tập thể thì cần thành lập, gia nhập tổ chức đại diện và tổ chức đại diện người lao động đó muốn có quyền thương lượng tập thể thì cần tập hợp cho đủ số thành viên tối thiểu theo yêu cầu của pháp luật để bảo đảm tính đại diện trong thương lượng tập thể.
Trường hợp không tập hợp được một số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật để có quyền thương lượng tập thể thì có thể kêu gọi, thỏa thuận với các tổ chức đại diện người lao động khác để kết hợp với nhau cho đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định tập thể. Tất cả những vấn đề trên đều thuộc quyền tự nguyện của người lao động và của tổ chức đại diện người lao động. Do đó, trường hợp không có tổ chức đại diện người lao động nào đáp ứng đủ yêu cầu và các tổ chức cũng không kết hợp với nhau để đáp ứng đủ yêu cầu để có quyền thương lượng tập thể thì cần hiểu rằng đó cũng là kết quả tự nguyện của người lao động và tổ chức đại diện của họ. Quyết định và kết quả đó là bình thường trong quan hệ lao động của kinh tế thị trường và cần được tôn trọng.
Một nội dung quan trọng khác của điều này là quy định tại khoản 4 về việc giao Chính phủ quy định việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền thương lượng tập thể. Khi Điều 68 đã xác lập mô hình thương lượng tập thể như trên thì sẽ dẫn đến tình huống phát sinh tranh chấp về quyền thương lượng tập thể này có thể phát sinh giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau khi tổ chức nào cũng cho rằng mình mới là tổ chức có quyền thương lượng tập thể. Tranh chấp này cũng có thể phát sinh giữa người sử dụng lao động với tổ chức đại diện người lao động khi người sử dụng lao động thừa nhận quyền thương lượng tập thể của tổ chức này mà không thừa nhận quyền thương lượng tập thể của tổ chức khác.
Thực tiễn quan hệ lao động của các nước theo mô hình thương lượng tập thể này cho thấy đây là một trong những tranh chấp phổ biến trong quan hệ lao động, thường được gọi là tranh chấp về quyền công đoàn. Việc giải quyết những tranh chấp này hết sức phức tạp, với nhiều đặc điểm đặc thù so với các tranh chấp lao động thông thường khác. Việc giải quyết hiệu quả những tranh chấp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thương lượng tập thể nói riêng và với việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ nói chung.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập