Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
– Luật điện lực năm 2004
– Luật điện lực sửa đổi, bổ sung năm 2012
– Nghị định 14/2014/NĐ-CP
– Nghị định 51/2020/NĐ-CP
– Thông tư 05/2021/TT-BCT
1. Quy định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không
Bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không được quy định tại Điều 51 Luật điện lực hiện hành. Theo đó, để đản bảo an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không bắt buộc phải thực hiện những công việc sau:
Thứ nhất, chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không không được sử dụng mái hoặc bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình vào những mục đích có thể vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp và phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình.
Thứ hai, trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình thoả thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng, cơi nới, cải tạo, sử dụng nhà ở, công trình này.
Thứ ba, không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó.
Thứ tư, cấm tiến hành mọi công việc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không nếu sử dụng thiết bị, dụng cụ, phương tiện có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Trường hợp đặc biệt, do yêu cầu cấp bách của công tác quốc phòng, an ninh, phải có sự thoả thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.
Thứ năm, ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường bộ, đường sắt, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng 4,5 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.
Trường hợp điểm cao nhất trên phương tiện vận chuyển có chiều cao lớn hơn 4,5 mét thì chủ phương tiện phải liên hệ với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp để thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.
Thứ sáu, ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường sắt dành cho tàu chạy điện, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng 7,5 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.
Thứ bảy, ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường thuỷ nội địa, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường thủy nội địa cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Phương tiện vận tải thuỷ khi đi qua điểm giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường thuỷ nội địa phải bảo đảm chiều cao không vượt quá chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường thuỷ nội địa đó.
Khoảng cách an toàn của đường dây dẫn điện trên không giao chéo với tuyến giao thông đường biển được quy định cho từng trường hợp cụ thể.
Cuối cùng, khi tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không có khả năng ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của đường dây hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện thì đơn vị tiến hành những công việc đó phải có sự thoả thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.
2. Bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình, đất và cây trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây điện trên không
2.1. Bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 14/2014/NĐ-CP Bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không được thực hiện như sau:
Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phải di dời ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không điện áp đến 220 kV thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ do làm hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một (01) lần như sau:
– Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không, được xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ phần diện tích trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không. Mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định.
– Trường hợp nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được xây dựng trên đất không đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.
Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được xây dựng trước ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền:
– Nếu chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ đầu tư lưới điện cao áp phải chịu kinh phí và tổ chức thực hiện việc cải tạo nhằm đáp ứng các điều kiện đó;
– Trường hợp phá dỡ một phần, phần còn lại vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng và đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ đầu tư lưới điện cao áp có trách nhiệm: Chi trả, bồi thường phần giá trị nhà, công trình bị phá dỡ và chi phí cải tạo hoàn thiện lại nhà, công trình theo tiêu chuẩn tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ hoặc bồi thường di dời nhà ở công trình theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Trường hợp nhà ở, công trình không thể cải tạo được để đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này, mà phải dỡ bỏ hoặc di dời, thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình điện lực
Việc thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp bị thiệt hại do phải giải tỏa được thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
2.2. Bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 14/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 51/2020/NĐ-CP), bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp được thực hiện như sau:
Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và thuộc khu vực có cường độ điện trường lớn hơn quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ để di dời như đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải giải tỏa theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Đối với Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn và giữa hai đường dây dẫn điện trên không điện áp 500 kV, có khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai dây dẫn pha ngoài cùng gần nhất của hai đường dây nhỏ hơn hoặc bằng 60 mét thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được lựa chọn một trong hai hình thức xử lý sau:
– Được bồi thường, hỗ trợ để di dời như như đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải giải tỏa theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
– Nếu không có nhu cầu di dời thì phải có văn bản đề nghị được ở lại gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền để đầu tư xây dựng đường dây 500 kV xây dựng sau và được bồi thường đất, nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt theo quy định.
2.3. Bồi thường chi phí di chuyển
Nhà ở, công trình đã đáp ứng được điều kiện để tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không, nếu chủ sở hữu di chuyển ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện thì được bồi thường chi phí di chuyển theo quy định của Luật Đất đai.
Bồi thường đối với cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp
– Cây trong hành lang và có trước khi có thông báo thu hồi đất để xây dựng lưới điện nếu không phải chặt bỏ và cấm trồng theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP thì đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm kiểm tra, chặt, tỉa cây để đảm bảo an toàn cho lưới điện và thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
– Cây ngoài hành lang và có thể vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP thì đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm kiểm tra, chặt, tỉa cây để đảm bảo an toàn cho lưới điện và thực hiện bồi thường như đối với cây trong hành lang.
3. Thỏa thuận khi xây dựng mới, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây cao áp trên không
Việc thỏa thuận các biện pháp bảo đảm an toàn quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Điện lực được thực hiện như sau:
– Chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của chủ đầu tư xây dựng công trình, đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp có trách nhiệm gửi văn bản cho chủ công trình thông báo về thời gian tiến hành khảo sát hiện trường.
– Việc khảo sát hiện trường nơi dự kiến xây dựng, cải tạo công trình và lập văn bản thỏa thuận với chủ công trình phải được thực hiện trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
– Trường hợp không thỏa thuận được các biện pháp bảo đảm an toàn, đơn vị quản lý lưới điện cao áp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không thỏa thuận cho chủ công trình trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện việc khảo sát.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group