Trong giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình được hiểu

là người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý đối với tài sản

nhưng không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.

Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Theo đó, nếu giao dịch dân sự đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình trong các trường hợp sau đây:
Một là, nếu đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Tức là không có giấy tờ chứng minh ai là chủ sở hữu tài sản thì việc chiếm hữu tài sản nghĩa là người đó có quyền sở hữu đối với tài sản đó. Vì vậy, giao dịch với người thứ ba đối với tài sản này vẫn có hiệu lực. Ví dụ như các tài sản không phải đăng ký như: Gia súc, gia cầm, vàng, tiền và một số vật dụng của cá nhân…
Hai là, đối với tài sản là bất động sản hoặc động sản có đăng ký quyền sở hữu thì về nguyên tắc, người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản mới có quyền thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản đó. Vì vậy, chỉ được coi là ngay tình khi người thứ ba nhận được tài sản này thông qua trình tự bán đấu giá tài sản…. Bởi vì, theo pháp luật về bán đấu giá tài sản, thì văn bản mua được tài sản bán đấu giá là cơ sở để người mua được tài sản đấu giá xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình. Mặc khác việc bảo vệ quyền của bên có quyền đối với tài sản là đối tượng của giao dịch bị vô hiệu được quy định tại khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015 đó là : “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu… nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi, dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”. Như vậy, trong khi một tài sản được đăng ký mà Điều 133 hướng đến chủ yếu là quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, có thể hiểu tinh thần chung của điều luật này là chủ sở hữu hay chủ thể có quyền khác (quyền sử dụng) đối với tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự ban đầu bị tuyên vô hiệu chỉ có thể yêu cầu hay khởi kiện bên kia của hợp đồng là bên đã xác lập giao dịch với người thứ ba để yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoàn trả các chi phí hợp lý khác đã bỏ ra trong việc thực hiện các quyền của mình.

Với những điểm mới nêu trên của Bộ luật Dân sự 2015, quyền lợi của người thứ ba ngay tình đã được bảo vệ tốt hơn, qua đó, tạo được sự tin tưởng cho các chủ thể, bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự. Bên cạnh đó, quy định mới về bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình trong Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã khắc phục được mâu thuẫn giữa quy định về thời điểm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với thủ tục đăng ký tài sản, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục về đăng ký tài sản vì theo quy định mới các cơ quan này hoàn toàn có thể bị kiện ra tòa và phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước, nếu có lỗi trong việc đăng ký tài sản trái pháp luật.

Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 đã có những bổ sung, sửa đổi theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình, tuy nhiên, quy định về bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong Bộ luật Dân sự năm 2015 còn khá sơ lược và thiếu rõ ràng gây ra sự khó khăn trong việc hiểu và vận dụng quy định. Cụ thể, khoản 2 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”. Khó khăn liên quan đến việc áp dụng quy định nêu trên trước hết chính là phải hiểu thuật ngữ “chuyển giao” như thế nào cho đúng? Liệu việc đưa tài sản vào trong giao dịch thế chấp hay cầm cố có được xem như là việc chuyển giao tài sản hay không? Hiện nay, vẫn có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này, trong đó có quan điểm cho rằng việc cầm cố hay thế chấp tài sản không phải là “chuyển giao” tài sản. Hệ quả của quan điểm này là không thể áp dụng những quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015 về người thứ ba ngay tình để bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ như các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi họ bất đắc dĩ trở thành người nhận bảo đảm ngay tình.
Như vậy, so với BLDS cũ thì Điều 133 BLDS năm 2015 có mở rộng hơn phạm vi bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình nhưng chưa thực sự tạo hành lang pháp lý vững chắc và hiệu quả.

Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng và động sản khác mà không phải đăng ký quyền sở hữu và quyền sử dụng là tài sản chung vợ chồng

Giao dịch dân sự chính là công cụ hữu hiệu để các chủ thể tìm kiếm và trao đổi lợi ích với nhau. Nhưng thực tế cho thấy, đôi khi chủ thể đã xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự nhưng lại không đạt được lợi ích mà mình mong muốn mặc dù họ hoàn toàn thiện chí và ngay thẳng khi tham gia vào giao dịch đó. Và pháp luật xem những chủ thể này là người thứ ba ngay tình.

Theo Điều 180 BLDS 2015, chiếm hữu ngay tình là “việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Như vậy hiểu một cách chung nhất, người thứ ba ngay tình là người chiếm hữu tài sản nhưng không biết hoặc không thể biết rằng việc chiếm hữu tài sản của mình là không có căn cứ pháp luật. Họ không biết rằng họ đang thực hiện giao dịch với một người không có quyền định đoạt đối với tài sản đang được giao dịch.

