1. Hành vi xâm phạm quyền tác giả và biện pháp bảo vệ quyền?

Tôi có sáng tác một bài hát và đăng ký bảo hộ quyền tác giả, nhưng người bạn của tôi lại có hành vi lén lút bán bài hát đó của tôi cho người khác mà hoàn toàn không hỏi ý kiến của tôi.

Vậy tôi muốn hỏi Luật sư rằng hành vi đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả không và tôi phải làm thế nào để bảo vệ được quyền lợi của tôi?

Trả lời:

Cảm ơn câu hỏi của quý khách, Luật LVN Group xin giải đáp thắc mắc của quý khách hàng như sau:

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì quyền tác giả bao gồm hai quyền năng là quyền nhân thân và quyền tài sản.

Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

1. Đặt tên cho tác phẩm.

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”

Nghị định 100/2006/NĐ-CP có quy định về quyền công bố tác phẩm và cho phép người khác công bố tác phẩm là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Quyền tài sản bao gồm các quyền được quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 như sau:

“1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.”

Theo khoản 3 Điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định: Quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

– Đối với hành vi của bạn anh đã bán bài hát do anh đã sáng tác thì hành vi này đã xâm phạm quyền phân phối tác phẩm mà chưa đươc phép của tác giả được quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn cần gặp người bạn của bạn thỏa thuận về việc anh ấy đã bán tác phẩm của anh thì phải tiền nhuận, bút thù lao hoặc yêu cầu bạn anh phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, anh cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Ngoài ra còn có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. (theo quy định tại khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009.

2. Tiêu chuẩn để đứng tên tác giả bài viết khoa học

Có phải Shakespeare là tác giả của các vở kịch Much ado about nothing, King Lear, Hamlet, Othello? Có phải Đoàn Thị Điểm là người dịch Chinh phụ ngâm? Những câu hỏi đó thoạt đầu mới nghe qua thì có vẻ lạ lùng và không cần thiết, nhưng xét một cách khách quan, ngày xưa người ta chưa có một hệ thống và chứng cứ để xác định tác giả của một tác phẩm.

Ngày nay, dù có hệ thống và tiêu chuẩn cho một tác giả, thực tế vẫn có những trường hợp mà người đứng tên tác giả một công trình khoa học nhưng chẳng có đóng góp một tí nào, cho dù là một chữ trong công trình đó. Vấn đề này trở nên thời sự khi “sự cố đạo văn” trong khoa học được báo chí phanh phui gần đây.

Bài báo khoa học không chỉ thể hiện kết cục của một công trình nghiên cứu, mà ở góc độ cá nhân còn thể hiện một thành tựu của nhà khoa học. Trong thực tế số bài báo khoa học vẫn là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đề bạt chức danh khoa bảng.

Ví dụ, nghiên cứu cho thấy trong ngành y khoa những cá nhân được đề bạt chức danh giáo sư thường có số bài báo khoa học cao gấp hai lần những người không được đề bạt (*). Do đó, có thể nói không ngoa rằng bài báo khoa học là một đơn vị tiền tệ trong học thuật và nghiên cứu khoa học.

Một công trình nghiên cứu khoa học thường có nhiều tác giả, chuyên gia đóng góp từ ý tưởng, chọn mô hình nghiên cứu, xác định phương pháp, cách thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, soạn thảo và diễn giải kết quả nghiên cứu, đến công bố bài báo khoa học. Mỗi bài báo thường có năm tác giả (tính trung bình), nhưng cũng có khi con số tác giả lên đến hàng trăm. Thật vậy, những công trình nghiên cứu đa quốc gia trong vài năm gần đây, có khi số tác giả quá nhiều (500 người), tập san phải đăng tên họ trong một phụ trang.

Do đó, đứng trước một bài báo có nhiều tác giả, người đọc (kể cả các ủy ban đề bạt chức danh giáo sư) phải hỏi về vai trò và mức độ đóng góp cho công trình nghiên cứu của từng tác giả như thế nào, và ai đủ tư cách đứng tên tác giả bài báo khoa học. Vấn đề này dẫn đến bàn luận giữa các tổng biên tập về việc đề ra tiêu chuẩn cho tác giả bài báo khoa học.

