1. Khái quát về pháp nhân, pháp nhân thương mại?

Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về pháp nhân, pháp nhân thương mại như sau:

Điều 74. Pháp nhân

1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

=> Pháp nhân là tổ chức được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan, có cơ cấu tổ chức theo quy định của Bộ luật dân sự và có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Pháp nhân thương mại được quy định như sau:

Điều 75. Pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

=> Pháp nhân thương mại là pháp nhân có đủ điều kiện theo quy định tại điều 74 bộ luật dân sự, tuy nhiên mục tiêu chính của pháp nhân thương mại là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

 

2. Hình phạt là gì? Mục đích của hình phạt? Các nhóm hình phạt đối với pháp nhân thương mại.

a. Hình phạt

– Theo quy định tại điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 30. Khái niệm hình phạt

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Từ điều 30 luật này ta có thể rút ra hình phạt có những đặc đểm sau:

Thứ nhất, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước, ta có thể khẳng định như vậy bởi vì hình phạt tước bỏ người bị kết án những quyền và lợi ích thiết thân của họ. Ví dụ như: Quyền chính trị, quyền kinh tế (phạt tiền), quyền tự do (Quản chế), thậm chí cả quyền sống của người phạm tội (tù tử hình).

Thứ hai, hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự ở phần chung và các phần các tội phạm cụ thể. Hình phạt được quy định cụ thể trong luật, các chủ thể bị kết án không có quyền thỏa thuận các chế tài khác khi họ phạm tội.

Thứ ba, hình phạt chỉ do Tòa án nhân danh nhà nước áp dụng trên cơ sở của bản án. Bản án của tòa án có thẩm quyền xác định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội

Ví dụ: cải tạo không giam giữ, tù chung thân, tử hình (đối với cá nhân phạm tội); Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn;…(đối với pháp nhân phạm tội).

Thứ tư, hình phạt chỉ áp dụng đối với người có hành vi phạm tội. Để quyết định hình phạt đối với một người phải thông qua một quá trình tố tụng hình sự nghiêm ngặt, chỉ khi xác định được hành vi phạm tội của người đó tòa án có thẩm quyền với áp dụng hình phạt tương ứng.

b. Mục đích hình phạt
– Mục đích của hình phạt được quy định tại điều 31 như sau:

Điều 31. Mục đích của hình phạt

Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

theo quy định tại điều này, mục đích hình phạt gồm 3 mục đích chính nhất:

Thứ nhất, mục đích nhằm trừng trị người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu hình phạt không có mục đích trừng trị, thì cũng không còn là hình phạt nữa. Tuy nhiên, nội dung của việc trừng trị không phải là luật hình sự nước nào cũng quy định như nhau mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi nước mà có biện pháp trừng phạt riêng.

Ở Việt Nam, biện pháp trừng trị đã được quy định trong hệ thống hình phạt, trong đó biện pháp nghiêm khắc nhất là tước bỏ tính mạng (tử hình) của người phạm tội, bên cạnh đó hình phạt tử hình cũng còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Thứ hai, mục đích của hình phạt nhằm giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Đây cũng được xem là một mục đích chính và là nội dung cơ bản của bản chất hình phạt trong luật hình sự nước ta. Mục đích này không chỉ được thể hiện ngay trong nội dung các loại hình phạt mà nó còn được thể hiện ngay trong chế định khác của Bộ luật hình sự, đặc biệt là các chế định về quyết định hình phạt, các chế định về miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, về đặc xá, về xóa án tích và các quy định về thi hành án phạt tù trong trại cải tạo… Tất cả các quy định cũng chỉ nhằm một mục đích là cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội.

