Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191

 

1. Khi ngân hàng phá sản người gửi cần biết điều gì

– Theo Điều 152 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 quy định phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt như sau:

+ Ngân hàng Nhà nước xem xét, trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147a hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a hoặc khoản 7 Điều 151d của Luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

+ Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương phá sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a, khoản 7 Điều 151d của Luật này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 147a của Luật này.

– Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm như sau:

Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng).

=> Như vậy, về nguyên tắc khi ngân hàng phá sản thì sẽ thực hiện thủ tục phá sản như doanh nghiệp, nếu còn tiền thì sẽ thanh toán, hết thì xem như người gửi mất, thông thường nếu đã tới phá sản thì sẽ không đủ khả năng thanh toán cho người gửi. Tuy nhiên, người gửi là cá nhân sẽ được bảo hiểm trả tối đa 75.000.000 đồng đối với mọi khoản tiền gửi.

Người gửi tiền không chỉ trông chờ vào bảo hiểm tiền gửi mà phần nhiều trông chờ vào tiền thu được từ hoạt động thanh lý tài sản ngân hàng. Nhưng số tiền này sẽ được chi trả theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên là cơ quan thuế, tiếp đến là người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng liên ngân hàng, thứ tư là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là cổ đông của ngân hàng. Tùy vào số tiền thu hồi lại được là bao nhiêu mà người gửi sẽ được hoàn trả ít hay bằng số tiền gửi ban đầu.

Nhìn chung về cơ bản, người gửi tiền vẫn sẽ được đảm bảo quyền lợi hợp pháp khi ngân hàng lâm vào cảnh phá sản. Tuy nhiên gửi tiền vào ngân hàng tiềm ẩn rủi ro là hoàn toàn có. Do đó người gửi nên cân nhắc lựa chọn những ngân hàng uy tín, hoạt động tốt để hạn chế tối đa trường hợp xấu xảy ra.

2. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm trong bảo mật thông tin khách hàng

Việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà thông tin đó thuộc danh mục bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2018/NĐ-CP thì Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm sau đây:

– Cung cấp thông tin khách hàng trung thực, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và phạm vi thông tin được yêu cầu cung cấp;

– Đảm bảo an toàn, bí mật thông tin khách hàng trong quá trình cung cấp, quản lý, sử dụng, lưu trữ thông tin khách hàng;

– Giải quyết khiếu nại của khách hàng trong việc cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;

– Tổ chức giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp thông tin khách hàng;

– Chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định của Nghị định này, pháp luật có liên quan.

3. Trách nhiệm của Ngân hàng khi làm lộ thông tin khách hàng

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 35 BLDS 2015 và Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, tổ chức phải được cá nhân, tổ chức đồng ý. Ngoài ra, Điều 38 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt nam 2010 và Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng 2010 đều có quy định về nghĩa vụ bảo vệ bí mật bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng. Theo đó:

“Điều 38 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt nam 2010 quy định về bảo mật thông tin như sau:

1. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lập danh mục, thay đổi độ mật, giải mật bí mật nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; bảo vệ bí mật của Ngân hàng Nhà nước và của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng Nhà nước được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin mật về tiền tệ và ngân hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước phải giữ bí mật thông tin hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, của các tổ chức tín dụng và bí mật tiền gửi của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định về bảo mật thông tin như sau:

1. Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.”

Về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng, Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng nêu rõ: “Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan”.

Như vậy, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng phải được bảo mật tuyệt đối, trừ các trường hợp pháp luật quy định được phép cung cấp. Bảo mật thông tin của khách hàng là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng, các cơ quan, tổ chức này không được tự ý tiết lộ thông tin khách hàng ra bên ngoài hay thực hiện bất kì hành vi bất chính nào như việc trục lợi, sử dụng trái phép, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin đó.

Điều 11 Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định cụ thể các trường hợp cung cấp thông tin khách hàng. Bao gồm:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng được quy định cụ thể tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội.

b) Có chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm cung cấp thông tin khách hàng cho chính khách hàng hoặc người đại diện hợp pháp của khách hàng đó.

Do đó, ngoại trừ các trường hợp pháp luật quy định cho phép được cung cấp thông tin khách hàng thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép làm lộ thông tin khách hàng. Theo đó, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 và Luật các tổ chức tín dụng 2010 và các luật liên quan đều ghi nhận các chế tài mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ phải gánh chịu tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm như bị xử lý kỷ luật, phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, phải bồi thường thiệt hại.

Đồng thời, Nghị định 117/2018/NĐ-CP cũng có quy định để khách hàng có thể bảo vệ mình trong trường hợp có vi phạm xảy ra, theo đó, khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật.

4. Pháp luật về bảo đảm bí mật thông tin khách hàng đã chặt chẽ?
Quy định pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng đã có những nỗ lực trong việc quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể và mối quan hệ tương tác giữa các chủ thể trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng. Cụ thể:
Một là, quy định pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng của các tổ chức tín dụng đã tạo lập được hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia hoạt động ngân hàng thực hiện các quyền và nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng, trong đó đã:
– Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, khách hàng và các chủ thể liên quan trong quan hệ pháp luật bảo mật thông tin của khách hàng;
– Quy định rõ nguyên tắc cung cấp thông tin khách hàng, các thủ tục để tổ chức tín dụng cung cấp thông tin khách hàng trong những trường hợp luật định và cả trách nhiệm liên quan trong quá trình cung cấp thông tin theo luật định;
– Quy định về trình tự cung cấp thông tin khách hàng trong những trường hợp luật định;
– Đã mở rộng phạm vi thông tin khách hàng cần được bảo đảm bí mật giúp bảo vệ tốt hơn quyền được bảo mật thông tin của khách hàng;
– Đã tạo cơ chế nhằm khuyến khích các tổ hức tín dụng ban hành các quy định nội bộ cụ thể hóa các quy định pháp luật nhằm thực thi hiệu quả nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng.
Hai là, các thiết chế bảo đảm việc thực thi pháp luật bảo mật thông tin khách hàng đang dần được củng cố và hoàn thiện.
Ba là, pháp luật bảo mật thông tin khách hàng đã quy định các biện pháp pháp lý để khách hàng có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi bị các chủ thể liên quan làm lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng không đúng thẩm quyền.
Bốn là, pháp luật bảo mật thông tin khách hàng đã quy định các chế tài xử lý vi phạm liên quan khi thông tin khách hàng bị tiết lộ không đúng thẩm quyền.
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng pháp luật về ngân hàng còn một số điểm tổn tại :
-Quy định pháp luật hiện hành về bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng vẫn còn chưa mang tính hệ thống;
– Phạm vi thông tin khách hàng cần được bảo mật vẫn còn một số trường hợp chưa được hướng dẫn cụ thể/ làm rõ;
-Chưa có hướng dẫn rõ ràng quy định tổ chức tín dụng được phép cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức tín dụng khác;
– Chưa quy định rõ cơ chế xác định trách nhiệm khi có mâu thuẫn trong việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.

5. Các tổ chức tín dụng bao gồm các tổ chức nào?

Căn cứ thông tư 21/2016/TT- NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 04/2013/TT- NHNN ngày 01 tháng 03 năm 2014 của thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nm quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định về tổ chức tín dụng bao gồm:

“1. Ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác theo Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấp phép thành lập do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group