Các phương thức thu hồi tài sản do phạm tội mà có
Các quốc gia trên thế giới thường sử dụng một trong bốn phương thức cơ bản để thu hồi tài sản do phạm tội mà có đó là: (i) Truy tố và tịch thu tài sản dựa trên bản án hình sự; (ii) tịch thu không dựa trên kết án hình sự (NCB: non-conviction-based); (iii) Tịch thu tài sản thông qua quyết định hành chính và (iv) kiện vụ án dân sự để thu hồi tài sản.
1. Thu hồi tài sản trên bản án hình sự
Theo phương thức này, sau khi có phán quyết của Tòa án đối với bị cáo phạm tội. Việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có được thực hiện bằng việc ban hành và thực hiện quyết định thu hồi tài sản. Những người thực thi pháp luật sẽ
phải thu thập chứng cứ, tìm kiếm và bảo vệ tài sản, thực hiện truy tố đối với cá nhân hoặc pháp nhân và có được phán quyết của toà án. Sau khi có phán quyết, toà án có thể ban hành lệnh tịch thu tài sản.
Trong trường hợp tài sản do phạm tội mà có đã được tẩu tán sang quốc gia khác, phương thức thu hồi tài sản dựa trên truy tố hình sự sẽ được thực hiện thông qua cơ chế hợp tác quốc tế giữa các quốc gia. Trong hợp tác quốc tế dù là theo tương trợ không chính thức và yêu cầu tương trợ tư pháp, cần phải được diễn ra trong suốt quá trình tìm kiếm và bảo vệ tài sản ở nền tài phán nước ngoài, cũng như trong giai đoạn thực thi lệnh cuối cùng về tịch thu tài sản. Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thực hiện truy tố sẽ cần yêu cầu tương trợ tư pháp từ nước có tài sản phạm tội. Yêu cầu quốc gia có tài sản phạm tội (i) công nhận trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định này; hoặc (ii) tự mình tiến hành thủ tục để xác nhận nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và, theo thủ tục pháp lý của quốc gia này, trả lại tài sản tham nhũng cho quốc gia có yêu cầu (đã thực hiện phiên tòa hình sự trước đó).
Mục đích của việc truy tố và tịch thu hình sự là sự công nhận của xã hội về bản chất tội phạm hình sự của tham nhũng và trách nhiệm của người vi phạm. Thêm vào đó, các hình thức phạt tù, phạt tiền và tịch thu tài sản góp phần răn đe, ngăn ngừa các vi phạm tương tự sau này.
Thu hồi tài sản bằng thủ tục buộc tội và tịch thu hình sự có nhiều ưu điểm. Các hình phạt (phạt tiền hoặc phạt tù) là một giải pháp để ngăn chặn hành vi phạm tội có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp (chế tài) mang tính cưỡng chế nhà nước để tiến hành các hoạt động điều tra. Nhưng biện pháp hình sự này cũng có một số hạn chế như: chứng cứ không đầy đủ; thiếu năng lực hoặc quyết tâm chính trị; thủ phạm chết, lẩn trốn hoặc được hưởng miễn trừ trách nhiệm. Ngoài ra, có trường hợp là hành vi là căn cứ chính dẫn đến yêu cầu tương trợ tư pháp có thể lại không được coi là tội phạm ở nền tư pháp được yêu cầu. Phương pháp này cũng đòi hỏi chi phí liên quan đến các nguồn lực và thời gian, điều tra mang tính liên quốc gia.
Hiện nay, số tiền thu hồi được trong các vụ án hình sự vẫn tương đối khiêm tốn so với số lượng tài sản bị đánh cắp, tham nhũng. Để giải quyết những thách thức này, tư pháp một số nước đã phát triển các hình thức thu hồi tài sản khác, gồm thu hồi không dựa trên bản án hình sự và thu hồi thông qua quyết định hành chính.
