“QGVB thông báo những thông tin về các ranh giới thềm lục địa của mình, khi thềm lục địa đó mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, cho Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) được thành lập theo Phụ lục II, trên cơ sở sự đại diện công bằng về địa lý. CLCS gửi cho các QGVB những kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ. Các ranh giới do một quốc gia ven biển ấn định trên cơ sở các kiến nghị đó là dứt khoát và có tính chất bắt buộc”. Thời hạn trình CLCS là 10 năm kể từ ngày Công ước UNCLOS có hiệu lực với quốc gia thành viên (Phụ lục II, điều 4 UNCLOS). Tuy nhiên thời hạn cuối cùng đối với các quốc gia ven biển thành viên của Công ước đã được ấn định là 13/5/2009 bằng Quyết định ngày 29/5/2001 (SPLOS/72) được thông qua trong phiên họp lần thứ 11 của các quốc gia thành viên Công ước Luật biển. Tới ngày đó, các quốc gia phải lựa chọn một trong ba khả năng: 1) trình hồ sơ cuối cùng về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng ra ngoài 200 M (dặm) tính từ đường cơ sở cho CLCS. Một quốc gia có thể trình hồ sơ toàn thể hay một phần. Quốc gia có thể trình một hoặc nhiều hồ sơ từng phần thay cho một hồ sơ toàn thể cho cả vùng biển. Hai hay nhiều quốc gia có thể trình chung một hồ sơ theo Mục 4 Phụ lục I Quy định thủ tục của CLCS; 2) Trình Tổng thư ký các thông tin ban đầu về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng ra ngoài 200 M và bản mô tả tình hình chuẩn bị và ngày dự kiến trình hồ sơ phù hợp với các yêu cầu của điều 76 của Công ước và với Quy định thủ tục và hướng dẫn khoa học và kỹ thuật của CLCS; 3) Bảo lưu các quyền của mình về thềm lục địa bằng cách phản đối các hồ sơ đã được trình. Quốc gia nào không tiến hành bất kỳ hành động nào nói trên sẽ được coi là không quan tâm tới việc mở rộng thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của họ.
Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoạigọi số: 1900.0191
Theo Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) mỗi nước ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ven biển có đặc quyền khai thác kinh tế đối với biển và đáy biển. UNCLOS cũng quy định là nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng. Quy định về thềm lục địa mở rộng Theo UNCLOS, thềm lục địa mở rộng của nước ven biển không được ra xa hơn bất cứ “đường công thức” hay “đường giới hạn” quy định như sau: 1. Đường công thức: Nước ven biển có thể kết hợp 2 đường sau để vạch đường công thức sao cho có lợi nhất cho mình: a. Đường Hedberg: Đường nối các điểm cách chân dốc thềm lục địa không quá 60 hải lý. b. Đường Gardiner: Đường nối các điểm nơi đá trầm tích dày hơn 1% khoảng cách tới chân dốc thềm lục địa. 2. Đường giới hạn: Nước ven biển có thể kết hợp 2 đường sau để vạch đường giới hạn sao cho có lợi nhất cho mình: a. Đường cách đường cơ sở 350 hải lý. b. Đường cách đường đẳng sâu 2500 m (là đường nối liền các điểm có độ sâu 2500 m) 100 hải lý. UNCLOS quy định là nước ven biển phải đăng ký yêu sách về phạm vi của thềm lục địa mở rộng với Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) trong vòng 10 năm kể từ khi UNCLOS bắt đầu có hiệu lực với nước đó hay từ khi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa ban hành hướng dẫn khoa học kỹ thuật về ranh giới thềm lục địa, ngày 13/05/1999. Nếu nước ven biển không đăng ký kịp thời hạn thì vùng thềm lục địa mở rộng đó có thể được ban cho nước đăng ký kịp thời hạn, hay có thể được cho là tài sản chung của nhân loại. Sau khi nhận được hồ sơ của nước ven biển, CLCS sẽ khuyến nghị về ranh giới thềm lục địa mở rộng của nước này. Nếu nước này vạch ranh giới theo khuyến nghị đó thì ranh giới đó sẽ có tính chất ràng buộc vĩnh viễn. Đường cơ sở Trong việc khuyến nghị, nếu CLCS cần xác định là thềm lục địa của nước ven biển có thật sự ra cách đường cơ sở hơn 200 hải lý, hay nếu nước ven biển muốn dùng đường giới hạn 350 hải lý trong việc giới hạn thềm lục địa mở rộng, thì CLCS có thể yêu cầu nước ven biển xác định đường cơ sở của mình. Trên thực tế, đường cơ sở của nước ven biển có thể không phù hợp với UNCLOS và đã bị những nước khác phản đối, thí dụ như đường cơ sở 1982 của Việt Nam và đường cơ sở 1996 của Trung Quốc. Trong trường hợp này, CLCS có thể khuyến nghị nước ven biển về phương pháp để tính đường giới hạn 350 hải lý, thí dụ như tính đường này từ một đường ad hoc phù hợp với quy định của UNCLOS về đường cơ sở, thay vì tính từ đường cơ sở của nước đó. Tranh chấp chủ quyền CLCS không có thẩm quyền để phân xử tranh chấp chủ quyền đối với vùng đất được dùng làm cơ sở để đăng ký thềm lục địa mở rộng, hay tranh chấp do các vùng biển của các nước khác nhau nằm chồng lấn lên nhau. Trong trường hợp tồn tại tranh chấp, các nước trong tranh chấp có thể tiến hành như sau: • Đăng ký toàn bộ thềm lục địa mở rộng, nêu rõ những vùng bị tranh chấp. • Chỉ đăng ký yêu sách cho phần không bị tranh chấp và sẽ đăng ký yêu sách cho phần bị tranh chấp sau, có thể sau hạn định 10 năm. • Một số nước trong tranh chấp có thể đăng ký chung phần chỉ có những nước này tranh chấp và những nước này sẽ phân định phần này với nhau sau. CLCS chỉ xét đăng ký cho vùng bị tranh chấp nếu tất cả những nước trong tranh chấp đồng thuận với việc đó. Tuy việc đăng ký với CLCS và khuyến nghị của CLCS không ảnh hưởng tới việc phân định chủ quyền giữa các nước trong tranh chấp Biển Đông, tranh chấp này sẽ ảnh hưởng tới việc các nước trong tranh chấp nên đăng ký thế nào và tới việc CLCS sẽ xử lý hồ sơ đăng ký thế nào. Phải đăng ký trước ngày 13/05/2009 Việt Nam phê chuẩn UNCLOS ngày 25/07/1994 cho nên Việt Nam phải đăng ký yêu sách về thềm lục địa mở rộng với CLCS trước ngày 13/05/2009. Nếu lỡ thời hạn này Việt Nam có thể sẽ mặc nhiên mất tất cả tài nguyên trong thềm lục địa bên ngoài 200 hải lý. Vì việc đăng ký thềm lục địa mở rộng có ảnh hưởng lớn tới quyền lợi quốc gia, nhân dân và Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong công việc quan trọng này. |
Biển Đông được bao bọc bởi 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong số đó có Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam có khả năng xem xét vấn đề trình ranh giới ngoài thềm lục địa. Theo Điều 76, khoản 8 của Công ước Luật biển, các nước trên có thể có 3 lựa chọn sau:
1. Trình hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa (RGNTLĐ) lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (CLCS).
Philippin, Malaysia, Indonesia và Việt Nam đã lựa chọn cách này từng phần.
Ngày 16/6/2008, Cộng hoà Indonesia trình CLCS, phù hợp với Điều 76, khoản 8 của Công ước Luật biển, thông tin về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở quần đảo dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Indonesia ở Tây bắc quần đảo Sumatra. Indonesia đã chuẩn bị trình CLCS tổng hợp các số liệu đo sâu do Dự án số hoá quản lý tài nguyên biển (DMRM), ETOPO-2 cũng như các số liệu khảo sát địa chấn và độ dày trầm tích thu thập từ những năm 1999. Ranh giới ngoài thềm lục địa ở khu vực Tây bắc Sumatra trong bản trình một phần này được xác định theo công thức 1% bề dày trầm tích (công thức Gardiner hoặc Irish). Theo Indonesia, khu vực này không phải là đối tượng tranh chấp giữa Indonesia với bất kỳ quốc gia nào. Indonesia cũng bảo lưu việc trình ranh giới ngoài thềm lục địa của Indonesia tại những khu vực khác trong tương lai.
