1. Yêu cầu về tính độc lập

Nhiệm vụ chính của cơ quan cạnh tranh (CQCT) là bảo đảm thực thi pháp luật cạnh tranh (PLCT). Hiệu quả thực thi và áp dụng pháp luật cạnh tranh đến đâu phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của chính cơ quan này.

Nhìn chung cơ quan cạnh tranh đều mang tính “lưỡng tính” hay bản chất là “hành chính bán tư pháp”. Điều này có nghĩa là cơ quan cạnh tranh vừa là cơ quan hành chính, chịu trách nhiệm thực thi các chính sách, pháp luật theo chỉ đạo của Chính phủ, vừa là cơ quan hoạt động mang tính tài phán khi có quyền ra quyết định điều tra, xử phạt và đưa ra các biện pháp chế tài đối với các bên có hành vi vi phạm pháp luật. Cách tiếp cận này cũng gợi mở ra một tư duy vượt khỏi cách tiếp cận truyền thống về phương pháp tổ chức bộ máy nhà nước phải được chi theo lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bên cạnh đó, sự kết hợp hai đặc tính “hành chính” và “tư pháp” là yếu tố đảm bảo cho cơ quan cạnh tranh thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của mình.

Với chức năng hành chính bán tư pháp, để đảm bảo tính công bằng trong việc xử lý các vụ việc, đảm bảo công bằng trong tố tụng cạnh tranh, vì mục tiêu bảo vệ trật tự công cộng, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, yếu tố quan trọng nhất đó là đảm bảo tính độc lập cho cơ quan cạnh tranh. Tính độc lập được thể hiện ở việc cơ quan cạnh tranh không chịu chi phối hay can thiệp bởi các cơ quan khác (lập pháp, hành pháp, tư pháp) và sử dụng những quyền hạn được quy định theo Luật để yêu cầu sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan có liên quan.

Trong khuôn khổ pháp lý và thể chế, cần đảm bảo sự cân bằng giữa “tính độc lập” của cơ quan cạnh tranh và “khả năng thực thi mục tiêu chính sách công của Chính phủ”. Hay nói cách khác đó là đảm bảo tính độc lập và tính chịu trách nhiệm của cơ quan cạnh tranh., các quyết định của cơ quan cạnh tranh cần được quy định có thể được xem xét, rà soát lại thông qua thủ tục pháp lý. Tính độc lập của cơ quan cạnh tranh cần đảm bảo rằng các yếu tố chính trị hay các lợi ích  nhóm không tác động đến hoạt động, quyết định, phán quyết trong thực thi pháp luật cạnh tranh.

Theo nghiên cứu của UNCTAD (2001) về “Nền tảng xây dựng cơ quan cạnh tranh hiệu quả”, một số biện pháp nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa tính độc lập và trách nhiệm giải trình của cơ quan cạnh tranh được đề xuất gồm:

– Trao cơ quan cạnh tranh quyền hạn pháp lý riêng biệt, tự quyết về các công việc phát hiện, điều tra, xử lý trong quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh;

–  Quy định tiêu chuẩn chuyên môn đối với các vị trí được bổ nhiệm trong tổ chức cơ quan cạnh tranh;

– Có sự tham gia đại diện về hành pháp và lập pháp của Chính phủ trong quá trình bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan cạnh tranh;

– Cần có quy định về việc bổ nhiệm người đứng đầu và các thành viên lãnh đạo theo thời hạn nhất định;

– Cung cấp đầy đủ, ổn định nguồn tài chính cho cơ quan cạnh tranh; các phí do cơ quan cạnh tranh thu được nên được sử dụng để chi trả cho quá trình hoạt động của cơ quan cạnh tranh, tránh trường hợp có sự can thiệp về chính trị thông qua việc cung cấp ngân sách hoạt động.

2. Yêu cầu về tính minh bạch

Như đã nói ở trên Nhiệm vụ chính của cơ quan cạnh tranh (CQCT) là bảo đảm thực thi pháp luật cạnh tranh (PLCT). Hiệu quả thực thi và áp dụng pháp luật cạnh tranh đến đâu phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của chính cơ quan này Nên sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước là một đòi hỏi hết sức quan trọng, trong đó, đối với cơ quan cạnh tranh với chức năng và nhiệm vụ thực thi luật, thì việc minh bạch hóa càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn. Điều này xuất phát chính từ vai trò trong việc duy trì trật tự cạnh tranh rõ ràng, lành mạnh. Thông tin trong thị trường phải được thông suốt. Tính minh bạch sẽ nâng cao thêm uy tín của chính các cơ quan này.

Pháp luật cạnh tranh của các quốc gia nghiên cứu nói trên đều quy định rất chặt chẽ về những yêu cầu phải công bố công khai các hoạt động của cơ quan cạnh tranh. Ngoài ra, các bên liên quan có quyền yêu cầu các cơ quan cạnh tranh cho phép tiếp cận thông tin liên quan tới vụ việc.  Trên  thực  tế,  các  cơ  quan  cạnh  tranh  cũng  luôn  đề  cao  tiêu  chí  minh  bạch  trong các hoạt động cụ thể của mình, từ việc công khai các chính sách, pháp luật cũng như các quy trình xử lý công việc… cho đến nội dung các quyết định cụ thể trên các website của mình. Tuy nhiên, cơ quản cạnh tranh phải có trách nhiệm bảo mật các thông tin thu thập được trong quá trình điều tra liên qua đến bí mật kinh doanh của các doanh nghiệp là đối tương bị điều tra.

3. Yêu cầu về nguồn lực

 

3.1. Yêu cầu về nguồn lực tài chính

 

Hầu hết các nước trên thế giới, kinh phí hoạt động cho cơ quan cạnh tranh đều lấy từ ngân sách nhà nước. Ở một số nước, khoản ngân sách này được quy định trong pháp luật cạnh tranh. Chẳng hạn, Luật chống độc quyền của Ý quy định: cơ quan chống độc quyền được cấp ngân sách từ Chính phủ Trung ương thông qua việc phân bổ ngân sách hàng năm. Trong phạm vi ngân sách này, cơ quan có trách nhiệm quản lý chi phí điều hành và hoạt động. Cơ quan chống độc quyền kết thúc năm tài khoá của mình vào ngày 30/4 của năm tiếp theo, và phải đệ trình báo cáo lên Cơ quan kiểm toán. 

Ngân sách dành cho cơ quan cạnh tranh của các nước đang ngày càng được tăng lên do tính chất của công việc. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì thị trường cũng ngày càng được mở rộng, hành vi vi phạm của các chủ thể kinh doanh ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn. Lượng công việc cho các cơ quan cạnh tranh cũng đang ngày càng tăng dần lên. Hầu hết các nước đều ý thức được điều này và đã có sự ưu tiên nhiều hơn đối với công tác quản lý cạnh tranh.

3.2. Yêu cầu về nguồn nhân lực

Kinh nghiệm các nước cho thấy người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh, Chủ tịch và thành viên Hội đồng Cạnh tranh) được bổ nhiệm bởi những người đứng đầu Chính phủ hoặc Quốc hội. Điều này nhằm đảm bảo tính chất quan trọng và tính độc lập của cơ quan cạnh tranh trong quá trình hoạt động. Tiêu chuẩn của các cán bộ cơ quan cạnh tranh (bao gồm cả các điều tra viên cạnh tranh) cần phải đạt được trình độ chuyên môn nhất định, có học vấn cao, có kinh nghiệm và kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ví dụ như Cơ quan chống độc quyền Ý có một Chủ tịch và bốn thành viên được chỉ định bởi Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện. Chủ tịch được chọn trong số những người nổi tiếng về tính độc lập, những người giữ vị trí cao trong bộ máy công quyền; bốn thành viên là những người nổi tiếng trên những vị trí độc lập, là thẩm phán của Toà hành chính tối cao, Toà Kiểm toán, Toà Phúc thẩm Tối cao, giáo sư đại học, hay đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, những người đã được công nhận về tiêu chuẩn nghiệp vụ. Mỗi thành viên của cơ quan này có nhiệm kỳ 7 năm và không được tái bổ nhiệm. Cơ quan chống độc quyền có thể thuê tới 220 người, cả nhân viên trong biên chế và hợp đồng có thời hạn. Ủy ban Thương mại lành mạnh Hoa kỳ hoạt động dưới sự chỉ đạo của 5 Ủy viên có nhiệm kỳ 7 năm, được bổ nhiệm bởi Tổng thống và được phê chuẩn bởi Thượng nghị viện. Tổng thống chỉ định một Ủy viên đảm trách chức vụ Chủ tịch. Không quá 3 Ủy viên là thành viên của một Đảng.

Trên thực tế, các nguồn lực hoạt động của các cơ quan cạnh tranh ngày càng tăng lên nhanh chóng. Điều này càng cho thấy được vai trò quan trọng và sự ưu tiên của các nước trong việc tăng cường phát triển cơ quan cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Mạng lưới cạnh tranh thế giới (ICN), cơ quan cạnh tranh các nước mới ban hành và thực thi luật cạnh tranh thường gặp khó khăn về cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực như thiếu các điều tra viên có kinh nghiệm trong nghiệp vụ điều tra vụ việc cạnh tranh, nguồn lực tài chính còn nhiều hạn chế trong hoạt động tiến hành điều tra vụ việc, thiếu sự phối hợp giữa cơ quan cạnh tranh và các cơ quan quản lý chuyên ngành,v.v.

 

4. Yêu cầu về quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ

 

Nhiệm vụ chính của cơ quan cạnh tranh đó là đảm bảo thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh. Qua nghiên cứu mô hình cạnh tranh của một số nước, có thể đúc rút ra một số chức năng, nhiệm vụ chính của cơ quan cạnh tranh gồm:

– Điều tra, xử lý các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên thị trường;

–  Điều tra, xử lý các hành vi chống độc quyền, lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường;

– Kiểm soát quá trình sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp trên thị trường;

– Điều tra, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường; và

– Thực hiện các hoạt động khác nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, mục tiêu của chính sách cạnh tranh là bảo vệ cạnh tranh trên thị trường, hướng tới cốt lõi cuối cùng là bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, chính sách cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng có quan hệ mật thiết với nhau. Qua nghiên cứu kinh nghiệm các cơ quan cạnh tranh trên thế giới, nhiều quốc gia có mô hình cơ quan cạnh tranh đồng thời là cơ quan bảo vệ người tiêu dùng như Úc, Colombia, Phần Lan, Pháp, Hungary,Niu Di-lân,Na Uy,Peru,Ba Lan, Liên bang Nga,Vương quốc Anh, Hoa Kỳ. Cơ quan cạnh tranh vừa có thẩm quyền thực thi chính sách cạnh tranh vừa có thẩm quyền thực thi chính sách bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn trên, hầu hết các cơ quan cạnh tranh đều có hai thẩm quyền cơ bản:

– Phát hiện và kiến nghị các cơ quan liên quan bãi bỏ các chính sách làm cản trở đến môi trường cạnh tranh.

– Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, chứng cứ trong quá trình điều tra xử lý vụ việc cạnh tranh.

Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh của các nước ta thấy không có một cơ quan cạnh tranh nào thực hiện thêm chức năng thực thi các pháp luật về biện pháp bảo đảm công bằng trong thương mại quốc tế.

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.