1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự.
Quyền dân sự mà chủ thể được hưởng, nghĩa vụ dân sự mà chủ thể được miễn thực hiện là những lợi ích mà chủ thể được hưởng từ việc áp dụng thời hiệu. Nói cách khác thì đó là hậu quả pháp lý của thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ nên chỉ khi nào thời hiệu đó kết thúc mới phát sinh hậu quả pháp lý và việc hưởng các quyền đó mới có hiệu lực.
Điều 152 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
Điều 152. Hiệu lực của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự
Trường hợp pháp luật quy định cho các chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo thời hiệu thì chỉ sau khi thời hiệu đó kết thúc, việc hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự mới có hiệu lực.
Điều 153 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt.
Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây:
a) Có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu;
b) Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Thời hiệu cũng được tính liên tục trong trường hợp việc hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác.
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu từ thời điểm nào?
Theo Điều 154 Bộ luật dân sự 2015, ta có:
Điều 154. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, Nếu không rơi vào trường hợp pháp luật có quy định khác (Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo Điều 157 Bộ luật dân sự năm 2015) thì thời điểm bắt đầu để tính thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Nếu không rơi vào trường hợp pháp luật có quy định khác thì thời điểm bắt đầu để tính thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là ngày phát sinh quyền yêu cầu. Ví dụ: Bộ luật dân sự có quy định
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập là 02 kể từ ngày người đại diện cho những người đó biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch.
3. Trường hợp nào không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện được hiểu là những trường hợp mà trong đó quyền khởi kiện không phụ thuộc vào thời gian.
Tại Điều 155 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu:
Điều 155. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
4. Trường hợp khác do luật quy định.
– Thứ nhất, yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không thể chuyển giao cho người khác. Khi bị xâm phạm thì cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ bất kì lúc nào.
Quyền nhân thân bao gồm: quyền có họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín; quyền đối với bí mật đời tư, quyền kết hôn, quyền ly hôn; quyền có quốc tịch; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyển tự do sáng tạo, quyền của tác giả đối với tác phẩm; quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.
– Thứ hai, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu: Quyền sở hữu là quyền đối với tài sản và luôn tồn tại khi tài sản còn. Vì thế, không áp dụng thời hiệu đối với việc khởi kiện yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu. Tuy nhiên, nhằm ổn định các quan hệ dân sự và bảo đảm quyền, lợi ích cho người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai, pháp luật dân sự đã quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu. Theo đó, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu sẽ bị hạn chế nếu quyền sở hữu đã được xác lập theo thời hiệu. Điều này có nghĩa rằng trong trường hợp một người đã chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai đối với tài sản thì chủ sở hữu của tài sản chỉ có thể khởi kiện yêu cầu bảo về quyền sở hữu của mình nếu việc chiếm hữu của người kia chưa đủ 10 năm đối với động sản, chưa đủ 30 năm đối với bất động sản. Cụ thể theo Điều 236 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
– Thứ ba, tranh chấp về quyền sử dụng đất. Đối với những trường hợp tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì quyền khởi kiện không áp dụng thời hiệu. Đây là quy định mới so với Bộ luật dân sự năm cũ.
– Thứ tư, Các trường hợp khác do luật quy định.
4. Thời gian không tính vào thời hiệu.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự bao giờ cũng là khoảng thời gian diễn ra liền nhau từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó có thể có một khoảng thời gian không được tính vào thời hiệu.
Theo Điều 156 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
a) Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
b) Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
– Như vậy, các khoản thời gian sau sẽ không được tính vào thời hiệu:
+ Khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng. Là khoảng thời gian làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
+ Khoảng thời gian xảy ra trơ ngại khách quan. Là khoảng thời gian do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
+ Khoảng thời gian chưa có người đại diện. Trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện thì khoảng thời gian đó không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.
+ Khoảng thời gian chưa có người đại diện khác thay thế. Trong trường hợp người đại diện của người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã chết (cá nhân), chấm dứt tồn tại (pháp nhân) hoặc vì lý do chính đáng nên không thể tiếp tục đại diện mà chưa có người đại diện khác thay thế thì khoảng thời gian chưa có người đại diện khác thay thế không được tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.
5. Trường hợp nào thì thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu?
Về nguyên tắc, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra một trong sự kiện quy định tại Điều 157 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 157. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.