1. Khái niệm

Tổ chức thực hiện chính sách là quá trình tổ chức và thúc đẩy các hoạt động áp dụng các chính sách xã hội vào cuộc sống nhằm tạo ra kết quả thực tế thông qua các hoạt động có tổ chức của các cơ quan chức năng nhà nước về quản lý xã hội, nhằm hiện thực hoá những mục tiêu mà chính sách xã hội đề ra.

Việc hoạch định chính sách có chất lượng tốt chưa đủ để bảo đảm hiệu quả chính sách. Khi có một chính sách tốt, thì việc tổ chức thực hiện chính sách sẽ là một yếu tố quan trọng tiếp theo có ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách. Ví dụ, chính sách xoá đói giảm nghèo là một trong những chính sách xã hội lớn ở Việt Nam hiện nay. Mức độ hiệu quả chính sách giảm nghèo ở các địa phương không đồng đều. Điều này có thể giải thích là hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách khác nhau ở các địa phương.

2. Vị trí của tổ chức thực hiện chính sách xã hội

Trong chu trình của chính sách xã hội, thì khâu tổ chức thực hiện chính sách có vị trí vô cùng quan trọng, nó đảm bảo đem lại kết quả thành công của một chính sách xã hội đưa ra. Vai trò của tổ chức thực hiện chính sách xã hội thể hiện ở chỗ:

(1) Để đưa một chính sách xã hội vào thực tế cuộc sống, điều chỉnh thành công các vấn đề xã hội bức xúc đặt ra trong xã hội cần phải có sự can thiệp của nhà nước vào quá trình tổ chức thực hiện chính sách xã hội, tiến hành các giải pháp thực hiện chính sách trong thực tế, tạo các nguồn lực tài chính để thực hiện được các mục tiêu của chính sách. Một chính sách xã hội được hoạch định ra có tốt đến đâu chăng nữa nhưng nếu công tác tổ chức thực hiện chính sách đó yếu kém thì cuối cùng mục tiêu chính sách xã hội cũng không được thực hiện trên thực tế. Như vậy, tổ chức thực hiện chính sách là điều kiện rất quan trọng, có tính quyết định để đưa chính sách vào cuộc sống, để đạt được kết quả của một chính sách xã hội.

(2) Thực tế cho thấy, nếu tổ chức thực hiện chính sách xã hội được tiến hành yếu kém, thì dễ dẫn đến việc không chấp hành, áp dụng chính sách, hoặc chấp hành, áp dụng không đầy đủ, thậm chí tìm cách trốn tránh chấp hành chính sách của các tổ chức, cá nhân. Kết quả là gây ra những bất lợi về mặt chính trị, xã hội, gây ra những khó khăn cho Nhà nước trong quản lý các vấn đề xã hội.

(3) Trong hoạch định chính sách xã hội, có những vấn đề thực tiễn của chính sách chưa thấy phát sinh, chưa bộc lộ hoặc đã phát sinh nhưng các nhà hoạch định không nhìn thấy, thì đến giai đoạn tổ chức thực hiện mới phát hiện thấy. Đó là các vấn đề, tình huống trong thực tiễn mà trong nghiên cứu, dự báo, hoạch định chính sách xã hội còn thiếu thông tin, chưa gặp phải. Chỉ trong quá trình thực hiện chính sách với những hoạt động thực tiễn mới nhận ra và đây là những căn cứ quan trọng để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chính sách xã hội, làm cho chính sách ngày càng phù họp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Việc phân tích đánh giá một chính sách xã hội (mặt tích cực, hạn chế…) chỉ có thể được trả lời một cách đầy đủ và có bằng chứng thuyết phục sau khi thực hiện chính sách đó trên thực tế. Qua tổ chức thực hiện mới có thể biết chính xác chính sách xã hội đó có được đối tượng và đại đa số nhân dân chấp nhận hay không, có đạt hiệu quả thực tiễn hay không.

2. Chính sách xã hội phải phù hợp với cuộc sống

Một chính sách xã hội được coi là phù hợp với cuộc sống khi nó thoả mãn một số yêu cầu:

Trước tiên, chính sách đó không trái với những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội. Chính sách đó phải xác định đúng vấn đề, tìm ra đúng đối tượng của chính sách xã hội, cho biết chính sách xã hội đó sẽ giải quyết được điều gì cho đối tượng nào. Thông thường mỗi chính sách xã hội đều có nhiều mục tiêu, mà nguồn lực thì có hạn do đó, trong nội dung của chính sách xã hội phải chỉ rõ mục tiêu nào là mục tiêu ưu tiên trong hệ thống cây mục tiêu. Sau đó, cần xác định đúng các giải pháp và công cụ cụ thể để thực hiện mục tiêu của chính sách xã hội. Đồng thời, cụ thể hoá chính sách xã hội bằng các chương trình, dự án có thể tiến hành trong thực tiễn.

3. Bộ máy quản lý các vấn đề xã hội phải đủ mạnh

Thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm của nhiều nước cho thầy rằng: Đe thực hiện thành công một chính sách xã hội, điều kiện rất quan trọng là có một bộ máy quản lý tốt. Đe thực thi một chính sách phải có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở một cách đồng bộ, thống nhất và một đội ngũ viên chức có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để thực thi nhiệm vụ này. Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc hoạch định, quản lý các vấn đề xã hội và đội ngũ công chức, viên chức còn phải đáp ứng được các phẩm chất (tri thức mới về chính sách xã hội, trình độ tin học, ngoại ngữ…) để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách xã hội phù hợp với các đặc điểm của nền kinh tế thị trường. Hiện nay đối với Việt Nam các điều kiện này cũng chưa đáp ứng được một cách đầy đủ. Vì vậy, cùng với những cải cách kinh tế, Đảng và Nhà nước đang phải tiến hành cải cách nền hành chính Nhà nước, với các nội dung chính là:

– Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật; tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh của cơ quan nhà nước, công chức; tiếp tục cải cách một cách có hiệu quả thủ tục hành chính.

  • Cải cách bộ máy hành chính: Bố trí một cách khoa học cơ cấu tổ chức Chính phủ, cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và bộ máy chính quyền địa phương phù hợp với vận hành nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hoàn thiện phương pháp quản lý, làm việc của cơ quan hành chính các cấp; thực hiện hiện đại hoá nền hành chính.
  • Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, trên cơ sở đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức; cải cách tiền lương kịp thời; tích cực đào tạo, bồi dưỡng công chức; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức của công chức.
  • Cải cách tài chính công: Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc gia; đảm bảo quyền quyết định ngân sách địa phương của Hội đồng nhân dân; quyền chủ động của các Bộ, sở, ban, ngành về phân bổ ngân sách cho các cơ quan hành chính, thực hiện cấp kinh phí căn cứ và chức năng, nhiệm vụ, kết quả và chất lượng hoạt động, tăng quyền chủ động của các cơ quan trong sử dụng ngân sách; đổi mới công tác kiểm toán đối với cơ quan hành chính, xoá bỏ tình trạng nhiều đầu mối thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cơ quan hành chính; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính công.

4. Quyết định đúng đắn của các nhà lãnh đạo

Đối với một chính sách xã hội bao giờ cũng thể hiện quan điểm chính trị của giai cấp cầm quyền song phải kết hợp hài hoà lợi ích của các tầng lớp xã hội. Do đó, khi đưa ra một chính sách cách nhà lãnh đạo cần phải có sự phân tích, nhìn nhận và quyết định một cách đúng đắn để đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các tầng lớp trong xã hội và tạo sự đồng thuận xã hội cao, giải quyết hiệu quả các khó khăn, cản trở do nhiều yếu tố ảnh hưởng trong quá trình thực hiện chính sách. Những người lãnh đạo có quyền quyết định chính sách xã hội, quyết định tổ chức thực hiện chính sách, phải có đủ năng lực, quyết tâm và bản lĩnh để lãnh đạo thực hiện chính sách xã hội đạt mục tiêu cuối cùng, đem lại lợi ích cho các tầng lớp xã hội.

5. Đảm bảo tính dân chủ

Trong tổ chức thực hiện chính sách xã hội phải đảm bảo tình dân chủ, đảm bảo cho nhân dân biết nội dung cơ bản của chính sách xã hội cần thực hiện, quyền và lợi ích của từng người trong thực hiện chính sách, đặc biệt là đối với các đối tượng chịu sự ảnh hưởng của thực hiện chính sách xã hội. Dân chủ trong tổ chức thực hiện chính sách xã hội được thực hiện dưới các hình thức như:

  • Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến hướng dẫn chính sách xã hội để mọi công dân về nội dung, mục đích của chính sách một cách đầy đủ và kịp thời. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố…
  • Thực hiện cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
  • Thực hiện các biện pháp khuyến khích bằng vật chất và tinh thần đối với công dân thực hiện tốt chính sách.

Các điều kiện thực thi chính sách xã hội liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều chủ thể khác nhau như: Những cơ quan, những nhà hoạch định chính sách; những cơ quan, những người quyết định chính sách; những cơ quan, những người thực thi chính sách; dân chúng và những đối tượng chịu ảnh hưởng chính sách. Vì vậy, để thực hiện thành công một chính sách xã hội cần có sự phối họp giữa các cơ quan (chủ thể) này, phát huy sức mạnh tổng hợp cả các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

6. Xây dựng và phát triển hệ thống hành chính sự nghiệp và dịch vụ cho tổ chức thực hiện chính sách xã hội

Để tổ chức thực hiện chính sách xã hội vào cuộc sống thành công, cần thiết phải xây dựng hệ thống các tổ chức sự nghiệp và dịch vụ liên quan đến thúc đẩy thực hiện chính sách. Đó là các tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác chuyên môn, thực hiện các chế độ của chính sách xã hội, cung cấp các dịch vụ liên quan đến thực hiện chính sách xã hội. Ví dụ như, để tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, cần phải xây dựng và phát triển hệ thống cơ quan sự nghiệp là Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, còn phải hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ (tư vấn) pháp lý về bảo hiểm xã hội, viện nghiên cứu các vấn đề chuyên môn và bảo hiểm xã hội…