1. Khái niệm đình công

Điều 198 Bộ luật lao động năm 2019  có quy định về đình công như sau 

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo

  • Dưới góc độ kinh tế, đình công là một biện pháp đấu tranh kinh tế được thực hiện bởi những người lao động; nhằm gây sức ép đối với người sử dụng lao động; để đạt được những yêu cầu, yêu sách mà người lao động đưa ra….
  • Dưới góc độ xã hội, đình công gây ra những ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; xét về tính chất và quy mô, đình công có tác động không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội đối với khu vực có đình công xảy ra,…

* Đặc điểm của đình công  

– Đình công nhằm để  đạt được mục đích, lợi ích nhất định

Tập thể người lao động chỉ được phép đình công khi có những tranh chấp lao động xảy ra mà ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi. Vì thế, bản chất của đình công là việc đòi hỏi quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động từ người sử dụng lao động. Việc thực hiện đình công là biện pháp để người sử dụng lao động thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và thỏa mãn được quyền lợi của người lao động.

– Đình công là ngừng việc tạm thời

Đình công diễn ra nhằm đòi lại quyền lợi cho người lao động, và nếu quyền lợi đó được đáp ứng thì người lao động sẽ quay trở lại làm việc bình thường. Bên cạnh đó, đình công không làm mất đi quan hệ lao động và được diễn ra với quy mô lớn. Chính vì vậy đình công chỉ mang tính chất tạm thời.

– Đình công có tính tổ chức

Đình công luôn được thực hiện bởi tập thể người lao động, được sự tổ chức và lãnh đạo của Ban Chấp hành công đoàn.

– Đình công được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của người lao động

Việc tham gia đình công đòi hỏi quyền, lợi ích chính đáng luôn mang tính tự nguyện bởi nó là quyền của cá nhân người lao động nói riêng và tập thể người lao động nói chung. Người lao động không bị bắt buộc, cưỡng ép tham gia đình công.

2. Các dấu hiệu đình công 

– Thứ nhất, đình công là sự ngừng việc tạm thời của đông người lao động.
Đây là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất giữ vị trí trung tâm, liên kết các dấu hiệu khác tạo nên hiện tượng đình công.
Sự ngừng việc được hiểu là phản ứng của người lao động (những người cùng làm việc cho 1 người sử dụng lao động trong phạm vi: Cả đơn vị, doanh nghiệp hoặc một bộ phận nằm trong doanh nghiệp) bằng cách tạm dừng việc, không xin phép người sử dụng lao động, trong khi biết trước là không được sự đồng ý của người lao động, nhưng người lao động không bị xử lý kỷ luật vì đây là quyền của họ nếu đó là cuộc đình công hợp pháp.
Sự ngừng việc này mang tính tạm thời: chỉ diễn ra trong một thời gian nhất đinh, khi đạt được yêu sách người lao động sẽ quay trở lại làm việc. Trong thời gian đình công thì quan hệ lao động vẫn sẽ tồn tại.
Mức độ ngừng làm việc mang tính “triệt để”, ngừng việc hoàn toàn: Những người tham gia đình công không làm bất cứ công việc nào thuộc quan hệ lao động trong thời gian đình công, không thực hiện hành vi lao động. Các trường hợp là nghỉ việc lẻ tẻ, làm việc cầm chừng, làm việc không hết công suất máy móc, thời gian làm việc,…thì không được coi là đình công và người lao động có thể sẽ bị xử lý kỷ luật.
– Thứ hai, đình công phải thể hiện sự tự nguyện của NLĐ. Tự nguyện được hiểu là người lao động được quyền quyết định và họ tự do ý chí của mình trong việc quyết định ngừng việc, tham gia đình công mà không bị người khác xúi giục, bắt buộc, cưỡng ép ngừng việc.
– Thứ ba, đình công luôn có tính tập thể.
Đình công là quyền của người lao động nhưng thực hiện đình công bao giờ cũng là hành vi mang tính tập thể. Tính tập thể phải được biểu hiện qua cả các yếu tố định tính và định lượng.
+ Về yếu tố định lượng: biểu hiện ở số lượng có nhiều người lao động (toàn bộ hoặc đa số những người cùng làm việc cho 1 người sử dụng lao động trong phạmvi: cả đơn vị, doanh nghiệp hoặc một bộ phận nằm trong doanh nghiệp) cùng tham gia ngừng việc.
+ Về yếu tố định tính: ý chí của cá nhân và tập thể phải có sự trùng hợp, họ cùng chung ý chí, họ phải có sự kết hợp lại với nhau, họ phải cùng chung mục đích và hành động; ở tính đại diện của những người đó cho những người khác không tham gia đình công nhằm đạt được những lợi ích chung hoặc những nguyên tắc chung về quyền lợi trong quan hệ lao động.
Tính tập thể (gồm yếu tố định tính và định lượng) là điều kiện đảm bảo thắng lợi cho đình công, đảm bảo tính hợp pháp cho sự ngừng việc của mỗi người lao động.
– Thứ tư, đình công luôn có tính tổ chức.
Tính tổ chức được biểu hiện bằng sự có chủ định, có phối hợp, thống nhất về mặt ý chí, mục đích và hành động trong phạm vi tập thể người lao động ngừng việc. Điều đó có nghĩa là khi chuẩn bị và tiến hành đình công luôn có sự tổ chức, lãnh đạo, điều hành thống nhất của một hay một số người và có sự chấp hành, phối hợp thực hiện của những người khác trong phạm vi đình công. Việc tổ chức và lãnh đạo đình công do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tiến hành. Đây cũng là một trong những điều kiện để xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