Tiêu chuẩn để đứng tên tác giả bài viết khoa học

Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191

Ba tiêu chuẩn vàng

Đã có khá nhiều nhóm đề ra tiêu chuẩn tác giả, nhưng đề nghị của nhóm Ủy ban tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors – ICMJE, còn gọi là Vancouver Group) được xem là “chuẩn vàng” hiện nay. Qua vài lần soạn thảo và tham khảo, ICMJE đã đề ra 3 tiêu chuẩn vàng mà một cá nhân phải đáp ứng để đủ tư cách tác giả một bài báo khoa học. Ba tiêu chuẩn đó là:

(1) Cá nhân có đóng góp quan trọng trong việc đề xuất ý tưởng và thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu, hoặc phân tích và diễn dịch dữ liệu;

(2) Cá nhân có đóng góp trong việc soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung tri thức của bài báo một cách nghiêm túc;

(3) Cá nhân đóng vai trò phê chuẩn bản thảo sau cùng trước khi đệ trình cho tập san khoa học.

Một cá nhân phải hội đủ tất cả ba tiêu chuẩn trên mới có tư cách đứng tên tác giả một bài báo khoa học. ICMJE cũng ghi chú cụ thể là những người chỉ có công tìm tài trợ, chỉ đóng góp dữ liệu, hay chỉ có công lãnh đạo một nhóm nghiên cứu không đủ tư cách đứng tên tác giả nếu như không hội đủ ba tiêu chuẩn trên đây.

Lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tế đa số các nhóm nghiên cứu trên thế giới ít khi tuân thủ theo quy định đó. Trong một phân tích đăng trên tập san JAMA, các tác giả cho thấy chỉ 64% tác giả đứng tên trong bài báo khoa học hội đủ ba tiêu chuẩn của ICMJE. Nói cách khác, có đến gần 40% các tác giả đứng tên trong danh sách tác giả không đủ tư cách đứng tên tác giả bài báo. Đó là một sự vi phạm đạo đức khoa học, một sự gian lận trong khoa học.

Việc xác định tác giả bài báo khoa học trong thực tế dẫn đến hiện tượng tác giả ma và tác giả danh dự. Năm 1994, một giáo sư sản phụ khoa rất danh tiếng thú nhận rằng ông không tham gia vào công trình nghiên cứu, không viết một chữ nào trong một bài báo được công bố. Tên của ông xuất hiện trong bài báo như là một đồng tác giả chỉ vì tác giả chính kính trọng ông là một sếp và đề tên ông như là một cách trả ơn! Điều đáng chú ý là ông chỉ lên tiếng thú nhận khi bài báo bị cộng đồng khoa học nêu vấn đề sau khi kiểm chứng.

Hiện tượng này được giới học thuật gọi là tác giả danh dự. Tác giả danh dự có khi còn được đề cập đến bằng các thuật ngữ khác như tác giả quà (gift author), tác giả khách (guest author). Ngoài ra, còn có hiện tượng những người đứng đầu nhóm nghiên cứu (sếp) dùng vị trí của mình để gây áp lực cho cấp dưới hay cộng sự ghi tên mình vào danh sách tác giả bài báo, và hiện tượng được gọi là tác giả áp lực (pressured author). Ngược lại, có những người có đóng góp quan trọng và đáp ứng tiêu chuẩn tác giả, nhưng trong thực tế lại không đứng tên tác giả bài báo, và hiện tượng này được gọi là tác giả ma.

Đứng tên là chịu trách nhiệm

Vấn đề tác giả danh dự cũng đã xảy ra ở Việt Nam. Mới đây, bài báo “Was the fine-structure constant variable over cosmological time” của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao (Viện Vật lý TPHCM), N.T.Hung và Trần Văn Hùng (Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ) đã bị tập san EPL rút xuống vì lý do đạo văn. Sự việc này làm rúng động giới khoa học Việt Nam, vì lần đầu tiên một bài báo khoa học từ Việt Nam bị phát hiện đạo văn.

Thật ra, tác giả Lê Đức Thông đã bị cảnh báo trước đó về đạo văn. Nhưng điều đáng chú ý là PGS. Nguyễn Mộng Giao, người đứng tên tác giả trong bài báo đó đã tuyên bố: “Tôi xin khẳng định, bài báo này không có một chữ nào của tôi mà hoàn toàn là do Thông tự viết, tự ý cho tên tôi vào rồi gửi đăng báo”. Câu phát biểu này cho thấy PGS. Giao là một tác giả danh dự. Không loại trừ khả năng các đồng tác giả khác cũng là tác giả danh dự.

Tác giả danh dự, tác giả áp lực, hay tác giả ma đều là những hình thức gian lận trong khoa học. Nghiên cứu khoa học dựa vào nền tảng của sự liêm chính, và khoa học không chấp nhận gian lận.

Đứng tên tác giả một bài báo khoa học có nghĩa là chịu trách nhiệm về bài báo khoa học. Bất cứ tác giả nào trong bài báo phải chịu trách nhiệm về sự chính xác và liêm chính của công trình nghiên cứu. Đứng tên tác giả cũng có nghĩa là nhất trí với nội dung và quan điểm phát biểu trong bài báo. Ngoài ra, đứng tên tác giả cũng có nghĩa là nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ công trình nghiên cứu khi bị “tấn công”. Một khi một công trình nghiên cứu đã công bố thì công trình đó sẽ được đồng nghiệp quốc tế săm soi, và tác giả phải có trách nhiệm giải thích cho đồng nghiệp trên thế giới, chứ không thể “bỏ chạy” được. Những người không có khả năng bảo vệ công trình nghiên cứu thì không nên đứng tên tác giả công trình đó.

Trong thời gian gần đây, nhận thức được những hình thức thiếu minh bạch này, một số tập san đề ra quy định mỗi tác giả trong bài báo khoa học phải mô tả phần đóng góp của họ cho bài báo khoa học, phải ghi rõ vai trò của họ trong việc đề xuất ý tưởng, thiết kế nghiên cứu, phân tích sinh hóa, phân tích thống kê và soạn thảo bài báo. Quy định này càng ngày càng được nhiều tập san khoa học hàng đầu trên thế giới đưa vào phần hướng dẫn cho các tác giả.

Đứng tên tác giả một công trình khoa học công bố trên tập san quốc tế không chỉ là một trách nhiệm, mà còn là một vinh dự. Tài trợ cho nghiên cứu, đề bạt chức danh giáo sư, giải thưởng khoa học… đều tùy thuộc một phần không nhỏ vào bài báo khoa học. Ở nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế, những trường hợp đạo văn, tác giả ma, tác giả danh dự, và tác giả ép buộc càng ngày càng phổ biến, nhưng vấn đề ít được đặt ra. Đã đến lúc cần có những quy định minh bạch về tư cách tác giả bài báo khoa học, và những quy định cũng như xu hướng mới trình bày trong bài này hy vọng sẽ giúp cho các tập san khoa học Việt Nam tham khảo như những biện pháp nâng cao tính liêm chính trong hoạt động khoa học.

__________________________

(*) Batshaw M, et al. Academic promotion at a medical school: experience at Johns Hopkins University School of Medicine. N Engl J Med 1988; 318:741-7

3. Tác giả của một tác phẩm đã được bảo hộ có những quyền gì đối với tác phẩm đó?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Tôi sáng tác một tác phẩm văn học và muốn đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Theo luật Sở hữu trí tuệ thì tác giả của một tác phẩm đã được bảo hộ có những quyền gì đối với tác phẩm đó?
Xin cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn câu hỏi của quý khachs, Luật LVN Group xin được tư vấn câu hỏi nêu trên như sau:

Theo quy định tại Điều 18, 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau:

Đặt tên cho tác phẩm.

+ Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.

+ Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

+ Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản bao gồm các quyền sau:

+ Làm tác phẩm phái sinh

+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng

+ Sao chép tác phẩm.

+ Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

+ Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

4. Các biện pháp bảo vệ quyền tác giả.

Kính chào công ty Luật LVN Group, tôi mới sáng tác một bài hát, theo luật sở hữu trí tuệ hiện hành tôi phải đăng ký quyền tác giả thì bài hạt của tôi mới được bảo vệ. Luật sư cho tôi hỏi tôi cần làm gì để bảo vệ quyền tác giả của mình?

Trả lời

Căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 có quy định cụ thể:

Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ

1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất l­ượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký…..

Theo quy định trên thì quyền tác giả trong pháp luật sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ một cách tự động khi được sáng tạo ra và thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định. Tuy nhiên, việc việc đăng ký quyền tác giả tại Cụcbản quyền tác giả sẽ là biện pháp đảm bảo nhằm ngăn ngừa các rắc rối khi có tranh chấp xảy ra.

Bên cạnh đó, nếu có hành vi xâm phạm bản quyền thì tác giả và các chủ thể khác của quyền tác giả có quyền tự bảo vệ tác phẩm của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005:

– Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm

– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại

– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm

– Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

5. Sử dụng tác phẩm không phải xin phép khi nào?

Trả lời

Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 điều này được sửa đổi bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 cụ thể:

Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

Điều kiện của quyền này phải là:

– Tác phẩm đã được công bố;

– Việc sử dụng tác phẩm này không làm ảnh hưởng tới việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm;

– Các hành vi sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao là các hành vi được quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay tới số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác từ phía quý khách hàng!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group