1. Khái niệm

Không chỉ ở Australia, mà tại các nước thuộc hệ thống thông luật, hệ thống luật pháp đều được xác lập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có một nguồn rất quan trọng là án lệ của hệ thống Tòa án. Đây là một đặc điểm quan trọng và là đặc trưng về nền tảng cơ bản của hệ thống thông luật. Trong hệ thống này, án lệ của Tòa án không chỉ đơn thuần là một ví dụ tốt mà nó còn có tính bắt buộc phải tuân theo và phải áp dụng đối với Tòa án. Nguyên tắc này thường được nhắc đến bằng một thuật ngữ Latinh “Stare Decisis”-được diễn giải một cách đơn giản là “tuân thủ các quyết định trước”. Cụ thể hơn, trên thực tế, nguyên tắc này được hiểu là khi xét xử một vụ việc nhất định, Tòa án phải tuân thủ và áp dụng phán quyết đã được ban hành trước đó nếu vụ án đang được xét xử có những tình tiết khách quan quan trọng tương tự như các tình tiết khách quan của vụ án đã được xét xử. Trong trường hợp này, nguyên tắc pháp luật đã được xác lập trong vụ án đã xét xử cũng được áp dụng để giải quyết vụ án đang được xét xử. Việc áp dụng phán quyết đã được ban hành trước đó cho việc xét xử các vụ án hiện tại và trong tương lai có tình tiết khách quan quan trọng tương tự như nhau được gọi là việc áp dụng án lệ.

2. Đặc điểm của án lệ

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của án lệ là tính bắt buộc tuân thủ và áp dụng. Án lệ của Tòa án cấp cao nhất trong hệ thống Tòa án phải được các Tòa án cấp dưới áp dụng khi giải quyết các vụ án. Các Tòa án cấp dưới không được bỏ qua các án lệ của Tòa án cao nhất. Trong trường hợp Tòa án cấp dưới cho rằng một án lệ nào đó là không phù hợp với vụ án mà Tòa án này đang giải quyết thì Tòa án phải chứng minh sự khác nhau giữa các tình tiết khách quan quan trọng giữa án lệ và vụ án đang được giải quyết.

Tuy nhiên, cần chú ý khái niệm “phán quyết” khi nói đến việc Tòa án cấp dưới áp dụng phán quyết của Tòa án cấp cao nhất trong một hệ thống Tòa án để xét xử những vụ việc có tình tiết khách quan quan trọng tương tự như vụ án đã được Tòa án cấp cao nhất xét xử. Khái niệm “phán quyết” trong trường hợp nêu trên không dùng để chỉ toàn bộ những gì mà Thẩm phán quyết định trong vụ án. Tòa án cấp dưới chỉ tuân theo một phần phán quyết được gọi theo tiếng La tinh là “the ratio decidendi”- phần lý do mà dựa trên đó phán quyết giải quyết vụ án được đưa ra. Những lý do này được xác lập bởi đa số ý kiến đồng thuận của các thẩm phán sau khi đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án. Cách thức tiếp cận án lệ này dẫn đến một kết quả là các ý kiến bảo lưu của các thẩm phán và các ý kiến khác mang tính tổng quát về một vấn đề chung của pháp luật có liên quan hoặc được bổ sung hoặc những vấn đề không quan trọng trong vụ án sẽ không phải là những thành phần của án lệ mang tính bắt buộc. Thành phần này được gọi theo tiếng Latinh là “the obiter dicta”-có nghĩa là tham khảo. Thành phần này trên thực tế có thể được các Tòa án cấp dưới tham khảo khi xét xử các vụ án.
Việc xác định án lệ bắt buộc-“the ratio decidendi” rất phức tạp trong trường hợp có nhiều thẩm phán mặc dù đồng ý với một phán quyết chung nhưng mỗi thẩm phán lại nêu ra các lý do khác nhau mà theo họ đó mới là cơ sở để xác lập nên phán quyết đó. Trên thực tế trong một bản án có thể có một hoặc nhiều thẩm phán cùng nhau đưa ra nhiều lý do khác nhau-những lý do mà theo họ là cơ sở để xác lập phán quyết giải quyết vụ án. Trong trường hợp này thì án lệ bắt buộc chính là các lý do được đa số thẩm phán thống nhất đưa ra làm cơ sở cho phán quyết giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đặc điểm áp dụng bắt buộc của án lệ thì các đặc điểm khác của án lệ được các Thẩm phán Tòa Liên bang Australia là Branson và Finkelstein trong vụ án Telstra Corporation kiện Treloar năm 2000, diễn giải cụ thể, bao gồm: tính ổn định, bảo đảm công bằng, hiệu quả và hiện diện của công lý. Theo giải thích của hai Thẩm phán này thì án lệ mang tính ổn định vì luật pháp có chức năng định hướng cho người dân một cách xử sự rõ ràng. Người dân được pháp luật cho phép xử sự trong một cách thức mà người dân chắc chắn rằng pháp luật sẽ được áp dụng cho người dân trong tương lai cũng giống như pháp luật đang được áp dụng với họ tại thời điểm hiện tại mà không có sự khác biệt. Đồng thời án lệ thúc đẩy sự công bằng trong hoạt động áp dụng pháp luật khi các vụ án có những tình tiết khách quan quan trọng của vụ án tương tự như nhau thì Tòa án sẽ đưa ra các phán quyết tương tự như nhau. Bên cạnh đó, án lệ mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động xét xử khi Tòa án cấp cao nhất đã đưa ra một cách giải quyết một vấn đề pháp lý thì những Tòa án cấp dưới không cần thiết phải lãng phí thời gian và nguồn lực để xem xét, đánh giá và đưa ra cách giải quyết với vấn đề pháp lý tương tự như vấn đề pháp lý đã được Tòa án cấp cao nhất giải quyết.

