1. Khái quát về quản lý ngoại thương
Ngoại thương là những hoạt động buôn bán, trao đổi trên thị trường giữa các quốc gia theo nguyên tắc ngang bằng giá.
Ngoài trao đổi sản phẩm, ngoại thương còn bao gồm việc giao lưu văn hóa giữa các nước với nhau trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm và lưu giữ những nét đẹp của các quốc gia dân tộc đối với bạn bè quốc tế.
Như vậy, ngoại thương chính là hoạt động thương mại, buôn bán hàng hóa, dịch vụ giữa các đất nước với nhau. Khi hoạt động kinh tế vượt ra khỏi phạm vi một đất nước thì được gọi là hoạt động ngoại thương. Ngoại thương có thể bao gồm việc các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài hoặc nhập khẩu về cho đất nước.
Khi hoat động này phát triển đến mức nhất định, Nhà nước sẽ đưa ra những biện pháp để quản lý ngoại thương. Ở Việt Nam, Luật Quản lý ngoại thương 2017 sẽ điều chỉnh các vấn đề này. Tuy nhiên, trong Luật Quản lý ngoại thương 2017 không can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau mà điều chỉnh các quan hệ giữa nhà nước và thương nhân.
Các biện pháp áp dụng trong quản lý ngoại thương hàng hóa của Việt Nam được quy định tại Luật này đảm bảo hài hòa, lồng ghép giữa hai nguyên tắc cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép và thương nhân được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Theo đó, các biện pháp mang tính hạn chế quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu được quy định nhằm đảm bảo lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng, hoặc phù hợp cam kết quốc tế… phải thực hiện theo những nguyên tắc quy định trong Luật và chỉ được áp dụng đối với danh mục hàng hóa cụ thể. Những hàng hóa ngoài các danh mục này được tự do xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể các biện pháp như sau:
2. Biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
– Về cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu
Luật quy định các trường hợp áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (Điều 9), theo đó việc cấm xuất khẩu hàng hóa chỉ áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc cấm nhập khẩu hàng hóa chỉ áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí này, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (khoản 1 Điều 10).
Quy định như trong Luật vẫn đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo tinh thần của Hiến pháp, do các quy định tại Điều 9 đã phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tính linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ nhằm thực hiện các mục tiêu công cộng chính đáng. Sự lạm dụng, tùy tiện trong xây dựng Danh mục này là gần như không thể xảy ra do tất cả các đối tác thương mại của Việt Nam trong WTO và trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều theo dõi rất sát sao để bảo đảm Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam là phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí của điều ước quốc tế.
Ngoài ra, Luật cũng quy định trường hợp ngoại lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu để phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh (khoản 2 Điều 10).
– Về biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
Do có tính thời điểm rất cao nên việc áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu phải được quyết định theo một quy trình nhanh nhằm kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng. Mặt khác, khi áp dụng biện pháp này vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 9 và phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phải chịu sự giám sát chặt chẽ của tất cả các bên tham gia điều ước quốc tế đó. Do vậy, Luật quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được giao cho Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác (khoản 1 Điều 13). Ngoài ra, khoản 1 Điều 14 cũng quy định Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh, trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác.
3. Hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu
Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định chi tiết các biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu bao gồm hạn chế về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa, thương nhân và cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thông qua việc thực hiện chế độ hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu, chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
– Hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu
Khoản 1 Điều 18 quy định biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau: theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đối với hàng hóa bảo đảm cân đối vĩ mô, tăng trưởng kinh tế theo từng thời kỳ; khi nước nhập khẩu áp dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
– Hạn ngạch thuế quan
Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan được quy định tại Điều 21 Quản lý ngoại thương 2017 như sau:
“1. Áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa được dùng để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu.
3. Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu”.
Đây là biện pháp Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO, theo đó, có 04 mặt hàng sẽ được Việt Nam duy trì cơ chế hạn ngạch thuế quan, bao gồm: trứng gia cầm, muối, đường, lá thuốc lá. Ngoài ra, Việt Nam còn áp dụng trong trường hợp có ưu đãi đặc biệt đối với một số đối tác thương mại đặc biệt như Lào, Campuchia hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu: đây là biện pháp được áp dụng với mục đích quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chống chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận thương mại, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; phù hợp với điều kiện hạ tầng vật chất, kỹ thuật của từng cửa khẩu, bảo đảm quốc phòng, an ninh (khoản 1 Điều 24). Thương nhân có quyền tự do lựa chọn cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong các cửa khẩu đã được chỉ định (khoản 3 Điều 24).
– Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu: là biện pháp được áp dụng khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau: theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại; hàng hóa phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp quy định tại Chương V của Luật Quản lý ngoại thương 2017 (khoản 1 Điều 27).
Đây là biện pháp Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO theo đó biện pháp này chỉ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp thương mại nhà nước đối với một số mặt hàng như thuốc lá điếu, xuất bản phẩm… được cam kết tại Bảng 5 Đoạn 72 Báo cáo Ban Công tác gia nhập WTO của Việt Nam.
4. Quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu
Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định, quản lý theo giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương cho thương nhân để thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa (khoản 1 Điều 29).
Quản lý theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quy định điều kiện về chủ thể kinh doanh, chủng loại, số lượng, khối lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, địa bàn mà thương nhân phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không cần phải cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu (khoản 2 Điều 29).
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định: chỉ áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện trong các trường hợp cần thiết vì lý do trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường (khoản 1 Điều 30).
Trên cơ sở các quy định trên, Điều 31 quy định giao Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện.
5. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa
– Pháp luật quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
– Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo đề nghị của thương nhân hoặc do thương nhân tự chứng nhận đối với các trường hợp không thuộc 2 trường hợp nêu trên.
