1. Doanh nghiệp tư nhân là gì ?
1.1. Khái niệm Doanh nghiệp tư nhân
Căn cứ vào điều 183 luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân được hiểu như sau:
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
1.2. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư phải nắm được những đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này để có sự lựa chọn đúng đắn.
– Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân bỏ vốn ra thành lập và làm chủ
Doanh nghiệp tư nhân không xuất hiện sự góp vốn giống như ở các công ty nhiều chủ sở hữu, nguồn vốn của DN cũng chủ yếu xuất phát từ tài sản của một cá nhân duy nhất.
– Về quan hệ sở hữu vốn trong Doanh nghiệp
Nguồn vốn ban đầu của Doanh nghiệp tư nhân xuất phát chủ yếu từ tài sản của chủ Doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, chủ Doanh nghiệp có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư, chỉ phải khai báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp giảm vốn xuống dưới mức đã đăng kí. Vì vậy, không có giới hạn nào giữa phần vốn và tài sản đưa vào kinh doanh của Doanh nghiệp Tư nhân và phần còn lại thuộc sở hữu của chủ Doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là không thể tách bạch tài sản của chủ Doanh nghiệp Tư nhân và tài sản của chính Doanh nghiệp Tư nhân đó.
– Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ quản lí
Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ đầu tư duy nhất, vì vậy cá nhân có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Doanh nghiệp tư nhân. Chủ Doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp tư nhân.
– Về phân phối lợi nhuận
Vấn đề phân chia lợi nhuận không đặt ra đối với Doanh nghiệp tư nhân bởi Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu và toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp sẽ thuộc về một mình chủ Doanh nghiệp. Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là cá nhân duy nhất đó sẽ có nghĩa vụ chịu mọi rủi ro trong kinh doanh.
– Doanh nghiệp Tư nhân không có tư cách pháp nhân
Một pháp nhân phải có tài sản riêng, tức phải có sự tách bạch giữa tài sản của pháp nhân đó với những người tạo ra pháp nhân. Doanh nghiệp Tư nhân không có sự độc lập về tài sản vì tài sản của Doanh nghiệp Tư nhân không độc lập trong quan hệ với tài sản của chủ Doanh nghiệp Tư nhân.
– Chủ Doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động
Do tính chất độc lập về tài sản không có nên chủ Doanh nghiệp Tư nhân – người chịu trách nhiệm duy nhất trước mọi rủi ro của Doanh nghiệp sẽ phải chịu chế độ trách nhiệm vô hạn. Chủ Doanh nghiệp Tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp trong phạm vi phần vốn đầu tư đã đăng kí mà phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản trong trường hợp phần vốn đầu tư đã đăng kí không đủ.
2. Chuyển đổi doanh nghiệp là gì?
Chuyển đổi doanh nghiệp là việc các doanh nghiệp chuyển từ loại hình doanh nghiệp này sang loại hình doanh nghiệp khác để phù hợp hơn với quy mô, sự phát triển và sự định hướng của doanh nghiệp. Mặt khác, việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cũng giúp doanh nghiệp không phải giải thể do không đủ số lượng thành viên tối thiểu.
Hiện nay, các hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp gồm có 5 hình thức như sau:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc ngược lại;
- Công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên (trong trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho tổ chức, cá nhân khác);
- Công ty TNHH một thành viên là tổ chức chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân (trong trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ cho một cá nhân khác);
- Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh.
3. Các loại hình chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân
Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thay thế cho Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi sang các loại hình doanh nghiệp sau:
– Doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành loại hình Công ty TNHH. Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
– Doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành loại hình Công ty cổ phần. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
– Doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành loại hình Công ty hợp danh. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó: Phải có ít nhất 02 thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 có sự đột phá trong việc công nhận chuyển đổi loại hình doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần. Bởi lẽ, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định về trường hợp này, điều đó gây ra nhiều trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân khi muốn chuyển đổi loại hình sang công ty cổ phần khi phải thực hiện nhiều thủ tục phiền toái, rườm rà và gây lãng phí kinh tế và thời gian của doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể khi doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần thì phải thực hiện thay đổi sang công ty TNHH trước sau đấy mới được chuyển sang công ty cổ phần. Nhận thấy được điều này, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi trực tiếp sang công ty cổ phần.
4. Điều kiện chuyển đổi
Cụ thể được quy định tại Điều 205 Luật Doanh nghiệp năm 2020, theo đó điều kiện để doanh nghiệp tư nhân được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là:
– Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Để thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp tư nhân, bạn cần phải chuẩn bị hồ sơ chuyển đổi và nộp hồ sơ chuyển đổi đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi thực iện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Với mỗi trường hợp chuyển đổi loại hình khác nhau thì yêu cầu về thành phần hồ sơ lại khác nhau. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện chuyển đổi và cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Công ty được chuyển đổi đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
5. Thủ tục chuyển đổi Doanh nghiệp tư nhân thành Công ty cổ phần
Nếu doanh nghiệp bạn muốn chuyển đổi từ DNTN thành Công ty cổ phần, doanh nghiệp bạn cần thực hiện các bước sau:
Bước 1
Doanh nghiệp bạn cần chuẩn bị hồ sơ chuyển đổi Doanh nghiệp tư nhân thành Công ty cổ phần.
Hồ sơ này bao gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực. Bao gồm Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu.
4. Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế, thời hạn thanh toán.
5. Danh sách người lao động hiện có.
6. Danh sách các hợp đồng chưa thanh lý.
7. Văn bản cam kết của chủ DNTN về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp. Đồng thời cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn.
8. Văn bản thỏa thuận với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty cổ phần được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó.
9. Văn bản cam kết của chủ doanh nghiệp tư nhân; hoặc thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp tư nhân và các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
10. Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh trong trường hợp chuyển nhượng vốn của DNTN; Hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho vốn của DNTN; Bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế theo quy định của pháp luật.
11. Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn; mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định.
Bước 2
Sau khi hoàn tất hồ sơ chuyển đổi, doanh nghiệp gửi hồ sơ chuyển đổi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.
Bước 3
Trong thời hạn 03 ngày, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia.