Hoa Kỳ có khá nhiều luật và điều luật về bồi thường thương mại. Đáng chú ý là Luật chống bán phá giá, Luật chống trợ giá, Điều 201 Luật thương mại năm 1974 về các hành động tự vệ, Điều 337 Luật thuế quan năm 1930 về chống cạnh tranh không công bằng và vi phạm quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, Điều 301 Luật Thương mại năm 1974 về tiếp cận thị trường, và một số điều luật khác.
Mục đích của bồi thường thương mại
Trên danh nghĩa, mục đích của tất cả các luật bồi thường thương mại của Hoa Kỳ là nhằm chống lại sự cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu với hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả những luật này – được soạn thảo và thông qua dưới sức ép của các doanh nghiệp trong nước vì lợi ích của họ – đều nhằm hạn chế cạnh tranh của nước ngoài tại thị trường Hoa Kỳ để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.
Bồi thường thương mại đã trở thành công cụ để các công ty Hoa Kỳ sử dụng thường xuyên phục vụ cho các mục tiêu kinh doanh của mình. ở nhiều nước khác, các công ty thường ít chú ý tới các thủ tục pháp lý. Trái lại, ở Hoa Kỳ, các công ty thường coi các thủ tục pháp lý là một công cụ cạnh tranh. ở Hoa Kỳ, đứng đầu bộ phận pháp lý (General Counsel) là một chức vụ quan trọng trong công ty, và người nắm giữ chức vụ này rất dễ được đề bạt lên làm tổng giám đốc điều hành. Hầu hết các trường dạy về kinh doanh ở Hoa Kỳ đều yêu cầu học sinh học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) phải học một môn bắt buộc là quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Học sinh được dạy các tình huống cho thấy các thủ tục pháp lý, kể cả các trường hợp bồi thường thương mại như là chống bán phá giá, có thể được sử dụng làm vũ khí cạnh tranh như thế nào. Do vậy, không có gì ngạc nhiên là các công ty Hoa Kỳ nằm trong số những doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất các luật bồi thường thương mại.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: – 1900.0191
Mức độ sử dụng các luật bồi thường thương mại
Luật chống bán phá giá và chống trợ giá: Trong số những luật và điều luật bồi thường thương mại kể trên, luật chống phá giá được sử dụng phổ biến nhất, và tiếp theo là luật chống trợ giá. Lý do chính mà các công ty Hoa Kỳ sử dụng nhiều luật chống bán phá giá hơn luật chống trợ giá là các vụ điều tra theo luật chống bán phá giá thường dẫn đến mức thuế cao hơn.
Theo thống kê của Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), trong giai đoạn từ 1 tháng 1 năm 1980 đến 31 tháng 12 năm 2001, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 910 vụ kiện bán phá giá vào nước này, trung bình 41 vụ/năm, trong đó đã áp thuế chống bán phá giá đối với 399 vụ. Cũng trong thời gian này, có 340 vụ được điều tra theo Luật chống trợ giá, trung bình 15 vụ/năm, trong đó 153 vụ bị áp thuế chống trợ giá. Số lượng các vụ kiện bán phá giá hoặc trợ giá tăng hoặc giảm tuỳ thuộc vào chu kỳ kinh tế của Hoa Kỳ. Khi kinh tế Hoa Kỳ mạnh, ngành công nghiệp trong nước thường khó chứng minh bị thiệt hại vật chất – một điều kiện để thắng kiện; do vậy, họ ít kiện hơn. Ngược lại, khi kinh tế yếu, số vụ kiện đòi bồi thường thương mại thường tăng lên.