Theo quy định tại Điều 32 Luật HNGĐ 2014, nếu vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, chiếm hữu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Cũng theo quy định tại Điều 35 Luật HNGĐ, việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng có trường hợp là: “Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”. Vậy, giả sử, gia đình đó có một khoản tiền lớn gửi trong ngân hàng, đứng tên một bên vợ hoặc chồng, lãi từ tiền gửi hiện đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình. Người đứng tên trên tài khoản tự mình xác lập giao dịch được coi là trường hợp giao dịch với người thứ ba ngay tình (hợp đồng mua bán vẫn có hiệu lực) hay trường hợp phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng (khi đó, hợp đồng mua bán sẽ bị vô hiệu).

Hay như trong trường hợp động sản có đăng ký quyền sở hữu khi định đoạt phải có sự đồng ý bằng văn bản của vợ, chồng. Nhưng, một gia đình có nhiều vàng, đá quý có giá trị lớn, phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Một bên đưa ra giao dịch với bên thứ ba, thì căn cứ theo quy định của Điều 32 nêu trên, giao dịch đó có hiệu lực. Vậy, vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích của bên kia sẽ như thế nào? Điều này pháp luật cũng chưa thể dự liệu được.

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 hay là Luật Đất đai năm 2013 thì trong phần ghi tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác đều quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng” (Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013), “trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì ghi tên của cả vợ và chồng” (Luật Nhà ở năm 2014). Vậy là xét ở góc độ bình đẳng giới, thì pháp luật đã bảo vệ tối đa quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực đăng ký quyền sở hữu tài sản đối với nhà ở và quyền sử dụng đất, bảo vệ quyền đối với tài sản của phụ nữ và nam giới trong gia đình và nhằm hạn chế những tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong quá trình chung sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Các phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ nên pháp luật đòi hỏi phải đăng kí quyền sở hữu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đồng thời xác định trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu đối với các phương tiện cơ giới. Là tài sản chung của vợ chồng, các phương tiện giao thông khi đăng ký quyền sở hữu, pháp luật quy định phải ghi tên cả hai vợ chồng. Mặc dù thực tế không phức tạp như giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác song hiện tại còn rất nhiều tài sản chung của vợ chồng là phương tiện giao thông nhưng khi đăng ký sở hữu chung của vợ chồng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng mà chủ yếu là ghi tên của người chồng. Điều này phản ánh một thực tế, mặc dù Luật HNGĐ 2014 và các văn bản luật có liên quan đã quy định rất rõ là đối với tài sản chung của vợ chồng cần phải đăng kí quyền sở hữu phải ghi tên hai vợ chồng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau việc đăng kí này đối với phương tiện giao thông cũng chưa được triệt để áp dụng. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của vợ chồng cũng như quyền lợi của bên thứ ba khi thiết lập giao dịch dân sự với vợ chồng nhất là đối với những phương tiện giao thông có giá trị rất lớn như ô tô, tàu thủy, máy bay…và khi có tranh chấp xảy ra, bên không có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu sẽ không có căn cứ hoặc khó chứng minh tài sản đó là của mình.

Ngoài ra, đối với một số tài sản khác như quyền sở hữu trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, thẻ tiết kiệm, theo quy định của pháp luật cũng đòi hỏi phải ghi tên vợ chồng, nhưng trong trong nhiều trường hợp chỉ đứng tên có một bên.

Nhìn chung quy định trong BLDS 2015 quy định rõ ràng hơn và đã cố gắng bảo vệ người thứ ba ngay tình nhiều hơn so với BLDS năm 2005. Tuy nhiên, để các quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong BLDS mới được hoàn thiện hơn nhằm góp phần bảo đảm sự ổn định của các giao dịch dân sự thì tác giả xin đưa ra một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, nên đưa ra một định nghĩa chung thống nhất về người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự.

BLDS cũ cũng như BLDS 2015 chỉ đưa ra các khái niệm “Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình” và “Chiếm hữu ngay tình”. Như vậy, người thứ ba ngay tình ở đây, ngoài người nhận chuyển giao tài sản ngay tình, có thể là người nhận tài sản đảm bảo ngay tình hay không?

Thứ hai, về việc bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự với người này vô hiệu

“Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại” (Khoản 3 Điều 133).

Như vậy, quy định của Điều 133 BLDS 2015 chỉ hạn chế đối với “chủ sở hữu” của các tài sản có đăng ký quyền sở hữu Còn đối với các chủ thể có quyền sử dụng tài sản, chẳng hạn như quyền sử dụng đất thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều này trong khi đây là một tài sản quan trọng mà Điều 133 hướng tới.