2. Tịch thu không dựa trên bản án hình sự (gọi tắt là tịch thu NCB)
Nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có, khắc phục những hạn chế của biện pháp thu hồi dựa trên truy tố hình sự (thường được gọi là thu hồi hình sự), một số quốc gia chọn biện pháp thu hồi tài sản do phạm tội mà có (đặc biệt với tội phạm tham nhũng) mà không cần dựa trên bản án hình sự hay gọi là “thu hồi dân sự”.
Sự giống nhau giữa tịch thu trên cơ sở truy tố hình sự và tịch thu NCB đó là ở mục tiêu, cả hai phương thức đều nhằm đến việc thu hồi và hoàn trả lại tài sản do phạm tội mà có và tài sản là công cụ phạm tội.
Sự khác nhau cơ bản giữa thu hồi hình sự và thu hồi dân sự đó là: Thu hồi hình sự là thủ tục pháp lý đối với cá nhân còn thu hồi dân sự là một thủ tục pháp lý đối với tài sản, nghĩa là hành động khởi kiện hướng tới chính tài sản do phạm tội mà có. Thu hồi “không dựa trên kết án hình sự” là hành động độc lập với bất kỳ thủ tục hình sự nào và cần chứng tỏ tài sản bị thu hồi có nguồn gốc từ tiền phạm tội hoặc là công cụ của tội phạm. Nói cách khác, quy trình tịch thu tài sản theo hai phương thức này không giống nhau. Muốn thực hiện tịch thu hình sự cần phải có xét xử và bản án hình sự, và sau đó là quy trình tịch thu; tịch thu
NCB không cần thông qua xét xử và bản án hình sự, mà chỉ tiến hành quy trình tịch thu.
Ưu điểm của biện pháp này vì nó không chỉ giúp tăng cường hiệu quả của công tác chống tham nhũng và rửa tiền mà còn hỗ trợ các quốc gia yêu cầu đã quyết định chuyển giao vụ án cho quốc gia được yêu cầu. Các nhà hoạt động thực tiễn nhấn mạnh lợi thế của cơ chế thu hồi không dựa trên phán quyết vì đây được coi là một biện pháp nhanh chóng, hiệu quả và có thể là cách duy nhất để thu hồi tài sản khi kẻ phạm tội đã chết, chạy trốn hoặc được hưởng quyền miễn truy tố hoặc trong “các trường hợp thích hợp khác”. Việc thu hồi diễn ra trong một quy trình tố tụng riêng biệt cũng có ưu điểm ở sự độc lập và có thể được khởi tố bởi một toà án riêng, qua đó tránh được những tác động không cần thiết đối với một vụ kiện hình sự thông thường.
Tuy nhiên, vì nhiều nền tài phải không áp dụng phương thức tịch thu NCB nên quốc gia nào áp dụng phương thức này có thẻ gặp khó khăn khi cần đến sự tương trợ tư pháp nhằm hỗ trợ công tác điều tra và thực thi các lệnh tịch thu NCB.
3. Thu hồi tài sản thông qua phán quyết hành chính
Các quốc gia có thể sử dụng đa dạng các biện pháp bồi thường mang tính chất hành chính, gồm thu hồi thông qua quyết định hành chính không cần phán quyết tư pháp, phong tỏa tài sản theo lệnh của cơ quan lập pháp hoặc cơ quan hành pháp, hoặc thi hành quyết định hành chính tại tòa án bởi việc ban hành các quyết định thu hồi tài sản sau đó.
Tại nhiều quốc gia, thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính không liên quan đến bất cứ quyết định buộc tội, thủ tục tố tụng tại tòa án hoặc thậm trí quyết định tư pháp, mà Nhà nước đưa ra một cơ chế phi tư pháp để thu hồi tài sản. Biện pháp này được tiến hành trên cơ sở thẩm quyền được trao cho các cơ quan nhà nước hoặc theo các thủ tục được quy định trong các văn bản pháp luật và thường được sử dụng để giải quyết các trường hợp thu hồi tài sản không mang tính chất tranh chấp.
