1. Khái niệm

Tổ chức thực hiện chính sách là quá trình tổ chức và thúc đẩy các hoạt động áp dụng các chính sách xã hội vào cuộc sống nhằm tạo ra kết quả thực tế thông qua các hoạt động có tổ chức của các cơ quan chức năng nhà nước về quản lý xã hội, nhằm hiện thực hoá những mục tiêu mà chính sách xã hội đề ra.

Việc hoạch định chính sách có chất lượng tốt chưa đủ để bảo đảm hiệu quả chính sách. Khi có một chính sách tốt, thì việc tổ chức thực hiện chính sách sẽ là một yếu tố quan trọng tiếp theo có ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách. Ví dụ, chính sách xoá đói giảm nghèo là một trong những chính sách xã hội lớn ở Việt Nam hiện nay. Mức độ hiệu quả chính sách giảm nghèo ở các địa phương không đồng đều. Điều này có thể giải thích là hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách khác nhau ở các địa phương.

2. Ví trí của tổ chức thực hiện chính sách xã hội

Trong chu trình của chính sách xã hội, thì khâu tổ chức thực hiện chính sách có vị trí vô cùng quan trọng, nó đảm bảo đem lại kết quả thành công của một chính sách xã hội đưa ra. Vai trò của tổ chức thực hiện chính sách xã hội thể hiện ở chỗ:

(1) Để đưa một chính sách xã hội vào thực tế cuộc sống, điều chỉnh thành công các vấn đề xã hội bức xúc đặt ra trong xã hội cần phải có sự can thiệp của nhà nước vào quá trình tổ chức thực hiện chính sách xã hội, tiến hành các giải pháp thực hiện chính sách trong thực tế, tạo các nguồn lực tài chính để thực hiện được các mục tiêu của chính sách. Một chính sách xã hội được hoạch định ra có tốt đến đâu chăng nữa nhưng nếu công tác tổ chức thực hiện chính sách đó yếu kém thì cuối cùng mục tiêu chính sách xã hội cũng không được thực hiện trên thực tế. Như vậy, tổ chức thực hiện chính sách là điều kiện rất quan trọng, có tính quyết định để đưa chính sách vào cuộc sống, để đạt được kết quả của một chính sách xã hội.

(2) Thực tế cho thấy, nếu tổ chức thực hiện chính sách xã hội được tiến hành yếu kém, thì dễ dẫn đến việc không chấp hành, áp dụng chính sách, hoặc chấp hành, áp dụng không đầy đủ, thậm chí tìm cách trốn tránh chấp hành chính sách của các tổ chức, cá nhân. Kết quả là gây ra những bất lợi về mặt chính trị, xã hội, gây ra những khó khăn cho Nhà nước trong quản lý các vấn đề xã hội.

(3) Trong hoạch định chính sách xã hội, có những vấn đề thực tiễn của chính sách chưa thấy phát sinh, chưa bộc lộ hoặc đã phát sinh nhưng các nhà hoạch định không nhìn thấy, thì đến giai đoạn tổ chức thực hiện mới phát hiện thấy. Đó là các vấn đề, tình huống trong thực tiễn mà trong nghiên cứu, dự báo, hoạch định chính sách xã hội còn thiếu thông tin, chưa gặp phải. Chỉ trong quá trình thực hiện chính sách với những hoạt động thực tiễn mới nhận ra và đây là những căn cứ quan trọng để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chính sách xã hội, làm cho chính sách ngày càng phù họp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Việc phân tích đánh giá một chính sách xã hội (mặt tích cực, hạn chế…) chỉ có thể được trả lời một cách đầy đủ và có bằng chứng thuyết phục sau khi thực hiện chính sách đó trên thực tế. Qua tổ chức thực hiện mới có thể biết chính xác chính sách xã hội đó có được đối tượng và đại đa số nhân dân chấp nhận hay không, có đạt hiệu quả thực tiễn hay không.

