Việc mua bán cổ phần này bị các cổ đông phát giác và đề nghị tổ chức Đại hội cổ đông thường niên. Tuy nhiên, ông Phúc và một số thành viên HĐQT Công ty Bạch Đằng đã không tiến hành đại hội theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo điều 16, khoản 2 điều lệ Công ty, ĐHCĐ thường niên do chủ tịch HĐQT triệu tập vào quý I hàng năm, nhưng đến hết quý II/2005, ông Phúc vẫn không triệu tập.

Ngày 4/5/2005, nhóm cổ đông nắm giữ 52,41% cổ phần liên tục sáu tháng đã gửi đơn đề nghị HĐQT triệu tập Đại hội cổ đông bất thường. Ngày 13/5/2005, HĐQT do bà Phó Chủ tịch HĐQT đại diện đã có thông báo không triệu tập họp ĐHĐCĐ. Ngày 17/6/2005, nhóm cổ đông nắm giữ 52,41% cổ phần đã đứng ra triệu tập Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 2/7/2005.

Tại đại hội, các cổ đông tham dự đã bỏ phiếu bãi miễn 3 thành viên HĐQT, trong đó có ông Phúc, bà Hiền. Do đó, ông Quang – Chủ tịch HĐQT (mới) – đồng thời là cổ đông trong nhóm cổ đông 53,04% (nhóm cổ đông đã tham dự cuộc họp ngày 2/7/2005), đã kiện ra toà án yêu cầu: Công nhận kết quả Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 2/7/2005 là hợp pháp. Buộc các thành viên HĐQT bị bãi miễn, các thành viên Giám đốc điều hành bị bãi miễn phải bàn giao quyền, nghĩa vụ quản trị, điều hành, kiểm soát Công ty cho HĐQT, giám đốc mới.

Tuy vậy, bên bị kiện lại đề nghị hủy bỏ toàn bộ nội dung ĐHĐCĐ bất thường ngày 2/7/2005 vì cho rằng đây là hoạt động bất hợp pháp.

Bình luận tình huống

Luật áp dụng. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Diễn biến tranh chấp trong nội bộ CTCP nêu trên diễn ra trong thời gian từ năm 2004 đến 2005, do vậy Luật áp dụng để giải quyết tình huống này là Luật doanh nghiệp 1999 (Luật Doanh nghiệp 1999 chấm dứt hiệu lực từ 1/7/2006 và được thay thế bằng Luật Doanh nghiệp 2005).

Chuyển nhượng cổ phần của ông Phúc – Chủ tịch HĐQT và bà Hiền

Đầu tiên cần bàn đến là tư cách cổ đông sáng lập của hai đối tượng này. Khoản 10 điều 3 Luật Doanh nghiệp 1999: “Cổ đông sáng lập là thành viên sáng lập công ty cổ phần”. Cũng theo điều luật này thì “Thành viên sáng lập” là người tham gia thông qua Điều lệ đầu tiên của công ty. Người tham gia thông qua điều lệ đầu tiên là người ký tên vào bản điều lệ đó. Do vậy, ông Phúc và bà Hiền chỉ là cổ đông sáng lập nếu họ ký tên vào bản điều lệ đầu tiên của công ty. Cần lưu ý rằng, Công ty cổ phần Bạch Đằng là công ty được thành lập trên cơ sở cổ phần hoá một bộ phận của Công ty nhà nước nên không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.
Thứ hai, cổ phần của các CĐSL bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm đầu tiên kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ là cổ phần phổ thông (CPPT). Do vậy, cần xem kỹ cổ phần ông Phúc và bà Hiền chuyển nhượng là CPPT hay cổ phần ưu đãi thì mới có thể kết luận chính xác việc chuyển nhượng không thông qua ĐHĐCĐ của họ là đúng hay sai.
Thứ ba, nếu ông Phúc và bà Hiền đều là cổ đông sáng lập và cổ phần họ chuyển nhượng là CPPT thì việc chuyển nhượng này là không có giá trị pháp lý vì không thông qua ĐHĐCĐ (Khoản 1 điều 58 Luật Doanh nghiệp 1999). Giao dịch chuyển nhượng này vô hiệu, không làm phát sinh tư cách cổ đông cho những người nhận chuyển nhượng, ông Phúc và bà Hiền vẫn là cổ đông với nguyên vẹn số cổ phần mà họ nắm giữ ban đầu.