Tại một số quốc gia áp dụng biện pháp này, luật hành chính được sử dụng như một cơ chế căn bản để thi hành các quy định về chống hối lộ và có thể dẫn đến các khoản tiền phạt lớn. Liên bang Đức là một ví dụ, khi nước này đã sử dụng hiệu quả pháp luật hành chính để thi hành các luật về chống hối lộ và thu hồi tài sản. Trong vụ án Siemens Telecom, các khoản phạt tiền hành chính được đưa ra để trừng phạt Công ty Siemens tại Đức bởi hành vi đưa hối lộ tại nhiều quốc gia nhằm dành được các hợp đồng.
Nhược điểm của biện pháp này đó là, thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính và không dựa trên bản án hình sự không được áp dụng hoặc được công nhận (rộng rãi) bởi tất cả các nền tư pháp, bởi vậy, nó dẫn đến các thách thức liên quan đến thu hồi tài sản có yếu tố quốc tế. Các biện pháp sáng tạo khác để thu hồi tài sản bị đánh cắp, tham nhũng, đồng hành với sự phát triển về chính sách công, có thể giúp thay đổi tình huống. Kiện dân sự là một trong những biện pháp được áp dụng. Bên cạnh đó, tịch thu hành chính thường chỉ được thực hiện khi tài sản bị tịch thu có giá trị thấp hoặc một số loại tài sản nhất định. Ví dụ, luật có thể cho phép tịch thu bất kỳ số lượng tiền nào, nhưng cấm tịch thu tài sản thực[1]
4. Thu hồi tài sản thông qua kiện dân sự
Theo phương thức này, cơ quan nhà nước tìm cách thu hồi lại các tài sản do phạm tội mà có, tài sản tham nhũng có thể lựa chọn việc khởi kiện tại các tòa án dân sự trong nước hoặc ở nước ngoài. Các cơ quan này có thể khởi kiện đòi bồi thường dựa trên cơ sở hành vi sai trái, vi phạm hợp đồng, giàu lên bất chính, và những vấn đề khác. Kiện dân sự này là một dạng hành vi dân sự giữa hai cá nhân tại các tòa án, nguyên đơn khởi kiện về những thiệt hại bởi hành vi của bị đơn để yêu cầu được bồi thường tương xứng.
Ưu điểm của phương thức này được thể hiện ở trên một số khía cạnh sau:
Một là, theo trình tự tố tụng dân sự, các tiêu chuẩn về bằng chứng thường thấp hơn so với tố tụng hình sự. Chẳng hạn, các nước theo thông luật thường cho phép người khởi kiện chứng minh vụ án dân sự được sử dụng bằng chứng ở “Xác suất phải chăng” – khả năng đúng nhiều hơn là không, nghĩa là chỉ cần chứng minh sự thật có nhiều khả năng là đúng hơn là không đúng.
Hai là, thu hồi tài sản thông qua khởi kiện dân sự sẽ có thể giải quyết được một số khó khăn về bằng chứng khi sự liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội đặc biệt là với tội phạm tham nhũng. Bởi lẽ, việc xác định mối liên hệ giữa hành vi tham nhũng và tài sản do tham nhũng mà có trong nhiều trường hợp là không thể, thì khởi kiện dân sự có thể vẫn có các cơ hội để thành công. Trong nhiều vụ án tham nhũng, tài sản tham nhũng được tẩy rửa qua nhiều giao dịch, cuối cùng để mua bất động sản, đầu tư kinh doanh hoặc mua những đồ trị giá. Theo thủ tục tư pháp tại nhiều quốc gia, chỉ các tài sản trực tiếp liên quan đến tội phạm mới có thể thu hồi, các tài sản được mua bằng tiền được tẩy rửa không thể bị thu hồi hình sự. Nhưng với thủ tục tố tụng dân sự, trong bất kỳ trường hợp nào, thủ tục này có thể quy định một khoản bồi thường đối với vấn đề nêu trên bởi việc khởi kiện đối với những thiệt hại nói chung.
Ba là, theo pháp luật một số nước không thừa nhận chủ thể của trách nhiệm hình sự là pháp nhân và chỉ có cá nhân mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, bồi thường dân sự và kiện dân sự được xem như một công cụ quyền lực để các quốc gia trong nỗ lực của mình để thu hồi các khoản tiền tham nhũng.
Bốn là, thủ tục tố tụng dân sự cho phép mở rộng phạm vi đối tượng chịu trách nhiệm “bồi thường dân sự” qua đó mở rộng khả năng “tịch thu dân sự”. Bởi lẽ, theo thủ tục kiện dân sự, bên bị tổn hại có thể tìm kiếm một vụ kiện dân sự và yêu cầu bồi thường từ bên thứ ba. Bên thứ ba có thể gồm bất kỳ ai người hỗ trợ cho bị đơn chính, như các thành viên gia đình và các đồng nghiệp, Luật sư của LVN Group, các ngân hàng, người điều hành ngân hàng. Bên thứ ba có thể là người không phải chịu trách nhiệm hình sự bởi không đủ bằng chứng để chứng tỏ “Không còn lý do chính đáng để nghi ngờ” nhưng có thể chứng minh được nếu áp dụng tiêu chuẩn chứng cứ thấp hơn. Điều quan trọng để lưu ý, trong khởi kiện dân sự, các quan chức hoặc cựu quan chức và tài sản của họ không thể được hưởng quyền miễn trừ giống như trong hình sự.
5. Một số phương thức khác
5.1. Một là, đánh thuế thu nhập và vào tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp
Phương thức này được áp dụng đối với một khối tài sản của công chức hay người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước mà không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tài sản mình đang sở hữu. Khi đó, tài sản không giải trình được nguồn gốc đương nhiên được coi là có được từ việc nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hay đánh cắp và phải chịu thuế thu nhập đối với những thu nhập bất hợp pháp. Trong trường hợp đó, các cơ quan chức năng không cần phải chứng minh nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản. Cần chứng minh rằng những tài sản đó là thu nhập không được tiết lộ. Các cơ quan chức năng chỉ cần chứng minh được rằng người đóng thuế đã tạo ra một khoản thu phải đóng thuế hoặc nhận được thu nhập phải đóng thuế và rằng người đó có trách nhiệm đóng khoảng thuế phù hợp, trong đó phải đóng cả lãi suất và tiền phạt nếu không đóng thuế đúng thời hạn quy định. Theo phương thức tịch thu này, gánh nặng chứng cứ sẽ nhẹ hơn một vụ việc thu hồi theo con đường kiện dân sự. Bởi phương thức này nhìn chung không liên quan đến hoạt động tố tụng toà án, sẽ ít tốn kém hơn và nhanh hơn phương thức vụ án hình sự hay khởi kiện dân sự.
5.2. Hai là, lệnh phạt tiền và bồi thường trong xét xử hình sự.
Trong các vụ án hình sự, toà án có thể ban hành lệnh yêu cầu bị đơn trả tiền phạt hoặc bồi thường cho nạn nhân hoặc cả hai. Những lệnh này có thể đi kèm theo lệnh tịch thu hoặc có thể thay cho lệnh tịch thu. Mặc dù các lệnh phạt tiền hay lệnh bồi thường có thể dễ đạt được hơn là thực hiện quy trình thủ tục riêng biệt nhằm tịch thu, việc thi hành những lệnh này có lẽ là sẽ khó khăn hơn. Việc đảm bảo thi hành những lệnh này có thể thông qua toà án dân sự với việc cưỡng chế thực hiện lệnh tịch thu đối với tài sản mà đã được tạm giữ trước đó. Ngoài ra, lượng tiền phạt có thể bị giới hạn.