Ngày 8/4/2009, Cộng hoà Philippin là quốc gia thứ hai trong khu vực trình báo cáo một phần cho CLCS. Ranh giới Thềm lục địa ngoài 200 M từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trong khu vực Rãnh Benham. Khu vực này được giới hạn về phía Bắc và Đông bởi bồn Tây Philippin và về phía Tây và Nam bởi quần đảo Luzon. Philippin cho rằng báo cáo với các số liệu của khu vực Rãnh Benham chạy dọc theo bờ Thái Bình Dương và hoàn toàn không ảnh hưởng đến phân định biển với các nước có bờ biển đối diện hay tiếp giáp. Ranh giới ngoài của mảng thềm lục địa thuộc khu vực Rãnh Benham được xác định hoàn toàn theo Điều 76, khoản 8 (a) (i). Các số liệu thuỷ đạc thu thập từ các chuyến khảo sát trong những năm 2004-2008. Tuy nhiên Philippin cũng bảo lưu quyền của mình được trình các báo cáo RGNTLĐ ngoài 200 hải lý cho các khu vực khác trong tương lai phù hợp Phụ lục I của Quy chế và thủ tục của CLCS. Khu vực phái Tây trong biển Đông có thể được coi là một trong những khu vực như vậy.
Ngày 7/5/2009, Malaysia và Việt Nam trình báo cáo chung về khu vực phía Nam Biển Đông. Khu vực xác định chung được giới hạn bởi điểm cắt của vòng cung bán kính 200 hải lý với ranh giới thềm lục địa Malaysia và Philippin. Ở phía Đông tại điểm A, điểm cắt của hai vòng cung bán kính 200 hải lý từ phía Malaysia về phía Tây Nam điểm A (điểm B và C), bởi đường biên giới theo Hiệp định thềm lục địa ký giữa Malaysia và Indonesia năm 1969 (điểm D và E), đường ranh giới theo Hiệp định ranh giới thềm lục địa Việt Nam-Indonesia năm 2003 về phía Tây Bắc (điểm F và G) và điểm giao của vòng cung từ ranh giới phía Việt Nam về phía Đông Bắc (điểm H và I). Khu vực xác định hoàn toàn nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh thổ lục địa của Malaysia và Việt Nam và nằm ngoài các ranh giới đã thoả thuận với các nước hữu quan. Đây là lý do hai nước khẳng định báo cáo chung không làm tổn hại các vấn đề liên quan đến phân định ranh giới giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp giáp. Theo các nguồn tin ngoại giao, việc trình báo cáo chung Malaysia và Việt Nam đã được thông báo cho các nước liên quan trước ngày 6/5/2009.
Khu vực Bắc (VNM-N) do Việt Nam trình Báo cáo riêng ngày 8/5/2009 nằm ở phía Đông Bắc Biển Đông. Việt Nam giữ quan điểm rằng nước này thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam phù hợp Công ước Luật biển 1982. Việt Nam đã ký Công ước Luật biển năm 1982 ngày 10/12/1982 và phê chuẩn ngày 23/6/1994. Căn cứ các điều khảon của Công ước Luật biển (điều 76, khoản 1,4,5 và 7) và đặc điểm tự nhiên của bờ biển và thềm lục địa của mình, Việt Nam giữ quan điểm có quyền thiết lập RGNTLĐ ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải CHXHCN Việt Nam. Theo khoản 3 Phụ lục I của Quy tắc thủ tục, Báo cáo xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa khu vực Bắc (VNM-N) thuộc Việt Nam. Khu vực VNM-N được xác định và giới hạn về phía Bắc bởi đường cách đều giữa đường cơ sở lãnh hải Việt Nam và CHND Trung Hoa, ở phía Đông và phía Nam bởi ranh giới ngoài thềm lục địa đựơc xác định trong Báo cáo phù hợp với điều 76 (8) của Công ước Luật biển, về phía Tây bởi đường 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải Việt Nam. Theo điều 76 (10) của Công ước Luật biển, điều 9 Phụ lục II của Công ước Luật biển, quy tắc 46 và Phụ lục I của Quy tắc thủ tục của CLCS, Việt Nam cho rằng khu vực thềm lục địa trong Báo cáo không chồng lấn và tranh chấp và không ảnh hưởng gì đến vấn đề phân định biển giữa Việt Nam và các quốc gia hữu quan. Việt Nam xác định ranh giới ngoài thềm lục địa khu vực VNM-N theo cả hai phương pháp 1% bề dày trầm tích (công thức Gardiner) và chân dốc lục địa + 60 hải lý (công thức Hedberg). Báo cáo của Việt Nam được chuẩn bị trên cơ sở các số liệu khảo sát mới nhất năm 2007, 2008 và các số liệu đã được công bố bao gồm đo sâu, từ trường, trọng lực và địa chấn.
Tóm lại, chỉ có Việt Nam và Malaysia có báo cáo trong Biển Đông. Indonesia và Philippin có báo cáo về các khu vực nằm ngoài và không liên quan trực tiếp Biển Đông. Tuy nhiên, hai nước vẫn bảo lưu quyền có các báo cáo bộ phận về các khu vực khác nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của mình.
2. Các thông tin ban đầu về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý.
Brunei và Trung Quốc lựa chọn cách này.
Ngày 11/5/2009, Trung Quốc trình các số liệu khảo sát ban đầu về ranh giới ngoài thềm lục địa cho CLCS. Tuy nhiên, báo cáo này chỉ nêu yêu sách phần thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý sườn phía Tây của Máng Okinawa tại biển Hoa Đông chứ không phải trong biển Đông. Trong báo cáo, Trung Quốc tuyên bố bảo lưu quyền đưa ra các yêu sách bổ sung về thềm lục địa mở rộng trong biển Hoa Đông và bất kỳ đâu. Trong biển Hoa Đông có các vùng chồng lấn yêu sách do Trung Quốc và Nhật Bản đưa ra theo Công ước Luật biển. Trung Quốc luôn yêu sách thềm lục địa phía ngoài Máng Okinawa trên cơ sở nguyên tắc kéo dài tự nhiên, trong khi Nhật Bản yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa qua đường trung tuyến biển Hoa Đông. Trung Quốc cho rằng, đảo đá của Nhật Bản chỉ nên có lãnh hải 12 hải lý, trong khi Nhật giữ quan điểm các địa vật này cần có vùng biển rộng hơn lãnh hải 12 hải lý.
Ngày 12/5/2009, Brunei thông báo nước này đã có những cố gắng quan trọng trong việc chuẩn bị trình báo cáo toàn thể lên CLCS phù hợp với điều 76, khoản 8 của Công ước Luật biển. Brunei đã nghiên cứu và phân tích khối lượng lớn các số liệu liên quan đến thềm lục địa. Các số liệu này bao gồm các số liệu địa tầng, địa chất, địa vật lý và địa chấn. Tuy nhiên, Brunei chỉ có thể nộp báo cáo toàn phần lên CLCS sau ngày 13/5/2009. Báo cáo toàn phần của Brunei sẽ phù hợp với điều 76 của Công ước Luật biển là sự kéo dài tự nhiên từ lãnh thổ Brunei mở rộng qua các khu vực thềm Tây Bắc Borneo, Máng Tây bắc Borneo và khu vực Vùng nguy hiểm (Trường Sa) tới tận rìa ngoài của đáy sâu đại dương thuộc Bồn biển Đông. Điều đó có nghĩa rằng, báo cáo toàn phần của Brunei trình CLCS sẽ thể hiện rìa ngoài của lục địa nằm trong phần chuyển tiếp giữa Trường Sa và đáy sâu đại dương của Biển Đông, nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải Brunei.
Với các thông tin ban đầu này, cả Trung Quốc và Brunei dường như đều thể hiện ý định sẽ ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa ngoài 200 hải lý từ lãnh thổ của mình trên cơ sở nguyên tắc kéo dài tự nhiên. Thực tế hành động của Trung Quốc xuất phát từ thái độ khác nhau đối với hai biển. Trong biển Hoa Đông, tranh chấp đảo Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc dường như không cản trở Bắc Kinh có một báo cáo toàn phần về thềm lục địa mở rộng trình CLCS. Ngược lại, trong Biển Đông, các tranh chấp yêu sách về các đảo với các bên hữu quan và “vùng biển truyền thống” là cơ sở cho việc Trung Quốc phản đối báo cáo chung Việt Nam – Malaysia và báo cáo riêng của Việt Nam tại vùng phía Bắc VNM-N lên CLCS. Philippin cũng chọn cách thứ ba này với những toan tính riêng.
3. Phản đối của Trung Quốc và Philippin.
Ngày 8/5/2009, Phái đoàn đại diện của Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên hợp quốc yêu cầu CLCS không xem xét báo cáo chung Việt Nam – Malaysia và sau đó là báo cáo riêng của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng, các báo cáo này đã làm tổn hại chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước và các đảo nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn (bản đồ kèm theo Công hàm). Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa đường đứt khúc ra tại Liên hợp quốc trong bối cảnh yêu sách phân định biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Đã có một số bình luận về phản đối của Trung Quốc không dựa trên bất kỳ một tiêu chí khoa học nào của Công ước Luật biển về xác định ranh giới ngoài thềm lục địa. Nếu trong biển Hoa Đông, các tiêu chí khoa học của Công ước Luật biển được Trung Quốc sử dụng trong quan hệ đối với Nhật Bản thì trong Biển Đông, các tiêu chí này đã được thay bằng một đường đứt khúc mơ hồ và không thể chấp nhận được. Khía cạnh khoa học của việc xác định RGNTLĐ đã được Trung Quốc gắn với vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Hoàng Sa và Trường Sa. Trong biển Hoa Đông, báo cáo trình của Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc sẽ “thông qua thương lượng hoà bình, phân định thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hay tiếp giáp bằng các thoả thuận trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc công bằng”. Tuy nhiên trong Biển Đông, Bắc Kinh lại giữ yên lặng về khả năng có đàm phán hoà bình về vấn đề trên.
Ngược lại với quan điểm của Trung Quốc, trong phản đối của Philippin đưa ra ngày 4/8/2009 lại bảo lưu khả năng thảo luận. Trong Công hàm nói báo cáo chung Việt Nam – Malaysia đã đưa yêu sách lên vùng có tranh chấp vì nó chồng lấn lên các vùng thuộc Philippin. Philippin yêu cầu CLCS ngừng việc xem xét các báo cáo trên cho đến khi các bên có sự thảo luận và giải quyết tranh chấp giữa họ.
Như vậy, trong cả hai phản đối, Trung Quốc và Philippin đều gắn vấn đề xác định khoa học ranh giới ngoài thềm lục địa với các tranh chấp lãnh thổ trên các đảo ở Biển Đông. Ngược lại, Việt Nam và Malaysia trình báo cáo RGNTLĐ của mình không đề cập gì đến các đảo tranh chấp. Các tuyên bố này rất rõ ràng. Đây là hai vấn đề khác biệt. Báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia xác định RGNTLĐ bên ngoài 200 hải lý là sự giải thích hợp pháp về việc thi hành các nghĩa vụ của quốc gia ven biển với Công ước Luật biển 1982, phù hợp với các điều khoản của Công ước Luật biển cũng như Quy tắc thủ tục của CLCS.
Trong Công hàm HA 24/09 ngày 20/5/2009, Phái đoàn đại diện của Malaysia tại Liên hợp quốc khẳng định rằng, báo cáo chung không làm tổn hại tới vấn đề phân định thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hay tiếp giáp, phù hợp với điều 76 (10) của Công ước Luật biển 1982, điều 9 của Phụ lục II của Công ước Luật biển, điều 46 và các khoản 1,2 và 5 của Phụ lục I Quy tắc thủ tục của CLCS. Công hàm cũng khẳng định lại báo cáo chung không ảnh hưởng đến lập trường các quốc gia có tranh chấp đất liền và biển theo khoản 5 (b) Phụ lục I của Quy tắc thủ tục của CLCS. Hai quốc gia đã mời các bên liên quan đàm phán hoà bình để giải quyết tất cả các vấn đề nảy sinh trong Biển Đông.
