1. Khái niệm biện pháp ngăn chặn
Biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
“Điều 109. Các biện pháp ngăn chặn
1. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ”.
Những biện pháp ngăn chặn được áp dụng với mục đích ngăn chặn, không cho tội phạm tiếp tục xảy ra gây thiệt hại cho xã hội, không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc gây cản trở điều tra truy tố, xét xử, thi hành án trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Đồng thời việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn còn nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án như không để người phạm tội có thể xóa dấu vết phạm tội, tiêu hủy chứng cứ, làm giả chứng cứ,……
Theo quy định nêu trên ta có thể nhận thấy: Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự, do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, công dân áp dụng đối với bị can, bị cáo, người phạm tội quả tang, người có lệnh truy nã hoặc người bị nghi là người phạm tội, nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm tội, không để cho những đối tượng nêu trên cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục việc phạm tội cũng như là biện pháp để bảo đảm việc thi hành án.
2. Căn cứ để áp dụng các biện pháp ngăn chặn
Bộ luật tố tụng hình sự quy định căn cứ để áp dụng các biện pháp ngăn chặn cụ thể tại Khoản 1 Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh”.
2.1 Để kịp thời ngăn chặn tội phạm
Khi có các hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc tội phạm đang xảy ra trực tiếp xâm hại đến các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm đấu tranh không cho tội phạm tiếp tục xảy ra để nhằm hạn chế mức thấp nhất các thiệt hại về vật chất, tinh thần cũng như là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì lý do đó nên Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định áp dụng các biện pháp ngăn chặn để có thể kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm tội có thể xảy ra hoặc đang xảy ra xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ.
Căn cứ áp dụng này được Bộ luật tố tụng hình sự áp dụng trong những trường hợp cụ thể như sau:
– Khi có căn cứ để xác định một người đang chuẩn bị thực hiện một tội phạm rất nghiêm trong hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Đây là trường hợp hành vi phạm tội chưa xảy ra, người thực hiện chưa thực hiện các hành vi được quy định trong cấu thành tội phạm mà chỉ mới có các hành vi chuẩn bị các công cụ, phương tiện hoặc những điều kiện cần thiết về vật chất, tinh thần cho việc thực hiện tội phạm và để bảo đảm không cho hành vi phạm tội có thể xảy ra gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
– Trường hợp bắt người phạm tội quả tang được quy định trong Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 khi có căn cứ xác định người đó đang thực hiện hành vi phạm tội, thực hiện các hành vi cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự.
Khi áp dụng căn cứ này cần phải chú ý đến các tài liệu, chứng cứ dùng làm căn cứ để áp dụng biện pháp ngăn chặn và phải xác thực tính khách quan (thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ) chứ không được suy đoán, tưởng tượng ra hành vi.
2.2 Khi có căn cứ cho rằng người bị buộc tội tiếp tục phạm tội
Sau khi đã thực hiện xong hành vi phạm tội (tức là tội phạm đã kết thúc), người thực hiện hành vi đã bị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khởi tố với tư cách là bị can hoặc đang là bị cáo mà nhận thấy có căn cứ cho rằng họ có thể sẽ vẫn tiếp tục phạm tội nếu vẫn để họ tự do nên cơ quan tiến hành tố tụng cần phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không cho họ có các điều kiện để phạm tội mới. Căn cứ để xác định là dựa vào nhân thân cũng như thái độ của họ, cụ thể như sau:
– Bị can, bị cáo có những hành vi tích cực chuẩn bị thực hiện tội phạm mới và tội phạm mà họ định thực hiện có thể là ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng.
– Bị can, bị cáo là những phần tử có ý thức chống đối chế đọ sâu sắc, là những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, đã từng có tiền án, tiền sự, thuộc loại tái phạm, tái phạm nguy hiểm,….đây là những dấu hiệu thuộc về nhân thân người phạm tội nó lên bản chất ngoan cố của người phạm tội.
2.3 Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử
Đây là căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong trường hợp tội phạm đã kết thúc và nó có ý nghĩa bảo đảm cho công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện một cách thuận lợi, khách quan và toàn diện nhất. Những biểu hiện của việc gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử có thể là: bị can, bị cáo trốn khỏi nơi cư trú; nhiều lần không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng mà không có lý do chính đáng; xóa bỏ dấu vết tội phạm; tiêu hủy chứng cứ, làm thay đổi các tài liệu liên quan đến tội phạm; mua chuộc người bị hại, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch; thông đồng, cấu kết với nhau đối phó với các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Căn cứ này được hiểu là bị can, bị cáo đã có hành vi gây cản trở hoặc có khả năng thực hiện ngay tức khắc việc gây cản trở cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn theo căn cứ này thường là bị can, bị cáo tuy nhiên cũng có thể áp dụng đối với người chưa có quyết định khởi tố bị can như một người thực hiện tội phạm và sau đó đã bỏ trốn hoặc khi phát hiện dấu vết tội phạm trên người hoặc nơi ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và có căn cứ để thấy rằng người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
2.4 Để đảm bảo cho việc thi hành án
Thi hành án là giai đoạn cuối cùng của tố tụng hình sự nhằm làm phát huy hiệu lực của bản án trong thực tế, vì thế việc tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cho hoạt động thi hành án có kết quả là một việc hết sức cần thiết. Để có thể đảm bảo cho việc thi hành án, căn cứ vào đặc điểm về nhân thân của từng bị cáo, vào tính chất của từng vụ án, tòa án có thể lựa chọn các biện pháp ngăn chặn thích hợp để có thể đảm bảo cho việc thi hành án, cụ thể như các biện pháp sau:
– Cấm đi khỏi nơi cư trú;
– Bảo lĩnh;
– Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm;
– Tạm giam.
Khi có căn cứ cho rằng bị cáo có thể cản trở việc thi hành án thì có thể áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn kể trên. Biểu hiện của việc cản trở thi hành án được thể hiện như: Bị cáo đang có các hành vi chuẩn bị trốn khỏi nơi cư trú; bị cáo không có nơi cư trú rõ ràng, không có nghề nghiệp hoặc bị cáo có nhân thân xấu như: là phần tử lưu manh, chuyên nghiệp, côn đồ, hung hãn, đã từng có tiền án, tiền sự,…Do đó căn cứ để áp dụng các biện pháp ngăn chặn là những tài liệu, chứng cứ mang tính dự báo về khả năng bị can, bị cáo thực hiện các hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử, tiếp tục các hành vi phạm tội hoặc cản trở khả năng thi hành án của cơ quan thi hành án. Việc có hay không áp dụng các biện pháp ngăn chặn và áp dụng biện pháp ngăn chặn nào tùy thuộc và tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, cũng như là nhân thân của bị can, bị cáo và cả điều kiện và khả năng quản lý họ của các cơ quan tiến hành tố tụng.
3. Bảo đảm quyền con người trong quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rất rõ ràng về chế định quyền con người do đó các biện pháp ngăn chặn một khi đã được áp dụng nó đã một phần nào đó làm hạn chế các quyền tự do về thân thể, quyền tự do đi lại, quyền về tài sản,…trong một thời hạn nhất định. Vì vậy khi đưa ra các quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải cân nhắc thận trọng tránh việc áp dụng các biện pháp này tràn lan, gây ra ảnh hưởng và các thiệt hại đến quyền và lợi ích của công dân.
Bộ luật tố tụng hình sự nước ta quy định biện pháp ngăn chặn được đặt ra nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vụ án và đồng thời cũng đòi hỏi khi áp dụng các biện pháp này các cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo đảm quyền tự do của công dân và không được áp dụng một cách tùy tiện, chỉ khi nào thật cần thiết mới được quyền áp dụng và phải được áp dụng trong khuôn khổ pháp luật tố tụng hình sự.
Luật LVN Group