Thẩm quyền triệu tập ĐHĐCĐ

Đầu tiên cần lưu ý, Theo điểm b khoản 1 điều 71 Luật Doanh nghiệp 1999, các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% số CPPT trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng chỉ có quyền yêu cầu họp ĐHĐCĐ trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý quy định tại Điều 86 của Luật này, Hội đồng quản trị ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao, các trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty. Đối chiếu qui định này, có thể khẳng định việc ông Phúc và bà Hiền chuyển nhượng CPPT với tư cách cá nhân một cổ đông, dù không đúng Luật nhưng đây không phải là trường hợp làm phát sinh quyền yêu cầu họp ĐHĐCĐ của nhóm cổ đông nắm giữ 52,41% cổ phần. Cở sở duy nhất làm phát sinh quyền yêu cầu họp ĐHĐCĐ cho nhóm cổ đông này là việc HĐQT đã không tiến hành họp dù đã sang quí II năm 2005, nghĩa là HĐQT đã vi phạm điều lệ công ty.

Thứ hai, tình huống không nêu ra việc Ban kiểm soát có tham gia vào việc triệu tập ĐHCĐ hay không. Bởi lẽ, theo khoản 3 điều 71 Luật Doanh nghiệp 1999: “Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập thì Ban kiểm soát phải thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật này. Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập thì cổ đông, nhóm cổ đông có yêu cầu quy định tại điểm b khoản 2 Điều này (sở hữu trên 10% số CPPT trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng) có quyền thay thế Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật này.” Như vậy, nhóm cổ đông nắm giữ 52,41% cổ phần chỉ có thể triệu tập ĐHĐCĐ nếu cả HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) không triệu tậu sau khi có yêu cầu hợp lệ từ nhóm cổ đông này. Cần lưu ý là công ty CP Bạch đằng thời điểm đó có đến 67 cổ đông, nghĩa là thuộc trường hợp bắt buộc phải có BKS (Khoản 1 điều 88 Luật Doanh nghiệp 1999). Do vậy, nếu nhóm cổ đông này đã “qua mặt” BKS triệu tập ĐHCĐ trong trường hợp này là không đúng luật và do vậy các quyết định tại ĐHCĐ đó không hợp lệ và có thể bị hủy bỏ bởi Tòa án theo qui định tại điều 79 Luật Doanh nghiệp 1999.

Bài học cho doanh nghiệp (áp dụng theo Luật Doanh nghiệp 2005)

– Về nguyên tắc cổ phần được tự do chuyển nhượng, chỉ có có hai trường hợp hạn chế: (i) CP ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng (muốn chuyển nhượng phải chuyển đổi sang CPPT); (ii) trong 3 năm đầu tiên thành lập công ty, CPPT của CĐSL được tự do chuyển cho CĐSL khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng CPPT của mình cho người không phải là CĐSL nếu được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ, người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành CĐSL của công ty. Sau thời hạn ba năm này, các hạn chế đối với CPPT của CĐSL đều được bãi bỏ.
– Thẩm quyền triệu tập ĐHĐCĐ đương nhiên thuộc về HĐQT, nếu HĐQT không triệu tập thì quyền này thuộc về BKS, Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số CPPT trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty chỉ có quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ khi thỏa mãn 2 điều kiện: (i) họ đã yêu cầu HĐQT triệu tập; (ii)HĐQT và BKS không triệu tập. Trong trường hợp này, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể giám sát việc triệu tập.

– Các quyết định tại ĐHĐCĐ là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự và thủ tục triệu tập, nội dung chương trình họp và thể thức tiến hành họp không được thực hiện đúng như quy định nếu quyết định được thông qua với số cổ đông trực tiếp và uỷ quyền tham dự đại diện 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

SOURCE:TỪ THẢO –CỐ VẤN CAO CẤP CÔNG TY TƯ VẤN NAM AN LUẬT –   TÁC GIẢ CUNG CẤP

Theo: Thongtinphapluatdansu.com

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)