4. Viễn cảnh sau tháng 5 năm 2009.
Theo điều 76 khoản 8 của Công ước Luật biển 1982, quá trình xác định ranh giới ngoài thềm lục địa gồm nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, QGVB hữu quan tiến hành các khảo sát khoa học và thu thập số liệu nhằm đánh giá liệu họ có quyền lập báo cáo phù hợp với điều 76 của Công ước Luật biển hay không. Báo cáo là quyền của quốc gia ven biển, nhưng quyền này bị hạn chế bởi nghĩa vụ không làm ảnh hưởng đến quyền của các bên khác, bao gồm quyền lợi của cộng đồng quốc tế và các quốc gia liên quan. Lợi ích của cộng đồng quốc tế được CLCS xem xét bảo vệ. Tuy nhiên, không dễ để xác định các quyền trên do sự giải thích khác nhau của các bên liên quan đối với các điều khoản của Công ước Luật biển 1982. Quyết định lập báo cáo hay không chỉ đơn phương thuộc QGVB có tính đến các số liệu khảo sát khoa học thu thập được và phân tích, cũng như thái độ của các quốc gia láng giềng. Trong giai đoạn hai, CLCS sẽ xem xét báo cáo nhằm cân bằng quyền của quốc gia ven biển với cộng đồng quốc tế. CLCS sẽ kiểm tra các số liệu nhận được trên quan điểm khoa học và kỹ thuật trong khuôn khổ pháp lý của Công ước Luật biển 1982. Các kiến nghị của CLCS sẽ trả lời cho các câu hỏi các số liệu khoa học nào của quốc gia yêu sách có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý sẽ được chấp nhận, công thức nào sẽ được áp dụng đúng với điều 76 Công ước Luật biển. Trong giai đoạn 3, QGVB và CLCS sẽ hợp tác với nhau để chỉnh sửa Báo cáo cho phù hợp với các kiến nghị. “Quá trình tham vấn” này có thể kéo dài vài lần cho đến khi báo cáo của QGVB (bản chỉnh sửa hoặc mới) sẽ phù hợp hoàn toàn với các kiến nghị của CLCS. Giai đoạn 4 là giai đoạn thủ tục, trong đó QGVB và CLCS sẽ báo cáo về các số liệu và bản đồ thích ứng với Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhằm mục đích đăng ký. Đường RGNTLĐ ngoài 200 hải lý đã được chỉnh sửa trên cơ sở các kiến nghị của CLCS và đăng ký sẽ được công nhận là đường phân định cuối cùng và có giá trị bắt buộc.
Về lý thuyết, đường phân định cuối cùng như vậy chỉ đạt được trong các khu vực nơi khoảng cách giữa hai quốc gia đối diện lớn hơn 400 hải lý và có sự tồn tại của Vùng đáy biển di sản chung của loài người. Trong các biển có các yêu sách chồng lấn, đường phân định cuối cùng thuộc thẩm quyền của các quốc gia hữu quan. CLCS không có thẩm quyền đối với các yêu sách chồng lấn, mà chỉ có thẩm quyền đưa ra các khuyến nghị trong trường hợp phạm vi khu vực làm báo cáo không ảnh hưởng đến khu vực có yêu sách chồng lấn được xác định rõ ràng. Thậm chí, trong trường hợp không có phản đối từ các quốc gia hữu quan, giải pháp cuối cùng cũng không thể đạt được trong một thời gian ngắn. Từ năm 2004 đến 2008 chỉ có 9 báo cáo được trình cho CLCS đánh giá. Thời gian cho xem xét một báo cáo trung bình là 20 tháng. Cho đến ngày 30/10/2009, CLCS đã nhận được 51 báo cáo và 44 thông tin ban đầu. Với tốc độ 2 báo cáo được xem xét trong một năm thì đến năm 2059, CLCS mới xem xét xong toàn bộ 51 báo cáo. Nếu xem xét 4 hoặc 8 báo cáo một năm thì thời hạn này sẽ là năm 2034 và 2022.
