Người ta đã tổng kết thế này: Mã số nông thôn bây giờ là: 001683. Nghĩa là không thanh niên, không trí thức, toàn trẻ em (1/6) và phụ nữ (8/3).

Người ta đã tổng kết thế này: Mã số nông thôn bây giờ là: 001683. Nghĩa là không thanh niên, không trí thức, toàn trẻ em (1/6) và phụ nữ (8/3). Một nông thôn nghèo nàn như thế làm sao hiện đại hoá nông nghiệp, làm sao công nghiệp hoá nông thôn. Theo tôi, có 4 vấn đề trầm trọng cơ bản trong phát triển nông nghiệp hiện nay cần cấp bách giải quyết.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Trước hết, là ruộng đất

Đất nông nghiệp đang quá manh mún. Theo nhiều nguồn tài liệu thì Việt Nam có đến 70 triệu thửa đất nông nghiệp trên chưa đến 4 triệu ha đất trồng lúa, điều đó nói lên sự manh mún ghê gớm cũng như minh chứng rất rõ một nền kinh tế tiểu nông. Đất ít, manh mún và càng manh mún hơn bởi đất canh tác ngày một bị loang lổ bởi sự xâm lấn của sân golf, khu công nghiệp… (mỗi năm bị mất khoảng trên 70.000ha).

Sự manh mún điển hình ở đồng bằng Bắc bộ, mỗi hộ có 4-5 sào đất, lại chia làm 5-7 mảnh, thậm chí mười, mười lăm mảnh phân khắp đồng xa đồng gần. Một nền nông nghiệp như thế sẽ rất nhọc sức nông dân, không hiệu quả, họ chán ruộng cũng dễ hiểu. Một ông chủ nhiệm HTX ở Chương Mỹ, Hà Nội tâm sự thế này: Nông dân xã tôi bây giờ đi làm qua loa chỉ để giữ lấy đất thôi.

HTX tổ chức làm mô hình sạ hàng, nhà nước cho giống, thuốc diệt cỏ, thuê cả công sạ, chủ ruộng chỉ việc gặt thôi mà chẳng mấy hộ hào hứng. Nông nghiệp bây giờ chỉ quanh quẩn 2 vụ lúa, cái mới không đưa vào được, nghĩ thật buồn tẻ. Thanh niên nông thôn chỉ thích đi làm cửu vạn, bốc vác ngày dăm bảy chục tiền ngay, chẳng anh nào chí thú mùa màng. Tôi nghĩ đó cũng là điều buồn tẻ chung của một nền nông nghiệp già nua vùng Bắc bộ cấp thiết phải có một thay đổi trong kiến thiết tổng thể.

Thứ hai, là thị trường

Chúng ta đều biết với một thị trường nông sản bấp bênh như hiện nay thì chuyện nông dân nay trồng mai chặt là hết sức bình thường. Và rõ ràng đã bấp bênh thì không ai muốn đầu tư nông nghiệp, nói thẳng đầu tư càng lớn, phong trào càng lớn càng dễ thất bại. Muốn ổn định thị trường, Nhà nước phải vào cuộc quyết liệt hơn nếu không sẽ bị các nhà buôn bắt tay thâu tóm hết.

Trước mắt Chính phủ tập trung vào một số mặt hàng chiến lược như gạo, cà phê và muối. Chẳng hạn nếu ta có một hệ thống kho tàng dự trữ tốt để khi giá cả thấp mua tạm trữ cho dân, hoặc cho dân “gửi” nông sản miễn phí chờ giá lên thì chắc chắn thị trường sẽ luôn có lợi cho nhà sản xuất, cụ thể đó chính là người nông dân.

Thứ ba, giá đầu vào

Một đất nước nông nghiệp thuộc diện mạnh là Việt Nam mà hàng năm vẫn phải bỏ ra trên 2 tỷ đô la nhập trên 1 triệu tấn ngô, trên dưới 1 triệu tấn khô dầu đậu tương, bột cá về làm thức ăn chăn nuôi. Lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, quá lệ thuộc vào các hãng chăn nuôi nước ngoài đã làm cho giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam thuộc diện cao nhất các nước khu vực, cụ thể cao hơn Thái Lan, Trung Quốc 10-15%.

Ngành chăn nuôi đang kiệt quệ bởi dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng, cộng với giá cả đầu vào quá cao làm cho việc tái sản xuất rất khó khăn vì không ai tha thiết đầu tư chăn nuôi. Không riêng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mà các loại giá đầu vào khác như phân bón, thuốc trừ sâu cũng tăng liên tục khi bị thao túng bởi một số doanh nghiệp độc quyền. Giá đã tăng, vấn nạn hàng giả hàng kém chất lượng lại tràn lan, không trừ bất cứ một mặt hàng gì từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu…

Rõ ràng từ giá cả cho đến chất lượng vật tư nông sản chúng ta quản lý chưa tốt và nguy cơ hơn là vẫn chưa có giải pháp đồng bộ, chưa có chế tài đủ mạnh và thuyết phục để chống nạn hàng giả hàng kém chất lượng tràn lan hiện nay.

