1. Văn bản pháp luật là gì?

Văn bản pháp luật hay văn bản quy phạm pháp luật là một loại giấy tờ tồn tai dưới hình thức văn bản với một số đặc điểm cơ bản sau đây:

+ Về nội dung: là các quy tắc xử sự chung, mang tính chất bắt buộc chung phải thực hiện.

+ Về đối tượng áp dụng: Tùy thuộc vào phạm vi điều chỉnh của mỗi văn bản pháp luật mà có đối tượng điều chỉnh là các cá nhân, tổ chức, cơ quan khác nhau có trách nhiệm cũng như nghĩa vụ bị ảnh hưởng trực tiếp từ khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và bắt đầu có hiệu lực.

+ Về phạm vi điều chỉnh: Có thể là trên cả nước, toàn lãnh thổ Việt Nam hoặc cũng có thể chỉ có hiệu lực điều chỉnh trong phạm vi một hay một số đơn vị hành chính nhất định nào đó.

+ Về thẩm quyền ban hành: là các cơ quan nhà nước nói chung và một số người cụ thể có quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói riêng.

+ Những văn bản quy phạm pháp luật này thì sẽ được đảm bảo thực hiện dựa trên chính quyền lực và sức mạnh của Nhà nước.

2. Phạm vi các loại văn bản được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn

Theo quy định tại Điều 147 của Luật BHVBQPPL năm 2015, trình tự, thủ tục rút gọn được áp dụng đối với 08 loại văn bản sau đây: (1) Luật; (2) Nghị quyết của Quốc hội; (3) Pháp lệnh; (4) Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (5) Lệnh của Chủ tịch nước; (6) Quyết định của Chủ tịch nước; (7) Nghị định; (8) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; (9) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (10) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. So với Luật BHVBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (năm 2004), Luật BHVBQPPL năm 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, Luật BHVBQPPL năm 2015 cũng thu hẹp phạm vi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với quyết định của Ủy ban nhân dân theo hướng chỉ áp dụng đối với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà không áp dụng đối với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Lý do là vì theo quy định của Luật BHVBQPPL năm 2015, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã chỉ ban hành quyết định để quy định chi tiết những vấn đề được luật giao nên việc ban hành VBQPPL của hai chủ thể này sẽ bị hạn chế rất lớn về phạm vi so với Luật năm 2004.

3. Thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn

Về nguyên tắc, chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL thì sẽ có thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Điều 147 của Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định linh hoạt hơn về thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành 08 loại VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, theo đó bao gồm 05 chủ thể có thẩm quyền sau đây: (1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (2) Quốc hội; (3) Chủ tịch nước; (4) Thủ tướng Chính phủ; (5) Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (6) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Với nguyên tắc, chủ thể nào có thẩm quyền ban hành VBQPPL thì sẽ có thẩm quyền quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thì: (1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; (2) Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội; (3) Chủ tịch nước quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; (4) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với 03 loại văn bản còn lại là nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định linh hoạt hơn, theo đó cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ (mà không cần thiết phải Chính phủ quyết định); Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (mà không cần thiết phải Hội đồng nhân dân quyết định); Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (mà không cần thiết phải Ủy ban nhân dân quyết định).

4. Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn

Nếu như việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục thông thường phải trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau với các yêu cầu chặt chẽ về các bước phải thực hiện, thời hạn, các loại tài liệu, hồ sơ trình… thì việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn được đơn giản hơn một số bước, thời hạn và tài liệu, hồ sơ trình, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đơn giản hóa một số bước trong quy trình.

– Ở bước soạn thảo, Luật quy định linh hoạt theo hướng giao cơ quan chủ trì tổ chức việc soạn thảo mà không quy định bắt buộc phải thành lập Ban soạn thảo (đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ).

– Việc lấy ý kiến không phải là thủ tục bắt buộc trong quy trình soạn thảo VBQPPL theo trình tự rút gọn. Theo đó, khoản 2 Điều 147 của Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định: “Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản”. Trong khi đó, việc lấy ý kiến là thủ tục bắt buộc trong quy trình soạn thảo VBQPPL theo trình tự thông thường.

– Trình tự xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản theo thủ tục rút gọn được quy định tại khoản 3 Điều 147. Theo đó, trình tự xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản soạn thảo theo thủ tục rút gọn được thực hiện tương tự như văn bản soạn thảo theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, để bảo đảm văn bản sẽ được ban hành sớm nhất có thể, Luật quy định Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua các dự án, dự thảo văn bản tại Kỳ họp, Phiên họp gần nhất; Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, ký ban hành lệnh, quyết định ngay sau khi nhận được dự thảo lệnh, quyết định.

Thứ hai, đơn giản hóa thời hạn thực hiện một số bước.

– Trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản thì thời hạn lấy ý kiến trong quá trình soạn thảo VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn là không quá 20 ngày. Trong khi đó, thời hạn này theo trình tự, thủ tục thông thường là 60 ngày đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo để lấy ý kiến; cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến bằng văn bản có trách nhiệm góp ý là 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý (đối với dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ – Điều 57, Điều 91, Điều 97). Đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thời hạn theo trình tự, thủ tục thông thường là 30 ngày đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến bằng văn bản có trách nhiệm góp ý trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý (Điều 120, Điều 129).

– Thời hạn thẩm định, thẩm tra theo trình tự, thủ tục rút gọn là 07 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản. Trong khi đó, theo trình tự, thủ tục thông thường thì thời hạn thẩm định là 20 ngày (đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Điều 58), 15 ngày đối với dự thảo nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Điều 92, Điều 98), 10 ngày đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 121, Điều 130).

Thứ ba, đơn giản hóa hồ sơ, tài liệu trình. Theo đó, hồ sơ dự án, dự thảo văn bản gửi thẩm định gồm 02 loại tài liệu là tờ trình và dự thảo (thay vì 06 loại tài liệu([1])hoặc 04 loại tài liệu([2]) như trình tự, thủ tục thông thường); hồ sơ gửi thẩm tra gồm 04 loại tài liệu là tờ trình, dự thảo, báo cáo thẩm định và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định(thay vì 10 loại tài liệu([3]) hoặc 08 loại tài liệu[4] như trình tự, thủ tục thông thường).

5. Các trường hợp được ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn từ 01/01/2021

Quy định mới tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 đã bổ sung thêm nhiều trường hợp được ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn.

   Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 18/6/2020.

   Theo đó, quy định các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo trình tự, thủ tục rút gọn như sau:

   – Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp;

   – Trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ;

  – Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn;

   – Trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

   (Hiện hành quy định: trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định).

   – Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với VBQPPL mới được ban hành;

   – Trường hợp cần ban hành ngay VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

   – Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.

   – Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

   Như vậy, so với quy định hiện hành (tại Điều 146 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 đã bổ sung thêm 03 trường hợp được xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn là: trường hợp cần ban hành ngay VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội; Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.