1. Hợp đồng fidic là gì?

Hợp đồng FIDIC là hình thức tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến nhất của hợp đồng xây dựng quốc tế trên thế giới hiện nay. Hợp đồng FIDIC tiêu chuẩn thường được sử dụng trong cả các dự án xây dựng lớn và nhỏ, và chúng phù hợp cho các bên có quốc tịch khác nhau, nói các ngôn ngữ khác nhau và đến từ các khu vực pháp lý khác nhau.

– Phân Loại Hợp Đồng FIDIC

+ FIDIC nổi tiếng và được sử dụng trên toàn cầu bởi việc giới thiệu các mẫu hợp đồng chuẩn cho các Dự án xây dựng dân dụng. FIDIC cũng được nhiều ngân hàng phát triển trên thế giới tin cậy và sử dụng (“MDBs”).

+ Những quy định trong các hợp đồng này có mục đích làm rõ mối quan hệ giữa các bên trong hợp đồng và sự phân chia rủi ro giữa Nhà thầu và Chủ đầu tư. Các rủi ro được chia sẻ công bằng trong các hợp đồng của FIDIC cũng như các nguyên tắc mà các bên có thể áp dụng để kiểm soát các rủi ro đó.

+ Cần hết sức lưu ý rằng các mẫu hợp đồng của FIDIC chỉ là điểm khởi đầu cho quá trình chuẩn bị một hợp đồng xây dựng. Bởi lẽ ngoài FIDIC, hợp đồng xây dựng vẫn phải được hiệu chỉnh để phản ánh những đặc tính riêng biệt của mỗi Dự án và phù hợp với các yêu cầu của các bên

2. Nguyên tắc lựa chọn mẫu hợp đồng FIDIC

Các mẫu hợp đồng được FIDIC soạn thảo là đa dạng và phục vụ cho mục đích sử dụng khác nhau tại mỗi dự án cụ thể.

Các mẫu hợp đồng chính (phổ biến) có sự khác nhau bởi màu sắc trang bìa của nó. Việc lựa chọn mẫu hợp đồng nào là phù thuộc vào nhiều yếu tố của dự án đang được dự kiến triển khai như sự tham gia của đơn vị tài trợ, tính sẵn có của bản vẽ và các tiêu chuẩn kỹ thuật, sự tham gia của tư vấn quản lý dự án và năng lực của chủ đầu tư. Tuy nhiên, về tổng thể thì:

– Dự án có chi phí thấp hoặc nhanh chóng, tiếp cận dễ dàng: Sử dụng cuốn màu Xanh Lá

– Dự án cổ điển/truyền thống do Chủ đầu tư thiết kế: Sử dụng Cuốn Màu Đỏ

– Dự án cổ điển do Chủ đầu tư thiết kế nhưng được các Ngân Hàng Phát Triển Đa Phương tài trợ vốn: Sử dụng Cuốn Màu Hồng

– Dự án do Nhà thầu thiết kế: Sử dụng Cuốn Màu Vàng

– Dự án Chìa Khóa Trao Tay/EPC: Sử dụng Cuốn Màu Bạc

– Dự án thiết kế, thi công, vận hành: Sử dụng Cuốn Màu Vàng Kim Loại

Với 8 loại hợp đồng mẫu được biên soạn theo hướng phân chia rủi ro và cân bằng lợi ích hợp lý nhất giữa các bên tham gia hợp đồng, bộ mẫu Hợp đồng FIDIC 2017 được ban hành tháng 12 năm 2017 đang dần được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, trở thành chuẩn mực chung cho các quốc gia khi soạn thảo các văn bản pháp lý liên quan đến xây dựng. Mỗi một mẫu hợp đồng trong bộ Hợp đồng FIDIC 2017 đều được chia thành hai phần cơ bản: Genral Conditions – Điều kiện chung, và Special Conditions – Điều kiện cụ thể. Vấn đề được đặt ra chính là làm thế nào để hài hòa hóa những điều khoản của FIDIC 2017 khi thiết lập các văn bản pháp lý liên quan đến hợp đồng xây dựng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, để vừa phù hợp với xu hướng chung của thế giới, vừa đáp ứng được các điều kiện thực tiễn về văn hóa, xã hội, kinh tế và trình độ nhân lực trong nước. Trong số 21 điều khoản mẫu trong Hợp đồng FIDIC 2017, vấn đề về giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng cũng như quyền khiếu nại của các bên vẫn đang còn nảy sinh nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng vào thực tiễn và hài hòa hóa với pháp luật Việt Nam.