3. Phân loại một số loại đình công cơ bản

 Việc phân loại đình công không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận, nhận thức mà còn giúp cho quá trình điều chỉnh vấn đề đình công và giải quyết đình công hiệu quả. Tùy theo mục đích nghiên cứu mà có thể phân loại đình công theo những hình thức khác nhau:

3.1. Căn cứ vào các quy định của pháp luật về đình công

– Đình công hợp pháp: là đình công tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Mục đích cơ bản của các quy định này để nhà nước kiểm soát đình công, hạn chế
những cuộc đình công không cần thiết hoặc có tính chất tiêu diệt dối phương, hoặc ảnh hướng lớn đến nền kinh tế quốc dân, an ninh quốc phòng,..
– Đình công bất hợp pháp: là đình công không thực hiện đầy đủ, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

3.2. Căn cứ vào phạm vi đình công

– Đình công doanh nghiệp: là những cuộc đình công do tập thể lao động trong phạm vi một doanh nghiệp tiến hành. Đây là loại đơn vị thường xảy ra đình công, cũng là phạm vi đình công thường được pháp luật thừa nhận.

– Đình công bộ phận: là những cuộc đình công do tập thể lao động trong một bộ phận cơ cấu của doanh nghiệp (hoặc của đơn vị sử dụng lao động) tiến hành.

– Đình công ngành, khu vực: là những cuộc đình công của những người lao động trong phạm vi một ngành, một khu vực tiến hành

– Tổng đình công: là những cuộc đình công của những người lao động trong phạm
vi nhiều ngành hoặc nhiều khu vực trong toàn quốc tiến hành.

3.3. Căn cứ vào tính chất cuộc đình công

– Đình công kinh tế: là những cuộc đình công nhằm gây sức ép với bên sử dụng lao động hoặc chủ thể khác để đạt được những mức độ lớn hơn về quyền và lợi ích trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nghề nghiệp… như việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện lao động,.. và các quyền lợi khác liên quan đến QHLĐ.
– Đình công chính trị: là những cuộc đình công nhằm gây sức ép để phản đối chính quyền nhà nước hoặc các đảng phái chính trị, cầm quyền hay đối lập nhằm đạt được các mục đích chính trị mà người đình công quan tâm

3.4 Căn cứ vào mục đích đình công

– Đình công yêu sách: là những cuộc đình công nhằm đạt được một hoặc một số yêu sách về quyền và lợi ích cho chính những NLĐ tham gia đình công.
– Đình công hưởng ứng: là những cuộc đình công nhằm ủng hộ, tỏ thái độ đồng tình để hỗ trợ cho cuộc đình công khác trong khi những người tham gia đình công (hưởng ứng) không có yêu sách về quyền và lợi ích cho mình.