3. Các nguyên tắc áp dụng án lệ

Trong hoạt động xét xử, việc áp dụng án lệ không phải là một hoạt động kỹ thuật đơn thuần mà đều dựa trên một số nguyên tắc nhất định. Thông thường các Thẩm phán dựa vào những nguyên tắc sau đây để xác định một án lệ nào đó có phải là án lệ mà họ bắt buộc phải áp dụng để giải quyết vụ án mà họ đang xét xử hay không. Các nguyên tắc đó là: (i) Tòa án cấp thấp hơn bắt buộc tuân theo các phán quyết của các Tòa án cấp cao hơn trong cùng một hệ thống; (ii) Một Thẩm phán không bắt buộc phải tuân theo phán quyết của Thẩm phán khác trong cùng một cấp Tòa án và trong cùng một hệ thống Tòa án; (iii) Một Thẩm phán không bắt buộc phải tuân theo các phán quyết của Tòa án cấp cao hơn nhưng không cùng một hệ thống Tòa án, mặc dù những phán quyết đó có thể tham khảo; (iv) Tòa án cao nhất của một hệ thống Tòa án có thể hủy bỏ những phán quyết trước đây của chính Tòa án đó trong trường hợp để bảo lệ công lý hoặc phán quyết đó rõ ràng là sai; (v) chỉ một phần của phán quyết được gọi theo thuật ngữ Latinh là ratio decidendi-tức là các lý do làm cơ sở xác lập phán quyết mới có hiệu lực bắt buộc áp dụng; (vi) các ý kiến khác mang tính tổng quát về một vấn đề chung của pháp luật có liên quan hoặc được bổ sung hoặc những vấn đề không quan trọng trong vụ án được gọi theo thuật ngữ Latin là obiter dicta không mang tính bắt buộc áp dụng nhưng có thể tham khảo khi giải quyết vụ án.

4. Áp dụng án lệ trong Tòa án tối cao Liên Bang

Tòa án tối cao Liên Bang là tòa án cao nhất trong hệ thống Tòa án của Australia. Tòa án tối cao Liên Bang được thành lập năm 1901 trên cơ sở quy định tại Điều 71 của Hiến pháp Australia. Tòa án tối cao Liên Bang có chức năng giải thích và áp dụng pháp luật của Australia; xét xử các vụ án đặc biệt thuộc thẩm quyền liên bang bao gồm các vụ án liên quan đến hiệu lực pháp luật của một đạo luật cụ thể và liên quan đến cách giải thích Hiến pháp; xét xử phúc thẩm các vụ án từ Tòa án Liên Bang, Tòa án tiểu bang và vùng lãnh thổ; xét xử sơ thẩm một số vụ án khác. Tòa án tối cao Liên Bang là Tòa án xét kháng cáo phúc thẩm cuối cùng của hệ thống tòa án của Australia. Quyết định phúc thẩm của Tòa án tối cao Liên Bang là quyết định cuối cùng và có tính bắt buộc tuân thủ đối với các Tòa án Liên Bang, các Tòa án của tiểu bang. Tòa án tối cao Liên Bang có thẩm quyền hủy bỏ tất cả các phán quyết của Tòa án Liên Bang, các Tòa án của tiểu bang cũng như có thể hủy bỏ án lệ của chính nó trong một số trường hợp đặc biệt.

