Căn cứ vào Điều 56 Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

Một là, tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động.

Hai là, thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy đỊnh của pháp luật.

Ba là, yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Bốn là, đóng cửa tạm thời nơi làm việc.

Năm là, thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động.

Sáu là, thiết lập cơ chê và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ỗ cơ sở tại nơi làm việc.

Bảy là, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động.

Tám là, thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rôì tình dục tại nơi làm việc.

Chín là, tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

Mười là, bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động đã ký với người lao động.

Mười một là, thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động.

Mười hai là, thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động.

Mười ba là, bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.

Mười bốn là, lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động và định kỳ báo cáo cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Mười lăm là, xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động.

Mười sáu là, các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, ngoài các quyền và nghĩa vụ như người sử dụng lao động bình thường thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động còn có các quyền và nghĩa vụ đặc thù dành riêng cho mình.

Với các quy định về quyền và nghĩa vụ đặc thù với doanh nghiệp cho thuê lại lao động như trên sẽ bảo đảm được các yêu cầu cơ bản sau đây:

* Bên thuê lại lao động sẽ có lao động làm việc phù hợp, đúng yêu cầu mà mình đặt ra.

* Bên thuê lại lao động có được thông tin rõ ràng, đầy đủ về lý lịch của người lao động.

* Bên thuê lại lao động biết yêu cầu của người lao động để từ đó các bên hiểu nhau hơn và quan hệ lao động sẽ tốt hơn.

* Người lao động biết được nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động để họ biết và thực hiện đúng.

* Bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

* Cơ quan nhà nước sẽ có điều kiện thuận lợi để thanh tra, giám sát về việc cho thuê lại lao động.

* Xử lý kỷ luật lao động với người lao động vi phạm kỷ luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng lao động,răn đe người lao động vi phạm quy định để từ đó nâng cao ý thức của người lao động.