1. Quyền dân sự, chính trị trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị là gì?
Trước hết, quyền dân sự, chính trị, theo “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, năm 1948” của Liên hợp quốc, được xem là những giá trị của tất cả mọi người mà các nhà nước phải tôn trọng, bảo vệ. Theo đó, Quyền dân sự là những quyền gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác, như: Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân; Quyền không bị bắt làm nô lệ; Quyền không bị tra tấn, quyền được đối xử nhân đạo; Quyền tự do đi lại và cư trú; Quyền có quốc tịch; Quyền kết hôn và xây dựng gia đình; Quyền sở hữu tài sản riêng… Quyền chính trị là những quyền liên quan đến những giá trị mà mỗi người được hưởng, như: Quyền tự do cơ bản của cá nhân; Quyền bình đẳng về phẩm giá; Quyền tham gia vào quản lý đất nước; Quyền tự do tư tưởng; Quyền tự do ngôn luận; Quyền lập hội và hội họp hòa bình… Những quyền này đã được đưa vào Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966.
2. Quá trình soạn thảo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights) (viết tắt là Công ước hoặc ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua cùng với Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Convenant on Economic, Social and Cultural Rights – ICESCR) theo Nghị quyết số 2200 A (XXI) ngày 16/2/1966. Ngoài ra, một Nghị định thư tùy chọn đi kèm với ICCPR cũng được thông qua trong Nghị quyết số 2200 A (XXI) nhằm quy định các thủ tục giải quyết các khiếu nại của các cá nhân về việc vi phạm các quyền dân sự, chính trị của các quốc gia. ICCPR có hiệu lực từ ngày 23/3/1976. Tầm quan trọng và ý nghĩa của ICCPR được thể hiện ở chỗ có 168 nước đã phê chuẩn Công ước này (tính đến tháng 7/2015).
ICCPR được coi là một phần của Bộ luật quốc tế về quyền con người, cùng với ICESCR và Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights – UDHR), được đặt dưới sự giám sát riêng của Ủy ban nhân quyền, độc lập với Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc. Cơ quan này có trách nhiệm giám sát việc thực hiện và thẩm định các báo cáo nhân quyền của các nước. Mới đầu, các bên tham gia phải báo cáo định kỳ mỗi năm một lần, nhưng sau đó là bất kỳ khi nào Ủy ban giám sát yêu cầu (thông thường là bốn năm một lần). Đến năm 1976, một Nghị định thư tùy chọn thứ hai bổ sung ICCPR được thông qua theo Nghị quyết số 44/128 ngày 15/12/1989 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó đề cập đến việc xóa bỏ hình phạt tử hình.
3. Việt Nam và sự tham gia ICCPR
Việt Nam đã gia nhập ICCPR và ICESCR ngày 24/9/1982. Khi gia nhập ICCPR và ICESCR, Việt Nam đưa ra tuyên bố: “Các quy định của khoản 1 Điều 48 của ICCPR và khoản 1 Điều 26 của ICCPR, theo đó một số quốc gia bị tước cơ hội trở thành thành viên của công ước này, là có tính chất phân biệt đối xử. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho rằng, các Công ước, phù hợp với nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, nên mở ra cho mọi quốc gia tham gia mà không có bất kỳ sự phân biệt hoặc giới hạn nào” .
Từ khi tham gia ICCPR, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong ICCPR được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn. Với tầm quan trọng cũng như mức độ phổ quát của ICCPR, trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước này. Theo Điều 40 của ICCPR, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ nộp báo cáo về các biện pháp mình thông qua để thực hiện các quyền trong Công ước và những tiến bộ đã đạt được trong việc thực hiện các quyền đó. Đến nay, Việt Nam đã nộp 02 báo cáo quốc gia về việc triển khai thực hiện Công ước. Báo cáo quốc gia thứ nhất được nộp vào năm 1989 và được Ủy ban Công ước xem xét vào ngày 12/7/1990. Báo cáo quốc gia thứ hai được nộp vào năm 2001 và được Ủy ban Công ước xem xét vào ngày 12/7/2002. Ủy ban Công ước đã hoan nghênh Việt Nam về báo cáo thứ hai với những thông tin chi tiết về pháp luật quốc gia và đã gửi một đoàn đại biểu đông đảo từ nhiều cơ quan khác nhau đến báo cáo.