Thứ tư, là an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)

Đây là một vấn đề nhức nhối kéo dài mà lỗi ở khâu tổ chức. Hình như chúng ta đang quen và “thích nghi” dần với các cụm từ rau bẩn, thịt bẩn… Ra chợ không biết rau nào là rau sạch; mua thịt không biết đâu là thịt sạch. Bởi vì trồng rau, nếu vẫn cứ phân tán, mỗi hộ trồng một ít, thì không thể quản lý nổi. Mà nông dân, hễ thấy sâu thì họ phun thuốc, thậm chí phun phòng, càng nhiều càng tốt, cho chắc ăn. Như thế đủ thấy mỗi ngày dân chúng ta “tống” vào người một lượng thuốc độc hại không hề nhỏ.

Ruộng đất manh mún; thị trường bấp bênh; giá cả đầu vào tăng cùng nạn hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan; sản phẩm không an toàn, tổng của 4 vấn đề đó, là mối nguy cơ làm nông nghiệp mất ổn định, đồng ruộng bị bỏ bê, người ở quê ùn ùn kéo lên thành phố làm thuê.

Thịt cũng vậy. Tôi không bàn sâu về vấn đề lạm dụng kháng sinh hay hoóc môn tăng trưởng. Ở đây xin nói một khía cạnh khác, đó là vấn đề giết mổ. Ngay ở Hà Nội, tôi được biết hễ nhà máy giết mổ tập trung nào ra đời là sập tiệm luôn. Đơn giản là chẳng ai đưa lợn hay gà, ngan, vịt… vào đó giết mổ cả, vì giết mổ ở lò thủ công tiện lợi, đơn giản lại rẻ. Điều đó chứng minh chúng ta đang quá dễ dãi với vấn đề vệ sinh giết mổ; hoặc chưa có chế tài, chưa có lực lượng đủ mạnh để xử lý các lò mổ mất vệ sinh. Một khi những lò mổ như thế còn tồn tại, đồng nghĩa lò mổ tập trung không còn đường sống.

Tôi có một số kiến nghị như sau:

Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất nông nghiệp. Vì doanh nghiệp chính là đối tượng tích tụ rung đất giỏi nhất để làm hàng hoá. Chẳng hạn đã có DN tư nhân (ở Nam Định) Là Cty Cường Tân thuê hẳn 100ha đất để sản xuất lớn thì Nhà nước cần đầu tư cho những doanh nghiệp như thế mới mau chóng hiện đại hoá nông nghiệp. Giả sử có 1 vạn DN cùng thuê đất sản xuất sẽ có triệu ha đất làm hàng hoá, đúng theo nhu cầu thị trường.

Khuyến khích nhân rộng mô hình dồn điền đổi thửa tốt. Như ở xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, về cơ bản công việc dồn điền đổi thửa đã xong, đồng ruộng được sắp xếp lại, có đường ô tô chạy ra đồng như bàn cờ, trước mỗi hộ 5-7 mảnh ruộng nhỏ thì nay thành một ruộng lớn, bờ ruộng nhỏ đương nhiên được xoá sạch, diện tích canh tác tăng lên…

Về thị trường, đây là vấn đề lớn. Nhưng nên giải quyết trước mắt vấn đề sau thu hoạch bằng cơ giới hoá và nhất thiết đầu tư mạnh hơn nữa kho chứa đủ sức mua tạm trữ cân đối cung cầu.

Đầu tư nghiên cứu có chiều sâu và tổ chức sản xuất tốt 2 mặt hàng chiến lược ngành thức ăn chăn nuôi là ngô và đậu tương, để tiến tới hạn chế sự lệ thuộc nguyên liệu này của nước ngoài (xin nói thêm là ta không phải bàn nữa mà nên nhanh chóng đưa ngô chuyển gen kháng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ để tăng năng suất, đỡ công lao động và hạn chế ô nhiễm môi trường; thực chất hiện nay chúng ta nhập ngô nguyên liệu của nước ngoài cơ bản là ngô chuyển gen).

Vấn đề rau an toàn rõ ràng là phải tổ chức, quy hoạch lại. Nghe nói Hà Nội đầu tư 1.000 tỷ làm rau sạch nhưng với cách làm nhỏ lẻ manh mún thì không bao giờ ra được rau sạch đúng nghĩa. Rau sạch phải quy hoạch vùng và phải được tổ chức sản xuất tốt.

Riêng về nạn hàng giả hàng nhái trong vấn đề vật tư nông nghiệp, cơ sở phản ánh rằng, bây giờ bắt được một lô hàng nghi là giả, chờ được xét nghiệm xem là giả hay thật mất hàng tuần thậm chí cả tháng, có được kết quả thì hàng nó đã bán hết rồi. Tôi đề nghị phải có con người, có thiết chế xử phạt thật nặng tệ làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng mới ngăn được vấn nạn này.

SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ ĐIỆN TỬ – NGUYỄN HỮU NHỊ

Trích dẫn từ: http://nhaquanly.vn/

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

2.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

3. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

4. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;