Ngoài Nhật bản, Hàn quốc, các nước EU và các nước OECD khác là mục tiêu thường xuyên của các vụ kiện đòi bồi thường thương mại, còn có rất nhiều vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá chống lại các nước đang phát triển. Cũng theo thống kê của USITC, trong giai đoạn 1980 – 1999, có 58 nước và vùng lãnh thổ đang phát triển đã phải chịu hai loại thuế này, trong đó Braxin đứng đầu danh sách với 45 vụ chịu thuế chống phá giá và 33 vụ chịu thuế chống trợ giá. Tiếp theo là Trung Quốc với 70 vụ chịu thuế chống bán phá giá và 4 vụ chịu thuế chống trợ giá. Đài Loan, Mêhicô, ấn độ, Venêzuêla, Achentina, Thái Lan, Nga, Nam Phi cũng là những nước và vùng lãnh thổ phải chịu nhiều vụ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá. Việt Nam tuy mới thực sự buôn bán với Hoa Kỳ từ năm 2002, song đến nay đã có hai vụ phải chịu thuế chống bán phá giá gồm cá Tra và cá Basa, và tôm đông lạnh và đóng hộp.
Điều 201 về các hành động tự vệ ít được sử dụng hơn nhiều. Do đòi hỏi về các tiêu chuẩn pháp lý để có thể áp dụng các hành động tự vệ cao hơn so với trong các trường hợp chống bán phá giá, các ngành công nghiệp trong nước thường kiện bán phá giá nhiều hơn. Ngoài ra, kể cả trong trường hợp đáp ứng được các tiêu chuẩn pháp lý khắt khe, Tổng thống vẫn có quyền từ chối áp dụng các hành động tự vệ được khuyến nghị – và Tổng thống thường từ chối. Do vậy, trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 2000 Hoa Kỳ chỉ điều tra khoảng 70 vụ theo Điều luật 201. Trong số này, có khoảng một nửa USITC không tìm ra thiệt hại vật chất, và khoảng một nửa trong số những trường hợp kết luận bị thiệt hại vật chất bị Tổng thống từ chối áp dụng các biện pháp tự vệ do USITC khuyến nghị. Do vây, chỉ khoảng 20% tổng số vụ điều tra theo điều luật này dẫn đến hạn chế nhập khẩu.
Điều 337 được sử dụng thường xuyên hơn Điều 201. Theo thống kê của Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), tính đến 1 tháng 8 năm 2001 đã có 460 vụ điều tra theo Điều 337. Các vụ điều tra theo điều luật này thường dẫn đến kết quả buộc các công ty vi phạm phải ký hợp đồng lixăng đối với tài sản trí tuệ liên quan, do vậy ít phải sử dụng đến biện pháp hạn chế nhập khẩu.Điều 301 cũng thường được sử dụng, với hơn 120 vụ điều tra trong thời gian kể từ khi điều luật này được ban hành đến cuối năm 2001. ít vụ điều tra này dẫn đến trừng phạt hạn chế nhập khẩu thực sự. Trước quyết định của WTO năm 2000 tuyên bố các biện pháp trừng phạt theo Điều 301 không phù hợp với những qui định của WTO, Hoa Kỳ thực sự đã đe dọa hoặc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt trong một số trường hợp. Có một vụ ầm ĩ liên quan đến ô tô hạng sang nhập khẩu từ Nhật bản, trong đó Hoa Kỳ đã đe dọa áp thuế 100%. Tuy nhiên, vụ này đã được hai bên dàn xếp trước khi thuế có hiệu lực. Một vụ khác liên quan đến bán dẫn của Nhật dẫn đến áp thuế 100% đối với máy tính nhập từ Nhật trong mấy năm. Mặc dù những vụ điều tra theo điều luật này chủ yếu nhằm vào các nước EU, Nhật bản và các nước phát triển khác, nhưng cũng có trên 45 vụ liên quan đến nhiều nước đang phát triển.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH LVN GROUP
Điện thoại yêu cầu dịch vụ: 043-9916057 Tổng đài tư vấn luật:1900.0191
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email
Rất mong nhận được phục vụ Quý khách hàng!
Trân trọng./.
BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT – CÔNG TY LUẬT LVN GROUP
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
1. Tư vấn pháp luật lao động;
3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;
4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;
2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;
5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.
6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;