Kể từ khi Việt Nam gia nhập ICCPR, Bộ Ngoại giao là cơ quan được giao làm đầu mối thực hiện Công ước này. Hai báo cáo quốc gia trước đây của Việt Nam do Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng. Tuy nhiên, đến năm 2013, nhiệm vụ làm đầu mối triển khai thực hiện Công ước được chuyển giao từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Tư pháp. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện ICCPR một cách bài bản, toàn diện. Hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước.
4. Khái quát nội dung của Công ước
ICCPR điều chỉnh những quyền cơ bản của con người thuộc phạm trù các quyền dân sự, chính trị. Các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật… ICCPR gồm 6 phần, 53 điều với những nội dung cơ bản sau đây:
– Lời nói đầu gồm 5 đoạn.
– Phần I gồm Điều 1 về quyền tự quyết.
– Phần II, từ Điều 2 đến Điều 5, quy định về nguyên tắc bình đẳng, tạm đình chỉ các quyền trong tình trạng khẩn cấp và không được lạm dụng các quy định của Công ước.
– Phần III, từ Điều 6 đến Điều 27, quy định về các nội dung của các quyền dân sự (quyền sống, quyền không bị tra tấn, quyền không bị bắt làm nô lệ… ); các quyền chính trị (quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tham gia đời sống chính trị) và một số quyền của trẻ em, quyền của người thiểu số. Đây là phần chứa đựng những nội dung quan trọng nhất, trong đó bao gồm các quy định về nội hàm của các quyền dân sự và chính trị.
– Phần IV, từ Điều 28 đến Điều 45, quy định về thành lập, cơ cấu, tổ chức và hoạt động của HRC – cơ quan có nhiệm vụ giám sát việc thi hành Công ước.
– Phần V, gồm Điều 46 và Điều 47, quy định về việc giải thích Công ước không được làm phương hại đến các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và quyền của các dân tộc trong việc quyết định về tài nguyên của mình.
– Phần VI, từ Điều 48 đến Điều 53, quy định về việc ký kết, gia nhập, phê chuẩn, sửa đổi và hiệu lực của Công ước.
5. Các quyền đặc biệt được Công ước công nhận
Có ba quyền có vị trí đặc biệt trong ICCPR, đó là:
5.1. Quyền tự quyết
Quyền tự quyết được quy định tại Điều 1 Phần I của Công ước. Đây là một quyền tập thể thuộc về các dân tộc, có ý nghĩa đối với việc bảo đảm tất cả các quyền con người khác. Theo đó, Công ước công nhận quyền tự quyết của mọi dân tộc, bao gồm quyền được “tự do định đoạt thể chế chính trị và theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá” trong điều kiện thực tế của mình. Công nhận rằng quyền sinh kế của một dân tộc không bao giờ bị tước bỏ. Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghĩa vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Các quốc gia thành viên ký kết Công ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc.
5.2. Quyền không phân biệt đối xử
Quyền này được quy định tại Điều 2(1), Điều 3 và Điều 26 của Công ước. Đây là một nguyên tắc bao trùm, đòi hỏi bảo đảm khi thực hiện các quyền con người. Theo đó, Công ước yêu cầu các bên tham gia ký kết thực hiện các bước cần thiết để hiện thực hóa các quyền được công nhận trong Công ước, đồng thời trừng phạt và sửa chữa bất kỳ vi phạm nào trong quá khứ và hiện tại. Các bên tham gia phải cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được thừa nhận trong Công ước cho “tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác”, đồng thời ghi nhận nam, nữ được hưởng các quyền về dân sự và chính trị nêu trong Công ước một cách bình đẳng. Những quyền này “chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp khẩn cấp đe dọa đến sự tồn vong của một quốc gia”, và ngay cả trong trường hợp đó cũng không tha thứ bất kỳ hành vi nào xâm phạm các quyền được sống, quyền không bị tra tấn và bị bắt làm nô lệ, quyền miễn trừ hồi tố, quyền được giữ nguyên chính kiến, quyền tự do tư tưởng – lương tâm và tôn giáo.