3. Trình độ dân trí trong xã hội

Xã hội càng văn minh hiện đại, nhận thức con người ngày càng tiến bộ, trình độ dân trí càng cao, mức sống dân cư cao (GDP bình quân/ người, chỉ số HDI cao…) thì càng thuận lợi cho việc tực hiện chính sách xã hội, cũng như luật pháp Nhà nước. Để tổ chức thực hiện chính sách xã hội, đòi hỏi các chính sách xã hội phải được phổ biến và tranh thủ sự hưởng ứng của nhân dân, nhưng sự nhận thức, hiểu biết chính sách xã hội lại phụ thuộc vào trình độ học vấn của từng người, nhóm người.

Với các nhóm đối tượng mà chính sách xã hội tác động đến có trình độ dân trí thấp thì cũng gây ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện chính sách đó. Ví dụ, đối tượng của chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình trước hết là các gia đình nghèo, đông con, đẻ nhiều và các gia đình nông dân. Đây là nhóm người thường bị hạn chế về trình độ nhận thức và hiểu biết, cũng như về mức sống vật chất, tinh thần, lại chịu ảnh hưởng hưởng nặng nề của nếp nghĩ phong kiến. Do đó, việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình ở nước ta đặc biệt ở khu vực nông thôn rất khó khăn. Trước tiên phải thay đổi nhận thức và hành vi của con người vốn đã trở thành tập quán ăn sâu từ bao đời thông qua tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ dân trí. Đồng thời, phải kết họp với việc thực hiện chính sách sách xoá đói giảm nghèo, chính sách giáo dục dạy nghề, chính sách phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn…

4. Khả năng kinh tế của mỗi quốc gia

Khả năng kinh tế của quốc gia có ảnh hưởng đến tổ chức thực hiện chính sách xã hội vào cuộc sống. Đối với quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, tăng trưởng kinh tế cao, thì Chính phủ sẽ có khả năng lớn hơn, bớt khó khăn hơn trong việc thực hiện các chính sách xã hội, nhất là các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Ví dụ, việc thực hiện chính sách giảm nghèo đối với Việt Nam hiện nay là rất cấp bách và chính sách đó sẽ được thúc đẩy thực hiện hiệu quả hơn khi tổng sản phẩm xã hội và thu thập quốc dân (GDP) được nâng cao.

5. Tình hình chính trị của quốc gia

Tình hình chính trị có tác động rất lớn đến tổ chức thực hiện chính sách xã hội. Trong một quốc gia mà tình hình chính trị rối ren, không ổn định (nhiều phe phái, đảo chính, nội chiến…) thì việc tổ chức thực hiện chính sách xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí trong trường hợp thay đổi Quốc hội, Chính phủ thì một chính sách xã hội có thể bị đình chỉ không thực hiện trong thực tế. Ngược lại, trong một quốc gia có môi trường chính trị ổn định, xã hội hoà bình thì việc tổ chức thực hiện các chính sách có nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả cao, do tính đồng thuận xã hội cao.

6. Tình hình quốc tế tác động đến thực hiện chính sách xã hội

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, các biến động kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực và thế giới ngày càng có tác động đáng kể đến việc thực hiện chính sách xã hội của một quốc gia. Ví dụ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008) có ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách về tiền tệ, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ có tác động đến thực hiện các chương trình việc làm quốc gia, chương trình xoá đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động giảm sút… Ngoài ra, nhờ chính sách hội nhập quốc tế mạnh mẽ của một quốc gia còn tranh thủ được các nguồn tài trợ chính của các Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho việc triển khai tổ chức thực hiện các chính sách xã hội.

