Căn cứ theo Luật Khiếu nại năm 2011 số 02/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội và Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.

Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định này như sau:

 

1. Những hành vi bị cấm trong khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và cũng là một trong những hình thức dân chủ trực tiếp của công dân trong việc tham gia vào vấn đề quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do những quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính gây nên, công dân, cơ quan, tổ chức hoàn toàn có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó xem xét, điều chỉnh lại theo thủ tục khiếu nại. Mặc dù là quyền của công dân nhưng pháp luật cũng có liệt kê những trường hợp bị cấm trong quá trình khiếu nại nhằm đảm bảo triệt để, nghiêm minh thủ tục khiếu nại theo quy định của pháp luật. Cụ thể những hành vi sau đây sẽ bị cấm: 

Theo Điều 6 Luật Khiếu nại, các hành vi bị nghiêm cấm trong việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại là:

  1. Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại.
  2. Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.
  3. Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định.
  4. Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại.
  5. Cố tình khiếu nại sai sự thật;
  6. Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng.
  7. Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác.
  8. Vi phạm quy chế tiếp công dân;
  9. Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Bên cạnh đó pháp luật về khiếu nại cũng quy định những khiếu nại sẽ không được thụ lý giải quyết. Công dân cần phải hết sức chú ý những trường hợp sau đây không được khiếu nại để tránh mất thời gian, công sức tiến hành thủ tục khiếu nại của mình. Cụ thể: 

– Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công cụ

– Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới 

– Quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật

– Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do chính phủ quy định 

– Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại

– Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp 

– Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại 

– Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại 

– Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng 

– Kiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai 

– Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại 

– Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án. 

Như vậy nếu như việc khiếu nại thuộc vào một trong những hành vi bị cấm và đối tượng khiếu nại thuộc vào một trong những đối tượng không được thụ lý giải quyết nêu trên thì người dân không thể tiến hành thủ tục khiếu nại được 

 

2. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong khiếu nại 

Hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại được hiểu là hành vi đó đã xâm phạm đến quyền khiếu nại của công dân. Theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, nếu người khiếu nại và những người có liên quan mà có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây ra thiệt hại thì sẽ phải bồi thường theo quy định pháp luật dân sự. 

Còn về phía người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thì sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định. Hình thức kỷ luật sẽ bao gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì sẽ phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Cụ thể: 

1. Xử lý kỷ luật dưới hình thức kỷ luật triển trách đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi họ có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau đây: 

+ Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại; Bao che cho người bị khiếu nại; Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại. 

– Xử lý kỷ luật dưới hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi họ có một trong những hành vi cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại

– Xử lý kỷ luật dưới hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau: Cố ý không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với vụ việc khiếu nại đủ điều kiện thụ lý thuộc thẩm quyền; Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; Cố ý không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại 

– Xử lý kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có hành vi cố ý báo cáo sai lệch kết quả xác minh nội dung khiếu nại dẫn đến quyết định giải quyết khiếu nại sai gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người. Trường hợp người được giao nhiệm vụ xác minh không có chức vụ thì áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương 

– Xử lý kỷ luật giáng chức hoặc cách chức đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nếu họ có một trong các hành vi vi phạm sau đây: 

+ Vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây ra hậu quả chết người 

+ Cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người 

2. Xử lý kỷ luật dưới hình thức kỷ luật khiển trách đối với người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật khi họ có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: 

+ Bao che, dung túng, không xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm mà không thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật 

+ Tổ chức thực hiện không đúng, không đầy đủ quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật 

– Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật khi có hành vi cố ý không tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. 

Bên cạnh đó, nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm Tội xâm phạm quyền khiếu nại thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về loại tội phạm này quy định tại Điều 166 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể: 

– Khung hình phạt thứ nhất: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với một trong các hành vi: 

+ Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, việc xét và giải quyết khiếu nại hoặc việc xử lý người bị khiếu nại

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại gây thiệt hai cho người khiếu nại

– Khung hình phạt thứ hai là tình tiết tăng nặng: phạt tù từ 02 năm đến 07 năm với trường hợp: 

+ Có tổ chức

+ Trả thù người khiếu nại

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, việc xét và giải quyết khiếu nại hoặc việc xử lý người bị khiếu nại 

+ Dẫn đến biểu tình 

+ Làm người khiếu nại tự sát 

Bên cạnh đó thì người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật LVN Group xin trân trọng cảm ơn!