Biển Đông được thế giới quan tâm đến do có sự tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tầm quan trọng của các tuyến đường giao lưu hàng hải quốc tế. Các nước yêu sách đều là thành viên của Công ước Luật biển 1982 và đều đã thể hiện quan điểm thực thi điều 76 xác định RGNTLĐ ngoài 200 hải lý ở những cấp độ khác nhau: trình báo cáo, thông tin ban đầu hoặc phản đối. Trong khi Việt Nam và Malaysia có quan điểm tách biệt vấn đề trình báo cáo RGNTLĐ ngoài 200 hải lý với vấn đề tranh chấp chủ quyền trên các đảo, thì Trung Quốc và Philippin lại muốn gắn kết hai vấn đề. Căn cứ theo lời văn trong thông tin ban đầu, Brunei có vẻ chia sẻ quan điểm xác định RGNTLĐ mở rộng ra ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của lãnh thổ Brunei mà không tính đến các đảo đang tranh chấp. Các bên có các quan điểm khác biệt vì sự không rõ ràng của Công ước Luật biển đối với quy chế của các đảo. Điều 121 (3) quy định: “Các đảo không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Điều khoản không rõ ràng này dẫn tới những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các học giả, các nhà nghiên cứu. Một số cho rằng, các địa vật ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Số khác lại cho rằng một số những địa vật trong quần đảo – nổi trên mặt nước khi thuỷ triều lên – có thể có được các vùng biển khác hơn là chỉ có lãnh hải.
Sẽ dễ dàng cho việc xem xét của CLCS nếu Việt Nam và Malaysia thành công trong việc thuyết phục các nước liên quan để không có phản đối với các báo cáo của mình. Và họ đã có những bước đi và cố gắng làm như vậy. Nếu không có phản đối và với số lượng lớn các báo cáo trình CLCS thì báo cáo của Việt Nam và Malaysia cũng chỉ được xem xét sớm là vào năm 2024 – 2035. Nói một cách khác, trong 20 năm tới, các báo cáo sẽ chưa có tác động trực tiếp đến sự phát triển tình hình trong Biển Đông. Tuy nhiên, từ cách nhìn khác, việc trình báo cáo lên CLCS và các phản đối có thể đưa các quốc gia yêu sách trong Biển Đông đến mức độ hợp tác mới. Trước hết, các hoạt động này cổ vũ các quốc gia tuân thủ Công ước Luật biển 1982 nhiều hơn. Các nước chưa trình báo cáo sẽ đẩy mạnh các hoạt động hoàn thành. Có thể xuất hiện những báo cáo từng phần hoặc các báo cáo chung mới cũng như các phản đối mới. Nhưng qua đó, các bên sẽ hiểu nhau hơn, thể hiện rõ hơn lập trường về các vấn đề cụ thể, tạo diễn đàn trao đổi. Mặt khác, chúng khuyến khích các bên có được những thảo luận nghiêm chỉnh về quy chế của các đảo theo điều 121 (3) của Công ước Luật biển và vấn đề RGNTLĐ 200 hải lý. Đồng thời, chúng khuyến khích các bên làm rõ các đường yêu sách của mình phải phù hợp với các tiêu chí pháp lý, khoa học và trung lập, khách quan của Công ước Luật biển. Làm việc cùng nhau sẽ tạo ra sự hợp tác mới trong giải quyết các vấn đề phát sinh.
Công ước Luật biển 1982 phải là cơ sở chung và cao nhất cho tất cả các hoạt động biển. Các tranh chấp trong Biển Đông không phải là trở ngại cho việc tiến hành các nghĩa vụ khác của các quốc gia ven biển thực thi Công ước Luật biển 1982. Chìa khoá giải quyết tất cả các vấn đề ở Biển Đông là việc xây dựng lòng tin và thiện chí giữa các quốc gia liên quan. Hãy nói với đối tác của bạn, hãy nghe đối tác của bạn và cùng nhau làm việc.
PGS,TS. Nguyễn Hồng Thao – Đại học Quốc gia Hà Nội ( Theo: Nclp.org.vn)
(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)