6. Chứng nhận lưu hành tự do
Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu (khoản 1 Điều 36). Danh mục hàng hóa phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do và thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do do Chính phủ quy định (Điều 38).
7. Các biện pháp quản lý hoạt động ngoại thương khác
Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định các biện pháp quản lý hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh; đại lý mua bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài; ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu; gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài và đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài (Điều 39 đến Điều 52).
– Về tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu
Kinh doanh tạm nhập, tái xuất được hiểu là việc thương nhân mua hàng hóa từ một nước đưa vào lãnh thổ Việt Nam hoặc từ khu vực hải quan riêng đưa vào nội địa và bán chính hàng hóa đó sang nước, khu vực hải quan riêng khác. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chỉ được lưu lại lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn nhất định.
Khoản 1 Điều 40 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định các hàng hóa bị cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu gồm: hàng hóa là chất thải nguy hại, phế liệu, phế thải; hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hàng hóa là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng có nguy cơ gian lận thương mại; hàng hóa có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.
Đối với tạm xuất, tái nhập hàng hóa, khoản 1 Điều 42 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, sản xuất, thi công, thuê, mượn, trưng bày, triển lãm hoặc để sử dụng vì mục đích khác theo hợp đồng với nước ngoài.
– Quá cảnh hàng hóa
Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trong việc cho phép quá cảnh hàng hóa tại Điều 44 như sau:
(1). Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép quá cảnh hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
(2). Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp phép quá cảnh đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
(3). Hàng hóa không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam và chỉ phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng theo quy định của pháp luật về hải quan.
Thời gian quá cảnh lãnh thổ Việt Nam tối đa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trừ trường hợp được gia hạn; trường hợp hàng hóa được lưu kho tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất; phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh bị hư hỏng trong quá trình quá cảnh (khoản 1 Điều 47).
– Đại lý mua bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài
Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định thương nhân được nhận làm đại lý mua bán hàng hóa hợp pháp cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc hàng hóa tạm ngừng nhập khẩu và được thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý mua bán hàng hóa tại nước ngoài đối với hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu.
– Ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu
Trên cơ sở quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân, luật quy định thương nhân được ủy thác xuất khẩu, ủy thác nhập khẩu hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc không phải là hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
– Gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài và đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài
Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định thẩm quyền cho phép thực hiện hoạt động gia công hàng hóa trong một số trường hợp đặc biệt, theo đó đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng nhận gia công sau khi được Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp phép. Ngoài ra, thương nhân được thực hiện hoạt động gia công hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép.
8. Hoạt động ngoại thương với các nước có chung biên giới
Nội dung quản lý bao gồm quy định khung pháp lý chung về các biện pháp quản lý đặc thù được áp dụng đối với hoạt động ngoại thương với nước có chung biên giới, các nguyên tắc trong quản lý hoạt động thương mại biên giới nói chung và nguyên tắc phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong hoạt động thương mại biên giới nói riêng. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quyết định, công bố Danh mục các cửa khẩu khác và nơi mở ra cho qua lại biên giới được phép thực hiện hoạt động thương mại biên giới bảo đảm các điều kiện và chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật có liên quan. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua các khu vực trên bị ách tắc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới, căn cứ vào điều kiện hạ tầng, kỹ thuật tại khu vực đó, có thể áp dụng biện pháp ưu tiên xuất khẩu hàng hóa là thực phẩm tươi sống, nông sản mau hỏng hoặc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa cho đến khi không còn ách tắc.
Bên cạnh đó, Luật Quản lý ngoại thương 2017 còn quy định về cơ chế điều hành, phối hợp của các lực lượng tại cửa khẩu cũng như chính sách quản lý, phát triển các hoạt động hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải qua các cửa khẩu biên giới đất liền và phát triển du lịch.
Quy định như trong Luật là phù hợp với Điều XXIV của Hiệp định GATT 1994 và các điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; phù hợp với đặc thù từng tuyến, tỉnh biên giới về giao thông, địa hình, dân số…; và là công cụ linh hoạt trong thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước với từng đối tác thương mại cụ thể có chung đường biên giới với nước ta.
Các quy định này tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại biên giới đã được thực hiện tương đối ổn định từ năm 2006 đến nay, theo đề nghị của nhiều Bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp và nguyện vọng của chính quyền, nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới các với nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia cũng như nhằm thực hiện các Điều ước quốc tế về thương mại biên giới mà Việt Nam đã ký kết với các nước này.
9. Quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng
Nội dung quản lý bao gồm việc phân định rõ quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu giữa nội địa với các khu vực hải quan riêng, giữa các khu vực hải quan riêng với nhau cũng như giữa khu vực hải quan riêng với bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư.
“Khu hải quan riêng” đã được đề cập tại Điều 28 Luật Thương mại 2005 và theo khoản 4 Điều 3 của Luật, “khu hải quan riêng” là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
Luật quy định chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý ngoại thương hàng hóa đối với khu hải quan riêng (Điều 56, Điều 57, Điều 58), cụ thể:
– Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa được đưa từ khu hải quan riêng ra nước ngoài như đối với hàng hóa được đưa từ nội địa ra nước ngoài.
– Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng.
– Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ khu hải quan riêng vào nội địa như đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
– Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương, trừ biện pháp cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, biện pháp kiểm dịch đối với hàng hóa được đưa từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng.
– Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa mua bán, vận chuyển giữa các khu hải quan riêng trong lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, Luật quy định trong một số trường hợp cần thiết nhằm chống gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hoặc không áp dụng một hoặc một số biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các khu này.