4.Một số giải pháp thúc đẩy quan hệ lao động lành mạnh và hạn chế đình công ở nước ta

Một là, cần kiện toàn các tổ chức làm công tác trọng tài và hoà giải và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức này.
          Trước mắt, cần nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức trên thông qua việc đào tạo và huấn luyện cán bộ làm công tác hoà giải, trọng tài. Song song với giải pháp này, các tổ chức hoà giải nên chủ động thiết lập một mạng lưới cung cấp thông tin về tranh chấp lao động với các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất và chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để tiến hành hoà giải, tư vấn cho doanh nghiệp mời sự tham gia của trọng tài lao động khi hoà giải không thành.
Cần tạo cơ chế khuyến khích cho việc thành lập các tổ chức hoà giải, trọng tài độc lập như một số quốc gia trong khu vực và thế giới vẫn thực hiện. Theo chúng tôi, nên tập trung đầu tư trọng điểm vào công tác hoà giải bởi hoạt động hoà giải này có thể góp phần chấm dứt tranh chấp lao động ngay từ khi nó mới phát sinh, qua đó giảm thiệt hại tối đa cho cả người lao động và cho doanh nghiệp.
Hai làcần tiếp tục hoàn thiện quy định về tổ chức công đoàn cơ sở và tăng cường hoạt động của tổ chức này. Cần xác định:
  • Việc tham gia công đoàn của công nhân là hoàn toàn tự nguyện, những người tham gia công đoàn buộc phải đóng công đoàn phí;
  • Việc bầu Ban Chấp hành công đoàn cơ sở phải dựa trên tín nhiệm thực sự của công nhân, khuyến khích công nhân bầu những người thực sự có uy tín và nhiệt huyết để họ lựa chọn được “thủ lĩnh” thật sự làm Chủ tịch công đoàn cơ sở. Không kết nạp những người giữ vị trí quản lý (cấp trưởng phòng trở lên) vào Công đoàn đối với các doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước vì thực chất, họ là những người đại diện cho giới chủ;
  • Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, đặc biệt là Chủ tịch công đoàn cần được cấp phí hoạt động công đoàn theo nguồn trích từ công đoàn phí của công đoàn viên để khuyến khích sự hoạt động của họ.
Ba là, cần thúc đẩy hoạt động đối thoại xã hội trong doanh nghiệp giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa nhà quản lý và nhân viên. Hoạt động đối thoại này nên được tiến hành hàng tháng hoặc hàng quý để giải quyết ngay các mâu thuẫn giữa chủ và thợ ngay từ khi các mâu thuẫn mới phát sinh. Việc quy định các hoạt động đối thoại này có thể do Chính phủ tiến hành hoặc văn bản hoá trong Điều lệ hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bốn là, VCCI nên tổ chức các lớp tập huấn phổ biến về văn hoá Việt Nam và Luật lao động Việt Nam cho người nước ngoài làm quản lý ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, phía các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên tổ chức giới thiệu văn hoá của nước bỏ vốn đầu tư cho cán bộ và công nhân Việt Nam làm việc ở doanh nghiệp đó. Có thể ban hành quy định ở cấp quốc gia về vấn đề này.
Thông qua hoạt động giới thiệu văn hoá nói trên, có thể hạn chế được những tranh chấp lao động xuất phát từ sự khác biệt về văn hoá.
Năm là, cần tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.
Chúng tôi đề nghị cần tiến hành định biên lại và tăng biên chế cho thanh tra lao động, ban hành tiêu chuẩn thanh tra viên và tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho thanh tra viên lao động. Theo chúng tôi, nên thiết lập một chương trình đào tạo thanh tra viên lao động với thời gian đào tạo khoảng 1 – 2 năm dành cho việc đào tạo thanh tra viên mới. Những thanh tra viên tập sự phải kết thúc chương trình đào tạo này mới được cấp Thẻ thanh tra viên và được phép tiến hành thanh tra độc lập.