Thực tiễn xét xử tại Tòa án tối cao Liên Bang cho thấy khi xét xử sơ thẩm, Thẩm phán không bắt buộc phải tuân thủ và áp dụng án lệ được xác lập bởi Thẩm phán Tòa án tối cao Liên Bang trong các phán quyết trước đó. Tuy nhiên, Thẩm phán này phải tuân thủ án lệ phúc thẩm do “Full Court” của Tòa án tối cao Liên Bang xác lập. “Full Court” là một Tòa án của Tòa án tối cao Liên Bang mà khi xét xử thì phải có từ hai Thẩm phán trở lên thực hiện. Trên thực tế, khi xét xử “Full Court” của Tòa án tối cao Liên Bang không bắt buộc tuân thủ và áp dụng các án lệ của chính nó đã được xác lập trong các phán quyết trước. Như đã nói ở trên, Tòa án tối cao Liên Bang có thể hủy bỏ án lệ do chính Tòa án này xác lập từ trước. Tuy nhiên, việc hủy bỏ án lệ không thể tiến hành bằng một Thẩm phán. Nói cách khác việc hủy bỏ án lệ chỉ có thể tiến hành bởi Hội đồng xét xử có ít nhất hai Thẩm phán trở lên. Trong trường hợp này, các Thẩm phán thường gọi những án lệ bị hủy bỏ là “sai lầm cơ bản”, “rõ ràng là sai” để nhấn mạnh tính ngoại lệ của việc hủy bỏ đó. Tòa án tối cao Liên Bang tuyên bố rằng việc hủy bỏ án lệ chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt và được tiến hành một cách cẩn trọng. Việc Tòa án tối cao Liên Bang hủy bỏ án lệ của chính Tòa án này không được tiến hành thường xuyên mà chỉ diễn ra trong một số trường hợp đặc biệt. Trên thực tế, Tòa án tối cao Liên Bang không đặt ra bất kỳ một quy tắc chung cho việc tiến hành hủy bỏ án lệ nhưng tại vụ án Commonwealth v. Hospital Contribution Fund năm 1982, Chánh án Tòa án tối cao Liên Bang Gibbs với 2 Thẩm phán tối cao Liên Bang khác là Stephen và Aickin cùng thống nhất cho rằng có 4 lý do để một án lệ bị hủy bỏ. Các lý do cụ thể đó là: (i) án lệ đó đã dựa trên một nguyên tắc pháp lý mà nguyên tắc này đã không được đánh giá cẩn thận, đầy đủ trong quá trình xét xử vụ án này; (ii) Sự khác nhau giữa những lý do mà các Thẩm phán đưa ra về việc giải quyết vấn đề pháp lý của vụ án; (iii) án lệ đã không mang lại một sự thuận tiện trong việc tuân thủ và áp dụng; (iv) án lệ đã không thể hiện được sự độc lập trong quá trình xem xét lại chính án lệ này.

Bên cạnh đó, việc hủy bỏ án lệ có thể tiến hành khi Quốc hội ban hành luật liên quan đến các nguyên tắc pháp lý, cách giải thích một điều luật được xác lập bởi án lệ. Tuy nhiên, đối với án lệ liên quan đến Hiến pháp thì không thể bị hủy bỏ bởi việc ban hành luật của Quốc hội. Những án lệ này có thể bị hủy bỏ, sửa đổi hoặc diễn giải theo nhiều các nhau trong tương lai khi Hiến pháp được sửa đổi.

