Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật lao động năm 2019

– Nghị định số 145/2020/NĐ-CP

2. Bình luận quy định về bồi thường thiệt hại

2.1. Quy định về bồi thường thiệt hại

Điều 129 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.”

2.2. Bình luận quy định về bồi thường thiệt hại

Điều luật này quy định về bồi thường thiệt hại của người lao động đối với người sử dụng lao động trong trường hợp người lao động gây thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động. Việc gây thiệt hại này là do hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động gây ra nên nó được xảy ra trong quan hệ lao động, gắn với việc thực hiện các nghĩa vụ lao động.

Về nguyên tắc, để áp dụng trách nhiệm bồi thường đối với người lao động cần bảo đảm các điều kiện: (i) người lao động phải có hành vi vi phạm kỷ luật lao động; (ii) có thiệt hại thực tế xảy ra; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra và (iv) người lao động phải có lỗi.

Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, tùy theo hình thức của sự thiệt hại mà việc bồi thường khác nhau. Cụ thể:

Trường hợp một: người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là ba tháng tiền lương và bị khấu trừ hàng tháng vào lương theo mức mỗi tháng không quá 30% tiền lương thực trả hàng tháng của người lao động sau khi đã trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Có thể thấy để áp dụng quy định bồi thường này, người lao động cần phải bảo đảm hai điều kiện:

+ Một là, người lao động, gây thiệt hại không nghiêm trọng cụ thể là giá trị thiệt hại không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc.

+ Hai là, do sơ suất, tức là người lao động gây thiệt hại do vô ý.

Về mức bồi thường, người lao động không phải bồi thường theo thiệt hại thực tế xảy ra mà chỉ bồi thường ở mức độ nhất định. Cụ thể, mức bồi thường cao nhất là ba tháng tiền lương tối thiểu vùng dù thiệt hại thực tế có thể nhiều hơn và cách thức bồi thường cũng rất ưu ái là khấu trừ dần vào lương hàng tháng và mức độ khấu trừ nhất định. Chính vì vậy, việc bồi thường này còn được gọi là trách nhiệm bồi thường hạn chế trong pháp luật lao động. Quy định bồi thường này xuất phát từ quan điểm cho rằng trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ lao động, người lao động sử dụng tài sản của người sử dụng lao động như máy móc, thiết bị nguyên vật liệu bởi vậy việc sơ suất gây thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Do đó để bảo vệ người lao động cần quy định mức bồi thường hạn chế đối với người lao động. Đây cũng là quan điểm mà các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa hay áp dụng. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều nước theo quan điểm người lao động gây thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự để bảo đảm quyền sở hữu về tài sản của người sử dụng lao động.

Trường hợp hai: người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.

Đối với trường hợp này, người sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm. Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, để khóa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Việc bồi thường thiệt hại của người lao động trong trường hợp này khác với trường hợp người lao động làm hư hỏng tài sản. Nếu ở trường hợp làm hư hỏng tài sản do sơ suất, gây thiệt hại không nghiêm trọng bộ luật lao động quy định về mức bồi thường và xác định giới hạn mức bồi thường tối đa thì ở trường hợp này bộ luật lao động không quy định cụ thể mà căn cứ vào giá trị thị trường hoặc nội quy lao động hoặc hợp đồng trách nhiệm. Bởi vậy, trong nội quy lao động cần phải quy định cụ thể các nguyên tắc bồi thường, các trường hợp bồi thường, đó là bồi thường một phần hay toàn bộ theo thời giá thị trường. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là những quy định về bồi thường trong nội quy lao động phải phù hợp với nguyên tắc chung về bồi thường được quy định tại khoản 1 Điều 130 Bộ luật lao động năm 2019. Đó là mức bồi thường phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.

Đối với các trường hợp vì lý do bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, đi khoa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường. Quy định này phù hợp với lý luận về nguyên tắc chung trong bồi thường thiệt hại, đó là người gây thiệt hại phải có hành vi vi phạm và có lỗi. Trong trường hợp bất khả kháng, người lao động không có lỗi nên không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.

3. Bình luận quy định về xử lý bồi thường thiệt hại

Điều 130 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về xử lý bồi thường thiệt hại như sau:

“1.Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.

2.Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại.”

Điều luật này quy định về nguyên tắc xác định mức bồi thường thiệt hại và trình tự, thủ tục xử lý được bồi thường thiệt hại.

Về nguyên tắc xác định mức bồi thường thiệt hại thì mức bồi thường thiệt hại của người lao động trong trường hợp thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động được căn cứ và lỗi, mức thiệt hại thực tế, hoàn cảnh gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động. Có thể thấy các nguyên tắc xác định bồi thường này tương đối hợp lí phù hợp với nguyên tắc bồi thường nói chung và đặc biệt là bảo vệ người lao động.

Thông thường theo nguyên tắc bồi thường trong pháp luật dân sự, người gây thiệt hại sẽ phải bồi thường các thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp. Tuy nhiên, bồi thường thiệt hại trong pháp luật lao động chỉ phải bồi thường thiệt hại trực tiếp mà không phải bồi thường thiệt hại gián tiếp. Chẳng hạn, trường hợp người lao động làm hỏng máy, thiết bị sản xuất, dẫn đến sản xuất trong vòng ba ngày. Trong trường hợp này thiệt hại xảy ra sẽ bao gồm thiệt hại của máy hỏng, tiền lương trong 03 ngày ngừng việc mà người sử dụng lao động phải trả cho lao động trong phân xưởng đó phải nghỉ việc và có thể còn là khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng do doanh nghiệp vi phạm với bên đối tác do chậm tiến độ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người lao động sẽ chỉ phải bồi thường thiệt hại thực tế của máy hỏng, không phải bồi thường các thiệt hại gián tiếp phát sinh từ việc làm hỏng máy.

4. Bình luận quy định về khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

Điều 131 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về quyền khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất như sau:

Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Theo đó, trong trường hợp thấy việc xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất không thỏa đáng, người lao động có quyền yêu cầu giải quyết khiếu nại hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp. Nếu người lao động yêu cầu giải quyết khiếu nại thì trước hết sẽ gửi đơn đến người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động là người trực tiếp sử dụng lao động sẽ là người giải quyết khiếu nại đầu tiên. Trường hợp người lao động không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại của người sử dụng lao động thì có quyền khiếu nại tiếp lên cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thiếu nại thông thường sẽ là cơ quan chuyên môn về lao động.

Trường hợp người lao động yêu cầu giải quyết tranh chấp, thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng như trình tự, thủ tục giải quyết sẽ theo quy định của bộ luật lao động ở các điều 187,188,189, 190 bộ luật lao động năm 2019.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập