Khi tôi có hỏi thì công ty có nói là do tôi không nộp giấy chứng tử cho bên công ty, vậy không biết khi tôi nộp giấy chứng tử thì tôi có được nghỉ bù vào ngày khác không?

Rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại, gọi:  1900.0191

 

Trả lời:

1. Quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ việc không lương?

Căn cứ theo quy định tại Điều 115 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương thì đối với trường hợp gia đình có tang (cụ thể trong trường hợp của bạn là bố vợ mất) thì sẽ thuộc trường người được nghỉ việc có hưởng lương 3 ngày lam việc. Cụ thể điều 115 quy định như sau:

“Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”.

Như vậy căn cứ theo quy định được nêu ở trên thì trường hợp của bạn hoàn toàn được nghỉ việc 3 ngày và vẫn được hưởng nguyên lương trong ba ngày nghỉ việc đó. Tuy nhiên ở đây bạn chỉ nêu là có xin nghỉ hai ngày vì nhà có tang mà không nêu rõ là bạn có làm đơn xin nghỉ và nêu rõ là bố vợ mất không vì có thể trong trường hợp này nếu bạn không nêu rõ thì bên phía người sử dụng lao động (công ty) sẽ không biết và cho rằng 2 ngày nghỉ của bạn là nghỉ việc không có lý do theo quy định của luật nên phía công ty mới tiến hành trừ lương của bạn. Còn đối với việc nộp giấy chứng tử thì hiện tại pháp luật lao động không quy định bắt buộc người lao động phải nộp giấy chứng tử thì mới có thể xin nghỉ có hưởng lương những để có căn cứ chứng minh về ngày nghỉ của mình bạn nên nộp giấy chứng tử cho người sử dụng lao động và yêu cầu họ thanh toán số tiền 2 ngày bạn đã nghỉ vì lý do bố vợ mất.

 

2. Chế độ nghỉ việc riêng và nghỉ không hưởng lương.

Theo quy định của pháp luật lao động, người lao động sẽ phải đảm bảo thời gian làm việc theo hợp đồng lao động đã ký kết. Tuy nhiên trong một số các trường hợp đặc biệt pháp luật vẫn có những quy định tạo điều kiện cho người lao động bằng những quy định cho phép họ sẽ được nghỉ khi có lý do chính đáng. Những lý do mà pháp luật quy định thường phục vụ cho những tình huống, sự kiện cần thiết và cấp bách cho cuộc sống của người lao động và tạo điều kiện cho người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật. Pháp luật lao động hiện hành quy định về vấn đề nghỉ việc riêng và nghỉ không hưởng lương, cụ thể như sau:

 

2.1 Nghỉ việc riêng.

Khoản 1 và Khoản 2 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nghỉ việc riêng, cụ thể như sau:

“Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn”.

Căn cứ theo quy định nêu trên thì pháp luật lao động hiện hành công nhận các việc riêng liên quan đến bản thân và thân nhân của người lao động khi kết hôn hoặc khi có người mất  thì người lao động sẽ được nghỉ việc trong trường hợp nghỉ việc riêng. 

– Các trường hợp nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương bao gồm:

  • Bản thân người lao động kết hôn: được nghỉ 3 ngày
  • Con đẻ, con nuôi kết hôn được nghỉ một ngày: được nghỉ 1 ngày.
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi mẹ nuôi cha đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ chồng; hoặc chồng, con đẻ, con nuôi chết được nghỉ 03 ngày.

So với quy định của Bộ luật lao động cũ thì Luật lao động mới đã sửa đổi bổ sung một số quy định vể các trường hợp người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương.

 

2.2 Trường hợp xin nghỉ việc riêng có hưởng nguyên lương.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, người lao động sẽ phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về lao động và sự thảo thuận trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động sẽ phát sinh nhiều vấn đề không thể lường trường được. Do đó để đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động trong những trường hợp phát sinh các sự kiện không thể lường trước được như thế thì Bộ luật lao động có quy định một số các trường hợp người lao động dù nghỉ việc không thuộc trường hợp nghỉ hàng năm vẫn được hưởng nguyên lương, cụ thể như sau:

– Trường hợp bản thân người lao động kết hôn: Việc kết hôn là một sự kiện trọng đại của mỗi người, theo đó mà người lao động khi kết hôn đều cần phải có thời gian chuẩn bị cho sự kiện kết hôn của mình là một lý do hoàn toàn cần thiết và chính đáng. Trong trường hợp này bản thân người lao động khi kết hôn pháp luật sẽ cho phép người lao động đựic phép nghỉ 3 ngày làm việc và sẽ được người lao động chi trả tiền lương trong 3 ngày nghỉ đó.

– Đối với trường hợp con của người lao động kết hôn (cả con đẻ và con nuôi): Ngoài việc người lao động kết hôn thì con đẻ và con nuôi của người lao động kết hôn thì người lao động cũng được nghỉ nhưng số ngày nghỉ sẽ ít hơn số ngày nghỉ bản thân người lao động kết hôn, cụ thể là người lao động sẽ có quyền nghỉ 1 ngày có hưởng lương đối với trường hợp con của người lao động kết hôn.

– Trường hợp có người trong gia đình chết theo quy định của pháp luật lao động: Những trường hợp người lao động được nghỉ do các sự kiện hiếu hỉ là xuất phát từ phong tục tập quán của người dân Việt Nam, bởi những sự kiện đó đều rất quan trọng và cần có sự tham gia của người lao động. Đối với việc có người nhà chết ảnh hưởng đến tinh thần và tâm lý của người lao động nên theo quy định của pháp luật người lao động sẽ được phép nghỉ 3 ngày làm việc để lo việc hậu sự và ổn định về tinh thần được hưởng nguyên lương.

 

2.3 Quy định về nghỉ không hưởng lương.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 115 Bộ luật lao động năm 2019 quy định người lao động được nghỉ nhưng không được hưởng lương 1 ngày và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết đối với các trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; Cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. Việc quy định các đối tượng ông/bà nội hoặc ngoại, anh, chị, em ruột chết và anh, chị, em ruột kết hôn thì người lao động được nghỉ làm việc là hợp lý. Bởi, các sự kiện chết hoặc kết hôn đều là những sự kiện quan trọng đối với mỗi gia đình, cần có sự tham gia, chung tay góp sức của nhiều thành viên. Hơn nữa, với quy mô gia đình ít con như hiện nay, việc chia sẻ trách nhiệm với tư cách là cháu ruột hoặc anh chị em ruột trong các trường hợp này là cần thiết, phù hợp với đạo lý và truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, điều luật quy định trong các trường hợp nghỉ này, người lao động không được hưởng lương là không hợp lý, không đáp ứng được nhu cầu phát sinh trong cuộc sống của con người, đồng thời không tạo điều kiện cho người lao động yên tâm để giải quyết công việc gia đình. Thiết nghĩ, pháp luật đã cho phép người lao động nghỉ làm việc, thì nên quy định có hưởng lương để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Ngoài thời gian nghỉ việc riêng như trên, khoản 3 Điều 115 quy định người lao động, nếu có nhu cầu, có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ thêm. Thời gian nghỉ thêm này người lao động không được hưởng lương. Trong trường hợp người lao động nghỉ việc riêng, mà trong thời gian nghỉ theo chế độ vẫn chưa giải quyết xong công việc gia đình, có nhu cầu nghỉ thêm, thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Như thế có nghĩa là, các trường hợp khác (không thuộc khoản 1và khoản 2 điều này) mà người lao động có những công việc khác phát sinh, nếu chỉ sử dụng các loại thời gian nghỉ ngơi khác vẫn chưa đủ, ví dụ: xây nhà, sau sinh con mà sức khỏe còn yếu, có người thân ốm đau cần chăm sóc thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được nghỉ phép không hưởng lương, nếu người sử dụng lao động có nhu cầu nghỉ trong thời gian dài thì có thể tạm hoãn hợp đồng lao động theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 30 bộ luật.

Như vậy, bên cạnh việc quy định thời gian nghỉ việc riêng theo chế độ, pháp luật cũng tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên đáp ứng nhu cầu của người lao động cần giải quyết các công việc riêng của bản thân và gia đình. Tham khảo bài viết liên quan: Thời gian được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương ?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!