Theo Bình luận chung số 18, Ủy ban Nhân quyền giải thích thêm rằng không phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất cứ sự phân biệt nào là quy định tạo nên cơ sở và nguyên tắc chung trong việc bảo vệ quyền con người. Khoản 1 Điều 2 của Công ước yêu cầu các quốc gia phải tôn trọng và bảo đảm cho tất cả mọi người trong lãnh thổ và phạm vi tài phán của mình các quyền đã công nhận trong Công ước mà không có bất cứ sự phân biệt nào như về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch hay thành phần xã hội, tài sản, nguồn gốc hay các yếu tố khác. Điều 26 không chỉ cho phép tất cả mọi người được bình đẳng trước pháp luật cũng như được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà còn nghiêm cấm bất cứ sự phân biệt đối xử nào theo luật và bảo đảm cho tất cả mọi người được bảo vệ một cách hiệu quả chống lại mọi sự phân biệt dựa trên bất cứ hình thức nào.
Uỷ ban Nhân quyền cho rằng thuật ngữ “sự phân biệt”, như đã sử dụng trong Công ước, được hiểu là bao hàm bất cứ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hay thiên vị nào trên bất cứ lĩnh vực nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch hay thành phần xã hội, tài sản, nguồn gốc hay các vị thế khác mà có mục đích hoặc ảnh hưởng vô hiệu hóa hoặc làm suy giảm sự thừa nhận, sự hưởng thụ hay áp dụng các quyền và tự do cho tất cả mọi người trên cơ sở bình đẳng.
5.3. Quyền của người thiểu số
Điều 27 Công ước quy định về quyền của người thiểu số thuộc các nhóm thiểu số về sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo. Quy định nêu rõ: “Ở những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền có đời sống văn hoá riêng, hoặc quyền sử dụng tiếng nói riêng”.
Theo Bình luận chung số 23, Ủy ban Nhân quyền giải thích rằng Điều 27 công nhận quyền của các nhóm thiểu số mà đang “hiện diện” ở một quốc gia. Xét bản chất và phạm vi các quyền trong điều này thì thuật ngữ “hiện diện” là không phù hợp đối với các cá nhân thuộc các nhóm thiểu số. Những quyền này hiểu một cách đơn giản là việc các cá nhân thuộc các nhóm thiểu số không bị loại trừ quyền hưởng thụ, một mình hoặc cùng với các thành viên khác của cộng đồng họ, nền văn hóa của riêng họ, thực hành tôn giáo và nói ngôn ngữ của cộng đồng họ. Không thể phủ định quyền trong cộng đồng với các thành viên của nhóm, họ được hưởng nền văn hóa riêng, sinh hoạt tôn giáo và nói ngôn ngữ của mình. Không nhất thiết họ phải là công dân của quốc gia đó và họ cũng không cần phải đăng ký thường trú. Vì vậy, những người lao động nhập cư vào làm việc hay thậm chí những khách du lịch tạo nên nhóm người thiểu số trong một quốc gia cũng được hưởng các quyền theo Điều 27. Ngoài ra, như bất cứ cá nhân nào khác trong lãnh thổ của một quốc gia, những thành viên của các nhóm thiểu số cũng được hưởng các quyền áp dụng chung cho mọi người, ví dụ như quyền tự do lập hội, tự do hội họp và tự do ngôn luận. Sự tồn tại của một nhóm thiểu số về dân tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ trong một quốc gia thành viên nào đó không phụ thuộc vào một quyết định của quốc gia đó mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan.