Hiện tại hai cháu trở thành trẻ mồ côi , các cháu không còn ai thân thích, hiện tại đang sống với bà nội năm nay cụ cũng tầm 70 tuổi rồi. Luật sư cho tôi hỏi hai cháu có thuộc diện trẻ em có nhóm hoàn cảnh đặc biệt không ? Và các cháu bị mồ côi trong đợt dịch này thì nhà nước có chế độ ưu tiên gì cho 2 cháu ? tôi muốn giúp đỡ cụ và các cháu làm hồ sơ cũng như tìm hiểu để cho cụ và hai cháu biết. Xin cảm ơn Luật sư của LVN Group!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Nội dung phân tích
1. Quy định pháp luật về một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
1.1 Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ
– Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ không có người chăm sóc.
– Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được nuôi dưỡng trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoặc cơ sở trợ giúp xã hội.
– Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ sống với người thân thích.
– Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được nhận chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải người thân thích, trừ trường hợp được nhận làm con nuôi.
1.2 Nhóm trẻ em bị bỏ rơi
– Trẻ em bị bỏ rơi chưa được chăm sóc thay thế.
– Trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc thay thế.
1.3 Trẻ em không nơi nương tựa
– Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật.
– Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc không còn khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng.
– Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Trẻ em có cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật.
– Trẻ em có cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.
– Trẻ em có cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Trẻ em có cả cha và mẹ không còn khả năng chăm sóc trẻ em.
– Trẻ em có cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.
-Trẻ em có cả cha và mẹ đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Trẻ em có cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ trong độ tuổi trẻ em.
– Trẻ em có cả cha và mẹ bị hạn chế quyền làm cha mẹ hoặc tạm thời cách ly khỏi cha hoặc mẹ theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em
– Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình.
– Không phân biệt đối xử với trẻ em.
– Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em.
– Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
– Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các Mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, ngành và địa phương.
3. Các yêu cầu bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật
– Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ sau đây:
+ Phòng ngừa;
+ Hỗ trợ;
+ Can thiệp.
– Bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
– Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
– Trẻ em được ưu tiên bảo vệ tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Việc đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội là biện pháp tạm thời khi các hình thức chăm sóc tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế không thực hiện được hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
– Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em.
– Coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả; tích cực hỗ trợ để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
3. Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Chính sách chăm sóc sức khỏe:
– Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
– Nhà nước trả hoặc hỗ trợ trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc giám định sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
– Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe khác theo quy định của pháp luật.
Chính sách trợ giúp xã hội
– Nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng đối với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; hỗ trợ chi phí mai táng và chế độ trợ cấp, trợ giúp khác cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội;
– Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được bảo vệ khẩn cấp theo quy định.
Chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp:
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
Chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác:
– Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
– Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác theo quy định
Ngoài ra theo điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định
“1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Mồ côi cả cha và mẹ”.
– Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng
“1. Đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng quy định như sau:
a) Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này:
– Hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi;
– Hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên”.
– Khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội như sau:
“1. Mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.
2. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng.
Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác”.
– Để kịp thời hỗ trợ cho trẻ em, góp phần động viên, khích lệ tinh thần và giảm bớt một phần khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày 09 tháng 9 năm 2021 Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam ban hành Công văn số 327/QBT-QLCTDA về việc hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó quy định đối tượng và mức hỗ trợ như sau:
“Trẻ em mồ côi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Cả cha và mẹ chết vì nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021.
-Cha hoặc mẹ chết vì nhiễm Covid-19 trong khoản thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021 và gia đình có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, cận nghèo, giấy xác nhận hộ khó khăn).
Định mức hỗ trợ: 2.000.000 đồng/trẻ em.
Như vậy, dối chiếu với các quy định của pháp luật đã nêu trên trường hợp của bạn hai cháu bé mồ côi cả cha và mẹ thuộc đối tượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Nhà nước có các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như:
Chính sách chăm sóc sức khỏe (Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, trả hoặc hỗ trợ trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh …);
Chính sách trợ giúp xã hội (Nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng đối với các cháu, cụ thể:
Cháu bé 9 tuổi hưởng mức trợ cấp 1,5 x 360.000 đ/tháng= 540.000 đông/tháng;
Cháu bé 12 tuổi hưởng mức trợ cấp 1,5 x 360.000 đồng/tháng= 540.000 đ/tháng;
Chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập);
Chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác,..
Ngoài ra mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4-31/12. Nguồn kinh phí đến từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Bên cạnh những chính sách của Nhà nước, lúc này, các em rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để vơi bớt đi những khó khăn và phần nào bù đắp nỗi đau quá lớn mà các em phải gánh chịu. Nhiều chương trình đang được phát động, nhiều tình cảm đang hướng đến các em, giúp các em có được sự sẻ chia và chăm sóc tận tình. Hội đồng Đội TPHCM đã phát động chương trình hỗ trợ học bổng 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch bệnh COVID-19 cho đến khi các em học hết cấp 3. Hơn một tháng qua, chương trình đã nhận được đăng ký của hơn 150 nhà hảo tâm, cá nhân, tập thể với hơn 400 suất học bổng cho đội viên, học sinh với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Bạn có thể liên hệ đến tổ chức chương trình của hội đồng TPHCM để được giúp đỡ hai cháu bé và bà nội của hai cháu.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group