1. Pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại chương IV của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về pháp nhân và pháp nhân thương mại như sau:

Thứ nhất, pháp nhân được quy định tại điều 74.

Điều 74. Pháp nhân

1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Thứ hai, pháp nhân thương mại theo điều 75 quy định như sau:

Điều 75. Pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Vậy khi một pháp nhân đủ điều kiện theo khoản 1 điều 74 và điều 75 thì pháp nhân đó được gọi là pháp nhân thương mại.

Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

 

2. Các điều kiện để pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự

– Cơ sở pháp lý: Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Vậy theo điều luật bao gồm 4 điều kiện để một pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại là hành vi của một người hoặc một số người đang thuộc biên chế của tổ chức kinh tế ( doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác) mà theo pháp luật thì tổ chức kinh tế này là pháp nhân thương mại. Nếu họ không phải trong tổ chức kinh tế được công nhận là pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội của họ không phải là hành vi của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nếu một người được pháp nhân thương mại ký hợp đồng hay uỷ quyền lại để thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân thương mại giao cho và khi thực hiện họ đã nhân danh pháp nhân thương mại để ký hợp đồng hoặc uỷ quyền cho họ thì hành vi phạm tội của người này vẫn là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại mà họ ký hợp đồng hoặc được uỷ quyền.

Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại

Khi một người hoặc một số người họ nhân danh pháp nhân thương mại; thực hiện hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại giao hoặc uỷ quyền đều vì lợi ích của pháp nhân thương mại chứ không vì lợi ích cá nhân của họ. Nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội họ lại lợi dụng pháp nhân thương mại, nhan danh pháp nhân thương mại để thực hiện thêm hành vi vi phạm pháp luật hình sự nói riêng vì lợi ích cá nhân thì chỉ hành vi nào vì lợi ích của pháp nhân thương mại mới buộc pháp nhân thương mại phải chịu, còn hành vi nào vượt ra ngoài lợi ích của pháp nhân thương mại mà vì lợi ích cá nhân họ thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội của một hoặc một số người phải có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Sự chỉ đạo điều hành là sự chỉ đạo của những người đứng đầu hoặc của một tập thể pháp nhân thương mại như: Giám đốc, Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc của công ty…

Sự chỉ đạo, điều hành cũng tương tự như trường hợp phạm tội có tổ chức mà người tổ chức là người chỉ đạo điều hành mọi hành vi của tất cả các đồng phạm khác. Ngoài sự chỉ đạo, điều hành của những người nhân danh pháp nhân thương mại còn có trường hợp tuy không có sự chỉ đạo, điều hành nhưng lại có sự chấp thuận của những người đứng đầu pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội cũng là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.

Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 tuỳ thuộc vào tội phạm mà pháp nhân thương mại thực hiện.

Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

 

3. Phạt tiền đối với pháp nhân thương mại

– Cơ sở pháp lý: Điều 77 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 77. Phạt tiền

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

2. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.

Hình phạt tiền được áp dụng trong cả hai trường hợp là hình phạt chính là hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Theo đó, mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.

Ví dụ: Theo khoản 6 điều 188 về tội buôn lậu như sau:

Điều 188. Tội buôn lậu

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

4. Đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với pháp nhân thương mại

– Cơ sở pháp lý: Điều 78 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 78. Đình chỉ hoạt động có thời hạn

1. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

2. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.

– Khi chiếu về điều 33 quy định, Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình phạt chính đối với một pháp nhân khi phạm tội. Theo đó, khi một pháp nhân phạm tội thì thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.

– Với điều kiện để áp dụng hình phạt này khi pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

Khả năng khắc phục thực tế có thể hiểu là pháp nhân thương mại có đủ điều kiện khắc phục các nguyên nhân đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự. Thời gian phải tạm dừng hoạt động là từ 06 tháng đến 03 năm. Đây cũng có thể được hiểu là thời gian cần thiết để pháp nhân thương mại khắc phục nguyên nhân của hậu quả nguy hiểm cho xã hội để tránh hậu quả này tái vi phạm lần nữa xảy ra. Như vậy khi nhận thấy rằng pháp nhân có điều kiện thực tế để khắc phục hậu quả gây ra thì cơ quan có thẩm quyền mới có thể quyét định hình phạt này.

 

5. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại

– Cơ sở pháp lý: Điều 79 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

– Theo điều 79 này cũng như điều 78 của Bộ luật, ta chiếu về điều 33 quy định, Đình chỉ hoạt động vinhc viễn cũng là hình phạt chính đối với một pháp nhân khi phạm tội. Theo đó, Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

– Điều kiện sửa dụng hình phạt đình hcỉ hoạt động vĩnh viễn này là pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Trân trọng!