1. Quy định về người tham gia tố tụng hành chính
Theo quy định tại Điều 53 Luật tố tụng hành chính quy định người tham gia tố tụng hành chính bao gồm những đối tượng sau:
“Điều 53. Người tham gia tố tụng
Người tham gia tố tụng hành chính gồm đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch”.
Dựa vào các tiêu chí về quyền và nghĩa vụ liên quan có thể phân chia người tham gia tố tụng thành 2 nhóm như sau:
– Nhóm đương sự: Là là nhóm những người tham gia tố tụng không thể thiếu trong hoạt động tố tụng hành chính, họ có quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với việc giải quyết vụ án. Nhóm người tham gia tố tụng này bao gồm những người sau:
+ Người khởi kiện;
+ Người bị kiện;
+ Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan;
+ Người đại diện hợp pháp của đương sự.
– Nhóm những người tham gia tố tụng khác: Nhóm này bao gồm những người liên quan đến hoạt động tố tụng và họ không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ gắn với việc giải quyết vụ án. Sự tham gia của nhóm người này chỉ nhằm cho việc hỗ trợ và giải quyết vụ án hành chính. Nhóm này bao gồm:
+ Người làm chứng;
+ Người phiên dịch;
+ Người giám định;
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.
Người tham gia tố tụng có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức đáp ứng được các điều kiện do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Cá nhân có thể là công dân Việt nam hay là người nước ngoài, người không quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam – có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng hành chính.
2. Khái niệm về đương sự trong vụ án hành chính
Đương sự trong tố tụng hành chính là những người tham gia tố tụng với tư cách là người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đặc điểm chung của nhóm người tham gia tố tụng này chính là họ là những cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng với mục đích là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2.1 Người khởi kiện
Khoản 8 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015 định nghĩa về người khởi kiện, cụ thể như sau:
Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri).
Điều kiện để quyết định tư cách người khởi kiện trong vụ án hành chính đó là vấn đề quyền và lợi ích liên quan, cụ thể là người khởi kiện có căn cứ để cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm bởi một quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc cán bộ, công chức cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi quyết định kỷ luật buộc thôi việc nên đã thực hiện các thủ tục khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Để xác định tư cách người khởi kiện trong vụ án hành chính cần phải xác định yếu tố về năng lực hành vi của người đó và vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích bị xâm hại.
2.2 Người bị kiện
Căn cứ theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015 định nghĩa về người bị kiện, cụ thể như sau: “Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh,quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, danh sách cử tri bị khởi kiện”.
Khác với người khởi kiện, nghị bị kiện tham gia tố tụng hành chính với tư cách bị động. Tính thụ động của người bị kiện khi tham gia tố tụng hành chính thể hiện ở chỗ người bị kiện là một bên đương sự, bị kiện ra Tòa án hành chính bởi người khởi kiện. Tuy nhiên khi tham gia với tính chất bị động nhưng các hoạt động của người bị kiện cũng có thể làm thay đổi quá trình tố tụng hành chính. Người bị kiện trong vụ án hành chính bao gồm:
– Cá nhân: Cá nhân là người bị kiện trong vụ án hành chính chính là những người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức (đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc) đã ban hành quyết định hành chính (hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc); quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri; thực hiện hành vi hành chính bị kiện.
– Cơ quan: Đây chính là các cơ quan Nhà nước – các chủ thể ban hành các quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định gairi quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị kiện. Cơ quan trong khái niệm này được hiểu bao gồm:
+ Các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, ở trong nước và ngoài nước (trừ cơ quan hành chính tối cao là Chính phủ, Thủ tướng chính phủ);
+ Các cơ quan Nhà nước khác – không thuộc hệ thống các cơ quan hành chính như: Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân; Kiểm toán nhà nước. Các cơ quan này cũng có thể ban hành các quyết định hành chính gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và do đó họ cũng có thể bị khởi kiện trong một vụ án hành chính.