Thứ ba, mục đích của hình phạt nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Nội dung của mục đích này không chỉ nhằm vào người hoặc pháp nhân phạm tội mà còn nhằm vào cộng đồng xã hội, tuy nhiên với tính mục đích này hướng đến cộng đồng xã hội là chủ yếu, có tính chất răn đe và phòng ngừa. Mọi người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhìn vào hình phạt để có những xử sự đúng đắn, tôn trọng pháp luật, nếu không người hoặc pháp nhân trong xã hội cũng có thể bị xử phạt như người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Nhà nước đặt ra hình phạt để áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, đồng thời nhắc nhở mọi người hoặc pháp nhân thương mại trong cộng đồng xã hội chớ có phạm tội, nếu có ý định phạm tội thì phải dừng lại, nếu không dừng ắt phải chịu hậu quả thích đáng.

c. Các nhóm hình phạt đối với pháp nhân thương mại

– Theo điều 33 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

1. Hình phạt chính bao gồm:

a) Phạt tiền;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

b) Cấm huy động vốn;

c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Theo điều luật trên, hình phạt chính gồm 3 hình phạt và hình phạt bổ sung cũng gồm 3 hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Cụ thể 3 hình phạt phụ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn trong các phần dưới đây.

 

3. Hình phạt tiền

– Cơ sở pháp lý: Điều 77 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 77. Phạt tiền

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

2. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.

Theo quy định tại điều 33, hình phạt tiền có thể được áp dụng cho hình phạt chính hoặc cho cả hình phạt bổ sung nếu trường hợp tiền khi không áp dụng là hình phạt chính.

Mức tiền phạt sẽ được quyết định khi căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.

Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Các hình phạt nhìn chung chủ yếu tác động vào lợi ích kinh tế, tài chính của pháp nhân.

 

4. Hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định đối 

– theo điều 80 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 80. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định

1. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội.

2. Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động.

3. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Theo khoản 1 quy định hình phạt này được áp dụng khi xét thấy việc pháp nhân thương mại bị kết án mà được tiếp tục kinh doanh, hoạt động trong những lĩnh vực nhất định có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. Như vậy, việc quyết định áp dụng hình phạt này hoàn toàn xuất phát từ sự cần thiết phải phòng ngừa việc gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. Điều kiện này cũng xác định phạm vi lĩnh vực bị cấm kinh doanh hoặc bị cấm hoạt động đối với pháp nhân thương mại bị kết án.

Theo khoản 2 điều luật quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động. Đó chính là Tòa án, coq quan tư pháp của Việt Nam.

Khoản 3 điều luật quy định về thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Theo đó thời hạn là một khoảng thời gian có điểm đầu và điểm cuối xác định. Thời hạn vừa mang tính khách quan của thời gian nói chung đồng thời mang tính chủ quan của người định ra điểm đầu và điểm cuối.(Bộ luật dân sự năm 2015)

5. Hình phạt cấm huy động vốn trong một số lĩnh vực nhất định đối với pháp nhân thương mại

– Theo quy định điều 81 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 81. Cấm huy động vốn

1. Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.

2. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:

a) Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư26;

b) Cấm phát hành, chào bán chứng khoán;

c) Cấm huy động vốn khách hàng;

d) Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;

đ) Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.

3. Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật

Ta có thể hiểu huy động vốn là các hoạt động của pháp nhân thương mại để tạo vốn cho hoạt động kinh doanh của mình dưới các hình thức như: Vay vốn, huy động vốn, phát hành, chào bán chứng khoán, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; hình thành quỹ tín thác bất động sản…. nó cực kỳ có vai trò quan trọng đối với các pháp nhân thương mại.

Nếu trường hợp một pháp nhân thương mại bị cấm huy động vốn thì khả năng duy trì hoạt động của pháp nhân đó sẽ rất khó và gặp rất nhiều khó khăn.

– Theo khoản 1 quy đinh: “Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.” hình phạt cấm huy động vốn được áp dụng cho pháp nhân thương mại bị kết án khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại huy động vốn thì có nguy cơ tội phạm tiếp tục xảy ra.

– Khoản 2 điều luật quy định về các hình thức cấm huy động vốn, bao gồm:

+ Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư26;

+ Cấm phát hành, chào bán chứng khoán;

+ Cấm huy động vốn khách hàng;

+ Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;

+ Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.

– Khoản 3 quy định cơ quan có thẩm quyền là Tòa án sẽ quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều luật này

– Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Trân trọng!