3. Giải quyết tranh chấp thông qua Ban phân xử và giảm thiểu tranh chấp –  DAAB

Ban phân xử và giảm thiểu tranh chấp (“DAAB”) là khái niệm mới, được thay đổi từ Ban phân xử tranh chấp (“DBA”) trong FIDIC 1999. Tuy nhiên, theo FIDIC 2017, không có định nghĩa cụ thể nào về DAAB. Định nghĩa về Ban xử lý tranh chấp (“DB”) được ICC tổng hợp và định nghĩa khái quát, nhằm mục đích đưa ra hướng tiếp cận rõ ràng hơn về cơ quan này. Theo ICC, DB là một cơ quan thường trực bao gồm một hoặc ba thành viên. Ban tranh chấp thường được thành lập sau khi các bên ký kết hoặc bắt đầu thực hiện hợp đồng trung hoặc dài hạn, giúp các bên có thể ngăn ngừa hoặc giải quyết những mâu thuẫn hoặc tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Mặc dù thường được áp dụng trong các dự án xây dựng, Ban tranh chấp cũng đem lại hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp trong các lĩnh vực khác. Những lĩnh vực đó bao gồm nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ, hợp đồng phân chia sản phẩm và hợp đồng của các cổ đông. Trong Hợp đồng mẫu FIDIC 2017, việc xử lý, giải quyết tranh chấp bằng Ban xử lý tranh chấp được quy định tại Điều 21 – Tranh chấp và trọng tài.

Theo Sách đỏ FIDIC 2017, khái niệm Ban phân xử tranh chấp trong FIDIC 1999 đã đổi thành Ban phân xử và hạn chế tranh chấp. Điều này đã nói lên phần nào tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh” của FIDIC 2017 so với các ấn phẩm trước đó. Theo đó, thành viên của Ban phân xử và hạn chế tranh chấp sẽ cố định và được chỉ định bởi các bên từ khi bắt đầu ký kết hợp đồng và phụ trách trong suốt thời hạn của dự án. FIDIC 2017 cũng quy định chi tiết về việc thành viên DAAB từ chức, chấm dứt và bổ nhiệm mới. Việc thực hiện các cuộc họp với các bên được thực hiện theo lịch trình đã ấn định, thay vì trên cơ sở vụ việc như các ấn phẩm trước.

Cơ chế giải quyết tranh chấp tại DAAB được quy định như sau:

  • DAAB được thành lập và bổ nhiệm thành viên trong vòng 28 ngày sau khi Nhà thầu nhận được Thư giao thầu, hoạt động theo hình thức thường trực. Thành viên DAAB phải là chuyên gia, hoặc thành viên của Hiệp hội FIDIC, hoặc Trọng tài viên, có kiến ​​thức pháp lý, với ít nhất 10 năm kinh nghiệm, có đủ trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo đưa ra quyết định minh bạch, trung lập, khách quan và công bằng.
  • DAAB có chức năng giải quyết tất cả các tranh chấp và mâu thuẫn liên quan đến hợp đồng, quá trình thực hiện hợp đồng, kết quả thực hiện hợp đồng theo sự khiếu nại của Nhà thầu và Chủ đầu tư. Theo Sách vàng Bộ mẫu Hợp đồng FIDIC, tất cả các quyết định của DAAB đều được xem là có giá trị bắt buộc tạm thời như một điều kiện tiền lệ để phân xử tranh chấp của các bên.
  • Theo quy định tại Điều 21.3 của Sách đỏ Bộ mẫu Hợp đồng FIDIC, khi được yêu cầu bởi các bên, DAAB có thể đưa ra các thảo luận không chính thức nào đối với các mâu thuẫn và tranh chấp phát sinh giữa hai bên. Trong trường hợp này, các bên tham gia hợp đồng và DAAB không phải chịu sự ràng buộc bởi bất kỳ quan điểm nào. Như vậy, DAAB vẫn đóng vai trò như nhà cố vấn liên quan đến các tranh chấp giữa các bên, bên cạnh vai trò phân xử tranh chấp.
  • Về thời hạn thực hiện quy trình phân xử tranh chấp bằng DAAB, một bên phải đưa yêu cầu tranh chấp ra DAAB để DAAB ra quyết định trong vòng 42 ngày sau khi gửi hoặc nhận Thông báo Không thỏa mãn (“NOD”) với Quyết định của Nhà tư vấn. Sau đó, DAAB phải đưa ra quyết định của mình trong vòng 84 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu. Trường hợp một bên không thỏa mãn với quyết định của DAAB phải đưa ra một NOD đối với quyết định của DAAB cho bên kia trong vòng 28 ngày. Nếu các bên không đưa ra NOD về quyết định của DAAB, quyết định sẽ trở thành cuối cùng và ràng buộc cả hai Bên.

Ngoài ra, theo Sách đỏ FIDIC 2017, DAAB còn được quy định riêng tại Phụ lục của Bộ mẫu Hợp đồng như các định nghĩa, quy định về tính độc lập và tính không thiên vị, các nghĩa vụ chung… Điều này phần nào chứng tỏ sự chú trọng và ưu tiên của FIDIC 2017 đối với phương pháp giải quyết tranh chấp thông qua DAAB.

4. Giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục hòa giải tranh chấp

Điều khoản về hòa giải tranh chấp được quy định tại Điều 21.5 của Sách đỏ Bộ mẫu hợp đồng FIDIC 2017. Theo đó, khi một trong các bên hoặc các bên gửi NOD đối với quyết định của DAAB thì hai bên phải nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải trước khi bắt đầu đưa vụ việc ra phân xử trọng tài. Tuy nhiên, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác, thỏa thuận trọng tài vẫn có thể được thực hiện vào hoặc sau ngày ngày thứ 28 sau khi đưa ra NOD, không xét đến việc các bên có hỏa giải tranh chấp hay chưa.

Như vậy, có thể thấy rằng, tinh thần của FIDIC 2017 vẫn khuyến khích các bên thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp và ưu tiên hòa giải trước khi đưa vụ việc tranh chấp ra trọng tài. Thời hạn tối đa cho việc hỏa giài tranh chấp theo FIDIC 2017 là 28 ngày. Bên cạnh đó, hòa giải viên có nghĩa vụ giám sát sự thỏa thuận và đàm phán giữa các bên, giúp các bên giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn và đi đến sự đồng thuận. Ngoài ra, Hoà giải viên cũng có thể góp ý vào quá trình hỏa giải, chuẩn bị các văn bản cần thiết ghi nhận quá trình và kết quả hòa giải.

5. Giải quyết tranh chấp thông qua giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Phương thức giải quyết tranh chấp bằng được quy định cụ thể tại Điều khoản 21.6 của Sách đỏ Bộ mẫu hợp đồng FIDIC 2017. Theo đó, điều khoản này quy định, trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp khi tranh chấp không thể giải quyết bằng con đường hòa giải. Trọng tài sẽ giải quyết các khiếu nại của các bên đối với quyết định của Nhà tư vấn, các quyết định của DAAB. Bên cạnh đó, bất kỳ khiếu nại, tranh chấp liên quan đến quyết định của DAAB chưa trở thành quyết định cuối cùng và có giá trị ràng buộc cuối cùng sẽ được giải quyết bằng trọng tài quốc tế. Như vậy, có thể thấy phạm vi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài khá rộng, nhưng điều kiện để đưa tranh chấp ra phân xử trọng tài thì lại hạn chế hơn so với phiên bản FIDIC 1999. Cụ thể, cơ sở để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chính là những tranh chấp không thể hỏa giải hoặc quá thời hạn hòa giải, hoặc những tranh chấp đã thông qua quy trình khiếu nại và giải quyết bởi DAAB nhưng chưa trở thành quyết định có giá trị ràng buộc cuối cùng.

Bên cạnh đó, cũng theo Điều 21.6 của Sách đỏ Bộ mẫu hợp đồng FIDIC 2017, tranh chấp sẽ được giải quyết theo Quy tắc Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (“ICC”). Như vậy, khi giải quyết tranh chấp bằng thỏa thuận trọng tài, các bên sẽ phải tuân theo các quy tắc của ICC, và phán quyết của trọng tài theo quy tắc của ICC sẽ là phán quyết cuối cùng có giá trị ràng buộc đối với các bên. Bên cạnh đó, bất kỳ tranh chấp hay sự phản đối nào đối với thành viên của DAAB cũng sẽ được quyết định bởi ICC. Để thực hiện thỏa thuận giữa ICC và FIDIC, Ban điều hành ICC đã thông qua ba Phụ lục mới đối với Quy tắc của Ban Tranh chấp ICC, thay thế Phụ lục hiện có.