Luật sư tư vấn:

1. Hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn 

Có thể hiểu, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện. Cụ thể là vi phạm những quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó hiện nay, hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19 tháng 10 năm 2020 điều chỉnh và quy định chi tiết về những vấn đề liên quan đến vi phạm về thuế hay hóa đơn. 

Theo đó, vi phạm hành chính về thuế là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác (có thể là tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, vi phạm hành chính về hóa đơn là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về hóa đơn mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

 

2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Hiện nay, những đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm:

– Người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Trong trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay người nộp thuế thì nếu bên được ủy quyền có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền bị xử phạt theo Nghị định này.

Trong trường hợp theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định này.

– Tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Bên cạnh đó, người nộp thuế là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm:

– Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn;

– Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập;

– Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

– Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam;

– Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

– Tổ hợp tác và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

 

3. Hình thức xử phạt chính đối với hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn 

Có thể nói, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính nói chung hay xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn nói riêng góp phần giúp ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý nhà nước.

Theo đó, hình thức xử phạt chính đối với hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn hiện nay được quy định cụ thể tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

* Phạt cảnh cáo

Phạt cảnh cáo áp dụng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và thuộc trường hợp áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo theo quy định tại Nghị định này.

* Phạt tiền

– Đối với hành vi vi phạm về hóa đơn:

Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn. Phạt tiền tối đa không quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn.

– Đối với hành vi vi phạm về thuế:

Phạt tiền tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.

Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.

Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.

Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.

Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

* Hình thức xử phạt bổ sung

– Đình chỉ hoạt động in hóa đơn có thời hạn.

Bên cạnh đó, các mức phạt tiền đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.

Trường hợp khi xác định mức phạt tiền đối với người nộp thuế vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

Trường hợp khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn và hành vi vi phạm là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó.

– Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt;

– Nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

 

4. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn 

Hiện nay, ngoài hình phạt chính và hình phạt bổ sung thì biện pháp khắc phục hậu quả là hình phạt được áp dụng kèm theo đối với những hành vi vi phạm pháp luật nhất định, nhằm tăng cường cũng như củng cố tác dụng của hình phạt chính và nâng cao tính răn đe cho xã hội. 

Theo đó, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn hiện nay được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

– Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

– Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau.

– Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế; khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế; nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế; cung cấp thông tin.

– Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn.

– Buộc lập hóa đơn theo quy định.

– Buộc hủy, tiêu hủy hóa đơn, các sản phẩm in.

– Buộc lập và gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn.

– Buộc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử.

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính. 

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.0191 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group./.