7. Trình độ công nghệ của quốc gia tác động đến thực hiện chính sách xã hội

Trình độ công nghệ của quốc gia phát triển, hiện đại cũng có tác động thúc đẩy việc tổ chức thực hiện chính sách xã hội. Ngày nay, đặc biệt là sự phát triển của các ngành công nghệ thông tin có vai trò quan trong trọng trong tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện các chính sách xã hội. Ví dụ như, công nghệ thông tin có vai trò quan trong trong trong phổ biến chính sách xã hội đến các đối tượng, tính toán tài chính trong trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ cho việc tổ chức thực hiện chính sách giáo dục từ xa…

8. Đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thực thi chính sách

Việc tổ chức thực hiện một chính sách xã hội vào cuộc sống đạt kết quả phụ thuộc nhiều vào yếu tố tổ chức bộ máy và năng lực hoạt động của các cơ quan chức năng và các công chức, viên chức thực thi chính sách xã hội. Đó là các cơ quan trong bộ máy hành pháp – những người chủ yếu và trực tiếp thực thi chính sách công. Nếu bộ máy hành chính quan liêu, hoạt động kém hiệu lực và kém hiệu quả, nếu các công chức, viên chức thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu thì sẽ gây ra những cản trở lớn cho việc thực hiện chính sách, không pháp huy được tác dụng của chính sách xã hội trên thực tế, làm sai lệch các mục tiêu của chính sách hoặc hoàn toàn không thực hiện được mục tiêu của chính sách. Trong tổ chức thực hiện chính sách còn phụ thuộc vào sự phát triển phân công, phân nhiệm rõ ràng về nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn, lợi ích của các cơ quan thực thi chính sách. Bên cạnh cơ quan chức năng chính có trách nhiệm thực thi một chính sách xã hội nhất định, còn cần phải xác định rõ các cơ quan cùng phối hợp thực hiện chính sách xã hội để tạo ra một môi trường đồng bộ, nhịp nhàng trong thực thi chính sách xã hội.

9. Khả năng tài chính cho tổ chức thực hiện chính sách xã hội

Để tổ chức thực hiện một chính sách xã hội đòi hỏi phải có nguồn tài chính cần thiết. Nhìn chung, nguồn tài chính để thực thi một chính sách xã hội thường có liên quan đến ngân sách Nhà nước, huy động từ nguồn xã hội hoá (cá nhân, tổ chức…) và do nước ngoài tài trợ. Trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách xã hội, các tổ chức thực thi cần khai thác triệt để các nguồn tài chính có thể huy động, hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước. Trong dó, cần phải chú trọng khai thác các nguồn lực tài chính trong dân nhằm giảm bớt chi phí ngân sách, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với việc thực hiện chính sách xã hội.

Nhìn chung, nguồn tài chính cho tổ chức thực hiện các chính sách xã hội được chi dùng cho các nội dung sau:

– Chi phí xây dựng cơ sở vật chất cho việc thực thi chính sách xã hội (mua sắm thiết bị vật tư, phương tiện kỹ thuật…).

– Kinh phí phục vụ cho đối tượng được hưởng lợi từ chính sách (chi phí dạy nghề, chữa bệnh, trợ cấp, phụ cấp, vay vốn…)

– Chi phí quản lý như trả lương cho đội ngũ công chức, việc chức quản lý, tổ chức và những người thực hiện chính sách xã hội.

– Chi phí bồi thường cho những người bị thiệt hại do việc thực hiện chính sách xã hội gây ra (giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng sức khoẻ, đi lại…).

Trên thực tế, nếu không có hoặc không đủ tài chính, thì không thể thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ chính sách xã hội. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện chính sách xã hội phải trên cơ sở đảm bảo đủ tài chính cần thiết. Ngay từ khi xây dựng và thông qua chính sách xã hội, cần phải dự tính được các nguồn tài chính đáp ứng cho tổ chức thực hiện chính sách xã hội. Đồng thời, để nguồn tài chính sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, các cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền cần có cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ và định kỳ xem xét việc sử dụng tài chính và tiến hành đánh giá hiệu quả sử dụng tài chính cho tổ chức thực hiện chính sách xã hội.

10. Sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chính sách

Trong tổ chức thực hiện chính sách xã hội cần tiến hành công tác phổ biến tuyên truyền các mặt tích cực của chính sách cho nhân dân. Trên cơ sở đó để tranh thủ thái độ và hành động ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách phải đa dạng, hiệu quả và đáp ứng được các yêu cầu của việc tổ chức chính sách xã hội vào thực tiễn.