5. Áp dụng án lệ trong Tòa án Liên Bang

Tòa án Liên Bang được thành lập trên cơ sở Đạo luật về Tòa án Liên Bang được ban hành năm 1976. Tòa án Liên Bang bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 2 năm 1977. Thẩm quyền xét xử của Tòa án Liên Bang được xác lập từ một phần thẩm quyền xét xử vốn là của các Tòa án như Tòa án tối cao Liên Bang, Tòa án sở hữu công nghiệp Liên Bang và Tòa phá sản Liên Bang. Thẩm quyền xét xử của Tòa án Liên Bang đối với các vụ việc được ghi nhận tại hơn 150 đạo luật khác nhau do Quốc hội Liên Bang thông qua. Tòa án Liên Bang có nhiều phân tòa khác nhau thực hiện việc xét xử phúc thẩm. Các phân tòa này có thể phúc thẩm các vụ án do một Thẩm phán Tòa án Liên Bang xét xử sơ thẩm và các vụ án không liên quan đến gia đình do Tòa án sơ thẩm Liên Bang xét xử sơ thẩm.

Các vụ án do Tòa án Liên Bang có thẩm quyền xét xử sẽ do một Thẩm phán hoặc do “Full Court” tiến hành. “Full Court” là một Tòa án của Tòa án Liên Bang mà khi xét xử thì có 3 Thẩm phán hoặc 5 Thẩm phán tham gia. Khi việc xét xử do một Thẩm phán tiến hành thì Thẩm phán đó phải tuân thủ và áp dụng án lệ của “Full Court” của Tòa án Liên Bang. Tuy nhiên, khi xét xử, một Thẩm phán của Tòa án Liên Bang không phải tuân thủ và áp dụng án lệ của một Thẩm phán Liên Bang khác.

6. Áp dụng án lệ trong  Tòa án gia đình của Australia

Tòa án gia đình của Australia được thành lập ngày 5 tháng 1 năm 1976 trên cơ sở một đạo luật về gia đình được Quốc hội Liên Bang ban hành năm 1975. Tòa án gia đình của Australia có thẩm quyền giải quyết đối với các yêu cầu tuyên bố hôn nhân vô hiệu hoặc hôn nhân là hợp pháp, ly hôn, cư trú, liên lạc, giám hộ, cấp dưỡng và tài sản liên quan đến các quan hệ nói trên. Tòa án gia đình của Australia xét xử phúc thẩm các vụ án do Tòa án sơ thẩm của Liên Bang xét xử sơ thẩm; phúc thẩm các phán quyết của các Thẩm phán của Tòa án gia đình, của Tòa án gia đình bang Tây Australia. Việc xét xử của Tòa án gia đình có thể tiến hành bởi một Thẩm phán hoặc bởi “Full Court”. “Full Court” là một Tòa án của Tòa án gia đình mà khi xét xử thì có 3 Thẩm phán hoặc 5 Thẩm phán tham gia. Khi việc xét xử do một Thẩm phán tiến hành thì Thẩm phán đó bắt buộc phải tuân thủ và áp dụng án lệ của “Full Court” của Tòa án gia đình. Tuy nhiên, Thẩm phán không bắt buộc phải tuân thủ và áp dụng án lệ của Thẩm phán khác trong Tòa án gia đình cũng như “Full Court” của Tòa án gia đình không bắt buộc phải áp dụng án lệ của chính nó.

7. Áp dụng án lệ trong Tòa án sơ thẩm Liên Bang

Tòa án sơ thẩm Liên Bang được thành lập trên cơ sở đạo luật về Tòa án sơ thẩm Liên Bang được ban hành năm 1999 và bước vào hoạt động từ năm 2000. Tòa án sơ thẩm Liên Bang có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các vụ việc liên quan đến luật gia đình và hỗ trợ trẻ em, liên quan đến hành chính, bắt giữ hàng hải, phá sản, bản quyền, nhân quyền, sở hữu công nghiệp, di dân, quyền riêng tư của công dân và hoạt động thương mại. Khi xét xử, Tòa án này phải tuân thủ và áp dụng án lệ của Tòa án gia đình Liên Bang và Tòa án Liên Bang được xác lập trong các phán quyết phúc thẩm. Thẩm phán Tòa án sơ thẩm Liên Bang phải tuân thủ án lệ do “Full Court” của Tòa án Liên Bang xác lập. Đồng thời, Thẩm phán Tòa án sơ thẩm Liên Bang còn phải tuân thủ án lệ của Thẩm phán Liên Bang xác lập trong các phán quyết phúc thẩm. Tuy nhiên, Thẩm phán Tòa án sơ thẩm Liên Bang không phải tuân thủ án lệ của Thẩm phán Liên Bang xác lập trong các phán quyết sơ thẩm.