+ Tổ chức: Ở đây được hiểu là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
2.2 Người cơ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
Định nghĩa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong tố tụng hành chính được quy định tại Khoản 10 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015, cụ thẻ như sau: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Cũng giống như các đương sự khác khi tham gia tố tụng hành chính, việc tham gia của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc tham gia tố tụng của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể do họ tự quyết định để bảo vệ quyền lợi của mình hoặc do các bên đương sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận; hoặc là do chính Tòa án đang thụ lý vụ án đưa vào tham gia tố tụng.
3. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính của đương sự
Khi tham gia tố tụng hành chính các đương sự phải có năng lực chủ thể của quan hệ tố tụng hành chính. Năng lực chủ thể này được cấu thành bởi hai yếu tố đó chính là năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính.
– Năng lực pháp luật tố tụng hành chính của đương sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính do pháp luật tố tụng hành chính quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 54 Luật tố tụng hành chính năm 2015. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính là điều kiện đầu tiên để một chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng hành chính nó xuất hiện cùng với sự xuất hiện và tồn tại của chủ thể. Đối với cá nhân, năng lực pháp luật tố tụng hành chính xuất hiện từ khi cá nhân sinh ra và mất đi khi cá nhân đó qua đời. Đối với cơ quan, tổ chức, năng lực pháp luật tố tụng hành chính xuất hiện từ khi tổ chức đó được thành lập và mất đi khi tổ chức đó chấm dứt hoạt động.
– Năng lực hành vi tố tụng hành chính của đương sự là khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng hành chính, điều này được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 54 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
+ Năng lực hành vi tố tụng hành chính của cá nhân: Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 54 Luật tố tụng hành chính, như sau:
“Điều 54. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính của đương sự
3. Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.
Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng hành chính của họ được xác định theo quyết định của Tòa án”.
Ngoài ra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các chủ thể ngay cả trong trường hợp họ là người chưa thành niên, người không có năng lực hành vi dân sự hay người mất năng lực hành vi dân sự, pháp luật tố tụng hành chính đều cho phép họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật, điều này được quy định cụ thể tại Khoản 5 Điều 54 Luật tố tụng hành chính năm 2015
+ Năng lực hành vi tố tụng hành chính của tổ chức. Cơ quan, tổ chức có năng lực pháp luật từ khi được thành lập hoặc đăng ký hoạt động. Tuy nhiên để tham gia vào quá trình tố tụng hành chính, cơ quan, tổ chức phải đáp ứng những yêu cầu luật định về người đại diện.
4. Kế thừa nghĩa vụ tố tụng hành chính
Các đương sự hoàn toàn có quyền tự định đoạt tham gia vào tố tụng hành chính, và về nguyên tắc thường tham gia đầy đủ quy trình tố tụng hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên đối với một số các trường hợp đặc biệt trong khi đang tiến hành tố tụng mà các đương sự không thể tiếp tục tham gia tố tụng nữa vì lý do chết hoặc chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản, hợp nhất thì vụ án vẫn phải được tiếp tục giải quyết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự khác. Chính vì vậy Luật tố tụng hành chính đã quy định về việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính, cụ thể được quy định tại Điều 59 Luật tố tụng hành chính năm 2015. Đó là các trường hợp sau:
– Trường hợp người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.
– Trường hợp người khởi kiện là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể thì cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cũ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.
– Trường hợp người bị kiện là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà cơ quan, tổ chức đó hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể thì người tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của người đó tham gia tố tụng.
Trường hợp người bị kiện là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà chức danh đó không còn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị kiện.
– Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách thì cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cũ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.
Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức đã giải thể mà không có người kế thừa quyền, nghĩa vụ thì cơ quan, tổ chức cấp trên thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị kiện.
– Trường hợp sáp nhập, chia, tách, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính trong một đơn vị hành chính mà đối tượng của quyết định hành chính có sự thay đổi thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định hành chính có trách nhiệm tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện tại Tòa án nơi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính bị kiện. Cơ quan tiếp nhận đối tượng của quyết định hành chính bị kiện phải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
– Việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng có thể được Tòa án chấp nhận ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Luật LVN Group